Tác giả-tác phẩm
“Thế giới tìm thấy” trong tập thơ “Huyền thoại Cửa Tùng” của Ngô Minh
10:13 | 07/09/2009
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGKể từ tập thơ đầu tay (Phía nắng lên in năm 1985), Huyền thoại Cửa Tùng (*) là tập thơ thứ mười (và là tập sách thứ 17) của Ngô Minh đã ra mắt công chúng. Dù nghề làm báo có chi phối đôi chút thì giờ của anh, có thể nói chắc rằng Ngô Minh đã đi với thơ gần chẵn hai mươi năm, và thực sự đã trở thành người bạn cố tri của thơ, giữa lúc mà những đồng nghiệp khác của anh hoặc do quá nghèo đói, hoặc do đã giàu có lên, đều đã từ giã “nghề” làm thơ.
“Thế giới tìm thấy” trong tập thơ “Huyền thoại Cửa Tùng” của Ngô Minh
Nhà thơ Ngô Minh (Ảnh: nhavanhue.org.vn)

Vậy thì Ngô Minh đâu còn là “một nhà thơ trẻ có triển vọng” để cần đến tôi viết đôi lời giới thiệu với độc giả? Thế nhưng xin thú nhận rằng, tôi đã thật sự xúc động và vui mừng xiết bao khi được bày tỏ đôi lời trước bạn bè quen biết về tập thơ thứ mười này của Ngô Minh. Vì một lẽ giản đơn nhưng hiếm có rằng đây là một tập thơ thuần tuý về đề tài Quảng Trị, mảnh đất chôn rau cắt rốn của tôi và cũng là đất quê ngoại của Ngô Minh, hơn nữa là mảnh đất chiến trường nóng bỏng của cả hai chúng tôi.

Gần 30 năm chiến tranh đã trôi qua, nhưng không hiểu tại sao sự vật đối với tôi lại gần gũi thế, và những kỷ niệm đối với tôi lại nóng bỏng thế, tươi mới như không thuộc về quá khứ, và trĩu nặng tâm hồn như một cái gì thuộc về vĩnh cửu.

Ở những người đã đi qua kháng chiến như chúng tôi hình như đã hình thành một con người cảm nghĩ riêng để xúc động dễ dàng trước những cái tưởng như phù phiếm đối với chuyện cơm gạo áo tiền của ngày hôm nay. Quảng Trị với hai chúng tôi là một mảnh “đất thánh” như vậy của đời người, hoặc nói quá đi một chút, là nguồn suối trường tồn của văn học.

Nhưng vào thời kỳ tôi có mặt ở đó, mặt đất Quảng Trị gần như trơ trụi không còn gì, chỉ còn những dáng người đi lênh khênh ở chân trời. Dưới tác động của một cuộc chiến quá dữ dằn, mảnh đất quê tôi đã chết theo kiểu một kẻ bị ám sát; đến nỗi ngay ngày đầu của cuộc chiến, tôi đã trở lại tìm làng tôi trong một đám cỏ dại mịt mù. Tôi cứ ngơ ngác nhìn bốn phía xem làng tôi ở đâu. Nào ngờ trong cỏ dưới bàn chân tôi là hai chữ “Hoàng tộc” của chiếc cổng gạch tôi vẫn ngồi chơi những ngày thơ ấu.Thú thật là không có nơi nào trên trái đất đã khiến tôi thèm gọi tên một làng như ở Quảng Trị, vì ở đấy không còn tồn tại bất cứ dấu vết nào của những ngôi làng xanh biếc ngày xưa. Tất cả đã lặn chìm dưới mặt đất. Về Quảng Trị trong những ngày tháng bây giờ, người ta gặp nhiều những nắng, gió, cát, sóng biển, cơn khát và những ngôi mộ gió với những nén nhang đỏ bập bùng trong đêm tối, dành để tưởng nhớ những người đi không về; cũng đầy những căn nhà không bao giờ đóng cửa, như đang chờ một ai đó đang bước vào ngõ. Ngô Minh đã bắt gặp những “vật ngoài hành tinh” ấy, bằng kinh nghiệm đau đớn của một người lính và bằng độ nhạy cảm của một nhà thơ. Anh không ngớt nhớ lại những đồng đội Quảng Trị đã nằm lại trong lòng đất Miền Đông Nam Bộ, ngửi thấy hơi hướm quen thân của bạn bè trong mùi áo lính sau những đêm ngủ hầm nằm úp thìa vào nhau, trong vẻ “quê mùa” chất phác của giọng nói: “Ai ngờ dưới tro những câu chuyện trạng/ Lại lên xanh lấp lánh mắt cười”  Tính tình của Ngô Minh, tôi biết quá, rất là chân chất, khí khái, giống như đúc những điều anh kể trong “thế giới” Quảng Trị của anh.

Tôi còn nhớ một tuyển tập thi văn của Quảng Trị có tên là “Đất Kim Cương”. Tôi cho rằng đó là một cái tên khái quát rất giỏi; và nghĩ rằng, nếu đào lên, ta sẽ gặp trong lòng đất không phải là vàng mà là kim cương. Quả thật không nơi đâu mà những con người “chân quê” đã biết sống bản chất đến như vậy!

Vì lẽ đó,tập thơ này của Ngô Minh cuốn hút tôi không ngờ, thức dậy trong tôi những suy tưởng hầu như không mấy ai còn nghĩ tới nữa, giữa thế giới thị trường bây giờ. Xin chân thành cảm ơn nhà thơ, đã một lần thổ lộ với tôi những bí mật tận đáy lòng, trên những trang sách đầy ắp “chất Quảng Trị” này!

Huế 22-7-2004
H.P.N.T
(187/09-04)


----------------------
*
Huyền thoại Cửa Tùng - NXB Thuận Hoá  2004


Các bài mới
Các bài đã đăng