Tác giả-tác phẩm
Hành trình về lại trái tim mình
14:55 | 08/09/2023

HỒ THẾ HÀ

Nguyễn Thế Kỷ là nhà lý luận văn hóa, văn nghệ và là nhà viết kịch bản sân khấu, kịch bản văn học chuyên nghiệp. Sáng tác của anh rất đa dạng và đạt hiệu quả cao trong tiếp nhận và đối thoại của công chúng bạn đọc.

Hành trình về lại trái tim mình
Ảnh: internet

Ngoài những tác phẩm lý luận văn nghệ và khảo cứu văn hóa in chung, đến nay, Nguyễn Thế Kỷ đã có những công trình và tác phẩm in riêng như Lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam -Nền tảng và phát triển (2017, 2019), Báo chí truyền thông Việt Nam - Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn (2020), Chuyện tình Khau Vai (tiểu thuyết, 2019), Hừng đông (tiểu thuyết, 2020), Bộ tiểu thuyết 2 tập Nước non vạn dặm, tập 1: Nợ nước non (2022), tập 2: Lênh đênh bốn biển (2023). Ngoài ra, anh còn là tác giả của hàng chục kịch bản sân khấu được công diễn hàng năm và đạt nhiều giải thưởng lớn cấp quốc gia. Sức lao động sáng tạo như vậy phải nói là đáng nể phục. Bên cạnh những thể loại sở trường như trên, Nguyễn Thế Kỷ còn dành cho thơ tiếng nói trữ tình nhiều cung bậc mà Về lại triền sông* là minh chứng cho cảm xúc và tâm trạng điển hình của một hồn thơ chưa bao giờ tĩnh vật.

Trong Lời mở đầu tập thơ Về lại triền sông, Nguyễn Thế Kỷ tâm sự: “Tôi làm thơ, như đã nói, khá lâu rồi, nhưng rất ít khi gửi đăng báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình. Lại càng không bao giờ nhờ ai, gửi ai phổ nhạc. Một số bài thơ có duyên trở thành bài hát do các nhạc sĩ tình cờ bắt gặp và chắp cánh cho thơ… Hay và dở, được và chưa được/ không được, đến lúc này, đã ở lại phía sau. Tôi trân trọng gửi đến quý vị và các bạn. Rất mong nhận được sự thể tất và rộng lòng”. Lời tự bạch chân thành như vậy, làm sao mà vắng người yêu quý, cảm thông và hy vọng.

Có thể nhận xét một cách khái quát về tập thơ Về lại triền sông như sau: Tình đời, tình người và tình quê hương, đất nước cùng những kỷ niệm vui buồn, ân nghĩa quanh đời được đồng hiện trong ký ức gần và ký ức xa bằng giọng điệu trữ tình giàu tính giãi bày, chiêm nghiệm. Vốn sống, vốn văn hóa tích hợp thành kinh nghiệm quan hệ sống của người thơ thông qua thế giới hình tượng và ngôn từ chân phương, gần gũi đã làm nên chất thơ và hồn thơ Nguyễn Thế Kỷ. Thơ anh thuộc về mỹ cảm hoài niệm nhân văn, nhân ái. Đó là thành công tổng thể của tập thơ Về lại triền sông.

Trước hết là nỗi nhớ quê của một người con xa xứ. Tình quê, hồn quê trong tâm khảm nhà thơ luôn hiện lên qua từng ký ức tháng năm. Ở đó, có biết bao kỷ niệm khó phai mờ, để giờ đi xa, trong anh, càng xôn xao, lay động:

Quê ạ, có dòng sông ký ức
Cứ duềnh lên kỷ niệm xanh xa
Em nghẹn ngào đêm trăng hò hẹn
Ta vô tâm trôi dạt bến bờ
                       
(Tình quê)

Có kỷ niệm đã thành lẽ sống và triết mỹ, giúp nhà thơ thức nhận về những quan hệ bản chất và quan hệ tương tác giữa cuộc sống và con người trong quá khứ và hiện tại:

Bao buồn vui, hợp tan, thành bại
Hồn quê như cây cỏ, đất đai
Ngay cả khi về cùng cát bụi
Hóa dòng sông thao thiết rộng dài
                                   
(Tình quê)

Trong thơ Nguyễn Thế Kỷ, điểm nhìn nghệ thuật thường gắn với những hoài niệm cội nguồn là tình quê và chân quê: “Cuối đầu trước muôn vàn kỷ niệm/ Nơi ấy ai ai cũng cội nguồn”. Nghĩ về quê hương, anh nghĩ đến những gì cao hơn chính nó để trọn đời ơn nghĩa. Xứ Nghệ với những hình tượng và con người qua bao tình cảnh điển hình đã thành những cổ mẫu (archétypes) trong những thao thức ly hương của anh: “Nơi những chiếc áo tơi sờn rách/ Che nắng mưa ấp ủ yêu thương/ Quả cà mặn nuôi bao ước vọng/ Ấm chè xanh đượm nghĩa xóm làng” (Xứ Nghệ). Những ngày xa xứ, bao giờ anh cũng nhớ về Yên Thành cội rễ:

Năm ấy chuyến tàu ra xứ Bắc
Mắt nhòa núi Gám phía sau lưng
Sóng lúa mặn mòi lời mẹ hát
Đi mô cũng Rộc, Vẹo, Yên Thành
                                   
(Cội nguồn)

Trong sự ra đi, Nguyễn Thế Kỷ luôn tha thiết quay về với hành trình tâm linh sự sống giàu có và những cảm thức hiện sinh bất ngờ, vì cảnh vật đã đổi thay, mẹ cha giờ vắng bóng: “Mẹ ơi, tóc mẹ chưa kịp bạc/ Lưng mẹ chưa còng… đã mùa đông/ Đã lạnh lẽo cùng cha trong đất/ Con rưng rưng côi cút mấy triền sông” (Mẹ ơi). Cảnh cũ, người xưa cũng “chớp bể mưa nguồn”, nỗi sầu xứ càng thêm xa xót:

Bao lần về với quê hương
Nửa thương cha yếu, nửa vương nỗi nhà
Mẹ cha giờ đã non xa
Hiu hiu ngọn gió, tà tà bóng dương
Bỗng trời mấy hạt mưa buông
Lòng ta chớp bể mưa nguồn, quê ơi
                                   
(Quê ơi)

Thời gian và không gian quê nhà luôn hiện hữu trong tâm tưởng của người thơ. Ở đó, biết bao hiện thực và giả định lần lượt trôi đi và nhạt nhòa theo quy luật vốn có của chúng, nhưng tình cảm của anh thì không nhòa nhạt, lãng quên: “Có thể hoa cải vàng rơi xuống/ Gió vô tình thổi bạt tận miền xa/ Có thể giữa dòng trôi gấp gáp/ Cánh mỏng manh sóng dội vỡ oà”. Nhưng tất cả không mất đi, chúng chuyển hóa thành sự sống khác để hồi sinh, bồi lắng những mùa vui sinh nở:

Thì trong cỏ bằng kiếp xưa cát bụi
Theo mạch nguồn về lại triền sông
Thì trong nước bằng phù sa thổn thức
Mặc ngày đi. Bồi lắng. Đợi mùa.
                                   
(Hồi sinh)

Từ tình yêu quê hương, nhà thơ nghĩ đến tình yêu đất nước rộng dài. Anh liên hệ đến biển trời, sông núi, đặc biệt là những tháng ngày Trường Sa giông bão, máu xương bao chiến sĩ đã đổ xuống vì sự vẹn toàn của biển đảo yêu thương: “Biển dẫu yên mà lòng ta lại động/ Lắng tin xa những cơn bão chập chờn/ Bỗng hiển hiện trang sử thời mở cõi/ Máu cha ông còn bầm đỏ hoàng hôn” (Thao thức Trường Sa). Và lòng nhà thơ lại thao thức cồn lên cùng sóng gió:

Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió
Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa
Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc
Áp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhòa
                                   
(Thao thức Trường Sa)

Trường Sa, Hoàng Sa là một phần lãnh hải máu thịt của nhân dân, dễ gì kẻ thù xâm lấn. Biển đảo chưa bình yên, lòng căm thù còn bão tố: “Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc/ Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa/ Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão/ Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà” (Tổ quốc). Ý thức gìn giữ chủ quyền Tổ quốc, non sông được huy động không chỉ trong hiện tại mà bằng cả sức mạnh lịch sử oai hùng của cha ông trong quá khứ. Nhà thơ liên hệ đến mọi tiềm năng văn hóa để khơi gợi lòng yêu nước của con người hiện tại:

Ào ạt mấy ngàn năm… Thánh Gióng
Mới lên ba đã giáp sắt, tre ngà
Câu thơ thần nhuộm đỏ sông Như Nguyệt
Đỏ Bạch Đằng cuồn cuộn sóng bể xa
                                   
(Tổ quốc)

Trên khung cảnh chung là tình quê hương, Tổ quốc, Nguyễn Thế Kỷ khơi dậy bao quan hệ mới có tính thời sự - thời đại để truy tìm lẽ sống và sự thật:

“Biển xanh ôm ấp trời xanh/ Rồng Tiên thuở ấy sinh thành Trường Sa/ Trùng khơi nào có ngái xa/ Long lanh hạt cát đã là quê hương” (Trường Sa). Những người lính đảo đã từ tình cảm riêng tư để vươn đến tình yêu đất nước rộng dài. Trong chiến đấu gian khổ, họ có chung tâm hồn, có chung gương mặt và có chung tình đồng đội cao đẹp:

Ở đây chẳng có gì riêng
Lá thư chung đọc, nỗi niềm chung lo
Đêm vui chung một câu hò
Nhớ thương chung một cánh cò hoàng hôn
                                   
(Trường Sa)

Tình yêu quê hương được mở rộng liên hệ với các miền quê khác để thấy sự phong phú của cảnh sắc và địa - văn hóa từng vùng quê. Chợ tình ở Khau Vai được tác giả đồng hiện trong mối quan hệ trữ tình đáng yêu và đáng nhớ, bắt đầu là quan hệ chung: “Chợ tình chẳng mua chẳng bán/ Vẹn nguyên lối cũ gót xưa” để rồi liên hệ đến quan hệ cụ thể từ cõi lòng sâu thẳm: “Vẹn nguyên chín đợi mười chờ/ Vẹn nguyên tình đầu dang dở/ Gom nhặt cả chiều lầm lỡ/ Thành men kỷ niệm chiều nay” (Khau Vai). Khau Vai đã là nỗi nhớ để nâng niu, dù đường đời lắm nẻo cách chia, dang dở, nhưng tin yêu thì mãi mãi xuân thì:

Số phận có chiều ai đâu
Đường đời rẽ về lắm ngả
Khau Vai, Người nhân hậu quá
Nâng niu góc nhỏ âm thầm
                       
(Khau Vai)

Đến sông Mã, anh nhớ về nhà thơ Quang Dũng và những người lính Tây Tiến một thời “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” để tự hào, ân nghĩa và mơ ước những điều giản dị nhất trong ngày hội hoa ban đến với những người lính “oai hùm” trong hiện tại, khi đất nước hồi sinh:

Tráng sĩ năm nào sông Mã ơi
Mơ chi kiều nữ chốn xa xôi
Về đây trẩy hội hoa ban nở
Sơn nữ Mường La đẹp lịm người
                       
(Hội hoa ban)

Đến Cần Thơ, tác giả nghĩ về những điều thiêng liêng, nhân hậu từ sự ra đi vào cõi vô cùng đầy thương xót của người bạn năm xưa: “Đâu rồi nơi bạn ta nằm lại/ Lục bình thành nấm mộ trên sông/ Màu hoa tím đỏ như màu máu/ Như ngọn đèn chong mấy lỡ làng” (Chiều Cần Thơ). Trong mạch cảm xúc hoài vọng đó, anh liên hệ đến bi tình của nàng Tô Thị thuở non sông binh đao, trận mạc: “Sau ngàn năm, sau vạn năm/ Tôi theo câu hát xa xăm tìm về/ Nẻo đường hun hút sơn khê/ Vẳng trong gió núi vỗ về lời ru” (Trước nàng Tô Thị). Nhà thơ nghe được từ hồn đá vọng lời thiên cổ bi ai, thủy chung và son sắt:

Tôi đi trong ngẩn ngơ chiều
Vọng từ hồn đá bao điều đơn sơ
Hóa thành non nước đợi chờ
Nàng Tô Thị chẳng chơ vơ giữa đời
Tim hồng còn rỏ máu tươi
Chảy trong huyết quản triệu người nhân gian
Mắt còn vời vợi Nam Quan
Tảo tần dáng núi non ngàn bãi dâu
Ngàn năm mây trắng trên đầu.
                       
(Trước nàng Tô Thị)

Tư duy thơ Nguyễn Thế Kỷ luôn đặt trong liên hệ trực tiếp và gián tiếp với nhiều hiện tượng, sự vật để làm bật lên “lượng thông tin tâm hồn” nhằm thông điệp đến người đọc các trạng thái nhân sinh, thế sự. Nghĩ về thời gian và sự vô thường của con người và tạo vật, tác giả liên hệ đến mùa xuân, giọt sương và hoa cỏ - những đối tượng vừa mỏng manh, dễ tan biến vừa vĩnh cửu, tươi xanh. Chúng luôn tương tác và đối lập để tồn tại từ nguyên sơ cho đến tận bây giờ:

Giọt này tiếng của mùa xuân
Xanh xao như cỏ trong ngần như sương
Mang mang như khói như hương
Nguyên sơ giữa chốn vô thường đêm nay
                       
(Tiếng mùa xuân)

Nghĩ về mình ngày sau không còn nữa, anh tâm sự cùng con bằng kinh nghiệm sống của loài cây. Chúng diệp lục cho cây non bằng xác lá của mình. Còn con người thì họ mang trái tim vĩnh cửu trong từng giọt máu đỏ tươi để truyền sự sống thật cho con cháu mai sau. Cứ thế, con người luôn mang khát vọng sống vĩnh hằng để làm người có ích cho mỗi nhân sinh và nhân vị:

Rồi một ngày cha mẹ thành cát bụi
Lá vàng bay về gốc nuôi cây
Dồn nhựa sống vững cành, xanh lá
Tình yêu con, kiếp nữa, hao gầy
                       
(Viết cho con trai trên Facebook)

Nếu nói thơ là kết tinh từ cái tôi trữ tình tác giả/ ngôi thứ nhất thì thơ Nguyễn Thế Kỷ thể hiện cái tôi nhà thơ của mình một cách chân thành, đa cảm xúc. Bên cạnh cái tôi nhân sinh - thế sự nói trên, anh dành nhiều hoài niệm tình yêu của riêng mình với nhiều cung bậc vừa hiện thực vừa lãng mạn:

Ngày ra đi mùa thu thêm một tuổi
Phố heo may bỗng ấm chút nắng vàng
Có ai biết lặng thầm sau giọt nắng
Ta lại về chắn nẻo đông sang
                       
(Ta lại về)

Bâng khuâng, có khi chỉ là ảo ảnh là trạng thái có thật của những người đa tình và đa cảm. Trong thơ Nguyễn Thế Kỷ, thường xao xác và bâng quơ những cảm xúc tình yêu thời tuổi trẻ, chúng bất chợt đến, bất chợt đi như làn hương thơm và cơn gió thoảng:

Hà Nội đôi khi chỉ là chút gió
Mắt lá răm vành nón chấp chao
Lá sấu rơi chạm mùi hoa sữa
Thành bâng khuâng một cõi mơ về.
                       
(Thu Hà Nội)

Dù vậy, Nguyễn Thế Kỷ vẫn lưu giữ những hoài niệm tình yêu thuở hoa niên đẹp đến nao lòng: “Năm ấy tôi tròn mười bảy tuổi/ Phượng hồng thắp lửa đáy mắt ai/ Câu thơ dang dở như có lỗi/ Lòng đã bâng khuâng những khoảng trời”. Từ đó, anh nhớ về trường cũ, lớp học xưa trong thảng thốt vì dâu bể, đổi thay:

Năm ấy nơi xa mà thảng thốt
Nghe tin trường cũ bể dâu rồi
Làm sao đổi được sao xóa được
Mái trường máu thịt của đời tôi
                       
(Cội nguồn)

Đọc những dòng thơ trên, tôi chợt nhớ về bài thơ Trường huyệncủa Nguyễn Bính ra đời cách nay gần một thế kỷ:

Em đi phố huyện tiêu điều lắm
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
Mà đến hôm nay anh mới biết
Tình ta như chuyện bướm xưa thôi

Hai tình cảnh và hai không - thời gian khác nhau, chỉ giống nhau về sự đổi thay của cảnh cũ, trường xưa. Nhưng ai dám bảo rằng, trong tình cảm: “Làm sao đổi được sao xóa được/ Mái trường máu thịt của đời tôi”, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ không nghĩ đến chuyện tình của mình thời học sinh gấm hương, hoa mộng. Trong đau chung, nỗi đau riêng càng thêm ý nghĩa là vậy!

Thơ tình yêu nguyên ủy và đẹp thời giảng đường và đèn sách ở Mễ Trì của chàng sinh viên ngày nào giờ vẹn nguyên trong ký ức ngày xanh, dù thời gian luôn tiến về phía trước: “Vẩn vơ gom nhặt xuân thì/ Bằng lăng tím lối Mễ Trì chiều nay/ Người xưa giờ cuối chân mây/ Chuyện xưa nào dễ tháng ngày phôi pha”. Để giờ, ký ức gọi ký ức đồng hiện vào chiêm bao, mộng mị:

Tóc xanh giờ đã pha màu
Mộng mơ gửi lại phía sau cổng trường
Tìm về giữa chốn yêu thương
Bờ cây còn đó giảng đường còn kia
Khác chăng cô bé tóc thề
Gọi ta bằng chú vụng về xưng em
Ngỡ ngàng như lạ như quen
Bước chân lạc lối giữa miền chiêm bao
                       
(Mễ Trì chiều nay)

Nhận xét về chất thơ và hồn thơ Nguyễn Thế Kỷ, GS. Hà Minh Đức viết: “Thơ Nguyễn Thế Kỷ chân thật, gắn với những cảnh đời nhiều xúc động, không hoa mỹ tô điểm, cái tôi luôn hồn nhiên, ngây thơ; lời thơ chân tình mộc mạc hợp với chủ thể sáng tác” [Cảm nghĩ về văn chương và thời cuộc, Nxb. Văn học, 2020, tr.137-138]. Chúng tôi đồng cảm với ý kiến trên, nhưng cũng cần thấy rõ thế mạnh căn bản của Nguyễn Thế Kỷ. Đó là vốn sống và vốn văn hóa, triết mỹ của anh đã quy định cách chiếm lĩnh hiện thực và hình thành cảm hứng trữ tình, cái tôi trữ tình cùng việc tạo ý thơ, tứ thơ - những yếu tố làm nên thành công của chỉnh thể thi phẩm. Các thể thơ mà anh quan tâm là thơ cách luật: lục bát, thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ... với cách gieo vần quen thuộc của thơ Việt hiện đại một cách nhuần nhuyễn: vần truyền thống (rime traditionelle), vần gián cách (rime croisée), vần liên tiếp (rime suivie). Tiết tấu/ nhịp điệu trong thơ Nguyễn Thế Kỷ linh hoạt, tuân thủ theo nhịp ngữ pháp của từ ngữ, đồng thời cũng tuân thủ theo nhịp điệu tâm hồn và cảm xúc bên trong của nhà thơ nên dễ truyền cảm trong người đọc. Những câu thơ lục bát của Nguyễn Thế Kỷ được hạ bút một cách tự nhiên, quyến rũ, phù hợp với tâm trạng cần diễn tả của chủ thể trữ tình. Theo tôi, bên cạnh các thể thơ truyền thống, anh cần thể nghiệm thêm thể thơ tự do theo tinh thần cách tân hiện đại, hậu hiện đại của thơ trẻ hiện nay chắc chắn anh sẽ thành công, phù hợp với tầm đón nhận của độc giả đương đại, nhất là độc giả trẻ. Dĩ nhiên là cũng cần đề phòng tình trạng mới mà không hay hay nhưng lại không mới để chọn cách tư duy và thể hiện thi pháp theo tạng thơ riêng và thể thơ sở trường của mình.

*

Tập thơ Về lại triền sông là kết quả của hơn mấy mươi năm sáng tác và lưu giữ của Nguyễn Thế Kỷ. “Hay và dở, được và chưa được/ không được, đến lúc này, đã ở lại phía sau. Tôi trân trọng gửi đến quý vị và các bạn”. Với lời phi lộ chân thành như thế đã bao hàm sự ước muốn tự mình vươn lên để có thơ hay với thế giới ngôn từ - hình tượng - tư tưởng hấp dẫn, mới mẻ. Với tiềm năng và nỗ lực sáng tạo trên hành trình về lại trái tim mình, tôi tin rằng Nguyễn Thế Kỷ sẽ tạo nên những cách tân và thành công mới ở thể loại thơ trong tương lai.

Vỹ Dạ, 18/3/2023
H.T.H
(TCSH414/08-2023)

---------------------------
* Về lại triền sông của Nguyễn Thế Kỷ, Nxb. Văn học, 2017.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng