VƯƠNG HỒNG HOAN
(Đọc: "Con người thánh thiện" tập truyện ngắn của Hữu Phương)
Vài năm gần đây truyện ngắn của Hữu Phương lần lượt xuất hiện trên tuần báo Văn Nghệ. Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Tạp chí sông Hương. "Con người thánh thiện" là tập truyện ngắn đầu tay tập hợp các truyện ngắn của anh viết trong nhiều năm.
Xuất hiện vào lúc truyện ngắn nước ta có nhiều diễn biến rất phong phú và đa dạng, đang có sự đổi mới về nội dung và hình thức nghệ thuật, truyện ngắn của Hữu Phương không dễ gì ngay từ đầu hấp dẫn được bạn đọc, có không ít bản thảo truyện ngắn của anh gửi đến các tòa soạn không trình diện được bạn đọc vì còn thiếu một chút gì đó. Tham gia cuộc thi truyện ngắn do Tuần báo Văn Nghệ tổ chức năm 1991, truyện ngắn "Ba người trên sân ga" của Hữu Phương đã vào đến chung kết, nhưng tiếc thay không vào sâu được trong giải. Tuy vậy đọc tập "Con người thánh thiện" người đọc không thể không dừng lại để nghĩ suy về những vấn đề mà tác giả gửi gắm một cách tâm huyết.
Số lớn truyện ngắn của Hữu Phương đi thẳng vào các vấn đề nổi cộm hiện nay trong xã hội chúng ta. Cuộc đấu tranh chống lại cái ác, điều ác trở nên bức thiết đối với từng con người và toàn xã hội. Văn chương viết về số phận con người là vấn đề muôn thuở, không có gì là cũ và không phải là mới, có chăng là cách phản ánh hiện thực cuộc sống, vấn đề biểu hiện của bản thân nhà văn có tài năng tâm huyết đến đâu mà thôi. Hữu Phương tỏ ra vững tay khi anh viết về cuộc sống đời thường với những lớp người mà anh quen thuộc, gần gũi. Con người trong tác phẩm của anh được rọi chiếu bằng thứ ánh sáng mạnh nên giúp người đọc hiểu được đâu là điểm sáng, đâu là bóng tối, đâu là quỷ dữ và đâu là thánh thiện ngay trong từng số phận của mỗi nhân vật. Ông giáo Khang, hiệu trưởng trường làng gần suốt cuộc đời đánh cắp tình yêu của người khác (con người thánh thiện) đã gây nên sự khinh bỉ trong người đọc. Ông Cảnh có những năm tháng sống hào hùng trong quân ngũ (Ba người trên sân ga) khi về với đời thường, ông như bị rối tung lên bởi các mối tình cảm ràng buộc tưởng chừng không gỡ nổi. Rồi ông giáo già dạy ở một trường đại học (Đêm hoa quỳnh nở), đến một anh chàng Toản (Đội trưởng xóm nghèo) đều được Hữu Phương thể hiện trong sự vận động của cuộc sống đời thường. Ngòi bút của anh không phải hướng đến sự chạy theo một cách viết về đời thường như một số cây bút ta thường gặp trong văn học chúng ta vài năm qua. Anh thử thách các nhân vật của mình trong nhiều tình huống, sự kiện, sự việc, để qua đó bộc lộ dần bản chất của họ. Ông giáo Khang con người đã bỏ bao công giăng bẫy cố tình chiếm được cô giáo Mận trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nơi tuyến lửa nhưng sau này trong cuộc sống đời thường ông đã phản bội vợ mình để tìm đến một cô gái trẻ khác. Và với cách cư xử đầy thánh thiện của người vợ cũ, ông nhận thấy mình chỉ là một kẻ nhỏ nhen. Ở ông, cái thiện, cái ác luôn giằng xé thôi thúc lương tâm khiến ông không thể không thức tỉnh và cái ác đành phải cúi đầu trước cái thánh thiện của con người. Cũng viết về hướng này, ở "Đội trưởng xóm nghèo", Hữu Phương phê phán cái ác trong một con người bình thường. Tuy chỉ là một anh đội trưởng, Toản vẫn trở nên một kẻ láu lỉnh, tha hóa, sống bám trên lưng đồng loại. Toản "đánh dậm" tình yêu của cô giáo Hường, chạy theo những thú vui nhỏ mọn, tầm thường ở một làng quê nghèo nàn, lạc hậu. Suốt đời anh ta đi tìm sự hưởng lạc bằng cách chiếm đoạt, lừa đảo, nhưng hạnh phúc không bao giờ đến với Toản. Viết về cái ác, truyện ngắn của Hữu Phương là tiếng kêu khẩn thiết và xót xa rằng con người hãy "đừng ai đánh cắp tình yêu và lòng tốt" của người khác, luôn luôn "cao lớn hơn một tầm" bởi vì "cuộc đời còn vị tha, độ lượng, thơm thảo hơn nhiều" (Con người thánh thiện).
Tuy có đề cập đến cái ác, truyện của Hữu Phương viết chủ đạo vẫn hướng về sự thánh thiện của con người. Xuyên suốt các tuyến nhân vật trong cả bảy truyện anh muốn đem đến cho bạn đọc một ý tưởng sâu sắc: cuộc sống là đáng quý, rất đẹp, con người chân chính là con người biết tránh xa, biết chống lại điều ác hướng đến chân, thiện, mỹ. Hữu Phương thường khai thác những hoàn cảnh trái khoáy, éo le, trớ trêu vừa gây tức cười vừa tạo nên nỗi buồn man mác qua mỗi nhân vật. Lão Điền già yếu hom hem vẫn còn "hám của trời cho" nên đến mức u mê bỏ trốn khỏi vườn dưa đầy trái lúc lỉu để đi vào cái chết (Trăng sáng vườn dưa). Bà Cảnh rất thương yêu chồng và nay tuy tuổi đã già nên không còn đủ sức giữ ông nữa, thế nhưng bà đã ghen tức, bực bội không chịu chia sẻ tình cảm cho người đàn bà trẻ đẹp khác cũng là vợ của chồng bà (Ba người trên sân ga). Ông giáo già trong "Đêm hoa quỳnh nở" đã có được một mối tình đẹp, trong sáng và lãng mạn, hạnh phúc đến với ông ngát thơm như hương hoa nhưng thật mỏng manh. Hạnh phúc của ông như bông quỳnh trong đêm khuya. Ông đã "mặc cảm", "tự ti", tự đánh mất hạnh phúc của mình rồi sau đó lại nuối tiếc, khổ đau đi tìm lại những kỷ niệm xưa cũ. Ở chuyện "Chiến tranh chấm dứt từ lâu", hoàn cảnh của Phượng hết sức éo le, đầy đắng cay và chua xót, chiến tranh chấm dứt, nhưng nỗi đau của con người do nó gây ra không dễ gì quên được. Truyện rất giàu tính nhân bản. Những con người bình dị như Phương, mệ Chiêu, và cả cu Dinh nữa làm cho người đọc nhớ mãi.
Tìm về sự thánh thiện của con người, Hữu Phương đã thực sự thân thuộc các nhân vật của mình. Anh phân tích thể hiện khá tinh tế tâm lý nhân vật qua các cung bậc tình cảm, người đọc thấy được sự hành trình của con người từ bóng tối đến ánh sáng, từ quỷ dữ đến thánh thiện. Để tự hoàn thiện mình, hành trình đó thật vất vả, đầy gian nan khổ ải, có khi diễn ra kịch liệt ngay trong mỗi một người.
Đọc "Con người thánh thiện" người đọc cảm thấy tin yêu cuộc đời. Tuy vậy không phải không có bạn đọc tự hỏi: Liệu cuộc sống có diễn ra như Hữu Phương thể hiện không? Bởi lẽ, ở một vài nhân vật, sự thánh thiện được thể hiện một cách cao độ, tinh khiết, cao xa. Vấn đề ở đây là chừng mực, mức độ, nếu Hữu Phương biết kết hợp nhuần nhuyễn sự say mê và tỉnh táo trong quá trình sáng tạo nghệ thuật./.
V.H.H.
(TCSH54/03&4-1993)