HỒ THẾ HÀ
Nguyễn Vỹ (1912 - 1971) là một tác giả/ hiện tượng văn chương, báo chí và văn hóa ở Việt Nam đầy ấn tượng của thời hiện đại, nhưng trước tiên, ông được biết đến với tư cách một nhà thơ từ thuở Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam (1942).
Về sau, người đọc mới biết và ngưỡng mộ ông về mặt văn xuôi, báo chí và khảo ký. Theo Văn thi sĩ tiền chiến, ông sinh ở Tân Hội/ Tân Phong/ Phổ Thông, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, con trai của nhà yêu nước Nguyễn Thuyên và bà Trần Thị Luyến: “Thân phụ ông làm quan ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định vì chống Pháp nên từ chức. Bác ruột là chí sĩ Nguyễn Tuyên từng tham gia phong trào Duy Tân năm 1908, bị Pháp đày Côn Đảo. Anh họ là Nguyễn Nhiêm từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (1930) là người lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh hồi năm 1930, bị Pháp giết hại tại tỉnh nhà.
Nguyễn Vỹ ham học, có bề dày văn hóa, thông thạo Pháp văn, từng hoạt động chống Pháp. Thuở nhỏ học ở Quy Nhơn, tham gia bãi khóa để tang chí sĩ Phan Châu Trinh nên bị đuổi học. Sau ông ra Hà Nội học ban tú tài, rồi cộng tác với các báo: Tiếng Dân, Văn học tạp chí, Tuần báo Đông Tây, L’Ami du Peuple, La Patrie Annamite, La Cygne…
Năm 1942 - 1943 ông bị Pháp rồi phát xít Nhật bắt đày lên Cao nguyên Trung phần (Củng Sơn). Sau khi Nhật thất trận mới ra khỏi nhà tù về sống ở quê. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông vào Sài Gòn tiếp tục công tác báo chí. Sau ngày Nam Bộ kháng chiến ông lui về sống ở Đà Lạt.
Khi vào Nam, ông chủ trương báo Dân Ta, tạp chí Phổ Thông, báo Bông Lúa, tuần báo thiếu niên Thằng Bờm… Ngày 4/2/1971, ông mất vì tai nạn xe hơi tại Tân Hương, tỉnh Long An, hưởng dương 59 tuổi” [3, tr.6-7].
Nguyễn Vỹ Và Tạp Chí Phổ Thông - Ảnh: internet |
Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Vỹ rất phong phú, đa dạng, không kể những tác phẩm báo chí chưa tập hợp in thành tập, ông có đến 20 tác phẩm và công trình (xem Văn thi sĩ tiền chiến) [3, tr.7], bao gồm các thể loại và thể tài khác nhau: sáng tác, phê bình, khảo ký, hồi ký, chính luận, biên khảo văn chương và dịch thuật văn chương. Tất cả đều có giá trị nhất định về nhiều mặt mà lịch sử văn học và lịch sử báo chí Việt Nam không thể không đề cập.
Trong bài viết ngắn này, tôi muốn tiếp nhận Nguyễn Vỹ ở công trình Văn thi sĩ tiền chiến (chứng dẫn một thời đại), do Nxb. Văn học, Hà Nội ấn hành năm 2007.
Trước khi tìm hiểu về Văn thi sĩ tiền chiến, chúng tôi muốn nhận xét một cách khái quát về chân dung và phẩm tính văn chương của Nguyễn Vỹ ở các thể loại và thể tài khác như sau:
Về truyện ngắn và tiểu thuyết, ông có số lượng hơn 10 tác phẩm được xuất bản, nhưng theo Vũ Ngọc Phan - tác giả Nhà văn hiện đại (1942), ông cho là không đặc sắc, có những “tình tiết phi lý”, “tác giả quan sát hời hợt người và cảnh khi dựng nên câu chuyện”, “dù không phải không có những đoạn cảm động” [1, tr.1230]. Nhưng theo mặt bằng văn chương thời bấy giờ, và công bình mà xét, thì trong đó vẫn có những tác phẩm hay, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong bạn đọc đương thời.
Về thơ trữ tình, ông có 2 tập được xuất bản, gồm Tập thơ đầu - Premières Poésies (thơ Việt và Pháp - 1934) và Hoang vu (1962), nhưng được nhiều người biết và khen ngợi khi ông xuất hiện 2 bài thơ trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân, đó là bài Sương rơi (2 chữ) và Gửi Trương Tửu (thể thơ thất ngôn trường thiên liên vận) tạo ra thi pháp riêng và giọng điệu riêng. Mảng thơ sáng tác bằng tiếng Pháp cũng không mấy đặc sắc. Ông còn là người cùng với Mộng Sơn lập ra trường thơ Bạch Nga (thiên nga trắng), chủ trương mở rộng câu thơ Việt một cách linh hoạt gần với thơ Pháp từ 2 chữ đến 12 chữ/ chân (theo lối Alexandra của Pháp). Nhưng trường thơ này không có tuổi thọ vì nhiều lý do, trong đó, có lý do “thiên về kỹ xảo, mà nhẹ về thi tứ, ngôn từ lại thiếu chắt lọc, cô đúc… rốt cục chỉ lưu lại một vài bài của chính Nguyễn Vỹ”. Đó là phần thơ tiền chiến. Còn phần lớn thơ viết từ sau 1945 đến 1971 ở miền Nam, sau được tập hợp cả thơ trước 1945, in trong Hoang vu, Phổ Thông tùng thư xuất bản, bao gồm 50 bài thơ, thì theo chúng tôi, những bài viết sau 1945 không có nhiều bài hay; thể thơ, ngôn ngữ thơ, giọng điệu thơ đơn điệu, cũ; nhiều chỗ rơi vào gượng ép, không tuân thủ mạch cảm xúc và tâm trạng chân thật, mà nặng về vần điệu, du dương.
Về biên khảo và nghiên cứu, Nguyễn Vỹ có Kẻ thù là Nhật Bản (1938), Cái họa Nhật Bản (1938), Hào quang đức Phật (1948), Đứng trước thảm kịch Pháp Việt (Devant le drame Franco-Vietnamien) (1947), Những người đàn bà lừng danh trong lịch sử (1970). Tất cả đều có giá trị nhất định về mặt lịch sử, văn hóa và tư tưởng, được viết với văn phong mạch lạc, khúc chiết và có tính luận đề, luận lý sâu sắc.
Về báo chí, đó là thể loại thành tựu nhất của ông với tư cách là một nhà báo chuyên nghiệp, có số lượng bài viết đồ sộ. Ông là người tổ chức, lãnh đạo và vận hành tờ báo linh hoạt, là người viết bài và tác nghiệp có tay nghề cao, được đồng nghiệp nể trọng. Rất tiếc hiện nay, những tác phẩm báo chí, chính luận của ông chưa được tập hợp và xuất bản thành tập để lịch sử báo chí ghi công và để các thế hệ nhà báo trẻ thời hiện tại học tập.
Về thể tự truyện, Nguyễn Vỹ có Tuấn, chàng trai nước Việt (tập I và II, 1970). Ở hai tác phẩm tự truyện này, có thể nói Nguyễn Vỹ đã thể hiện tài kể chuyện và dẫn dắt tình huống chuyện một cách linh hoạt và tài hoa: chân thật nhưng bất ngờ; giọng bình thản pha dí dỏm, hài hước; ngôn ngữ vừa hiện thực vừa lãng mạn; chất nghiêm nghị chính luận pha lẫn chất trữ tình trẻ trung…, qua đó, làm hiện lên chứng tích một thời đại qua những cảnh vật, những con người với những quan hệ xã hội và cá nhân vừa cụ thể, tỉ mỉ vừa khái quát, cuốn hút, khiến người đọc không thể ngừng lại giữa chừng câu chuyện. Đây chính là thành công riêng của Nguyễn Vỹ ở thể loại này, dù không phải không có những chỗ ông thêm bớt, hư cấu cho hợp lý và liền mạch câu chuyện. Khác với Hồi ký, Tự truyện là thể tài có thể cho phép chủ thể tự thuật có thể bỏ qua chi tiết này mà ưu tiên chi tiết khác hoặc thêm bớt/ hư cấu những chi tiết, tình huống, sự kiện cho hấp dẫn câu chuyện. Ở đây, Nguyễn Vỹ, với tư cách là chứng nhân, đứng giữa lòng xã hội để miêu tả nhiều vấn đề, nhiều mối quan hệ để tường thuật những tình huống, những đổi thay, biến chuyển của một xã hội nông nghiệp cổ truyền Việt Nam đang trong buổi đầu tiếp xúc với phương Tây (Pháp) ngỡ ngàng và bất ngờ như thế nào. Qua đấy, người đọc có thể hình dung và thức nhận về lối sống, về sự đổi thay của phong tục, tập quán của con người, đặc biệt là của thế hệ trẻ. Và cao hơn là nhận thức về đất nước, lịch sử và dân tộc, về một thời đại và một thế hệ thanh niên trí thức mới của nước Việt như Tuấn thời thuộc Pháp, đang thức nhận vị thế và tinh thần dân tộc trước họa xâm lăng.
Trở lại với Văn thi sĩ tiền chiến, chúng tôi muốn tìm hiểu những giá trị thực tế đầy sinh động và hấp dẫn của Hà Nội thời thuộc Pháp và những chuyện bếp núc trong hoạt động sáng tạo, trong quan hệ bằng hữu thân thiết của làng văn làng thơ Việt Nam từ 1920 đến 1945, trước những đổi thay của thời cuộc, đổi thay của nhận thức tư tưởng và tư duy.
Bút pháp chung của Văn thi sĩ tiền chiến là tả thật, kể thật về người và cảnh, sự việc và nỗi niềm, cá nhân và xã hội, văn chương và thời cuộc…, nhưng được thống nhất ở giọng văn linh hoạt, hấp dẫn, giàu chất trí tuệ và giàu hàm lượng văn chương, triết mỹ do ông tiếp thu được văn phong phương Tây, đặc biệt là văn chương Pháp thông qua trình độ tiếng Pháp điêu luyện của ông (ông học bậc tú tài Pháp Việt - Baccalauréat Franco-Indigènes). Dù vậy, cũng phải thấy rằng, do độ lùi về thời gian và những ba động của cuộc sống xã hội trong hoàn cảnh Đất nước chia cắt hai miền, nên những ký ức và mạch hồi tưởng, đồng hiện của ông có chỗ rơi rớt, không nhớ hết. Nhiều mảng ký ức rời rạc, không được liền mạch và không chính xác trăm phần trăm; chưa kể có những chi tiết và nhận định về các văn thi sĩ tiền chiến sống ở miến Bắc giai đoạn 1945 - 1971 (năm ông qua đời), ông võ đoán và thiếu công tâm hoặc nhận định không chính xác, do không nắm tư liệu, nghe sai lạc về tư liệu hoặc do thiên kiến cá nhân. Dù vây, nhìn chung, đây là công trình có giá trị về tư liệu văn học sử khá phong phú và mới mẻ mà ông với tư cách người trong cuộc, người tham dự và chứng nhân đã đồng hiện một cách sống động, hấp dẫn và thu hút sự đồng thuận của độc giả đương thời, kể cả độc giả hôm nay.
Đồng hiện chân dung các văn nghệ văn thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ tâm sự: “Tác phẩm này không phải là một văn học sử, cũng không phải một công trình khảo luận. Đây là chứng dẫn một thời, của một người đã bước trong lịch trình hăng say của Thế hệ văn học cận kim, đã lăn lóc hằng ngày với các bạn đồng hành. Nó đã sống, đã thấy, đã cảm xúc giữa một thế giới mới đột nhiên xuất hiện từ một thế giới cũ. Nó đã chia sẻ những vinh nhục của số kiếp con nhà văn…
Nhân chứng, vai còn nặng hành trang của cuộc phiêu lưu kỳ thú ấy, không có một kiêu hãnh nào cả. Không vì khiêm tốn giả dối. Chỉ vì trung thực truyền thống của Văn nghệ đối với người đương thời với nó trong thế hệ qua, đối với chính lương tâm của nó trong thế hệ nay” [3, tr.9-10].
Trong công trình này, ở chương 1, Nguyễn Vỹ tái hiện 35 chân dung văn chương dưới dạng những mảnh vỡ ký ức và tâm trạng, thông qua sự tái thuật câu chuyện, phẩm bình về cuộc đời và văn thi phẩm của họ một cách chân thật, sinh động; vừa dựa vào thực tiễn vừa tạo được ấn tượng riêng độc đáo về cá tính sinh hoạt và cá tính văn chương của từng văn thi sĩ. Vì vậy, dù Nguyễn Vỹ xác nhận “đó không phải một công trình khảo luận”, nhưng chúng tôi vẫn xem đây như là một dạng hồi ký pha khảo luận mà chúng tôi tạm gọi là Khảo ký cho dễ hình dung và thấy được phần nào những giá trị văn học của chúng mà ngày nay Văn học sử muốn hoàn thiện không thể bỏ qua những hiện thực, những chi tiết mà Nguyễn Vỹ đã minh dẫn cụ thể như những tư liệu tham khảo quý báu. Nhất là các trang viết về Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tường Tam, Trương Tửu, Mộng Sơn, Vũ Bằng, Thâm Tâm, Từ Bộ Hứa, Phan Khôi, Nguyễn Nhược Pháp…
Cũng ở Văn thi sĩ tiền chiến, chúng tôi đánh giá cao nội dung của chương 2 và chương 3. Chúng như những tiểu luận - khảo cứu bổ sung chương 1 nhằm khái quát, hoàn thiện bức tranh sinh hoạt văn nghệ của văn thi sĩ tiền chiến giai đoạn 1920 - 1945. Qua đó, ta thấy được diện và điểm, chung và riêng, cá nhân và xã hội, văn chương và báo chí, học thuật và sáng tạo, tư tưởng và giáo dục, tác giả và độc giả, cá tính và bút pháp sáng tạo…
Ở chương 2: Văn sĩ Việt văn chương Pháp, Nguyễn Vỹ đã thực sự thâm nhập vào hiện thực đương thời của làng báo Việt Nam để hiểu một cách cặn kẽ về những hoạt động của từng tờ báo, từng tạp chí, cũng như về cuộc sống và cách tác nghiệp của từng nhà báo, từng ông chủ báo, từng bộ biên tập báo… là phức tạp và gian nan như thế nào. Vấn đề cơm áo gạo tiền, vấn đề bạn đọc, văn hóa đọc và vấn đề cạnh tranh của các tờ báo với nhau cũng là một thực tế nan giải, chưa kể áp lực từ nhiều phía, trong đó, có áp lực/ can thiệp của thực dân đối với nhà báo và các tòa báo lúc bấy giờ là vô cùng hệ lụy, nếu không muốn nói là có ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự và sự sống, quyền hành nghề của cá nhân nhà báo và các tòa soạn báo. Nhà báo làm cật lực nhưng vẫn nghèo và tòa soạn báo có nguy cơ bị đóng cửa vì nhiều lý do là chuyện thường xuyên có thể xảy ra.
Qua thực tiễn trên, Nguyễn Vỹ đã trình hiện một cách khái quát nhưng đầy đủ về hoạt động thực tế và hiện trạng phức tạp của tất cả các tờ báo lớn, nhỏ ở Việt Nam thời thuộc Pháp trước 1945. Đặc biệt ở chương này, mảng văn chương Pháp ngữ của các tác giả Việt Nam (viết bằng tiếng Pháp) được Nguyễn Vỹ tổng thuật một cách chính xác và gần như đầy đủ thông qua những lời nhận định, phẩm bình ngắn, nhưng giúp người đọc hiểu căn bản tư tưởng và nghệ thuật chính của từng tác phẩm, tác giả cụ thể. Những nhà văn tiêu biểu giai đoạn này sáng tác bằng Pháp ngữ đều được ông liệt kê tác phẩm và giới thiệu sơ lược tiểu sử như: Trần Văn Tùng, Lê Tài Trường, Tôn Thất Bình, Tiêu Viên Nguyễn Đức Bính, Vũ Đình Dy, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Văn Ký, Đào Đăng Vỹ, Lê Thăng, Đinh Xuân Tiếu, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Duy Khiêm…
Những nhận định về văn chương và thái độ ứng xử của một số nhà văn viết bằng Pháp ngữ cũng được Nguyễn Vỹ bày tỏ có tình, có lý. Và nhìn chung, ông muốn, dù viết bằng Pháp ngữ nhưng các nhà văn nên quan tâm đến tiếng Việt. Và tốt hơn hết là nên quay về với văn chương tiếng Việt để phát triển văn học nước nhà. Đây là tư tưởng và ý hướng dân tộc tiến bộ của Nguyễn Vỹ.
Có thể dẫn minh ý hướng trên qua trường hợp Cung Giũ Nguyên - nhà văn ở miền Trung qua tiểu thuyết Les Fils de la Baleine, được Nguyễn Vỹ nhận xét: “Pháp văn của ông rất thanh thoát và gọn gàng. Ông có một nét bút linh động, uyển chuyển, vô cùng hấp dẫn… Tôi chắc rằng độc giả Pháp đã thưởng thức lối văn rất thi vị nhẹ nhàng và thanh thú của truyện Les Fils de la Baleine (Người con của Cá Ông)… Tuy nhiên, tôi cũng không khỏi thắc mắc vì sao ông Cung Giũ Nguyên, hiện bây giờ dạy học ở Nha Trang không sản xuất những tác phẩm bằng tiếng Việt.
Theo dõi những hoạt động văn chương của ông trên lĩnh vực Pháp văn từ hồi tiền chiến, tôi nhận thấy ông là một người tài ba lỗi lạc. Chính vì thế mà tôi không hiểu tại sao ông không sử dụng tài năng đáng quý mến của ông trong lĩnh vực văn chương thuần túy Việt Nam? Chắc chắn ông Cung Giũ Nguyên có những lý do riêng của ông, nhưng dù sao cũng là một việc đáng tiếc rằng một văn tài của quốc gia đã có những bằng chứng về sự linh hoạt và lịch duyệt lại tự đặt ra ngoài phần trách nhiệm trí thức của mình giữa lúc văn học Việt Nam cần sự đóng góp của những nhà văn lương thiện có đôi chút sở trường” [3, tr.494].
Và ông đã chân thành bày tỏ nỗi niềm của mình khi khép lại chương 2 khiến ta không khỏi nhớ tiếc và ngậm ngùi về một thời văn chương tiền chiến: “Ôi! Ước gì tôi chép lại được tất cả những ký ức trong đời sống văn nghệ, nhiều chuyện rất buồn, nhiều chuyện rất vui… Viết trên sách báo, người nào cũng có quan điểm riêng của mình, ngồi nói chuyên với nhau thì cãi lộn ầm ĩ, thuyết này chọi nhau đôm đốp với thuyết kia, đập bàn đập ghế, trợn mắt phùng mang, câu chuyện có khi kéo dài hai ba tiếng đồng hồ. Đến khi chấm dứt cuộc đấu khẩu hùng hồn, không ai chịu thua ai, nhưng đứa nào cũng thấy đói bụng, đều đồng ý gọi gánh phở làm mỗi đứa một tô… Ăn no nê, móc túi trả 3 xu, nhìn nhau cười ha hả.
Rồi, ra về, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi sau khi bắt tay nhau tạm biệt trong mưa phùn, gió bắc, giữa đêm đông.
Ôi! Hà Nội! Hà Nội tự do, lãng mạn của ngày nào! Hà Nội duyên dáng hiền hòa, Hà Nội yêu quý của tôi ơi!...” [3, tr.517].
Chương 3: Sinh khí văn nghệ tiền chiến, Đời sống tinh thần và vật chất của văn thi sĩ tiền chiến cũng là chương có giá trị sử liệu quý giá, đặc biệt là giá trị về hiện thực đời sống Hà Nội với sinh khí sôi động một thời, ra đi không trở lại, cũng như hiện thực đời sống tinh thần và vật chất của văn thi sĩ tiền chiến trong quá trình tiếp xúc văn hóa, văn chương Pháp với khát vọng hiện đại hóa nền văn học nước nhà.
Hà Nội “Nghìn năm văn vật đất Thăng Long - nơi quy tụ nhân tài và nung đúc tài năng văn nghệ tứ phương thời tiền chiến, nơi có nhiều trường Cao đẳng Đông Dương (écoles supérieures indochinoises) đã tạo tiền đề cho việc hấp thụ văn hóa phương Tây nhanh chóng của các trí thức Tây học. Nó là tiêu chuẩn cho việc lập thân, lập ngôn và cả lập gia đình: “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”.
“Hầu hết các văn sĩ, thi sĩ kế tiếp Hoàng Ngọc Phách cho đến năm 1939 là khởi sự chiến tranh, đều có học thức căn bản là Cao đẳng tiểu học Pháp Việt, tức là Diplôme d’Etudes primaires supérieures franco-indigènes (quen gọi là bằng Thành Chung) hoặc Baccalauréat local (Tú tài bản xứ) hay Baccalauréat métropolitain (tú tài Tây) [3, tr.523]. Bằng vốn tri thức Tây học, các văn nghệ sĩ đã nhanh chóng trở thành chủ thể văn hóa và chủ thể văn học của đất nước. Họ chịu ảnh hưởng trực tiếp văn hóa và văn chương Pháp thông qua vốn tiếng Pháp điêu luyện của mình. Vì vậy mà “từ lối hành văn cho đến các nguồn cảm hứng trong thơ văn của họ đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn học Âu Tây, nhất là văn học Pháp thế kỷ XIX và XX” [3, tr.525]. Tiếng Pháp được xem như mode thời thượng trong nói năng, giao tiếp hằng ngày: “tiếng Pháp đã được coi như là một mỹ phẩm thông dụng, nên các nhà văn tiền chiến dùng nó cũng gần như một xa xỉ phẩm của tinh thần, một món trang trí ngoại quốc để tô điểm thêm phần thẩm mỹ đó thôi” [3, tr.527]. Và ông cho rằng: “Đó là về hình thức. Nhưng hình thức ấy chính là tượng trưng tinh thần ham chuộng Pháp văn” [3, tr.527]. Vì vậy mà họ yêu chuộng và tìm hiểu tất cả các văn nhân, thi sĩ Pháp và đọc hầu hết các tác phẩm của họ. Về sinh hoạt thì Nguyễn Vỹ cũng đã cho chúng ta biết những thú vui tiêu khiển, những thứ ghiền của các văn thi sĩ tiền chiến, đó là hát ả đào, thuốc phiện, rượu, tổ tôm, tài bàn, cờ tướng, có cả khiêu vũ, đi lang thang các nơi để thưởng ngọan phong cảnh và bàn chuyện văn chương hoặc thăm viếng nhau trong tình bằng hữu, văn hữu, thi hữu thân ái… Thỉnh thoảng họ mới bàn chính trị. “Có thể nói rằng Văn sĩ Thi sĩ tiền chiến ở Hà Nội chia ra vài ba nhóm, nhưng không phải vì chủ trương văn nghệ khác nhau, mà đúng hơn là vì sự giao du thân mật riêng biệt nhau” [3, tr.530]. Tiêu biểu có các “nhóm” sau: nhóm Lan Khai, Đỗ Thúc Trâm, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Triệu Luật… Nhóm Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều, Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Tuân… Nhóm Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp…” [3, tr.531]. Nguyễn Vỹ còn cho chúng ta biết cách viết, thói quen viết và cả phong cách viết của từng nhà văn, từng nhóm văn thi sĩ. Còn về tình cảm thì “có thể nói tổng quát rằng số đông văn thi sĩ Tiền chiến đều lãng mạn nhưng không trụy lạc, không bị đời sống bê bối làm cho con người hư hỏng, về tư cách cá nhân cũng như về tinh thần hay thể chất”, “đa số thích cuộc đời tự do, phóng túng xa gia đình, hoặc không thích ở trong khuôn khổ gia đình như Lan Khai, Vũ Bằng, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Trương Tửu… Họ thích sống lang thang, nay đây mai đó, “lang bạt kỳ hồ”, đời sống của những kẻ mà anh em thường gọi là “Bohé- miens” phiêu lưu tử” [3, tr.531].
Về bản chất văn chương, Nguyễn Vỹ cho rằng: “Xét về văn học sử, người ta có thể nói chung rằng thời kỳ 1925 - 1940 là thời kỳ văn chương lãng mạn, theo đúng nghĩa “lãng mạn” trong văn học Pháp, Anh, Ý, Đức, hồi thế kỷ XIX. Điều đó rất dĩ nhiên, vì thế hệ văn nhân thi sĩ Việt Nam ra đời sau đệ nhất Thế chiến đã chịu ảnh hưởng của văn học Âu Tây rất sâu đậm của thế kỷ trước. Vả chăng, không những riêng ở Việt Nam mà cả văn học sử của các nước Á Đông vừa tiếp xúc với Âu Tây, nhất là Nhật Bổn, Nam Dương, Trung Hao, Thái Lan, Ấn Độ, đều chịu ảnh hưởng của văn chương và tư tưởng Âu Tây đồng một loạt như nhau cả” [3, tr.534 - 535]. Nguồn tư tưởng chính của các văn thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ cho rằng căn bản là Nho giáo và Phật giáo, còn Thiên chúa giáo thì rất ít, trừ Hàn Mặc Tử. Về tinh thần dân tộc và khát vọng văn chương, thì hầu hết đều “say mê lí tưởng Văn nghệ, cho đến đỗi một số đông các văn thi sĩ Tiền chiến đã sẵn sàng gạt bỏ hết những xa hoa của danh vọng, của chức tước, và khinh mạn cả uy quyền của chế độ đương thời… Đời sống tinh thần, tự do phóng túng, đầy thi vị, thích hợp với tâm tính của họ và lý tưởng của họ hơn. Quan niệm chung của các lớp Văn Thi sĩ Tiền chiến, về tư cách của “con nhà Văn” là giữ tinh thần được thanh cao trong lãng mạn, thanh cao trong tự do phóng đãng, thanh cao cả trong trụy lạc vật chất nữa” [3, tr.540]. Chính vì vậy mà chính quyền thuộc địa Pháp không bao giờ mua chuộc được các trí thức Tây học này. “Còn Nguyễn Văn Vĩnh thì dứt khoát từ chối mề đay vẻ vang nhất của Pháp Bắc đẩu bội tinh với một số tiền phụ cấp, dù ông chủ nhiệm báo L’Annam Nouveau và Đông dương tạp chí này rất nghèo. Tản Đà cũng thế, không bao giờ ngửa tay nhận lấy một ân huệ gì của Phủ toàn quyền. Có nghĩa là nhà văn Việt Nam thời Tiền chiến “không có văn hóa nô bộc”, trái lại, “họ có tinh thần quốc gia rất mạnh… hầu hết đều thiết tha một hoài bão tự do độc lập cho Quốc gia” [3, tr.541]. Lý giải điều này, Nguyễn Vỹ rất có lý và chính xác: “Có điều này mới nghe hình như mâu thuẫn, mà chính là một thực tế rất tốt đẹp, là các Văn Thi sĩ Tiền chiến hấp thu được rất nhiều các tinh hoa văn nghệ Pháp, thấm nhuần rất nhiều những tư tưởng Pháp, họ rất yêu chuộng các văn sĩ, thi sĩ Pháp cũng như các văn sĩ Âu Tây, ấy thế mà họ vẫn không chịu cho người Pháp cai trị Đông Dương, họ vẫn có hoài vọng đánh đuổi người Pháp ra khỏi đất nước, để thu hồi độc lập cho Quốc gia. Bởi vì tinh thần quốc gia chủng tộc bao giờ cũng mạnh hơn văn hóa” [3, tr.452]. Ông còn nói: “Văn hóa là văn hóa, chính trị là chính trị. Tính chất trường tồn bất diệt của văn hóa chính là ở chỗ đó. Nhà văn sĩ chân chính của Dân tộc chỉ quan niệm văn hóa là phục vụ cho chân lý thuần túy, cho nghệ thuật tuyệt vời, cho tư tưởng cao siêu. Nhà văn sĩ của Dân tộc không bao giờ chịu đem văn hóa làm quỵ lụy dưới một chính thể nào, một uy quyền nào cả… Nhà văn Tiền chiến chỉ sống riêng trong nếp sống của Dân tộc mà thôi” [3, tr.453].
Điều này cũng được Đỗ Lai Thúy nhận định: “Họ sống và suy nghĩ một cách độc lập, không bị mua chuộc, không bị lôi kéo bởi bả vinh hoa hay sức ép của chính quyền thuộc địa. Ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên có một lớp người trí thức tách ra khỏi ông quan, nhà văn nhà thơ tách ra khỏi người viên chức. Văn chương của họ, bởi thế, cũng lần đầu tiên thoát khỏi tính công cụ có mục đích tự thân là tìm kiếm cái đẹp” [2, tr.356].
Nhờ vậy mà giai đoạn này (1925 - 1940) có thể xem là thời kỳ rực rỡ của văn học Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa mà minh chứng rực rỡ của nó là Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn. Và Nguyễn Vỹ không ngần ngại cho rằng “Thời đại Hoàng kim của văn học sử Việt Nam, từ 1925 đến 1940, là cả một mùa Xuân say bướm, say hoa, cả một mùa hương mới bắt nguồn từ Đông Tây Kim Cổ” [3, tr.547].
Đó chính là toàn bộ sinh khí văn nghệ tiền chiến mà Nguyễn Vỹ đã đồng hiện một cách khái quát nhưng cũng rất cụ thể.
Còn đời sống tinh thần và vật chất của Văn Thi sĩ Tiền chiến thì sao?
Nguyễn Vỹ đã không tự ti mà trái lại, ông đề cao trình độ và văn tài và nghệ thuật Việt Nam không thua thế giới, chỉ khác nhau về sinh hoạt vật chất mà thôi. Nhà văn Việt Nam thời bấy giờ đa số là nghèo, nghèo nhưng đam mê sáng tác, nhưng càng sáng tác, ấn hành thì càng nghèo vì không có người mua tác phẩm, vì độc giả cũng nghèo. Đó là lý do then chốt, cho nên số lượng bản in các tác phẩm của họ không nhiều như ở các nước phương Tây. Vì vậy mà có lần Nguyễn Vỹ đã nói “Nhà văn Annam khổ như chó”, còn Tản Đà thì than phiền “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” cũng là chí lý trong hoàn cảnh bấy giờ. Đời tư và thế sự tác động hỗ tương nhau là thế. “Đời sống vật chất của làng văn, làng thơ Hà Nội hồi tiền chiến, thật không xán lạn tí nào… Họ chỉ ham đọc, ham viết, không phải viết để sống mà chỉ sống để viết, viết những cái gì họ nghĩ, viết những cái mà họ cảm, viết cái gì mà họ biết, không đòi hỏi một phần thưởng nào của ai cả, chỉ thỏa mãn dục vọng thiêng liêng của ngòi bút mà thôi” [3, tr.572]. Duy có một thực tế “tuy đa số đều nghèo, và khổ, nhưng tất cả đều có một thái độ hiên ngang, một khí phách ngông nghênh, bất chấp những phù trầm của số kiếp. Tính chất lãng mạn của họ là một trạng thái khá lý thú của thái độ ấy” [3, tr.573].
Điều đó cũng nhờ tác động của hoàn cảnh bấy giờ: “Có thể nói tổng quát rằng xã hội tiền chiến ở Hà Nội là một xã hội khá lành mạnh, thanh niên và học sinh không bị trụy lạc, trí thức không lơ đễnh với học vấn, sĩ phu không thờ ơ với trách nhiệm” [3, tr.575]. Cộng vào với tinh thần tương thân tương ái của văn nghệ sĩ nên văn học tiền chiến phát triển phồn thịnh và được công chúng tiếp nhận nồng nhiệt: “Hoàn cảnh xã hội tương đối lành mạnh, nếp sống tinh thần của đại chúng nhân dân được đôi phần thanh cao thanh nhã, tinh thần phục vụ và ý thức văn nghệ của anh em làng văn biết tôn trọng tài năng và giá trị của mỗi người, ý niệm về số kiếp và nhiệm vụ chung của con người văn nghệ, là những yếu tố tốt đẹp đã vun bón rừng hoa văn nghệ thời tiền chiến” [3, tr.576].
*
Có thể nói rằng qua Văn thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ đã đồng hiện những con người của một thời vang bóng một cách sinh động với tư cách là chứng nhân của thời đại. Tất cả họ đều còn rất trẻ, có học vấn, có nhiệt tâm, có hoài bão và có lòng tự hào dân tộc, tự hào về văn chương, ngôn ngữ Việt nên họ đã làm nên một thời đại văn chương, một cuộc cách mạng tân kỳ cho nền văn học nước nhà với tinh thần tiếp thu, nhưng có tiếp biến, sáng tạo trên cở sở văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt, tâm hồn Việt để tạo ra đặc sản văn chương Việt, triết mỹ Việt. Mà Nguyễn Vỹ - chứng nhân và đồng hiện một thời văn chương vàng son ấy cũng chính là một thành viên, một chủ thể sáng tạo đồng hành tích cực của cả phong trào nên những gì ông viết ra đủ sức để người đọc tin tưởng, đồng cảm và tri nhận, tri âm. Chính vì vậy, sự nghiệp văn học, báo chí của Nguyễn Vỹ, đặc biệt là với Văn thi sĩ tiền chiến, ông đã là một chủ thể trong chỉnh thể, một giá trị trong giá trị và một di sản trong di sản.
H.T.H
(TCSH391/09-2021)
Tài liệu tham khảo:
1. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học (bộ mới), Nxb. Thế giới, Hà Nội.
2. Đỗ Lai Thúy (2017), Bờ bên kia của viết, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
3. Nguyễn Vỹ (2007), Văn thi sĩ tiền chiến, Nxb. Văn học, Hà Nội.