Tác giả-tác phẩm
Quyền năng của người kể chuyện ngôi thứ ba trong tác phẩm ‘Dưới bóng hoàng lan’
14:56 | 16/06/2023


NGUYỄN KIM HUỆ

Quyền năng của người kể chuyện ngôi thứ ba trong tác phẩm ‘Dưới bóng hoàng lan’
Ảnh: internet

“Dưới bóng hoàng lan” của nhà văn Thạch Lam là một tác phẩm quen thuộc đối với những người yêu truyện ngắn, nhưng lại hoàn toàn mới khi được Bộ Giáo dục Đào tạo đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 10, tập 02, từ trang 46 - trang 51, bắt đầu từ năm học 2022 - 2023. Sự thay đổi mới mẻ này khiến cho nhiều người thích thú, say mê tìm tòi và cũng nảy sinh nhiều trăn trở đối với người dạy, người học khi tiếp nhận tác phẩm.

Điều trên đã khiến tôi yêu Dưới bóng hoàng lan nhiều hơn, càng yêu càng thích khám phá “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường” (Thạch Lam). Đồng thời bản thân tôi cũng muốn có một bài học “trông nhìn và thưởng thức” về sức mạnh quyền năng của người kể chuyện trong tác phẩm. Một sự thưởng thức mới mẻ. Và mới mẻ bao giờ cũng kích thích sự tìm đường để tạo sợi dây đồng cảm, đồng sáng tạo giữa bạn đọc - nhà văn.

Truyện ngắn Thạch Lam vốn dĩ là truyện của những mảnh ghép tâm trạng. Truyện của tâm hồn một người đến với tâm hồn vạn người. Truyện của sự kết hợp giữa thơ và văn xuôi, giữa hiện thực và lãng mạn. Một thứ truyện thơm hương hoàng lan thanh tao được chưng cất từ nỗi đau đời. Điều này góp phần tạo thêm sức mạnh, ban thêm quyền năng để người kể chuyện tự do cất lên những thanh âm trong trẻo giữa bản nhạc đời vốn lắm cung buồn. Đúng như nhận định của Nguyễn Tuân: “Nhiều truyện ngắn Thạch Lam không có chuyện mà man mác như một bài thơ... đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành, mát dịu”.

Dưới bóng hoàng lan là một truyện ngắn như thế. Tiếp nhận tác phẩm từ góc độ Quyền năng của người kể chuyện ngôi thứ ba trong tác phẩm Dưới bóng hoàng lan sẽ giúp người tiếp nhận có những trải nghiệm thú vị.

1. Quyền năng tái tạo không gian

Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Mọi vật đều tồn tại trong không gian ba chiều: cao, rộng, xa và chiều thời gian. Vậy đồng nghĩa không có hình tượng nghệ thuật nào lại không tồn tại trong một không gian nhất định. Nhưng không gian nghệ thuật đặc biệt ở chỗ, người kể chuyện nhìn sự vật ở một khoảng cách, một góc nhìn cố định, tức là trong không gian.

Việc kiến tạo không gian sáng tạo, độc đáo hay không là tùy thuộc vào chính người nghệ sĩ. Họ là người cho ý tưởng để người kể chuyện làm nhiệm vụ của mình trong từng truyện kể.

Trong Dưới bóng hoàng lan, tôi thấy rõ quyền năng người kể chuyện đang tái tạo một không gian nhà vườn để bạn đọc thưởng thức. Người kể chuyện như đang ngồi nơi chiếc ghế trường kỷ lẳng lặng quan sát từng bước chân của Thanh trở về theo đúng cái kiểu phong cách của Thạch Lam.

Sau cánh cửa gỗ, “men theo con đường gạch Bát Tràng rêu phủ” là khu vườn tràn ngập ánh sáng, màu sắc, hương thơm. Cái hay của người kể chuyện ngôi thứ ba về phương diện này là khả năng tái hiện một không gian rất “trinh nguyên”. Ta có thể nhắm mắt mà hình dung theo bước chân của Thanh tới những vẻ đẹp tự nhiên, “không vướng bụi trần”. Và điều đặc biệt hơn nữa là không gian đó vẫn đẹp, dù vắng lặng, mọi sự chuyển động, đều là “khẽ” như sợ:

Không gian như có dây tơ,
Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu
                       
(Xuân Diệu)

Bức tường chạy thẳng vào nhà phải là “bức tường hoa”. Hoa của nắng và cây hòa làm một.

Lá trong vườn phải là “lá tươi non”, “lá rau tươi xanh ngắt”.
Làn gió phải “nhẹ”, nước phải “mát rượi”.
Bóng cây hoàng lan chỉ được phép “lay động”, hương thơm “thoang thoảng”.
Búp hoa lí bé nhỏ cũng “non và thơm”.
Và đất dưới chân “vẫn mát như xưa”...

Liệt kê ra nhiều chi tiết như thế này, chúng ta càng thấy rõ sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế của người kể chuyện. Mọi sự vật trong khu vườn đều hiện lên đẹp, hài hòa và dịu dàng một cách nên thơ đến lạ. “Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây” khiến cho Thanh, cả người đọc “vương phải”. Không mạnh mẽ, ồn ào, tráng lệ, tất cả đều be bé, xinh xinh, non tơ. Cái đẹp tồn tại trong khu vườn là “cái đẹp trinh nguyên” (Bùi Việt Thắng). Người kể chuyện hướng điểm nhìn vào một chút tươi non của lá, các giác quan căng tràn đón nhận hương hoàng lan. Đặc biệt vẫn cảm nhận đất dưới chân “vẫn mát như xưa”. Cái mát mẻ của lòng người. Cái mát mẻ của chất quê, hồn quê. Hay cái mát lạnh “rùng mình” của hồn người khi giật mình sống chậm lại để thấy được cả một quãng đời.

Quyền năng người kể chuyện ở phương diện này theo tôi, phát huy được sức mạnh là nhờ có sự trợ giúp của Thạch Lam. Người kể chuyện mang bóng dáng con người Thạch Lam, tâm hồn Thạch Lam “chắt chiu nồng đượm” qua từng hình ảnh, từng chi tiết. Không phải là không gian đầu mùa gió lạnh khiến những cây lan “lá rung động và hình như sắt lại vì rét” (Gió lạnh đầu mùa); không phải là không gian một chiều phố huyện “êm ả như ru” (Hai đứa trẻ); cũng không phải là không gian “sương trắng còn đầy ở các ngõ trong làng... cỏ ướt thoang thoảng bốc lên” (Cô hàng xén), trong Dưới bóng hoàng lan là một không gian trong vắt, xanh tươi. Đó sẽ là không gian mời gọi, là điểm tựa để con người trở về, và cần phải trở về. Vì đó cũng là vườn nhà, cũng là quê hương.

2. Quyền năng nắm giữ thời gian

“Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục, và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai” (Trần Đình Sử). Thông qua thời gian nghệ thuật, người đọc càng thấy được quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người. Thời gian nghệ thuật trở thành “một nội hàm có tính triết lý”. Thời gian nghệ thuật ngày càng quan trọng bởi vì con người muốn cảm nhận thế giới qua thời gian và trong thời gian.

Để diễn tả bước đi của thời gian trong truyện ngắn, người nghệ sĩ có quyền chọn thời điểm khởi đầu và kết thúc, có thể kể nhanh hay chậm, dồn dập hay khoan thai, chọn độ dài một khoảnh khắc, hay cả đời người,... Tác giả sẽ trao gửi quyền năng điều khiển thời gian đó cho người kể chuyện. Người kể chuyện hạn tri hay người kể chuyện toàn tri sẽ bố trí ma trận ngôn ngữ để thời gian được rọi chiếu, không gian theo đó hiện rõ, nhân vật từ đó chuyển mình vận động theo.

Theo lời người kể chuyện, Thanh về nhà sáng hôm trước và sáng hôm sau lại đi. Người kể chuyện cho người đọc tiếp cận không gian truyện, và các nhân vật trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Hai mươi bốn tiếng, nhưng đôi khi là nơi lưu giữ tâm hồn của cả một đời người.

Cái hay trong tác phẩm, dù là quãng thời gian không dài, nhưng không vì thế mà người kể chuyện rơi vào trạng thái tâm lý hốt hoảng để kéo theo những lời dẫn hối hả. Ngược lại, người kể chuyện thong thả theo từng bước chân, hành động, cảm nhận của nhân vật.

Sáng hôm trước -trời nắng gắt”,
Đến bể múc nước rửa mặt, Thanh thấy “những mảnh trời xanh tan tác”,
Ngoài vườn,“trời vẫn nắng”,
Nắng soi vào vai hai người,
Đêm ấy...“khi trăng lên”,
Rồi... “sáng hôm sau”.

Thời gian thong dong như người. Dĩ nhiên người kể chuyện đang cố tình lưu giữ từng khoảnh khắc khi Thanh về thăm nhà. Dù một ngày ngắn ngủi, nhưng mỗi phút giây trôi qua sẽ khiến Thanh không bao giờ quên, không thể quên những điều bình dị mà thiêng liêng ấm áp.

Người kể chuyện nhấn mạnh khoảng thời gian trưa trời nắng gắt bao nhiêu thì bên trong khu vườn, nước trong bể mát rượi bấy nhiêu, và mùi hương hoàng lan càng thanh, càng đượm bấy nhiêu. “Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối. Chàng tắm trong cái không khí tươi mát này”.

Người kể chuyện còn cố tình kéo dài thời gian khi bà đi vào nhà, với hàng loạt những hành động quan tâm yêu thương cháu:“săn sóc buông màn, nhìn cháu, xua đuổi muỗi. Gió quạt đưa nhẹ trên mái tóc chàng... bà xuống bếp làm cơm”. “tiếng dép nhỏ dần”. Cái tài của Thạch Lam không thể hiện ở những chi tiết lớn lao. Theo tôi, lắng nghe tiếng dép của bà, từ từ, chầm chậm, nhỏ dần, cũng là lắng nghe tiếng lòng mình thương bà biết mấy. Bởi không thương, không nhớ, thì âm thanh ấy chỉ đơn thuần là âm thanh mà thôi.

Và thời gian nghệ thuật như ngừng lại khi Nga nhìn Thanh: “Và nụ cười tươi nở, nàng nhìn lại Thanh, một chút thôi, nhưng biết bao nhiêu âu yếm”. Tôi thích vô cùng thành phần chêm xen ở câu văn này của Thạch Lam. Nga nhìn Thanh, “một chút thôi”. Thời gian “một chút thôi” mà ẩn trong đó bao nhiêu dịu dàng, kín đáo của người con gái. “Một chút thôi” mà quý hơn cả trăm năm hò hẹn. Tôi chợt nhớ đến Kim - Kiều phút đầu gặp gỡ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng như thế: “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”.

Phải nói người kể chuyện trong tác phẩm Dưới bóng hoàng lan có một quyền năng vô hạn về thời gian. Dù chỉ có hai mươi bốn tiếng, nhưng tình cảm giữa Thanh với bà, giữa Thanh với Nga, hay Thanh với khu vườn, căn nhà đều êm dịu, giăng mắc nhẹ nhàng từng chút. Đó là thời gian của hiện tại, là thời gian ký ức, và cũng là thời gian vĩnh cửu nâng đỡ con người lớn lên, bay xa.

3. Quyền năng toàn tri nhân vật

Bản chất truyện Thạch Lam vốn không có cốt truyện, không kịch tính cao trào. Truyện Thạch Lam là những mảnh ghép tâm trạng. Dưới bóng hoàng lan cũng không ngoại lệ. Truyện ngắn này là bức tranh tâm trạng của nhân vật Thanh, từ khi chàng khẽ mở cánh cửa gỗ bước vào nhà cho đến sáng hôm sau chàng lại đi.

Quyền năng cao nhất của người kể chuyện ngôi thứ ba được bộc lộ. Người kể chuyện biết hết từ ngoại cảnh đến tâm can nhân vật. Sự thấu suốt đôi khi đồng hiện cùng nhân vật. Lời người kể chuyện hòa nhập cùng lời độc thoại nội tâm nhân vật. Dòng chảy tâm trạng nhân vật vì thế trở nên tường tận và phức tạp hơn nhưng lại truyền tải chính xác cảm xúc của nhân vật trước mọi vật, mọi việc.

Đây là điều đặc biệt không phải nhà văn nào cũng làm được. Chính Thạch Lam từng xác nhận: “Người ta sinh ra là nghệ sĩ hay không, chứ không thể có học tập mà thành được. Muốn cố sức tìm hiểu thế nào cũng không bằng cái trực giác nhiệm màu của nghệ sĩ”. Chính vì vậy, đa số các nhân vật của nhà văn này thường nhận biết thế giới xung quanh và giao hòa với tâm hồn người khác chủ yếu nhờ cảm giác, thông qua cảm giác. Đọc truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan, ta thấy tần số người kể chuyện diễn tả cảm giác của Thanh dày đặc.

Chàng thấy mát hẳn cả người,
Chàng cảm thấy chính bà che chở,
Chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ,
Thanh cũng thấy bình yên và thong thả,
Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm,
Thanh thấy quả tim đập nhẹ nhàng,
Chàng vẫn bé quá và lại đi xa.

Trong những khoảnh khắc này, lời người kể chuyện cũng là lời độc thoại nhân vật. Sự đồng hiện giúp cho mạch cảm xúc, tâm trạng nhân vật chân thật và rõ nét, dòng chảy câu chuyện không kịch tính nhưng lại da diết, miên man khiến người đọc thấy thấm.

Đây là lời của người kể chuyện? Hay là lời của người bà? Lời của Thanh? “Bà yêu thương cháu quá, giờ chỉ có mình cháu, với mình bà”. Đọc lên sao chính ta cũng thấy rơm rớm nước mắt. Vì câu văn “thật” quá. Hay trường hợp này, lời người kể chuyện, nhưng cũng là lời của Thanh khi nói về Nga: “Hai bàn chân nhỏ, lấm tấm cát, để dấu tự ngoài ao trở về...”. Chàng Thanh phải nhớ nhiều, mới nhớ kĩ từng chi tiết nhỏ về Nga như vậy. Câu văn chia tách thành nhiều vế nhỏ, tường tận và khéo léo thể hiện được tình cảm của Thanh.

Cả những đoạn thoại nhỏ giữa các nhân vật cũng chứa đựng tâm trạng. Khi bà Thanh hỏi chuyện hoa còn non sao lại hái sớm, Nga đã trả lời bằng một câu có hàm ý kín đáo: “Anh con hái đấy ạ” kèm theo cái nhìn hướng về Thanh. Câu trả lời của Nga đã hé lộ tình cảm mới chớm e ấp giữa nàng và Thanh. Người kể chuyện không ngại ngần cho người đọc thấy được tình cảm của đôi trẻ, bằng lời nói: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”, bằng cảm nhận: “Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng thơm như có giắt hoàng lan”, bằng cử chỉ: “Thanh dắt nàng đi xem vườn” (Đáng lý ra Nga hay qua thăm vườn thì nên dẫn Thanh đi dạo chứ). Cái duyên dáng của Thạch Lam chính là những cách viết như thế. Thường những gì diễn ra trong nội tâm của con người, người ngoài không biết được. Nhưng ở lời kể ngôi thứ ba toàn tri, những vui buồn, nhớ thương của nhân vật vẫn nói ra tường tận. Đó chính là biểu hiện quyền năng có vẻ không giới hạn của người kể chuyện ngôi thứ ba.

Kết thúc tác phẩm, người kể chuyện như đồng cảm cùng Thanh. Những dòng chảy tâm lý được thể hiện “nửa buồn mà lại nửa vui”. Buồn vì chia xa. Nhưng vui vì Thanh có một nơi chốn bình yên để về, một người để thương nhớ, và một người vẫn đang nhớ thương mình. Hình ảnh cuối truyện thật đẹp: “Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương”. Thạch Lam không tạo ra tình huống Nga có mặt tiễn đưa Thanh lên tỉnh. Ngược lại chỉ là lời nhắn: “Bảo tôi có nhời chào cô Nga nhé”. Thanh nhờ bác Nhân nhắn cho Nga. Nhưng Thanh cũng đang nhờ gió, nhờ vườn, nhờ hương hoàng lan giữ hộ Nga. Và Nga cũng nhờ mùi hương ấy mà kéo Thanh một ngày khác sẽ lại trở về.

Người kể chuyện toàn tri vừa dịu dàng, vừa yêu thương cả Thanh và Nga. Giọng điệu lời kể trữ tình, và dịu ngọt. Người kể chuyện là chứng nhân cho cuộc tình đôi trẻ. Còn cây hoàng lan, mùi hương là kỷ vật của hai người.

Có thể nói, nét đậm đà trong truyện ngắn này là nét đẹp về đạo đức, văn hóa từ văn bản thông qua lời người kể chuyện. Dù ở bất kì đâu, nhà vẫn là nơi để ta về, và cần phải về. Vì đó là cội nguồn, là gia đình, là quê hương. Tình cảm của Nga và Thanh cũng là bài học cho giới trẻ về những rung động đầu đời, cần nâng niu, cần ứng xử tinh tế. Tình cảm bà và Thanh giáo dục chúng ta lối sống yêu thương, có trách nhiệm với gia đình.

“Truyện ngắn là một truyện viết rất ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái gì đó bình thường, và cái bình thường hiện ra như một cái gì không bình thường” (Paustovsky). Ý kiến trên tôi thấy hoàn toàn đúng khi đọc Dưới bóng hoàng lan. Bởi những điều bình thường trong tác phẩm này lại có sức gợi và khả năng kết nối từ tác phẩm đến cuộc đời rất nhiều.

Ẩn đằng sau những con chữ, là tiếng lòng dạt dào cảm xúc của tác giả về thiên nhiên, gia đình, con người...

Ẩn đằng sau những con chữ, là các giá trị đạo đức và văn hóa của dân tộc thêm một lần được tôn vinh...

Ẩn đằng sau những con chữ, là bài học về tình yêu thương, lối sống trách nhiệm, hài hòa với thiên nhiên...

Ẩn đằng sau những con chữ, là bao điều bình thường trở nên “không bình thường”, cứ vấn vương người đọc, ma mị người đọc như tơ, như hương, như gió, nhẹ nhàng, thanh khiết.

N.K.H
(TCSH411/05-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bệnh Đan Thiềm (24/03/2023)