LÊ THỊ HƯỜNG
“Mỗi khi sáng tác tiểu thuyết, tôi chịu đựng những câu hỏi, tôi sống trong chúng”1. Hành trình sáng tác của Han Kang là sự kết nối những câu hỏi và là “suy ngẫm về những câu hỏi”.
Tiểu thuyết của Kang thường đặt ra hàng loạt câu hỏi về nhân sinh, về sinh tử... lồng trong những câu chuyện lịch sử, tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc lẫn bạo lực, khổ đau. Luôn trăn trở, suy tư về con người, tiểu thuyết của Han Kang dẫu đề cập vấn đề gì đều xoay quanh dấu chấm hỏi về phẩm chất con người. “Chúng ta phải yêu đến mức nào để duy trì được nhân tính đến tận cùng?”. Đó cũng là cái đích đến của văn chương toàn nhân loại.
Thông điệp từ những chấn thương
Nhìn chung, điểm giao nhau trong tiểu thuyết của Kang là những suy nghiệm về hiện tồn, ở đó con người dự phần với nỗi lo âu, lạc lõng, trống rỗng và bao trùm là cái chết. Tác phẩm của bà gần như chỉ viết về bạo lực, cái ác, sự tăm tối, nỗi đau, những chấn thương vật chất và tinh thần. Tác phẩm nào cũng nặng về cái chết và bóng tối. Những câu hỏi về sinh tử lặp đi lặp lại vang lên trong từng trang viết. Cùng với khắc khoải về cái chết là sự sống. Cái tàn nhẫn song hành với cái đẹp. Sự méo mó nhân phẩm gắn liền với lương tâm. Và trên hết là cái Đẹp. Vì thế dẫu bóng tối có lấn tràn thì ánh sáng cứ lấp lóa; dẫu cái chết có kinh khủng đến thế nào thì cái sống vẫn đường hoàng lên tiếng “Đừng chết. Xin đừng chết”, “Đừng chết. Hãy sống tiếp” (Trắng).
Thế giới nghệ thuật của Kang là sự nhòe mờ giữa tưởng tượng, mơ và thực tại; có lúc những giấc mơ tách rời nhau lặp đi lặp lại (Người ăn chay), có lúc mơ và thực tại hòa lẫn vào nhau khó phân biệt (Quả của vợ tôi). Những giấc mơ cho thấy được thế giới tâm hồn của nhân vật mà phần lớn là những con người bị chấn thương nặng nề. Những rối rắm phức tạp của con người hiện đại. Những nhân cách bị bóp méo. Những đau đớn dằn vặt. Một loạt những nhân vật buồn đau, gắn liền với ám ảnh, ảo giác, mơ, hoảng loạn. Nhà văn thường đặt ra vấn đề quyền lực đám đông, bạo lực và sự đè nén khiến phẩm chất cá nhân bị san bằng. Quyền lực đám đông làm cho con người bị chấn thương vĩnh viễn. Những chấn thương sau chấn thương, những ám ảnh nặng nề dẫn đến hành động tự sát thương. Thằng bé cứa cổ ta 6 lần và vĩnh viễn ở trong bệnh viện tâm thần. Kim Jin Soo vẫn giữ nguyên đôi mắt trống rỗng vô hồn sau những năm tháng bị tra tấn tù đày và cuối phận đời cô là cái chết cùng với di vật là tấm ảnh trong đó có hình những đứa trẻ chết thành hàng (Bản chất của người). Đặc biệt, nhân vật nữ trong tác phẩm Han Kang thường “bất thường”, mang tâm bệnh, và dưới con mắt của những người bình thường, họ cần phải chữa trị, phải tìm đến tâm lý trị liệu. Yeong-hye bị cả một hệ thống quyền lực (chồng, gia đình, nhất là người bố, kể cả bệnh viện tâm thần) ép buộc cô phải như mọi người (phải ăn thịt) và để giữ phẩm cách cá nhân cô phải nổi loạn (Người ăn chay)2. Người phụ nữ với những ám ảnh khiến cô bị “mất ngôn ngữ” từ lúc 16 tuổi vì câu nói lặp đi lặp lại của người thân “con đã từng suýt không được sinh ra”. Câu nói đó được lặp đi lặp lại “như câu thần chú” ám ảnh khiến cô chọn sự câm nín. Với biện pháp trị liệu bằng chữ viết, giảng viên tâm lý trị liệu từng bước khó nhọc đưa cô về lại trạng thái bình thường, bằng những bài học từ Plato - “Một nơi trong bóng tối, tối tăm khó bước vào”; “Thế giới này thật phù du và tươi đẹp, phải không?” giảng viên nói “Nhưng thay vì thế giới phù du và tươi đẹp này, Plato muốn một thế giới vĩnh cửu và tươi đẹp”. Cùng với những ký ức về đứa con khiến cô dần có khả năng phục hồi tiếng nói đã mất đi từ những chấn thương nặng nề của quá khứ (truyện ngắn Giọng nói trung gian)3. Người vợ bỗng dưng hóa thành cây sau những ngày chấn thương tâm hồn vì chán ghét cuộc sống đô thị, chán ghét không khí cô hít thở hằng ngày. Trước khi hoàn toàn biến thành cây, cô gái luôn có cảm giác lạc lõng, xa lạ với cuộc sống đô thị. Cô đã quen với môi trường tự nhiên của một căn phòng thuê ở một trong những quận đồi núi của Seoul, và “cơ thể cô dường như không thể thích nghi với một căn hộ kín, có hệ thống sưởi trung tâm”. Cô ghét sống ở khu cao tầng, ở đó “bảy trăm ngàn người chen chúc nhau, tôi cảm giác như mình sắp héo mà chết. Tôi ghét hàng trăm, hàng nghìn tòa nhà giống hệt nhau, nhà bếp giống nhau, trần nhà giống nhau, nhà vệ sinh, bồn tắm, ban công và thang máy giống hệt nhau, và tôi ghét các công viên, khu vực nghỉ ngơi, cửa hàng, lối qua đường dành cho người đi bộ. Tôi ghét tất cả bọn họ” (truyện ngắn Quả của vợ tôi)4. Chậm hơn phương Tây, nhưng việc khắc họa những mẫu người xa lạ, với motif hóa thân, biến dạng, người hóa thành cây, tác giả nhằm gởi thông điệp về sinh thái, đặc biệt là nữ quyền sinh thái, một vấn đề luôn mang ý nghĩa thời đại.
Nhân vật nữ của Kang thường có xu hướng gần với tự nhiên, trở về với tự nhiên. Trong Người ăn chay, dự phần vào số phận của Yeong-hye là những con người bị chấn thương từ những góc nhìn riêng. Một người chồng vô cảm, tầm thường, sẵn sàng đưa vợ vào bệnh viện tâm thần, sẵn sàng bỏ cô như “bỏ một cái đồng hồ hay một món đồ hỏng”. Một người anh rể đam mê nghệ thuật, say mê cô em gái của vợ mình, và thể hiện niềm say mê đó bằng cách mời gọi cô em làm người mẫu khỏa thân để anh vẽ lên thân hình cô những bông hoa đủ sắc màu. Một người chị thân phận còn đau đớn hơn em gái của mình, luôn nhẫn nhịn, chu toàn nhiệm vụ và đặc biệt là đau đớn khi chứng kiến khoảnh khắc loạn luân giữa chồng và em gái. “Yeong-hye và chị gái In-hye của cô, thực tế cả hai đều là nhân vật chính, gào thét vô thanh trong những cơn ác mộng và sự đổ vỡ, nhưng cuối cùng họ vẫn bên nhau” (Người ăn chay). Trong các mối quan hệ ràng rịt đó, Yeong-hye, là nhân vật chịu những tổn thương nặng nề, về thể xác lẫn tinh thần. Yeong-hye là con người cô đơn, lạc lõng, xa lạ với chung quanh. Sau một giấc mơ cô bỗng quyết định không ăn thịt, chính vì vậy hai lần cô bị đưa vào bệnh viện tâm thần và sống tàn tạ trong một thân xác hao gầy. Cô sống im lặng, gần như dửng dưng với chồng, với bố mẹ, với cơ quan chồng, kể cả lúc ở bệnh viện tâm thần cô cũng câm lặng không hợp tác với mọi người. Cô thường mơ những giấc mơ về máu, về bạo lực. Những giấc mơ lặp lại khá thường xuyên, ngôi nhà hoang trong rừng tối, hay khuôn mặt lấp lóe trên cục huyết, những tảng thịt đỏ, tiết đỏ vẫn chảy xuống ròng ròng; một khuôn mặt vừa quen vừa lạ, một khuôn mặt ánh lên sắc máu; mơ thấy ai đó giết người, là tôi, kẻ thủ ác hay người bị sát hại? Mơ thấy mình hay ai đó không phải mình ăn thịt sống... Những câu hỏi liên tiếp trong mơ, nhưng tất cả đều “mịt mù. Tất cả mọi thứ bị dồn cứng ngắc lại trong tăm tối”. Những ám ảnh cộng thêm sự việc bị hành hạ dày vò về tinh thần lẫn thể xác khiến cô ngày càng xa lạ với mọi người. Hye là một kiểu “nhân cách bị phân tán”. Cô có chiều hướng gần với tự nhiên (không thích mặc áo lót, ăn chay, luôn thấy mình là cây). Trong những chấn thương nặng nề, bị đưa vào viện tâm thần, Yeong-hye luôn phản kháng: giật hết những ống truyền dịch, trốn vào rừng sâu, nơi cô có thể hòa mình với thiên nhiên và được là chính mình. Thiên nhiên là sợi chỉ kết nối con người với cái đẹp. Sự gần gũi giữa phụ nữ và tự nhiên thể hiện sắc thái nữ quyền sinh thái, một lý thuyết không còn xa lạ. Kể cả lúc người anh rể vẽ hoa lên người cô gái và quay cận cảnh chuyện ái ân cũng xuất phát từ việc Hye luôn trong trạng thái muốn gần với tự nhiên và không có thái độ chống đỡ. Suy cùng, các mối quan hệ thân xác trong tác phẩm của Kang không đơn thuần là nhục dục mà là niềm đam mê cái đẹp. Hye chỉ có những rung động thật sự trong việc gần gũi với người anh rể khi thân hình của anh ta cũng vẽ đầy hoa. Với người anh rể, đó là niềm đam mê sáng tạo của người nghệ sĩ, là nghệ thuật thân thể (body painting); là cảm xúc uyên nguyên trong khi hai cơ thể chạm vào nhau. Tấm poster với “hình ảnh tấm lưng đôi nam nữ ở trần đang ngồi. Từ cổ cho đến mông họ được vẽ đầy những lá, cành, hoa xanh đỏ”; bức phác họa “cơ thể để trần của đôi nam nữ được sơn rực rỡ bởi những bông hoa tròn, mềm mại”. Đứng trước hình ảnh đó, anh thấy run sợ, hưng phấn và choáng ngợp. Có quá nhiều thứ đang giằng xé trong anh với những câu hỏi liên tiếp, “.. chỉ có bản năng như thế này chả khác gì quái vật? Mình có phải con người bình thường không? Mình có phải là người có đạo đức không? Mình có phải là người mạnh mẽ có thể chế ngự được chính mình hay không?”. Thật khó trả lời. Freud cho rằng, “con người càng cố gắng ẩn nặc dục tình trong thâm tâm bao nhiêu thì dục tình càng phá phách nhân cách đi bấy nhiêu” (Dorothy Brewster& John Burrell, Tiểu thuyết hiện đại, Nxb. Lao động, 2003, tr73). Nó biểu hiện ở hành vi kỳ quái, nó lý giải các mối quan hệ ngày càng tồi tệ giữa anh với Hye và với vợ mình. Những bông hoa rực rỡ sắc màu, vết chàm trên thân thể Hye cùng với những bông hoa trên thân hình anh rể nói lên sự gần gũi giữa con người với tự nhiên. Nó là cái đẹp. Mỹ cảm đó được nhà văn thể hiện qua những bức tranh thân thể đầy hấp lực về cảm giác thị giác. Trong khoảnh khắc anh vẽ hoa lá thiên nhiên trên thân thể cô, “cơ thể giống như một tán lá vừa bị ngắt khỏi cành và chuẩn bị héo”, không còn nhục dục, chỉ còn niềm đam mê sáng tạo. Nó khiến cho câu chuyện vượt thoát ra vấn đề tội lỗi của con người (anh rể và em vợ) mà là niềm rung cảm trước cái đẹp. Cái kết lửng lơ của tác phẩm là ý đồ nghệ thuật của Han Kang, đúng như nhà văn tâm sự: “Toàn bộ tiểu thuyết nằm trong trạng thái nghi vấn” [Diễn từ Nobel của Han Kang].
“Giữa trái tim của chúng ta. Sợi chỉ vàng nối kết - một sợi chỉ phát sáng”
Tác phẩm của Han Kang đầy những ưu tư về cái chết. Dù viết về cá nhân hay cộng đồng, thế sự hay lịch sử, Han Kang không ngần ngại phơi trắng những suy nghĩ, cảm xúc về cái chết. Câu hỏi xuyên văn bản của bà luôn là câu hỏi về cái chết và trong chiều sâu của nó là nhân tính, phẩm chất con người. Nói về cái chết không phải là bi quan để sợ hãi mà là chạm đến những vấn đề lớn nhân loại luôn quan tâm. Phương Tây xem cái chết như quy luật hiện tồn của con người. Phương Đông cũng vậy, chết chính là quy luật nằm trong lẽ vô thường. Là nhà văn Hàn Quốc giao thoa với văn hóa phương Tây, Kang đã đặt ra những vấn đề muôn thuở của con người.
Trắng là cái chết của đứa bé sơ sinh vừa mới chào đời, hòa trong một màu trắng hư vô và những cái chết trắng. Trắng là “cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều câu hỏi”. Cuốn tiểu thuyết vượt ra khỏi quy ước về thể loại, chỉ là dòng hồi ức, suy ngẫm của tôi trước cái chết của người chị gái để có lúc tôi thấy mình trong bóng dáng của chị, và tôi sống tiếp quãng đời lẽ ra của chị. Tác phẩm bàn nhiều về sự sống dẫu mở đầu là cái chết, “đứa trẻ mới ra đời được quấn chặt trong một lớp tã trắng như tuyết”, “đôi mắt đen và khuôn mặt trắng như ánh trăng tròn”; đứa bé chỉ sống được 2 giờ đồng hồ trong tiếng gọi thảng thốt của người mẹ “xin con, đừng chết”. Tự đặt mình vào tâm trạng của nhân vật tôi, nhà văn đã phơi bày những khoảnh khắc tâm hồn bằng trực giác tinh tế. Cuốn tiểu thuyết giàu chất họa, chất thơ, quyện hòa với chất triết lý qua những trang văn ngắn như những bài thơ văn xuôi. Qua lối viết giản dị hàm súc, ý nghĩa sâu xa của tác phẩm nằm sau ngôn ngữ im lặng, vô ngôn, ngôn ngữ thân thể, hoặc dòng tâm tư. Từ ký ức về cái chết non của người chị gái, dòng tâm tưởng của tôi lướt từ suy nghĩ này đến cảm xúc khác, như một dòng trôi trên cái nền trắng và những biểu tượng văn hóa phương Đông, vô thường, sắc không, sát na. Màu trắng và những câu hỏi. Sự sống bừng lên từ thiên nhiên qua màu trắng tinh khiết; cùng với trắng là ánh sáng, thể hiện niềm tin vào sự sống - “Đó là dấu hiệu của sự sống. Của cái đẹp” (Trắng).
Bản chất của người phản ánh một cách chân thực những sự kiện nghiệt ngã về lịch sử đau thương ở Hàn Quốc những năm 1980 - Phong trào Dân Chủ Gwangju. Những tài liệu có thật đã ám ảnh nhà văn. “Phải viết, không thể không viết”. Tác phẩm nhìn thẳng vào đất nước Hàn Quốc, với những đàn áp chính trị như là một vết đen trong lịch sử. Toàn bộ câu chuyện là những cái chết tiếp nối, đan xen trong dòng hồi ức, dòng tâm tư, làm thành cấu trúc của cuốn tiểu thuyết nhiều văn bản. Những mảnh đời, những số phận đan chéo nhau, có khi phả lấp vào nhau trên nền một không gian đầy sự chết chóc. Đây là những trang viết tỉ mỉ, dữ dội về chấn thương, những cái chết tập thể tàn khốc, man rợ qua nhiều góc nhìn, giọng kể; những sự cố dồn dập, đứt gãy qua những hồi ức, những câu hỏi. Bạo lực, bắn giết, tra tấn, sự tàn bạo, không nương tay kể cả với trẻ em và phụ nữ; kiểm duyệt sách, những dòng kịch bản bị xóa, bị bôi đen; những triết lý về đạo đức đám đông. Đám đông chật kín, căng cứng, đám đông và tính hung hăng của quyền lực, đám đông với những hành vi khủng khiếp của nó. Câu chuyện đặt ra những câu hỏi lớn về quyền lực, về nhân phẩm con người: “Con người là gì? Và để con người không trở thành thứ gì đó khác, thì chúng ta phải làm gì?”. Cùng những câu hỏi nhức nhối về hiện tồn, nhà văn liên tục đặt ra những câu hỏi về tính dân chủ, quyền lực đám đông, tội lỗi của con người, linh hồn, lương tâm, cái đẹp; những câu hỏi day dứt về mặc cảm của cái sống trước cái chết, mặc cảm của hiện tại đối với quá khứ. Nhà văn chồng xếp lên nhau những thảm trạng về bạo lực, những cận cảnh về cái chết khủng khiếp, những con số, những chi tiết tỉ mỉ... khiến tác phẩm có vẻ nặng nề. Tuy vậy, những tư liệu lịch sử được ghi/kể lại bằng giọng điệu đầy suy tư và giàu chất thơ mang niềm tin vào bản chất con người. Bằng lối kể chuyện đa ngôi, người kể là chứng nhân sống sót, người kể là linh hồn nạn nhân, giúp thấu rõ những góc khuất bên trong, với hàng loạt câu hỏi truy tìm bản chất con người. Từ những điều phi lý, Han Kang tìm trong con người những giá trị người với những câu hỏi vừa khắc khoải hoài nghi vừa tin vào bản chất con người: “Điều gì sẽ xảy ra với cá nhân từ chối thuộc về giống loài gọi là con người?”; “Bị sỉ nhục, bị bôi nhọ, bị tàn sát, phải chăng đó là bản chất của con người đã được chứng minh trong lịch sử?” (Bản chất của người). Những câu hỏi lặp đi lặp lại, khẩn thiết cho thấy tính tích cực trong cái nhìn cuộc sống của nhà văn. Để rồi giữa bóng tối đen ngòm của cái chết là ánh sáng. Nếu thân xác không còn thì linh hồn sẽ “về nơi hoa nở”. Mọi cái tan rã đều có sự tái sinh. Cái sống vẫn được khẳng định. Bạo tàn, dã man, sỉ nhục không phải là bản chất của người mà sự hướng thiện, cái đẹp mới chính là mục đích của loài người. Trong ký ức của linh hồn Yeong Dae là ký ức về tuổi thơ, bà ngoại, cây ngân linh. Giữa những ngổn ngang xác người cậu bé lại thấy sự bừng nở của những loài hoa, hồi ức về thiên nhiên tươi đẹp, là “những thửa ruộng ngày xuân”, “mặt nước trong vắt của những mảnh ruộng sắp gieo mạ phản chiếu bầu trời vô tận”, là “hương hoa dương hòe len qua vào cửa sổ”, là hình ảnh “đứa bé dắt tay mẹ hướng về phía mặt trời”. Và ở đoạn kết, tôi - nhà văn đã thắp những ngọn nến trên những nấm mồ thiếu niên - “Tôi mong cậu sẽ dẫn lối cho tôi. Tôi mong cậu sẽ dẫn tôi về nơi tươi sáng, về nơi có ánh mặt trời, về nơi hoa nở”. Viết về cái chết nhưng Kang thường thi vị hóa cảm xúc của nhân vật dẫu trước những tình huống kinh hoàng. Bạo lực và lương tâm. Trần trụi và trữ tình. Chất thơ đã xâm nhập vào tiểu thuyết làm nên một lối viết.
Han Kang đoạt giải Nobel Văn học 2024 với “những áng văn xuôi mạnh mẽ, đậm chất thơ, đề cập trực diện những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của kiếp người” (Viện Hàn lâm Thụy Điển). Những tác phẩm của Kang không chỉ chứng tỏ bà là người kể chuyện tài năng mà còn là người suy ngẫm sâu sắc về chuyện của con người. Bà muốn dùng văn chương để phản ánh đúng những vấn đề của xã hội Hàn Quốc hiện đại, đồng thời qua những câu chuyện kể bà biểu hiện những suy tư về những vấn đề lớn có ý nghĩa khái quát. Đây là những trang văn sâu sắc về nhân tính. Tác phẩm của Han Kang thấm đượm tinh thần của chủ nghĩa nhân văn: ca ngợi sự sống và cái đẹp của con người.
L.T.H
(TCSH434/04-2025)
-------------------
1 Ánh sáng và sợi chỉ - Diễn từ Nobel của Han Kang, nhà văn người Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học, năm 2024.
2 Người ăn chay (The Vegetarian) là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Han Kang. Với tác phẩm này, Han Kang đã giành giải “Man Booker International” năm 2016.
3 Ngu Yên chuyển ngữ từ bản tiếng Anh The Middle Voice, dịch từ tiếng Hàn của Deborah Smith và Emily Yae Won.
4 Ngu Yên chuyển ngữ từ bản tiếng Anh: The Fruit of My Woman của dịch giả Deborah Smith.