Tác giả-tác phẩm
“Từ khóa” Huế trong cảm xúc thơ Trương Nam Hương
10:12 | 18/12/2023

NGÔ ĐỨC HÀNH

Huế là vùng “đất thơ”. Không chỉ các nhà thơ gốc Huế mà các nhà thơ, nhà văn có dịp ghé Huế đều muốn chọn Huế làm “nhân vật trữ tình”.

“Từ khóa” Huế trong cảm xúc thơ Trương Nam Hương
Ảnh: tư liệu

Đến Huế, chắc chắn sẽ “tức cảnh sinh tình”, chưa có bài thơ về Huế, dễ nhận ra “mắc nợ”, “vô tình” với Huế. Chưa nói đến sáng tác, thơ về Huế luôn mang đến cho người yêu thơ cảm xúc đặc biệt.

Trong số các nhà thơ đương đại viết về Huế, phải kể đến nhà thơ Trương Nam Hương. Nàng thơ - phu nhân nhà thơ, có lần nói: “Anh Hương yêu Huế hơn yêu em”. Cũng đúng thôi, dẫu lời nói có gia vị của dỗi hờn.

Ngoài tình cảm chung với Huế, Trương Nam Hương có tình cảm riêng, với tư cách một nhà thơ có cố thổ là Huế. Thân phụ nhà thơ Trương Nam Hương là người Huế, ông tập kết ra Bắc, rồi lấy vợ quê Bắc Ninh. Tuổi thơ Trương Nam Hương gắn bó với Hà Nội, sau thời gian ngắn ở Huế, Biên Hòa, gia đình ông định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay. Trương Nam Hương từng học trường Cấp 2 (nay là Trung học cơ sở) mang tên Đại thi hào Nguyễn Du, của Huế.

Trương Nam Hương từng “tự bạch” trong thơ mình: “Trong tôi có chút sâu đằm/ Của Kinh Bắc với thâm trầm Cố đô/ Sông Hồng hắt đỏ lên thơ/ Tôi buông lục bát xanh bờ Hương giang” (Gửi hai dòng sông quê).

Có thể nói trong trái tim thơ Trương Nam Hương có nhiều dòng sông như sông Cầu (Bắc Ninh), sông Hồng (hay sông Cái, sông Mẹ), sông Hương... Mỗi dòng sông có một vị trí riêng, nhưng sông Hương luôn vỗ vào tâm thức Trương Nam Hương. Hay nói cách khác, nhớ đến sông Hương, cả khoảng trời ký ức bật dậy trong tâm hồn nhà thơ. Sông Hương với anh không chỉ là cố thổ, là văn hóa, là Nhã nhạc, thành quách... mà còn là tâm linh.

...

Anh vịn màu rêu Huế để yêu em
Trước thành quách bao đời em cứ trẻ
Sông Hương chảy thon mình qua dâu bể
Anh mượn vành nón Huế... buổi về thăm
Anh vịn lên mưa nắng những thăngtrầm
Những cơn bão của vần xoay thế cuộc
Vững như núi, Huế lại đằm như nước
Vạt áo dài mây trắng xuống thi ca.
                             
(Màu Huế)

Nhà thơ Mai Văn Hoan - người bạn vong niên của cố nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo kể rằng: “Hai câu thơ xuất thần của Nguyễn Trọng Tạo về Huế Sông Hương hóa rượu ta đến uống/ Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say ông nghĩ ra lúc say rượu. Hôm sau người bạn nhậu đọc lại cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chép lại”. Đây là bài thơ ngắn nhất về Huế, chỉ có hai câu và là một trong những bài thơ găm vào lòng bạn đọc, trở thành “từ khóa” cảm xúc. Trương Nam Hương cũng có đôi lần say với Huế “Liêu xiêu trăng ngã trên đầu/ Có hai kẻ dại qua cầu thi nhân/ Sóng buồn vỗ mãi bàn chân/ Sông Hương cũng chảy theo vần, Huế ơi” (Ngẫu hứng đêm Huế).

Nhà thơ Trương Nam Hương vừa bước qua “lục thập hoa giáp”. Ở tuổi không còn trẻ nhưng thơ như người, luôn thánh thiện, trong veo. Văn học là nhân học, rất đúng với Trương Nam Hương, nếu ai từng đọc thơ anh.

Thường ở tuổi không còn trẻ con người ai cũng trân trọng ký ức, nâng niu hoài niệm. Có thể nói Trương Nam Hương đã phác họa thành công “thiên tính” ký ức trong thơ.

...

Anh về nhặt tuổi mình xưa
Bốn mươi năm đủ gói vừa nhớ quên
Đền đài rêu phủ xanh tên
Em hây hẩy muốt mùa sen nguyệt cầm

Ngự Bình thông biếc từ tâm
Sông Hương thầm nhắc ta cầm tay nhau
Thời gian lệch gió trên đầu
Sớm hay sợi tóc chuyển màu sang trưa
                             
(Nhặt tuổi mình)

Sông Hương, núi Ngự, Vỹ Dạ, chùa Thiên Mụ, tiếng chuông Từ Đàm, thành quách, rêu phong, nắng, mưa, áo dài, tím Huế, tiếng "dạ" của người Huế... Trương Nam Hương ví von Huế dịu dàng như bàn tay thiếu nữ: “Chụm năm ngón hóa Kinh thành/ Thẳng lên hóa núi Ngự Bình thông reo/ Chỉ tay mấy nhánh vòng vèo/ Hóa Hương giang nước trong veo bốn mùa/ Khum vào hóa nón bài thơ/ Mở ra buồm đón gió lùa Thuận An/ Uốn mềm tay hóa đò ngang/ Chỉa riêng ngón cái đa mang - mái dằm/ Nắm niu cả nỗi khôn cầm/ Ghét thương nắng dại mưa lầm mới buông/ Giọt chiều Thiên Mụ ngân chuông/ Hứng long lanh Huế vui buồn trên tay!” (Huế trên tay).

Huế là đất Kinh đô cũ, đất của Phật giáo... Với sự quan sát tinh tế của mình, hình tượng trong thơ Trương Nam Hương trở nên ám dụ. Hay nói cách khác, Trương Nam Hương là nhà thơ Á Đông, trong thơ anh có vẻ đẹp của hư vô trong giáo lý nhà Phật. “Cau vườn Vỹ Dạ sau mưa/ Nhớ Hàn Mặc Tử nắng vừa qua đây/ Tương tư lá trúc nghiêng gầy/ Gió xoa ngang mặt tháng ngày trái xoan”; “Lặng vào tiếng dạ hiền ngoan/ Muốn hôn nắng Huế gặp toàn Huế mưa” (Nhặt tuổi thơ mình).

...

Em nằm xanh nhé, sông Hương
Ta nghiêng núi Ngự ngồi thương... dịu dàng
Khỏa vào trong vắt mênh mang
Có soi kịp nếp cũ càng tháng năm

Khói sương dâu bể toan cầm
Lại e vương nỗi thăng trầm ngón tay
Chẳng hòa tan được rủi may
Huế cho không cả ly đầy... bóng vua
                             
(Riêng với sông Hương)

*

Tài thơ Trương Nam Hương bộc lộ từ sớm. Khi mới ngoài 20 tuổi. Trong một lần về thăm Huế, anh nhận ra tính cách của quê mình: “Huế thường kín đáo vậy thôi/ Cả khi Huế biết là tôi trở về/ Huế không vồn vã mô tề/ Có thương đứt ruột chớ hề tỏ ra/ Huế mình giàu có thi ca/ Không sao dắt mệ bước qua phận nghèo/ Sông Hương cũng dốc cũng đèo/ Câu hò mái đẩy gieo neo nổi chìm” (Huế buổi về thăm 1985).

Trương Nam Hương xuất bản Khúc hát người xa xứ (Nxb. Trẻ, 1990) và cho đến nay ông đã có 12 tác phẩm. Về thành tựu, Trương Nam Hương đã có 10 giải thưởng; giải nào cũng danh giá, nhưng phải kể đến Giải thưởng Văn nghệ Quân đội (1989 - 1990) và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1991), nhiều giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các giải thưởng khác.

Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng là Ủy viên Ban Chấp hành - Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (từ 2000 đến 2020 ). Đối với Hội Nhà văn Việt Nam, Trương Nam Hương từng là Ủy viên Hội đồng Thơ (khóa 8, khóa 9).

Có thể nói, nếu thi ca là một “tôn giáo” của vẻ đẹp thì Trương Nam Hương từ lâu đã được chọn là một tông đồ. Ngoài thơ và dịch thơ, ông không “sân si” một lĩnh vực nào khác. Dẫu “thế giới xô lệch”, đa biến; văn chương cũng đang “đa cảm”, “bươn bả” với nhiều xu hướng, phong cách nhưng Trương Nam Hương luôn vậy, bình thản, thánh thiện. Ông tiếp tục sáng tạo thi ca những gì thuộc về nhân bản, phụng sự “sứ mệnh” tôn vinh cái đẹp. Dẫu viết về thân phận, suy tư về nước mắt thì anh cũng tìm ra vẻ đẹp của nước mắt, mở ra bầu trời hy vọng.

Ngay từ khi bước vào thi ca, Trương Nam Hương đã ý thức tôn vinh tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt. Nói đến điều này, hẳn ai cũng nhớ đến bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ. Trương Nam Hương nhận ra ở tiếng Việt có “Bốn ngàn năm bổng trầm”, “Thảo thơm như lúa đồng”, mỗi người Việt đều “Lớn lên từ cánh nôi”. Và “Thanh âm hình chữ S/ Từ ngàn xưa ông, bà/ Tiếng Việt ơi, tiếng Việt/ Nuôi nhau bằng dân ca” (Tiếng Việt ơi, Tiếng Việt).

Trương Nam Hương luôn vậy, là nhà thơ chọn gốc tâm cảm là sự chân thành, trách nhiệm. Hỏi chuyện cảm xúc khi làm thơ về Huế, tâm hồn anh lắng xuống ngọt ngào: “Sông Hương không tuổi thơ không tuổi/ Lắng mãi phù sa, ngọt mái chèo” (Tôn Nữ... sông Hương). Anh đã và vẫn viết về Huế, với hy vọng trả nghĩa, “Mai con về tạ lỗi với phù sa”.

N.Đ.H
(TCSH51SDB/12-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng