Tác giả-tác phẩm
Sống và viết trên quê hương
14:45 | 19/09/2023

NGUYỄN KHOA ĐIỀM

(Trích Báo cáo tại Hội nghị thành lập Chi hội Nhà văn Bình Trị Thiên do Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trình bày)

Sống và viết trên quê hương
Ảnh: tư liệu

... Nếu văn học là một kết cấu đặc biệt của chính cuộc sống thì nhà văn có nghĩa vụ nặng nề trước hàng triệu công chúng là chủ thể sáng tạo cuộc sống đó, hiện thân của cuộc sống đó.

Một câu hỏi được đặt ra là công chúng hôm nay mong muốn điều gì trên mỗi trang viết của chúng ta? Thiết nghĩ, có thể xác định 3 vấn đề:

- Một là: người đọc muốn bắt gặp thái độ phân minh, rạch ròi của nhà văn trong việc định rõ các giá trị xã hội của con người, sự vật, hiện tượng đang không ngừng biến đổi trước sức mạnh tự nhiên, xã hội và khoa học kỹ thuật, để từ đó chỉ dẫn cho họ những tìm kiếm tích cực hơn, có ý nghĩa hơn.

- Hai là: người đọc muốn nhìn thấy ở nhà văn một sự quan tâm sâu sc đến mỗi s phận con người, sức phát hiện những vấn đề đặt ra trước mỗi một nhân cách để từ đó dấy lên những sức mạnh mới mẽ, thậm chí chưa từng biết đến, góp vào toàn bộ cuộc sống chung.

- Ba là: người đọc muốn nhà văn giúp họ nối kết, bắt rễ vào lịch sử, vào truyền thống văn hóa, khả dĩ nâng đỡ con người tồn tại vững vàng hơn, sâu xa hơn, vượt lên trên mỗi biến cố, sự kiện hằng ngày chóng qua.

Có thể hình dung ba vấn đề trên như mối tương quan “ba chiều” giữa xã hội - cá nhân - lịch sử, một cấu trúc đảm bảo sự tồn tại của con người. Có thể tin rằng một nền văn học lớn sẽ là nền văn học đủ sức đối thoại với người đọc trên 3 vấn đề cơ bản đó và do đó có thể làm giàu cho đời sống tinh thần của con người. Vấn đề mấu chốt đặt ra ở đây là chừng nào mỗi người viết chúng ta trang bị đầy đủ cho mình thế giới quan của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa và một thái độ dấn thân tích cực vào thực tiễn cách mạng thì chừng đó chúng ta mới có được sức mạnh chân chính của một cuộc đối thoại lớn.

***

Những bước đi của lịch sử đất nước đã để lại những dấu ấn không phai mờ trên mảnh đất Bình Trị Thiên chúng ta. Từng là vùng đất “phên dậu” buổi đầu, cho đến khi là bàn đạp vào Nam ra Bắc của cha ông xưa, nơi đây đã diễn ra biết bao trận quyết chiến chiến lược và cũng là nơi chịu đựng những cuộc phân cực lớn nhất trong lịch sử, cũng là nơi khơi đi tuyến đường Hồ Chí Minh vang dội thế kỷ này; mảnh đất chúng ta chính là nơi những giá trị Việt chịu những thử thách thật quyết liệt và định hình thật gân guốc. Con người Bình Trị Thiên sống gian lao giữa bão lụt triền miên, gió nam cát trắng, khói lửa chiến tranh, đau thương chia cắt, biến động kinh kỳ... cũng là con người sống hào hùng với buổi Nguyễn Huệ lên ngôi, mùa thu tháng Tám toàn dân khởi nghĩa và cũng là con người sống sâu xa nhuần nhị với cả kho tàng nghệ thuật cổ điển và dân gian phong phú, với tất cả thiên nhiên tươi đẹp. Trong cốt cách tâm hồn con người xứ Huế chúng ta dễ nhận ra nét đôn hậu giàu sức cảm thông, thái độ coi trọng các giá trị tinh thần và sự lắng đọng nội tâm, khả năng tinh tường về đời sống tâm lý và vẻ uyển chuyển trong xem xét lĩnh hội các sự vật, hiện tượng. Đó là một công chúng lớn của văn hóa và văn học.

Được soi sáng tiếp sức từ trí tuệ cách mạng và tâm hồn nhân dân, đại bộ phận anh chị em viết văn Bình Trị Thiên có mặt hôm nay đều bắt đầu nghề nghiệp của mình từ những ngày kháng chiến, người có tuổi thì kháng chiến chống Pháp, người trẻ hơn thì kháng chiến chống Mỹ. Hình như nếu không có kháng chiến thì không có những người viết chúng ta hôm nay. Và cũng hình như nếu không lớn lên trên chính mảnh đất này, gắn bó với đời sống văn nghệ có gốc rễ sâu xa của nó thì cũng không thể có đội ngũ cầm bút hôm nay. Nhiều năm dài chúng ta đã viết trong bom đạn, dưới hầm hào, giữa lòng đô thị rực lửa xuống đường, đã sống với ba-lô và khẩu phần người lính. Chúng ta sống với nhân dân và nói tiếng nói của người chiến đấu. Anh Thanh Hải đã làm thơ về cơn sốt rừng và ngày về Huế anh mất đi cũng vì di hại những cơn sốt đó, để lại trong lòng chúng ta xúc cảm không nguôi về một cách sống và thái độ sáng tạo đẹp đẽ. Các anh Hồ Vy, Dương Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha, Dương Tử Giang chưa kịp viết nhiều trước ngày ngã xuống, nhưng mỗi bài thơ các anh còn trẻ trung một thời thi sĩ của các chàng trai Huế ngày nào lên đường.

Nhìn lại hơn 30 tập sáng tác gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, trường ca, bút ký, kịch bản văn học... được viết ra từ những năm tháng gian lao đó chúng ta có quyền vui mừng về cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với cách mạng và văn học và ghi nhớ mãi về một cách sống và viết mà chúng ta đã chọn đúng.

Nhắc lại những trang viết từ chiến tranh những người viết văn Bình Trị Thiên chúng ta không quên hình ảnh nhà văn cả nước đã đến bên mình nói lời tình nghĩa, giúp đỡ, dìu dắt mỗi anh chị em và nêu cao tấm gương sáng tạo. Chúng ta nhớ mãi hình ảnh các anh ngày nào trên chiến khu Cùa, Dương Hòa, trên đất lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, trên tuyến đường 559 và đường 9 anh hùng, dưới mái lá Trường Sơn và trên một vùng Quảng Trị ngày đầu giải phóng...

10 năm lại đây chúng ta hăm hở bước vào một thời kỳ mới. Nhớ ngày nào trở lại trước mắt chúng ta 3 đô thị của tỉnh nhà chỉ còn là một đống gạch vụn và thành phố duy nhất còn lại - Huế - cũng xơ xác, hoang tàn sau bao lần bom đạn, “di tản”. Ở các làng quê mìn dày đặc trong vườn, ngoài ngõ. Bao nhiêu gia đình không có người về, bao nhiêu người không có việc làm. Kẻ thù lại dấy lên những cuộc chiến tranh mới. Chúng ta đã sống với tất cả nỗi cao cả và gian khó của nhân dân, gắn bó thiết thân với một tổ chức Đảng kiên cường, những trang viết của chúng ta lần đầu vươn tới cái bộn bề và đa dạng của cuộc sống. Cũng như những năm chiến tranh, trong 10 năm qua nổi lên điều đáng quí là những cây bút của chúng ta - dám chấp nhận sự có mặt bền bỉ của mình trên một mảnh đất, khao khát đi tới gốc rễ cái thế giới con người mình từng lựa chọn, tin tưởng ở chiều dày của các truyền thống văn hóa và sự độ lượng của tương lai. Chúng ta ít nhiều biết lo cho nhau và lo cho người trẻ hơn. Chúng ta góp sức xây dựng Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên cái nôi những buổi đầu văn học của chúng ta, xây dựng tạp chí Sông Hương, tích cực cộng tác với Nhà xuất bản Thuận Hóa. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các cơ quan hết lòng giúp đỡ, thông cảm, chăm sóc những nhà văn của mình. Rõ ràng chúng ta đã chuẩn bị đủ cho mình những tình cảm cùng thái độ và điều kiện làm việc cần thiết để có thể sáng tạo lâu dài cho một vùng đất, cho nền văn học nước nhà. Lực lượng tác giả thơ của ta ổn định và có sức tìm tòi, vươn tới. Lực lượng văn xuôi bắt đầu có người chuyên sâu trên mặt trận công nghiệp, nông nghiệp và viết về chiến tranh. Lực lượng phê bình nghiên cứu dịch thuật đang định hình. Chúng ta đang phát hiện và bồi dưỡng nhiều cây bút trẻ có dấu hiệu tốt. Liên tiếp những năm gần đây các nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Đức, Lâm Thị Mỹ Dạ đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn, nhà văn Nguyễn Khắc Phê nhận được giải thưởng của Tổng Công đoàn. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ và Mai Văn Tấn được Trung ương Đoàn tặng huy chương “Vì thế hệ trẻ” do những đóng góp văn học cho tuổi trẻ. Nhiều tác phẩm của các nhà văn Bình Trị Thiên được giới thiệu ra nước ngoài.

Chúng ta hiểu rõ những nhược điểm của mình, mà có lẽ cái quan trọng nhất là sự thiếu hụt những hiểu biết phong phú về một đời sống lớn và khả năng tổng hợp tất cả thành những giá trị tinh thần sâu xa theo một quan niệm sống thực sự vững vàng.

Nhưng chúng ta tin tưởng ở chính mình bởi vì chúng ta tin tưởng ở cuộc sống và dám gắn mình với cuộc sống cao cả dữ dội của nhân dân trên mảnh đất này.

***

Việc Hội Nhà văn Việt Nam quyết định thành lập Chi hội Nhà văn Bình Trị Thiên đã khẳng định sự có mặt cần thiết của anh chị em cầm bút trên một vùng văn hóa, đem lại lòng tin và những điều kiện làm việc mới. Chúng ta đã có một tổ chức; một tổ chức khiêm nhường gồm 17 nhà văn. Nhưng chúng ta quí trọng tổ chức hôm nay với tình cảm của những người từng biết đến giá trị và sức mạnh của những tổ chức cách mạng đầu tiên được nhen nhóm trong vùng trắng ngày trước.

Cố gắng của Chi hội chúng ta là hết sức chăm lo cho công việc của nhau để cho người nào cũng viết được nhiều, viết hay về Bình Trị Thiên và Tổ quốc thân yêu của mình. Bằng cố gắng cá nhân mỗi nhà văn và sức mạnh tổ chức, chúng ta làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong phong trào văn học tỉnh nhà, liên kết với các nhà văn gần xa, chăm lo giúp đỡ các bạn viết trẻ, chủ trì các sinh hoạt nâng cao nghề nghiệp văn học. Chi hội sẽ thường xuyên liên hệ và tranh thủ sự giúp đỡ chỉ đạo của trung ương Hội, đặt mình trong cơ chế lãnh đạo của tỉnh, là thành viên tích cực của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên.

Để đánh dấu năm 1985 lịch sử, Chi hội đề nghị các nhà văn tham gia xây dựng một công trình tập thể: “Kỷ niệm những ngày sống và viết trên mảnh đất Bình Trị Thiên”, dự kiến phát hành nhân 40 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Nhân dịp này chúng tôi trân trọng mời các đồng chí trong Ban chấp hành Hội Nhà văn và các nhà văn trong nước đã ít nhiều có mặt trên mảnh đất Bình Trị Thiên tham gia vào tập sách để cùng nhắc nhở những năm tháng không quên trong đời sống văn học chúng ta...


N.K.Đ
(TCSH12/04-1985)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng