Tác giả-tác phẩm
Một góc nhìn chiến tranh của Văn Xương
10:35 | 16/09/2009
LÊ VĂN THÊSau sáu năm (kể từ 2002) nhà văn Cao Hạnh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, (cuối năm 2008); Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị mới có thêm một nhà văn được kết nạp. Đó là Văn Xương.
Một góc nhìn chiến tranh của Văn Xương
Nhà văn Văn Xương - Ảnh: vanxuong.quangtri.gov.vn

Văn Xương tên thật là Văn Bốn. Anh chính thức cầm bút chưa đầy chục năm nhưng sức viết khá mạnh, đã cho ra đời 2 tập truyện “Hoa gạo đỏ bên sông” NXB Hội Nhà văn năm 2006 và “Hồn trầm” NXB Lao động năm 2008.

Văn Xương là cựu chiến binh, hiện đang là cán bộ dân sự nhưng có thể nói anh là “Nhà văn quân đội” viết về đề tài chiến tranh, đề tài người lính là chủ yếu. Ký ức về chiến tranh, di hoạ của chiến tranh luôn ám ảnh không nguôi trong anh. Sống trên mảnh đất Quảng Trị một thời máu lửa ác liệt nhất đất nước, có dòng sông Hiền Lương và vĩ tuyến 17 chia đôi Tổ quốc suốt 21 năm, đi đâu cũng bắt gặp những địa danh gắn liền với những chiến công oai hùng, lừng lẫy: đường 9 Khe Sanh, Thành Cổ, Cửa Việt, Gio Linh, Dốc Miếu,... Chiến tranh đã để lại ở đây 72 nghĩa trang, hàng chục ngàn người bị chất độc da cam đang quằn quại về thể xác, và nỗi đau mất mát đến tột cùng. Vẫn còn đó dưới lòng đất vô vàn vật liệu nổ, hàng ngày gây chết chóc cho con người và có thể cả trăm năm sau chưa thể tháo gỡ hết. Bởi vậy cây bút Văn Xương đặt xuống trang giấy là không khí chiến tranh và nỗi đau sau cuộc chiến. Chiến tranh đã được Văn Xương biểu hiện ở đỉnh cao của sự gây cấn, quyết liệt, sự đối đầu của hai phía, một mất một còn. Khốc liệt ở chiến trường, khốc liệt ở hậu phương, len tới từng gia đình, từng ngõ ngách đời sống. Nhân vật của anh là những người lính cầm súng, là chiến sĩ lái xe, các cô TNXP mở đường, là người mẹ, người em gái ở hậu phương... Văn Xương nhìn chiến tranh ở một diện rộng. Từ tiền tuyến đến hậu phương, phía ta và phía địch, thời chiến và thời hậu chiến.

Đa phần những tác phẩm viết về chiến tranh của Văn Xương là những “bài thơ tình” thời chiến bằng văn xuôi. Cuộc đời và phong cách sống của Văn Xương in khá đậm nét trong văn chương của anh. Trong lời giới thiệu tập “Hoa gạo đỏ bên sông” nhà văn Cao Hạnh có nhận xét: “Trông anh bảnh bao như chàng thư sinh, hay nói, hay cười, nét mặt rạng rỡ niềm vui”. Tôi còn thấy Văn Xương khá đa mang, đa cảm, đôi lúc còn có biểu hiện rất lãng tử. Ngồi trên bãi biển Cửa Tùng, anh bị hút hồn vì cái màu xanh ngút mắt, cái mênh mang của biển lớn quên cả thời gian. Khi vui anh hát say sưa như một ca sĩ, khi nâng cốc thì luôn miệng cười, nói chuyện trên trời dưới biển, tất cả đều là bạn. Đó là bề nổi của cuộc đời. Phần chìm không phải như thế. Văn Xương đi học phổ thông và nhận bằng cử nhân trong thân phận một kẻ nghèo, vượt khó, tự lực cánh sinh là chính. Đã từng bốn năm cầm súng ở biên cương, nơi đầu sóng ngọn gió, vào thời buổi cái chết có thể chụp xuống đầu bất cứ lúc nào. Trở về đời thường Văn Xương làm rất nhiều việc khác nhau để cống hiến, để mưu sinh. Đức tính luôn lạc quan, yêu người, yêu cuộc sống đã cống hiến cho bạn đọc sự bình dị và ngọt ngào trong diễn xuất và lời văn. Đó là lời người yêu nói với người yêu, mẹ nói với con, đồng đội nói với nhau. Đó là những đoạn tả dòng sông miền Cỏ May, hồ Thiên Thu, suối bản Tà Cơn, tả mây trời, hoa cỏ, ráng chiều tím hoàng hôn... Thao thiết đến cháy lòng.

Văn chương ngọt ngào nhưng không phù phiếm. Nội dung của các truyện chứa đầy những cảnh hy sinh, mất mát, là những hố bom thiêu huỷ cả 10 cô gái thanh niên xung phong, sự thiếu ăn, thiếu mặc nghiêm trọng của những người lính Trường Sơn, là những sự ra đi mãi mãi không về, là tượng đài Thành Cổ ngút ngàn hương khói và nước mắt của những người tới tưởng niệm, là sự vò võ đợi chờ gần như hoá đá vọng phu... Đọc văn của Văn Xương thấy cái giá của hoà bình đắt quá, to lớn quá, nỗi đau đeo đẳng dài lâu quá.

Thường thì tiếng đàn bầu, sáo trúc, sáo tre chỉ ngân lên cho đôi lứa và làng quê thanh bình. Chiến tranh phải là nhịp điệu ầm ầm dữ dội. Văn Xương có một cách viết sáng tạo, những lời văn gân guốc xen kẽ sự ngọt ngào. Chẳng khập khiễng tí nào. Trong thực tế, dù quyết liệt bằng mấy cũng có phút bình yên giữa hai trận đánh. Đó là khoảnh khắc ở Trường Sơn, trên đầu là địch, là bom, bốn bề là địch, là đạn “Các cô ấy hát. Hát say sưa. Hát với tất cả nỗi lòng... Tôi thổn thức gục đầu vào lòng anh... Chúng tôi quyện vào với nhau, chìm tan trong nhau” (Một thời kỷ niệm). Viết về sự hy sinh của các cô gái, những chàng trai chiến sĩ, về những mối tình vĩnh viễn chia ly, kết thúc vẫn là “Hoàng hôn buông tím ngát chân trời, gió heo may se sắt thổi, những đám mây tím buồn cuối thu bồng bềnh trôi, bên kia sông ngẩn ngơ tím một con đò” (Dòng sông miền cỏ may).

Đi qua chiến tranh khá lâu nhìn lại, với vốn sống của chính mình, với tư tưởng hội nhập, đổi mới của thời đại, tác phẩm của Văn Xương có hậu và nhân hậu hơn.

Một thời, không ít tác giả nhìn chiến tranh một chiều, một phía đã đen là đen tuyền, đã đỏ là đỏ rực, không tì vết. Văn Xương có một thời gian hơn ba mươi năm nhìn lại, chiến tranh và người lính hai phía được miêu tả chân xác hơn. Trong hàng vạn chiến sĩ cách mạng quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh vẫn có ai đó, ở một thời điểm nào đó run sợ trước cái chết. Ninh đã “lạy trời đừng có tên con” khi đại đội trưởng gọi 10 đồng chí đánh lô cốt và “bàng hoàng, chết lặng đi, run run xóc lại khẩu súng” khi nhận nhiệm vụ cầm chắc cái chết (Dòng sông miền cỏ may). Anh lính bên kia chiến tuyến không chỉ sống đời sống thú vật, chỉ biết chém giết, đốt phá. Khi cái sự được sống chỉ còn tính bằng phút, người lính dù ngụy chợt thấy” Bóng má nơi bờ tre, hàng cau đầu ngõ, nơi rặng dừa, khóm chuối sau vườn... Người lính dù thấy mình bé cỏn con đang nằm gối đầu lên tay má. Nghe má ru, nghe má thì thào, vỗ về xiết bao hiền dịu, yêu thương mà cũng chất chứa xiết bao nỗi niềm...” (Hoài vọng).

Tính nhân bản trong tác phẩm của Văn Xương khá đậm đà. Nhiều nhân vật là con người viết hoa, có tính cộng đồng, thương yêu và đùm bọc lấy nhau. Linh đã chết thay cho Ninh (Dòng sông miền cỏ may), cô gái đã chết thay cho người lính trinh sát (Lung linh sóng nước). Dẫu một thời có đối mặt với nhau, chĩa súng vào nhau, hoà bình rồi, những người chiến thắng xoa dịu vết thương lòng, cùng nhau chung sống. Thật là cảm động và đẹp đẽ biết bao khi hai thương binh của hai phe đối địch nâng đỡ nhau rồi ngã. “Họ không ngồi dậy, cứ thế nằm sóng xoài bên nhau nhìn xuống dòng sông, rồi cùng nhìn lên bầu trời ngời ngời ánh trăng...”. Đứng trước tượng đài Thành Cổ “hai chiếc nạng gỗ được bỏ về hai phía, họ đứng sát nhau, kề vai nhau, cùng chắp tay thành kính trong khói hương ngút bay. Bóng họ như hoà làm một dưới ráng chiều của hoàng hôn đỏ thẫm” (Đối mặt thời gian). Vốn sống, sự từng trải, tư duy có độ chín của Văn Xương đã tiếp cận được truyền thống nhân ái của dân tộc “đánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lại; bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Đó cũng là quan điểm phù hợp với xu hướng lớn nhất của thời đại, chung sống hoà bình, thương yêu và cứu trợ lẫn nhau.

Cách kết thúc trong nhiều chuyện của Văn Xương làm người đọc nhớ lại cái hậu của cổ tích và văn nôm khuyết danh “Tống trân cúc hoa”, “Phạm công cúc hoa”, “Tấm cám...”. Người hiền, người trung thực dẫu chết đi vẫn được biến thành quả thị rồi từ đó lại bước ra rực rỡ trong tâm tưởng mọi người.

Văn Xương không viết truyện theo cách truyền thống, hoặc theo trật tự thời gian, hoặc theo trật tự không gian: từ gần tới xa hoặc ngược lại. Thời gian của truyện được thể hiện theo hoài niệm “nhớ đâu nói đấy”, hoặc theo ngôn ngữ và sự xuất hiện của nhân vật “Chuyện của ai người ấy kể”. Không gian nhiều khi được miêu tả cặn kẽ làm nền cho sự phát triển của truyện, nhiều khi chỉ tả điểm xuyết, minh hoạ, bổ sung. Những yếu tố bịa bao giờ cũng được bay bổng từ nền hiện thực khiến người đọc luôn tưởng rằng: ông ấy đang kể chuyện ông ấy đã từng chứng kiến. Những yếu tố huyền thoại cũng mạnh dạn được đưa vào. Đấy là những nàng tiên thiên nga và chiếc hồ thần thoại, là chiếc lá khô lộc vừng biết bay theo gió để chỉ hài cốt liệt sĩ... Yếu tố huyền thoại không nhiều, hình như Văn Xương đang thể nghiệm để thăm dò hiệu quả nhưng cũng phải nói rằng đó là sự thể nghiệm thành công, huyền thoại đúng chỗ và phù hợp làm tăng chất thơ trong truyện, gia tăng sự tưởng tượng bay bổng của người đọc, giảm sự căng thẳng mỗi khi mâu thuẫn đạt đến đỉnh cao. Yếu tố huyền thoại vì vậy không phù phiếm, làm mới cách viết.

Là “Nhà văn quân đội”, Văn Xương còn là “Nhà văn Quảng Trị” nhiều nhân vật của anh sống và hoạt động ở những địa danh thực của Quảng Trị. Trong văn của anh, tên sông, tên núi, tên làng của Quảng Trị luôn được nhắc đến. Ngôn ngữ trọ trẹ, mộc mạc răng, tê, mô, rứa, dẫu ở xa mà đọc vẫn biết là người quê mình. Trong một bài tuỳ bút nổi tiếng của nhà văn Nga Ilia Urenbua viết trong thời chống phát xít Đức có câu: “lòng yêu nhà trở thành lòng yêu Tổ Quốc...”. Ở đây, lòng yêu nước của Văn Xương bắt nguồn từ lòng yêu đất, nước và con người Quảng Trị. Văn Xương đã chọn đúng cho mình một mảnh đất anh hiểu và gắn bó như máu thịt của chính mình. Vì vậy văn chương có hồn, có sức sống, bẻ đôi câu văn thấy có máu chảy bên trong.

Nhìn tổng thể, truyện Văn Xương vẫn lộ ra vài nhược điểm cần lưu ý. Văn Xương quá lưu luyến với những ý tưởng, những tình tiết hay, những sự kiện độc đáo nên đã sử dụng rồi vẫn để nó xuất hiện ở truyện sau, tập sau. Cần thiết “cắt ái” là việc phải làm.

12.2008
L.V.T
(246/08-09)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng