Tác giả-tác phẩm
Lặng lẽ Thanh Hải
09:43 | 27/07/2022

NGUYỄN QUANG HÀ

Nhân ngày giỗ nhà thơ Thanh Hải (12. 80 - 12.1994)

Lặng lẽ Thanh Hải
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ và những hồi ức về nhà thơ Thanh Hải - Ảnh: voque.org

Tôi tìm đến với Thanh Hải hơi chậm. Mãi tận năm 1962, chúng tôi đi đón đoàn đại biểu của Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng Miền Nam ra thăm Miền Bắc ở ga Bắc Giang mới được gặp anh đi trong đoàn đại biểu ấy.

Nhưng phải đến lúc Hà Nội đón các anh, và Thanh Hải đọc thơ, câu thơ đã đụng vào tâm can tôi, nối lòng tôi với lòng anh là câu thơ này:

"Xa nhau ch một mái chèo
đi trăm núi vạn đèo đến đây"
                    (Tám năm nay mới gặp nhau)

Với tôi, đó là một trong những câu thơ hay nhất của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Anh cũng còn một câu thơ viết về Bác rất giản dị, song thật xúc động:

"Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ
Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn"
                              (Cháu nhớ Bác Hồ)

Nghe nói, khi Thanh Hải được gặp Bác Hồ, Bác nói: "Nào cho chú Thanh Hải hôn Bác Hồ thật chứ không phải hôn ảnh Bác nữa". Bác cho Thanh Hải chụp riêng một tấm hình với Bác. Bác ôm chặt anh trong lòng như tình cha con. Thật vinh dự cho một nhà thơ có được những giây phút thiêng liêng như thế.

Sau này vào chiến trường Trị Thiên tôi được gặp anh lần đầu tiên ở Khu Ủy. Vừa thấy tôi, anh Trần Hoàn gọi rất to: "Thanh Hải, Quang Hà từ Huế lên đây này". Anh từ trong phòng riêng nhào ra ôm chầm lấy tôi. Thanh Hải mảnh mai, dáng thư sinh hiền lành, chất phác. Lúc ấy, tôi lại nghĩ trong lòng: "Con người viết câu thơ, "Xa nhau chỉ một mái chèo" là thế này đây”. Tôi yêu thơ anh rồi quý anh.

Thơ Thanh Hải không nhiều. Năm nay Nhà xuất bản Văn Học in tuyển tập thơ anh. Ngoài số bài đã in, lần xuất bản có thêm trường ca: "Hành khúc người ở lại" và kịch thơ "Bình minh Thành Huế" bổ sung phần quan trọng cho thơ anh.

Có lẽ chính nhờ có vào chiến trường, nên tôi hiểu thêm thơ Thanh Hải. Đọc thơ anh, như được gặp lại cuộc sống hào hùng của một thời. Từ sự quằn quại của người mất nước đang tìm đường:

"Đất ta chúng cướp chúng cày
Nhà ta chúng phá chúng xây bốt đồn
Khóc không tan hết oán hờn
Van xin đâu phải con đường ta đi"
                    (Bài ca nghĩa quân)

Tôi đã gặp con người khát vọng độc lập tự do ấy trên một nẻo đường chiến khu nào đó. Hành trang và ý chí anh, chỉ vài nét chấm phá, mà sừng sững như một cột mốc trong ký ức.

"Gạo cùng ruột nghé hai vai
Anh đi chiến dịch mưa hoài chiến khu
Lá che phên gió vù vù
Không chăn con sốt tai ù tng cơn"
                    (Hành khúc người ở lại)

Dù làm việc gì dọc đường cách mạng, người chiến sĩ vẫn bừng lên nét hồn nhiên, dù cuộc sống lầm lụi:

"Trạm giao liên giữa lùm cây
Vào ra vướng áo rách tay là thường
                   
(Hành khúc người ở lại)

Không phải binh trạm trên đường trục tấp nập đâu. Đó là những điểm hẹn bất ngờ của đường dây xuống vùng sâu, khi thu mình ở lùm cây này, khi chuyển sang lùm cây khác giữa trảng cát mênh mông trong vùng địch kiểm soát, chỉ cần lộ dấu vết, lập tức bị truy lùng. Nay sống, mai chết là lẽ thường. Tôi nhớ người du kích Phú Vang, anh cũng chỉ chuyển từ lùm cây qua lùm cây kia, không ngờ trực thăng ập đến. Anh lập tức vùi mình trong cát. Trực thăng phát hiện bóng anh, bỗng mất, nó gọi một chiếc trực thăng khác tới, mang theo chiếc cào sắt, răng như răng bừa, thả xuống cào ngang cào dọc trảng cát ấy. Răng bừa đã lật được anh lên. Bắt anh lên trực thăng, đưa về căn cứ. Cái lùm cây của Thanh Hải cứ chênh vênh trong ký ức tôi.

Nếu không bám đất như Thanh Hải, chắc chắn sẽ không có những dòng thơ cảm động về những người mẹ thắc thỏm ngóng đứa con đi xa như thế này:

"Đêm nay biết về đâu
Con đi trong rét mướt...
Con đi my năm trời
Xanh rừng da mt
Đường đêm thâm mí mắt
Thương con mẹ ngậm ngùi…
Những đêm súng đổ dồn
Càng không nm yên gic
                    (Con ơi con cứ đi)

Có gia đình như gia đình chị Ba ở Đồng Lâm, chồng, bố chồng, anh chị em trong nhà, rồi đến cả chị, cả thảy 7 người là liệt sĩ. Lần ấy tôi về thăm, gặp mẹ chồng chị Ba đang thái chuối làm dưa. Cụ đã ngoài 70 tuổi, sống âm thầm như cái bóng. Cái nền những câu thơ Thanh Hải tôi đã gặp như thế.

Sống lay lắt, đâu đã được yên. Cày làng, lập ấp, tù đày, tra khảo. Thanh Hải đã ghi lại được hình ảnh tang tóc ấy:

"Chúng nhe hàm răng
Những hàm răng vàng khé
Vung kìm nung đỏ chóe
Xông tới kẹp vào tay
Từng miếng thịt rứt bay
Chị lăn ra chết ngt"
                    (Chúng tôi không thể về)

Thấy được cái toàn cảnh ấy, mới hiểu được vì sao cầm súng lên đường, gian lao mấy cũng không thể có gì cản lại:

"Mồ hôi ướt đẫm mình như tm
Trưa lựa gốc cây ăn củ sn
Chiều nằm đá lạnh nhức xương"
                    (Hành khúc người ở lại)

Đây là hình ảnh những cô du kích bám trụ:

"K chi eng, chuyện thì dài
Ăn bờ ngủ bụi em nài chi mô
Cơm dù bữa đói bữa no
Hễ nghe có giặc em lo đi liền"
          (O du kích Triệu Phong)

Cuộc hành trình đi tìm tự do thật kỳ lạ, bởi cuộc đọ sức giữa ta và địch không cân đối. Bom đạn thật không thể lường. Ta phải huy động tất cả những gì có thể có được để kháng chiến đến cùng. Dương Hương Ly viết: "mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh. Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc". Thanh Hải cũng có cách nhìn quyết liệt của mình:

"Cđào sâu, cứ đào sâu
Dù trời xanh có nhỏ lại trên đầu
Dù cuộc sống thiếu từng giờ ánh sáng
Giặc cướp mặt đất, ta đào đất sâu làm cuộc sống"
                    (Bài ca từ một vùng địa đạo)

Riêng một xã Thủy Thanh của Thừa Thiên đào tới 3000 hầm bí mật cho bộ đội ở, xếp 3000 hầm bí mật ấy chồng lên nhau, chẳng là một công trình kiến trúc ngoạn mục của chiến tranh giải phóng đó sao.

Thanh Hải không đi tập kết. Anh ở lại. Thuộc diện cán bộ nằm vùng, cùng dân đấu tranh hợp pháp cho tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng Mỹ Ngụy đã phản bội, kéo dài chia cắt nước Việt Nam. Luật 10-59 kéo máy chém khắp Miền Nam, chặt đầu những người kháng chiến cũ. Theo thống kê, riêng Thừa Thiên - Huế, số Đảng viên cài lại tới 3000 người, nhưng lúc đồng khởi toàn Miền, số Đảng viên chỉ còn mấy chục người. Con số đã chứng minh sự khốc liệt đến cùng cực, trả giá cho tự do. Thanh Hải là một trong những người sống sót ấy. Anh được xếp vào hàng các cán bộ cách mạng "hạt gạo trên sàng". Người dấn thân, đã để lại dấu vết trong thơ anh từ những chi tiết rất nhỏ của cuộc sống:

"Gà gáy hai lần đến trạm xa
Trao xong hỏa tốc lại lui nhà
Dọc đường kiếm ít măng môn vót
Xem bẫy may ra có chú gà"
                    (Đi hỏa tốc)

Đến những khúc ca hào hùng, thơ Thanh Hải đã như cất cánh:

"Mộ anh trên đồi cao
Hoa hồng nở và nở
Hương thơm bay và bay
Mắt diều không dám ngó"
                    (Mộ anh hoa nở)

Có thể gọi đó là lời hát tiên tri về chiến thắng ngay trong lúc cách mạng đang tắm trong bể máu.

Xuyên suốt dòng thơ Thanh Hải, ở đâu ta cũng thấy chứa chan tình cảm như con người anh. Anh hết sức cảm thông với những người vợ xa chồng, mong ngày xum họp:

"Gục vào anh em khóc
Năm năm rồi anh ơi
Ghì anh em ôm chặt
Muốn nói bao nhiêu lời"
                    (Vượt tuyến)

Lúc nào cũng thấy ở anh nỗi đau đáu nhớ quê hương:

"Ba mươi năm ra đi
vẫn nhớ về quê mẹ
Từ một múi dưa khế
Đến một trách tôm kho
Bưởi thanh trà còn mô
Mẹ vô tù my lượt?"
          (Hát về Huế yêu thương)

Sống với Thanh Hải, anh rất ít nói chuyện về thơ văn, thường ngồi với nhau là kể chuyện quê hương. Có lúc mắt anh đờ đi vì những nỗi nhớ âm thầm. Điều đó có thể lý giải vì sao khi giải phóng Huế, tìm được chỗ ở ổn định, anh bàn ngay với chị Tâm, vợ anh đón ông thân lên ở cùng mình. Anh chị cố gắng chăm sóc ông bằng tất cả những gì có thể như để bù lại những năm tháng xa cách.

Khi trọng bệnh, phải nằm lại bệnh viện, tôi được cơ quan cử chạy thuốc thang cho anh. Mỗi lần ngồi bên Thanh Hải, anh cầm tay tôi, nói những kỷ niệm về cha, về vợ, có lúc anh rưng rưng nước mắt nghẹn lời. Nhất là khi cảm thấy cái chết đã đến gần, anh nhất định đòi đưa về nhà: "để mình sống thêm ít giờ phút với vợ con và gia đình".

Hôm dọn dẹp để trả phòng cho bệnh viện, tình cờ chị Tâm tìm được bài thơ anh viết tặng chị. Một bài thơ như ánh lửa bùng lên cuối trời, cái phút bùng sáng cuối cùng ấy, anh nghĩ tới vợ, như di chúc sáng trong:

"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập trong hòa ca
Một nét trầm xao xuyến"
          (Mùa xuân nho nhỏ)

Bên lăng mộ nhà thơ Thanh Hải



Bữa tiễn anh đến nơi an nghỉ cuối cùng, hoa rất nhiều, đắp đầy mộ. Anh Lương An quay qua nói với tôi: "Đúng là mồ anh hoa nở". Cho đến chết anh vẫn được bạn bè mến yêu như thế.

Trong dòng văn học cách mạng giải phóng Miền Nam, tiếng thơ Thanh Hải đã đóng góp một phần xứng đáng. Mỗi lần đọc lại thơ anh, có những câu, những chữ như nhật ký chiến trường. Thơ anh như người thư ký thời đại. Những ai, như chúng tôi, đã từng cầm súng ngày ấy đều thấy bóng dáng mình qua thơ anh. Cám ơn anh đã để lại một chút bóng dáng thời đại chúng tôi cho đời, nhất là trên đất Trị Thiên này.

Thơ anh, đúng như câu thơ anh nói về mình:

"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời"

Lặng lẽ thơ Thanh Hải đáng yêu biết bao.

1994
N.Q.H
(TCSH70/12-1994)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng