Qua cuốn sách này, chúng ta được biết Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932 tại làng Thanh Thuỷ Thượng, Tổng Dạ Lê nay là xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế, mất ngày 22-1-1995 tại Hà Nội, thọ 64 tuổi.
Phùng Quán là Hội viên thế hệ đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (1956). Sau vụ Nhân văn Giai phẩm đến năm 1988 Phùng Quán được phục hồi Hội tịch.
Phùng Quán đã có những tác phẩm rất nổi tiếng: năm 1954 tiểu thuyết Vượt Côn Đảo, tái bản 4 lần, năm 1956 Nhà xuất bản Thiếu nhi Liên xô dịch ra tiếng Nga, năm 1987 Nhà xuất bản Thuận hoá tái bản lần thứ 5 với 50.200 bản. Vượt Côn Đảo được giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955), Trường ca Võ Thị Sáu 1955 tái bản 3 lần. Đặc sắc nữa là tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội, được Giải thưởng (giải A Hội Nhà văn Việt Nam 1987, xưởng phim Giải phóng dựng thành phim Tuổi thơ dữ dội do đạo diễn Vinh Sơn thực hiện. Phim này được Huy chương bạc Liên hoan Phim Việt Nam tại Nha Trang, năm 1990 và được Tổng cục chính trị Bộ Quốc phòng tặng giải thưởng nhân dịp 50 năm ngày thành lập quân đội Nhân dân Việt Nam 1994.
Trong tập Nhớ Phùng Quán có trên 50 tác giả viết về ông. Nhiều tác giả khá nổi tiếng như Tô Hoài, Thu Bồn, Xuân Sách, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Thị Thu Trang, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Quang Hà, Võ Thị Hảo, Đỗ Kim Cuông, Hoàng Cát, Nguyễn Khoa Điềm, Văn Tâm, Tào Mạt,Trinh Đường, Hải Bằng,Tạ Vũ... Những người yêu mến Phùng Quán như Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Sĩ Cứ, Vĩnh Nguyên, Hoàng Vũ Thuật. Theo cá nhân tôi chính nhờ uy tín của những tác giả trên, cho nên thông tin nằm trong cuốn sách này rất đáng tin cậy và khi đọc độc giả sẽ bị thuyết phục và hấp dẫn. Những bài đưa vào sách này hầu hết đã được công bố trên các báo chí nổi tiếng ở Trung ương và địa phương, ví dụ như Báo Văn nghệ, Lao Động, Tiền Phong, Đại Đoàn kết, Quân Đội Nhân dân, Hà Nội mới, Sông Hương ... Do vậy chất lượng bài viết trong sách đều đạt đẳng cấp rất cao về văn chương. Mỗi bài viết đều có giá trị khoa học độc lập.
Về kết cấu của sách: Ngoài ảnh liên quan đến Phùng Quán và gia đình Phùng Quán, lời nói đầu, tiểu sử văn học Phùng Quán, sách được Ngô Minh chia thành hai phần chính: Phần thứ nhất: Phùng Quán giữa bạn bè và phần thứ hai: Thơ chọn và một số bài viết của Phùng Quán.
Trong tập Nhớ Phùng Quán có nhiều bài thơ rất hay. Ví dụ như bài Người nằm bên Hồ Tây của Nguyễn Khoa Điềm viết ngày 24-1-1995:
Người nằm chân đưa về Hồ Tây Gió mùa đông thổi lạnh chân gầy Cuộc viễn du nào buồn đến vậy Người hùng thời niên thiếu tôi ơi!
Người mơ mộng một thời đánh giặc Người tóc râu một thời thị trường Cuộc viễn du nào buồn đến vậy Người hùng thời niên thiếu tôi ơi ?
Gió vẫn gió của nghìn năm trước Sóng vẫn sóng của nghìn bể dâu Hồ Tây đang mùa sương khói Hồ Tây đang độ hoa đào ... Người hùng thời niên thiếu tôi ơi !
Phùng Quán mất đã gần 10 năm, nhưng bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm kính tặng nhà thơ Phùng Quán ở trên nhân ngày ông mất, đã thực sự là tình cảm cho nhiều thế hệ độc giả của Vượt Côn đảo và Tuổi thơ dữ dội.
Tuy nhiên theo thiển kiến của tôi, chắc chắn cuốn sách này sẽ còn được tái bản. Do vậy để lần sau tái bản hoàn chỉnh hơn, tôi xin mạnh dạn góp ý cho tác giả chủ biên, Nhà xuất bản Trẻ và Công ty văn hoá Phương Nam như sau:
- Ảnh gáy sách dễ gây nhầm lẫn Phùng Quán đội mũ với hoạ sĩ Bùi Xuân Phái đội mũ. Trong thương mại người ta rất kỵ những thương hiệu "Trademark" dễ gây nhầm lẫn. Giả dụ để Phùng Quán đội mũ bộ đội ở trang 19 ra gáy sách thì có lẽ hợp lý hơn .
- Mặc dù Phùng Quán đã có tiểu sử văn học rất công phu từ trang 11 đến trang 18. Nhưng cuối sách vẫn có niên biểu Phùng Quán so ngang với các mốc lịch sử của dân tộc, nếu vậy cuốn sách sẽ sang trọng và giá trị khoa học sẽ cao hơn nữa. Ví dụ: năm 1930 thành lập Đảng, Phùng Quán 2 tuổi; năm 1940 khởi nghĩa Nam Kỳ, Phùng Quán 12 tuổi; năm 1945 Cách mạng Tháng Tám, Phùng Quán 13 tuổi; năm 1954 Phùng Quán 22 tuổi viết Vượt Côn Đảo; năm 1955 viết thơ về Võ Thị Sáu; năm 1975 Giải phóng miền Nam, Phùng Quán 45 tuổi; năm 1983 Phùng Quán 61 tuổi viết Tuổi thơ Dữ dội. Nên tham khảo những cuốn như Nguyễn Đình Chiểu của Nguyễn Ngọc Thiện, Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội. Như vậy Ngô Minh giúp cho độc giả dễ liên tưởng số phận tác phẩm, tác giả Phùng Quán liên tục không ngừng nghỉ gắn bó máu thịt với Đảng và nhân dân Việt Nam.
- Cần hoàn chỉnh hơn nữa công tác chú thích của sách. Nhiều bài rất hay, như bài Trường ca cây cà từ trang 367 đến đến trang 371 nên ghi chú thêm năm sáng tác và địa chí thông tin báo chí lần đầu công bố tác phẩm này. Mặc dù đã có bài Lại hồi sinh trong thăm thẳm Hàn Giang từ trang 205 đến trang 208 của Nguyễn Trung Dân, Thư ký toà soạn báo Quảng Nam Đà Nẵng. Nếu chú thích đây là bài thơ từ 1957 đến 1987 đã xuất hiện lại tên Phùng Quán thì hay biết bao, hiệu quả thông tin sẽ cao hơn. Như vậy thông tin sẽ công bằng với độc giả hơn: Đổi mới của Đảng đã thực sự trả lại tên tuổi cho Phùng Quán.
- Nếu bìa bốn có câu thơ và chữ ký Phùng Quán chỉ làm nền cho Thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của Phùng Quán, theo tôi sẽ nói lên trình độ văn hoá cao của người làm bìa sách này. Như vậy nói lên thẩm mỹ, nhân văn và kết cục rất có hậu cho Phùng Quán...
Tôi kém Phùng Quán gần 20 tuổi, cho nên cảm nhận cuốn sách Nhớ Phùng Quán của Ngô Minh và nhiều tác giả có thể còn nông cạn, nhưng mạnh dạn góp thiển kiến của cá nhân mình để hy vọng lần sau tái bản sách này càng đẹp hơn.
Hà Nội ngày 5 tháng 3 năm 2004 N.V.H (183/05-04) |