PHONG LÊ
Thanh Tịnh (12/12/1911 - 17/7/1988), trước hết là một nhà Thơ mới, tác giả tập thơ Hận chiến trường (1936) với hai bài Mòn mỏi và Tơ trời với tơ lòng được Hoài Thanh chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam cùng với lời bình.
Lọt vào danh sách 45 nhà thơ được chọn, và thuộc trong số người được chọn 2 bài, có thể xếp Thanh Tịnh vào dàn đồng ca Thơ mới trước 1945 cùng vị trí với Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Yến Lan, Huy Thông... Nhưng ngoài Thơ mới mà 2 bài được Hoài Thanh chọn xứng đáng với phẩm chất mới trong các đặc trưng tiêu biểu của nó, Thanh Tịnh còn làm nhiều loại thơ khác, cố nhiên không phải là thơ cũ. Chẳng hạn bài Trường học làng tôi, tác giả viết khi 19 tuổi, khoảng năm 1930; một bài thơ kể chuyện, với nhiều chất văn xuôi, thô mộc, giản dị mà gợi nhiều xúc cảm và có ít nhiều in dấu tính cách của nhà thơ:
Trường học làng tôi ở cạnh đình
Một trường ba lớp vẻ xinh xinh
Trước trường có mấy cây đào lớn
Thường quyến lòng tôi những cảm tình
Trường tôi mặt trước ngó ra sông
Còn mặt đằng sau ngó quãng đồng
Phía ấy thầy tôi thường hỏi hướng
Tôi vòng tay đáp: dạ, phương Đông
Thầy tôi tầm thước mảnh và cao
Hai mắt long lanh má nhuốm đào
Mái tóc hơi quăn, cằm hơi nhọn
Nụ cười thường lẫn tiếng khao khao
Sau ba năm học ở trường làng
Tôi thấy trong làng đã mở mang
Tôi biết con bò loài nhai lại
Và tin trời đất rộng thênh thang
Năm nay thôi học ở trường quê
Nhớ lại lòng tôi cảm nặng nề
Những buổi thu sương buồn ảm đạm
Trống trường vang dội phía sau đê.
Nếu đây là bài thơ đậm chất văn xuôi, thì cũng với chất liệu ấy, bài văn Tôi đi học, trong tập truyện Quê mẹ, nói đến tâm trạng của cậu bé lần đầu tiên được mẹ dắt tay đưa đến trường lại rất giàu chất thơ, mà thế hệ học sinh trước sau lứa tuổi tôi không ai không thuộc lòng đoạn văn mở đầu rất êm ái và giàu nhạc điệu của nó: “Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm miên man của buổi tựu trường.
Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng...”.
Nếu Thơ mới là thơ điệu nói chứ không phải điệu ngâm thì điều có thể khẳng định: điệu nói luôn luôn là ưu thế của Thanh Tịnh, để cho ông có thể tiếp tục mà nâng lên thành thể thơ độc tấu, như là môn sở trường và cũng là duy nhất của riêng ông, trong không gian văn học gắn với yêu cầu đại chúng hóa sau 1945. Dẫu có một vài đồng nghiệp như Đoàn Phú Tứ chê bai: “Không ngờ là một nhà thơ trữ tình như Thanh Tịnh lại đi làm trò hề, trò xẩm”, nhưng ông vẫn tin ở những tìm tòi và con đường sáng tạo của mình, bởi hiệu quả trông thấy và tác dụng rất lớn của nó đối với công chúng số lớn còn thất học, và đối với sự nghiệp phục vụ kháng chiến vào thời kỳ đầu phòng ngự, cầm cự còn rất lắm khó khăn. Từ là tác giả của Hận chiến trường đến với người duy nhất lĩnh sứ mệnh độc tấu trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Thanh Tịnh gần như không phải trải một “lột xác”, một “nhận đường” vất vả nào trong cuộc chuyển mình của dân tộc và văn nghệ cách mạng, như Chế Lan Viên, Huy Cận, như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao...
Nhìn vào tất cả những gì Thanh Tịnh nói và viết sau 1945, gồm độc tấu, ca dao, thơ ngắn, thơ dài thì thấy mọi việc diễn ra đều nhẹ nhàng, suôn sẻ; nhưng nghe ông kể thì mới thấy đó là một quá trình tập dượt vất vả. Bởi ông là người xứ Huế, người của đế kinh nên ông phải kiệm lời, phải tập nói ít (để tránh phạm thượng và phạm húy), có lúc gần như là tu sĩ; thế mà rồi có lúc ông phải đọc to lên, phải nói cho nhiều người nghe; rồi vừa nói vừa diễn các câu chuyện, các tích truyện diễn ra trong sự sống kháng chiến mà ông được nghe, được thấy, bắt đầu là bài Hiệu triệu Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch ngày 19/12/1946, tiếp đến là bài Bắn cả hai - đầu 1947, một câu chuyện cảm động về sự hy sinh anh dũng của một dân quân. Từ đó, là các bài Anh hùng liên lạc, Chiến thắng sông Lô (đọc ngay trên bến Đoan Hùng còn vương mùi khói súng), Lão dân quân Đông Bắc... Từ tấu sang kịch, với diễn xuất trong một hoặc nhiều vai chỉ là một bước ngắn, để nhà thơ trở thành nhân vật quan trọng trong Đoàn Sân khấu Việt Nam, sau đổi là Đoàn kịch Chiến thắng, qua các vở diễn như Đề Thám xuất quân, Cụ đạo và sư ông, Tiếng gọi lên đường...; trong đó, đặc biệt gây ấn tượng là vở Đọc trang lịch sử mà ông là tác giả, chỉ gồm 2 nhân vật: nhân vật Người đọc sử, đứng khuất sau ánh đèn và nhân vật Người cầm đèn phải diễn xuất theo nội dung được đọc; một vở diễn vừa nghiêm trang vừa linh hoạt, từng được Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh và khách Pháp xem.
Vậy là từ tập viết sang tập nói, từ nói một mình và nói to lên sang diễn một mình hoặc với nhiều người; từ Thơ mới qua thơ kể chuyện, đến thơ độc tấu, chuyển sang sân khấu, Thanh Tịnh đã là người đầu tiên và duy nhất tạo nên mối lương duyên cho nhiều hệ hình sáng tạo, vào một thời sinh hoạt văn nghệ của nhân dân đang cần đến một loại hình như thế.
Sản phẩm cuối cùng trong dây chuyền sáng tạo này có lẽ là trường ca (hoặc truyện thơ) Đi từ giữa một mùa sen Thanh Tịnh viết năm 1980, kể chuyện thời thơ ấu của Bác Hồ, cùng với song thân và gia đình, trên hai địa bàn: quê hương Nghệ An và Huế, trong 8 đoạn thơ gồm 1816 câu thơ, với mỗi đoạn một điệp khúc, theo lối kể truyền thống:
Đó là cậu Nguyễn Sinh Cung
Đoạn đầu thiên sử anh hùng vĩ nhân
Qua các đoạn hai, đoạn ba, đoạn bốn, đoạn năm, cho đến đoạn sáu:
Đẹp thay anh Nguyễn Tất Thành
Sử ca đoạn sáu lừng danh anh hùng
Tiếp đến đoạn bảy, đoạn tám là kết thúc...
Một trường ca thuộc loại dài - dài hơn nửa Truyện Kiều, để có thể vừa kể, vừa diễn; đáng tiếc là còn ít được bạn đọc nhắc đến, có lẽ vì vào cái thời nó ra đời, văn hóa đọc đã triệt để thay cho văn nói, dẫu là ngắn hoặc dài, ngắn như Trường học làng tôi, dài như Đi từ giữa một mùa sen; và thơ kể chuyện theo lối truyện thơ Nôm khuyết danh đã lùi quá sâu vào lịch sử.
*
Trở lại với sự nghiệp viết của Thanh Tịnh trước 1945, ngoài thơ và Thơ mới, còn là tác giả của các tập truyện ngắn Quê mẹ (1941), Ngậm ngải tìm trầm (1943) và truyện dài Xuân và Sinh (1944). Hai tập truyện ngắn gợi rất nhiều ấn tượng, góp phần làm nên một giòng văn xuôi trữ tình đặc sắc gồm nhiều tên tuổi, với vai trò trụ cột là Thạch Lam. Những truyện của Thanh Tịnh để lại trong lòng người đọc nhiều bùi ngùi, và lưu luyến về những con người, những cảnh đời nơi một làng quê của miền Trung có tên là Mỹ Lý. Chỉ một tên làng mà chứa đựng biết bao là thân phận. Những thống khổ tận cùng của nhân gian như Am cu ly xe, Ngậm ngải tìm trầm. Những buồn thương trước những mơ ước cực kỳ đơn sơ, bé nhỏ của những phận nghèo như Con so về nhà mẹ, Quê mẹ (Chiều chiều ra đứng cửa sau. Ngó về quê mẹ ruột đau chín chìu). Những mối tình không thành để lại biết bao xót xa cho phận người trong Tình thư, Bên con đường sắt. Những gặp gỡ chỉ mới nhen lên chứ không bao giờ thắp sáng được hạnh phúc cho con người như trong Quê bạn (Rồi mùa toóc rạ rơm khô. Bạn về quê bạn biết mô mà tìm), trong Tình trong câu hát (Thuyền về Đại Lược. Duyên ngược Kim Long. Đến đây là chỗ rẽ của lòng. Gặp nhau còn biết trên sông bến nào?). Một thế giới của những phôi pha, lụi tàn và héo hắt như trong Chú tôi, Con ông Hoàng... Chỉ một tên làng Mỹ Lý mà đủ để đại diện cho cả một dải đất hẹp miền Trung, không riêng xứ Huế, có sông nước, có bến đò, có chợ búa, và một nhà ga chơ vơ giữa cánh đồng... để cùng với làng Đông Xá và làng Vũ Đại của Ngô Tất Tố, Nam Cao trên đất Bắc mà làm nên một biểu trưng, một cái tên chung cho quê Việt, cho hồn Việt.
Giòng văn trữ tình này trước 1945, có sự góp mặt của nhiều tên tuổi; và mỗi người chỉ cần một hoặc hai tên truyện là đủ ôm gọn đặc trưng riêng của nó. Với Thạch Lam, đó là Gió đầu mùa và Nắng trong vườn. Với Ngọc Giao, đó là Phấn hương và Cô gái làng Sơn Hạ. Với Xuân Diệu, đó là Phấn thông vàng. Với Hồ Dzếnh, đó là Chân trời cũ. Với Đỗ Tốn, đó là Hoa vông vang. Với Thanh Châu, đó là Hoa ti gôn. Còn với Thanh Tịnh, đó là Ngậm ngải tìm trầm và Quê mẹ...
Những gần gũi về tư tưởng và phong cách ngôn ngữ đã gắn bó họ trong một khuynh hướng nghệ thuật. Và hiện tượng có nhiều phong cách viết cùng tồn tại, cùng bổ sung cho nhau chính là kết quả của tiến trình hiện đại hóa đã có thể diễn ra sôi nổi và rõ nét trong thời kỳ 1930 - 1945, còn trước đó thì chưa.
Bên cạnh sự gần gũi của các phong cách viết thì sự gần gũi về thế hệ cũng là điều đáng lưu ý. Năm 1910 là năm sinh của Thạch Lam và Nguyễn Tuân. Năm 1911, cùng năm sinh với Thanh Tịnh là Ngọc Giao. Sau ông, năm 1912 là năm sinh của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng và Thanh Châu... Tất cả, đều là những tên tuổi có vị trí quan trọng trong đàn văn 1930 - 1945; và đều đạt đến độ chín của sáng tạo ở tuổi 20 đến 30.
Cuối cùng, một phương diện của tài năng và sự nghiệp Thanh Tịnh, còn là nghề báo. Và xem ra đây là điều rất cần được ghi nhớ, bởi đó vừa là sự khởi nghiệp, vừa là sự kết thúc sự nghiệp của Thanh Tịnh trong ngót 60 năm hành trình nghề nghiệp của mình. Từ thập niên đầu những năm 30, Thanh Tịnh đã là phóng viên hoặc ký giả của nhiều tờ báo quan trọng trên cả ba miền Bắc Trung Nam như Tiếng dân, Tràng an, Đất Việt, Sông Hương, Phụ nữ thời đàm, Hà Nội báo, Tinh hoa, Phong hóa, Ngày nay... Với kỹ năng nghề nghiệp cao, Thanh Tịnh đã có thể nắm bắt những vấn đề quan trọng của đời sống, và tiếp xúc với những người rất lý thú cho nghề báo như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh... Việc Thanh Tịnh có thể tiếp cận với một người khó gặp như Phạm Quỳnh, sau ba lần xin gặp mà không được, bằng cái mẹo chuẩn bị tung ra công luận cái tin: “Cứ kể ba lần hẹn gặp mà không được rồi trình cho cụ Thượng biết”, buộc Phạm Quỳnh phải cho gặp ngay, khiến ta có dịp suy nghĩ về quyền lực của nhà báo; và so sánh khó dễ, hơn thua của nghiệp làm báo xưa và nay.
Trong nửa sau của đời mình, ở tuổi 50, Thanh Tịnh đã rất chuyên tâm cho việc phụ trách tờ Tạp chí Văn nghệ quân đội, trong cương vị Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm, để làm nên một văn hiệu lớn cho địa chỉ 4 Lý Nam Đế, bên cạnh các địa chỉ 51 Trần Hưng Đạo (Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam), 65 Nguyễn Du (Hội Nhà văn Việt Nam) và 20 Lý Thái Tổ (Viện Văn học) - những địa chỉ văn hóa - văn nghệ quen thuộc với công chúng trong cả một thời dài cho đến bây giờ. Hãy để cho những nhà văn mặc áo lính thuộc Thế hệ Vàng của văn chương dân tộc như Vũ Cao, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương... - thế hệ đến và đi từ 4 Lý Nam Đế, nói về Thanh Tịnh, chúng ta mới có thể hiểu hết về ông - người thủ trưởng, người thầy, người anh, người bạn thân thiết và đôn hậu, thủy chung không chỉ của một thời, mà là cả một đời nghề nghiệp của họ.
Tây Hồ, tháng 2/2021
P.L
(TCSH390/08-2021)