Tác giả-tác phẩm
Huế của mệ Quyền
15:48 | 08/10/2009
PHẠM PHÚ PHONGĐúng vào dịp Huế chuẩn bị cho Festival lần thứ III năm 2004, Vĩnh Quyền cho tái bản tập ký và truyện Huế mình, tập sách mới in trước đó chưa tròn một năm, năm 2003. Trước khi có Huế mình, Vĩnh Quyền đã có nhiều tác phẩm được bạn đọc chú ý như các tiểu thuyết lịch sử Vầng trăng ban ngày, Mạch nước trong, Trước rạng động, các tập truyện Người tử tù không chết, Người vẽ chân dung thế gian, Màu da thượng đế, tập bút ký Ngày và đêm Panduranga và tập tạp văn Vàng mai.
Huế của mệ Quyền
Nhà văn Vĩnh Quyền - Ảnh: hue.vnn.vn

Nói là Huế mình, là Huế của mình, Huế của miềng, nhưng thực ra là Huế của Vĩnh Quyền, Huế dưới con mắt của “mệ” Quyền. Có lẽ vì thế mà khác với những tập trước, anh chỉ ký tên là Vĩnh Quyền, thì lần nầy anh ký cả họ tên một cách đầy đủ là Ng.Ph.Vĩnh Quyền. Chính tác giả cũng tự xưng là “mệ” và giải thích rõ ràng rằng: “Đàn ông trong hoàng tộc thường được xưng là mệ” (tr.30).

Tập sách gồm 14 bài ký (trong đó có bài là bút ký, là tuỳ bút, là  tạp văn, là phóng sự và có cả những ghi chép) và 22 truyện ngắn, đều lấy Huế làm cột neo cho không gian nghệ thuật.Cho đủ câu chuyện xảy ra ở đâu, tác giả cũng đưa người đọc lần về với không gian trong tâm tưởng trong ký ức của con người xứ Huế. Ngay những dòng mở đầu cho một bút ký viết về văn hoá ẩm thực nhân dịp Festival, tác giả viết: “Người Huế tha hương thích gọi “Huế mình” là nhà, Festival là dịp những đứa con xa quê của Huế tìm về nhà ăn cơm... (tr.29). Là người thuộc dòng dõi Hoàng tộc, sinh ra và lớn lên ở Huế, học hành ở Huế, dạy học rồi viết văn, làm báo, mệ Quyền lúc nào cũng đau đáu một nỗi niềm về Huế. Anh viết bằng tâm thức Huế, nhìn mọi cái bằng con mắt của một người Huế, lập luận, phân tích, lý giải mọi điều bằng cảm quan của Huế. Khác với nhiều người, Quyền có một vốn tri thức về Huế khá dồi dào nhờ sức đi, sức đọc, sức sống gắn bó với Huế. Xuất thân là thầy giáo, là người sử dụng được nhiều ngoại ngữ, trong đó có Hán văn, giúp cho anh không chỉ sống với Huế trong hiện tại mà còn cả trong quá khứ và dự cảm ấm áp về tương lai.Trước hết, phải thừa nhận rằng, nhờ sức đọc mà mệ Quyền biết quá nhiều chuyện về Huế, điều mà không phải bất cứ người Huế nào cũng có được. Đó là những chuyện miên man về cây xanh (Ký ức xanh), về thời tiết (Chuyển mùa, Nắng qua đèo), về văn hoá ẩm thực (Về nhà ăn cơm, Đêm Huế bây chừ), về sông Hương về cầu Trường Tiền (Thanh kiếm và dải lụa, Ai cứu sông Hương), về các phủ đệ của các ông hoàng bà chúa (Qua miền phủ đệ), về du lịch Huế (Không gian Huế)... thậm chí, chỉ là một chút hoài niệm về người cha mẫu mực (Ô cửa văn khoa), một chút kỷ niệm với nhà văn nổi tiếng của xứ Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường sau cơn bạo bệnh (Cội vàng), về những người sống xa Tổ quốc tự nguyện đóng góp xây dựng ngôi trường cho một làng quê nghèo (Trường ca An Bằng), hoặc hoài niệm về chiếc lu sành hứng nước mưa (Dưới mái tranh)...

Có thể nói rằng, ký của Quyền được viết bằng ký ức. Anh xoay trở ngòi bút trong vòm cong miền ký ức về xứ Huế, để cho quá khứ ùa về choáng ngợp cả tâm hồn, một quá khứ thâm đẫm ngọt ngào và cay đắng, bủa vây và xếp chặt từng ô ngăn trong tâm hồn, làm nên những gì anh có, từ lúc mới sinh ra cho đến bây giờ: “Tôi tin rằng cái nhìn đầu tiên của tôi ngay sau khi chào đời, ngoài mẹ tôi, là đã bắt gặp màu xanh cây lá dẫu tôi chẳng thể nào nhớ nổi điều ấy bởi nơi tôi sinh ra và lớn lên luôn được cây lá, hoa quả che chở, điểm tô, nuôi dưỡng. Nhìn qua ô cửa hay nhìn vào góc phòng đều có sự hiện hữu của màu xanh tươi thắm. Đó là một khu vườn cũ kỹ nằm trên một triền đồi ngoại thành Huế. Lớn lên một chút, tôi biết tưới mát cho những gốc hoa trước khi có thể tự mình tắm táp, biết trèo cây trước khi biết cưỡi xe đạp”. (tr.7). Người viết như tự soi tìm vào ký ức, những năm tháng tuổi thơ, những kỷ niệm với ông bà, cha mẹ, với mái nhà, mảnh vườn, với con đường làng quê, dòng sông, đồi thông, đền đài lăng tẩm... một không gian đậm đặc Huế chưa xa mà khó nhớ, không còn gần mà chẳng dễ phôi pha. Dưới vòm cong lung linh bụi mờ ký ức, anh nhìn đâu cũng thấy chuyện, nhìn đâu cũng có chuyện để nói, để viết, bởi lẽ “Tôi luôn hình dung Huế như thể một khu vườn không bao giờ biết hết những ngóc ngách” (tr.9). Hết soi tìm ký ức, anh lại đến lần giở thu tịch, sử sách cũ để đem ra đối chiếu, khám phá kiếm tìm, buộc quá khứ phải lên tiếng.

Dường như nghệ sĩ là người sống vượt ra ngoài thời gian, có quyền lực đối với cả quá khứ, điều khiển được quá khứ. Cách ăn mặc, lối sống của người Huế, những chuyện quá khứ phủ sâu dưới lớp bụi thời gian tưởng chừng như không còn ai nhớ nữa, như cuộc thao diễn thuỷ binh liên tục ba ngày đêm trên sông Hương để “dằn mặt” hải quân Tây Ban Nha vào năm 1645 của chúa Nguyễn Phúc Lan, chuyện vua Minh Mạng sắc dụ cho các hoàng tử (trong đó có các nhà thơ Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương) mỗi người trồng một cây thông, loại thông hai lá đặc trưng của thông Huế, tại Trai cung ở đàn Nam Giao, chuyện vua Khải Định xây An Định cung năm 1902 bằng tiền cá nhân chứ không “đụng đến kho nhà nước, bởi vì đây không phải là việc chung”... Kể chuyện sử sách, nhưng không để những con chữ vô hồn đem sắp xếp một cách vô cảm trong nghĩa địa của ngôn từ, mà được tác giả chắt lọc, đan cài cảm xúc, thổi tâm hồn mình vào để tạo sức sống cho từng chi tiết, có sức ấm lan toả đến tương lai. Những sự kiện hiện thực được phản ánh luôn nhỏ, mảnh nhưng vấn đề đặt ra có tầm khái quát lớn lao, buộc người đọc phải trăn trở, chiêm nghiệm. Hình tượng nghệ thuật nổi bật trong ký của anh là cái tôi tác giả, hiện lên giữa những hàng chữ âm thầm, buồn và đẹp: “Có lẽ tôi xuống ga Huế cùng lúc với mùa thu khẽ chạm vào thành phố. Tôi nhớ bầu không khí mát dịu này ngắn ngủi lắm. Hơi thu đến bất ngờ rồi lướt đi êm lặng, không kịp tạo mùa. Tôi đã để sổng nhiều thoáng thu qua trong tuổi thơ Huế của mình. Có lẽ vào tuổi bốn mươi người ta mới cảm nhận bước chuyển mùa tinh tế giữa nắng mưa trường kỳ của Huế.” (tr.61).

Ở phần truyện, tuy không xuất hiện các địa danh cụ thể trong tất cả các truyện, nhưng dù chuyện xảy ra ở đâu anh cũng lấy Huế làm không gian trung tâm, cùng soi nhìn từ Huế, có ít nhiều dính dáng đến Huế. Có chuyện diễn ra ở Đà Lạt, rồi nhân vật ra nước ngoài để sống, cuối cùng anh cũng đưa về Huế để giải quyết vấn đề (Bóng câu), hoặc xa Huế lâu ngày bỗng gặp cô bé đồng hương bán vé số (Đồng hương nhỏ), thậm chí vào tận Nam Bộ vẫn gặp người “thích nghe tiếng nước Huế” (Cầu sấu). Truyện của anh hầu hết đều có tính chất tự truyện. Những truyện hay, ấm áp tình người đều được trần thuật ở ngôi thứ nhất (Tháng bảy âm, Cái chết con chó hoang, Áo bà ba bà Ba, Ơ vàng ơ, Bữa tiệc mầu huyết dụ, Suất cho tình nhân, Đồng hương nhỏ, Cầu sấu), trong đó, có những truyện cái tôi chủ thể xuất hiện một cách cụ thể thông qua nhân vật tôi là một nhà báo (Suất cho tình nhân, Người xông đất). Ở những truyện nhân vật trần thuật xuất hiện ở ngôi thứ hai (Trăng núi, Chiều tím, Xuân chờ...), hoặc ở ngôi thứ ba (Cẩm nang, Ngọn đèn sinh mệnh, Lũ sớm, Chiếc nhẫn mắc cỡ, Bến đợi...) điểm mạnh được thể hiện ở sức tả và ngôn ngữ nhân vật sắc sảo, giầu kịch tính.

Truyện của Quyền không tập trung vào những vấn đề lớn lao như sinh mệnh của nhân loại, số phận của đất nước, của dân tộc (là những vấn đề thiết cốt anh từng đặt ra trong các tiểu thuyết lịch sử trước đây) mà chỉ quan tâm đến số phận con người. Những sự việc và con người xuất hiện trong trang sách của anh là những sự việc và con người mà ta có thể đã từng gặp trong đời sống hằng ngày. Mỗi chuyện chỉ nhằm nêu một vấn đề, một sự việc, đôi khi không có mở đầu, không có kết thúc hoàn chỉnh, độ dài chưa đầy ba trang sách. Một lối kết cấu hoàn toàn chủ động, thoải mái, linh hoạt và cởi mở. Đó có thể là những người hát tuồng trong cung nội biết giữ gìn nhân cách (Tháng bảy âm, những người sống dưới đáy của xã hội vẫn giữ được ân nghĩa (Lá chanh, Đồng hương nhỏ, những người dân biển đi câu mực đem sinh mạng của mình chơi trò ú tim với sóng, với gió trong biển đêm (Ngọn đèn sinh mệnh) hoặc những người có số phận ngặt nghèo bị xã hội ruồng bỏ như những bệnh nhân phong (Phía sau)... Cũng có những truyện kể về các mối quan hệ xã hội vui tuơi, tinh nghịch, nhẹ nhàng chỉ nhằm thoả mãn những khoái cảm thẩm mỹ cho con người (Trò chơi tháng giêng, Chiếc nhẫn mắc cỡ, Lũ sớm, Cẩm nang, Làn khói)...

Đặc biệt, anh không chỉ quan tâm đến con người, đến cảnh vật mà còn quan tâm đến loài vật, đồ vật. Người Huế thường sống hoà lẫn vào tự nhiên, vào cây cỏ muôn thú. Những con vật xuất hiện trong truyện dường như cũng có tâm hồn. Đó là con ngựa hồng trong Bóng câu, con chó vàng trong Ơ vàng ơ... Không phải ngẫu nhiên mà năm truyện liên tục mở đầu cho phần truyện trong tập đều có nhân vật trung tâm là chó. Đó là con Vá vô tình giết chủ (Tháng bảy âm), con chó hoang (Cái chết con chó hoang), con chó phốc tí hon trung thành chết theo chủ (Áo bà ba bà Ba), con Vàng trung thành với người chủ đã chết (Ơ vàng ơ), Con Bim ngoan hiền bị chủ lừa bắt làm thịt đãi khách (Bữa tiệc màu huyết dụ). Ngay cả những trang viết về loài vật sống gần gũi với con người này, cũng là những trang hồi ức về đời sống xã hội: “Những năm đầu 80 của thế kỷ XX ở thành phố Huế thật khó bói ra một bữa tiệc thịt chó” (tr,112). Truyện đi đến một kết thúc buồn: “Bây giờ, hơn hai mươi năm sau, trở lại Huế, trên đường đi loanh quanh, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp biển quảng cáo cầy tơ bảy món. Ôi, giá như những ngày đầu đất nước mở cửa làm ăn kinh tế mà mấy tiệm cầy tơ này cũng mở cửa kịp thời ở Huế, thành phố có truyền thống không ăn thịt chó, thì đâu đến nỗi con Bim phải chết uổng, ông Thạch phải mất trí, Mỵ phải đau lòng, tôi phải bất lực trước tất cả những oan khiên ấy?” (tr.114). Rõ ràng, chuyện vật nhưng thực ra là chuyện của số phận con người.

Cố nhiên, đây đó vẫn còn những nhược điểm về ngôn từ, về kết cấu truyện quá giản đơn, một vài đoạn ký còn mang chất thông tấn báo chí, thiếu sự gia công nghệ thuật cần thiết. Nhưng Huế mình là một thế giới, một chỉnh thể chỉ riêng mệ Quyền mới có. Với Huế mình, ta bắt gặp một Vĩnh Quyền hoàn toàn khác với Vĩnh Quyền trong những tiểu thuyết lịch sử và cả những bút ký, những tạp văn trước đây - một Vĩnh Quyền đậm đặc chất Huế, một mệ Quyền.

P.P.P
(190/12-04)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng