Tác giả-tác phẩm
Độc thoại Trần Dần
16:40 | 04/01/2010
KHÁNH PHƯƠNGNgay từ thuở cùng Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương viết tuyên ngôn Tượng trưng, Trần Dần đã mặc nhiên khảng khái công bố quan niệm, thơ bỏ qua những biểu hiện đơn nghĩa của sự vật, sự kiện, đời sống, mà muốn dung hợp tất cả biểu hiện hiện thực trong cõi tương hợp của cảm giác, biến nó thành không gian rộng lớn tiếp biến kỳ ảo của những biểu tượng tiềm thức. Như vậy cũng có nghĩa, nhà thơ không được quyền sao chép ngay cả những cảm xúc dễ dãi của bản thân.
Độc thoại Trần Dần
Nhà thơ Trần Dần - Ảnh: lethieunhon.com

Trong từng giai đoạn sáng tác, quan niệm thơ này được bộc lộ khác nhau. Những năm Trần Dần viết trường ca Đi! Đây Việt Bắc, cái hiện thực bất thường, quá tải, những đau thương xé lòng, nỗi cơ hàn… của hai cuộc kháng chiến liên tiếp mà ông đã có dịp phản ánh trong tiểu thuyết Người Người Lớp Lớp, cũng chỉ là cái vỏ bên ngoài của một hiện thực khác được biểu đạt bằng việc xẻ toang chính năng lực thụ cảm trực tiếp thành những thi tứ. “Tôi ở phố Sinh Từ/ những ngày ấy bao nhiêu thương xót…” Gạt phắt những ẩn dụ và lối nói vòng vo, câu thơ bộc lộ trưc tiếp cảm xúc bằng những lời như lời nói thường. Chính kiểu nói thông báo của đời thường đã giúp cho nhà thơ bộc lộ dễ dàng cảm xúc trong một độ căng mới. Kiểu lời nói này tất yếu thúc đẩy ông phải hiện thực hoá cho được những cảm xúc trong dạng vẻ của những cảm giác vật chất. “Tình yêu  không phải là  kề vai mơ  sầu mộng dưới trăng mòn  mà phải sống  phải cởi trần  mưa nắng phải mồ hôi  chảy đẫm  tận buồng gan…” Sự bùng nổ cảm giác vật chất, sự kích hoạt những tín hiệu cảm xúc trên từng câu chữ, giúp bộc lộ một cách cực đoan, mãnh liệt con người thơ, con người với cảm thức không còn đường thoái lui, mới mẻ và đầy sức công phá. Những sự biến của đời thường được cuốn vào dòng cảm xúc một cách tự nhiên, trở thành một phần sống động của nó, trong dạng thái căng thẳng và lạ lẫm: những người di cư vào Nam, em gái đi xin việc, phải giết chó, cuộc meeting…

Bản thân Trần Dần không phải là người khai sáng lối cảm thức hiện đại này, nhưng tiên cảm nhạy bén và rành mạch đã giúp ông nắm bắt và hòa nhập thành công vào một trong những dòng chảy mạnh mẽ nhất của thi ca hiện đại thế giới.

Cổng Tỉnh, tác phẩm mà với nghiệp thơ Trần Dần có ý nghĩa tương tự như Về Kinh Bắc với Hoàng Cầm, là sự đa diện hóa và mài sắc cảm nhận u uất, hàm chứa sự chống chọi quyết liệt với “thế giới tàn bạo” qua hồi tưởng về những ngày đầu theo cách mạng, là sự khởi đầu của “cái tôi” trần trụi giữa mọi luồng gió chướng của cảm thức, đương đầu tới tận cùng với những bão tố của chính nó - con người nhất quán trong gần như toàn bộ sự nghiệp thơ Trần Dần. Sau Cổng Tỉnh là lối rẽ khác của cùng một quan niệm thơ, một con người thơ không thay đổi.

 Những năm tháng nhà thơ mới chỉ vừa bước qua tuổi ba mươi, thời kỳ của năng lượng sáng tạo sung mãn, trớ trêu là ông lại phải đắm mình trong bóng tối. Đắm đuối đi vào bóng tối như một câu thơ sau này ông viết. Mọi cánh cửa mở ra thế giới bình thường đã khép lại. Ông sống như một người bị kết án lưu đày ngay trong the giới của mình. Nỗi cô độc từ bên trong và bên ngoài dội lại. Độc thoại của Trần Dần tràn ra trong dạng thức mới. Những con số lặp đi lặp lại. “Xương sống chín đốt  Đàn câm chín nốt  Chín mũi tiêm ngất  Chín quyển sách không đọc  Chín bức thư lạc…” Những cấu trúc câu và hình ảnh lặp đi lặp lại: Nhầm chín bưu thiếp…  Hẹn đi chín hẹn… Chín lần lạc thư… Anh về hối hận… Anh về nín lặng..  Anh ngồi nín lặng…  Anh ngồi hối hận…” - Tất cả tạo thành một thế giới liên hoàn và phiếm định. Chín vừa là con số cụ thể, vừa là con số vô cùng, trong Chín Bức Mưa Thư của Trần Dần, nó làm cộng hưởng vang dội lên một cảm giác vô nghĩa, rối bời, tuyệt vọng của con người khao khát những giá trị thực tại nhưng lại bị buộc chặt vào cái hư không.

  Những độc vận mùa- trong- sạch- sáng chạy suốt hàng chục trang thơ trong Mùa Sạch của Trần Dần, từng được phân tích là cái bè đệm trì tục để nâng lên luỹ thừa bậc n các con chữ trong những kết hợp mới lạ, hay được xem như sự thể hiện triệt để quá trình theo đuổi một lối tư duy trong một tác phẩm, đặc thù của tác phẩm nghệ thuật ý niệm, không phải là không có lý. Nhưng những biểu hiện ấy sẽ chỉ được xem là sự “làm mới” về mặt hình thức, nếu không được chỉ ra trong sự gắn kết của nó với những nhu cầu nội tại của tâm thức. Chắc chắn Trần Dần cũng không đồng ý nếu người ta khư khư gán cho ông danh hiệu nhà cách tân - chỉ nhằm để cách tân. Lưu ý rằng Mùa Sạch mang nội dung và cảm xúc giản lược, nhẹ nhàng, thậm chí thông tục, được viết bằng những câu thông báo - đời thường, đây đó vẫn rung rinh thứ cảm giác vật chất, cấu trúc theo lối lặp đi lặp lại, dễ khiến người ta đơn thuần cho là những “bài tập” về âm thanh và kết hợp từ ngữ. Nó không hướng đến cảm xúc cực thực như giai đoạn đầu. Với những độc vận là biểu tượng của sự khép kín, nó giống như mô thức liên hoàn của lời tụng niệm để giữ chủ thể lại trong thế giới tường minh cân bằng của những cảm xúc giản lược, nhẹ nhàng. Trần Dần viết thơ có lẽ trước hết để trấn an bản thân, để chống chọi với bão tố của một cái tôi chỉ còn có thể gai góc với chính mình. Những Con OEE, Con I và Hậu con OEE sau này (1988) tiếp tục là sự tràn ra của cái tôi khép kín ấy, cái tôi bị chặn mất kênh giao tiếp bình thường với chung quanh, tự tìm mình trong sự nhoè mờ, không trùng khít của những phiên bản chính mình. Những bố cục âm thanh tạo ra bằng cách làm nhòe âm gốc. “Nỏe xòe xòe  Thil thil thín lá  Nghịt ngìn nghit ngạ  Thoẹ thoè croè…” hay trong dạng Thơ Không Lời sau này (những năm 80). Mùa Sạch và những thể nghiệm này là sự tích lũy để xuất hiện một ý nghĩa mới của cái tôi - thơ trong 17 thiên Jờ Joạcx. Jờ Joạcx là biểu hiện trọn vẹn sự xóa nhòa ranh giới giữa thơ và lời nói thường (văn xuôi?) trong hình thức hợp lý của nó. Tại sao phải xoá nhoà ranh giới giữa thơ và lời nói thường? Một lần nữa, lại là nhu cầu tự thân của cảm xúc, ở dạng thông báo, hiển nhiên, trực tiếp, không bị tán xạ qua sự khuếch trương nhiêu khê của thơ truyền thống.

 Những chữ có nghĩa gốc: TRUỒNG, THỊT, NỮ, NGỬA, SẸO, ĐỒ ĐẠCX và không có nghĩa gốc JỜ, JOẠCX, lặp đi lặp lại theo mô thức liên hoàn, tụng niệm, kéo theo những tập hợp nghĩa không tường minh “Jập mùng đùi sẹo nữ, cái nịt thịt, quần lót thịt tí nịt, thịt của ký ức ngực mùa nực, sinh lý thịt mọi người…” chính là những từ khoá khoá kín thế giới thơ Trần Dần, khiến cho người đọc theo lối chỉ đọc hiển ngôn sẽ không hiểu gì. Nó cũng không nhắm đến “những kết hợp nghĩa tài tình, mới lạ” như người ta vẫn nghĩ, vì đơn giản những kết hợp kể trên gần như hoàn toàn không mang lại khoái thú ngũ quan; nhiều khi giống như lời nói nhảm. Những từ khoá mang đến điểm chết của ngữ nghĩa, kéo người đọc vào va đập bắt buộc với cái vô nghĩa. Cái vô nghĩa chặn đứng những nẻo tường minh trong tác phẩm của Trần Dần, nhốt chặt người đọc trong cảm giác bị phong toả, các kinh nghiệm cũ có nguy cơ bị xoá sổ. Nếu chưa tính đến những điểm chết này, người ta vẫn đọc được một tác phẩm thơ-văn xuôi với cảm hứng trực diện về cái đời thường, có yêu đương chung chạ, cặm cụi tồn tại, ham muốn nhục dục, rung cảm giới tính… - tất cả được thể hiện gắn liền với cái thô tục. Cái thô tục đem đến nét hài hước đen cho toàn bộ tác phẩm. Sự hiện diện của một đời sống co hẹp lại ở mức độ tối thiểu, (tới mức nhân vật chính chỉ còn là Thằng - Truồng), với những cảm thức mấp mé ở mức độ sinh vật, phần tâm não của con người bình thường gần như chỉ được xuất hiện ngầm, luôn đứng trước nguy cơ bị lùi vào vùng trắng của sự vô nghĩa, bị xoá sổ, chính là hiện thực hóa ranh giới cuối cùng của một cái tôi tự phủ định, cái tôi đầy trầm luân, đau khổ, vô ngã. Nó đau đớn chua xót trên từng chữ - không nghĩa, từng câu lầm đục bởi sự thô tục và nhảm nhí cố ý. Trần Dần buộc người ta phải đọc trong vùng nhòe mờ của nghĩa một nỗi tuyệt vọng đang rắn lại, nỗi tuyệt vọng mà qua việc chỉ mặt gọi tên, ông đã dan dà khuất phục nó. Jờ Joạcx khép lại quá trình sáng tác bất thường của Trần Dần.

  Những năm 70, 80, có thể thấy qua các Sổ Bụi, Vở Bụi, Thơ Mi-ni, sự kiên định con đường thơ-văn xuôi của Trần Dần, kiên định lối biểu cảm biểu ý trực diện. Ông biến những cảm xúc vô hình thành động thái hiện thực, truy tầm cái ý nghĩa - dạng thái khác lạ đối nghịch của sự vật quen thuộc. Ông ao ước khai mở tất cả ý nghĩa của các sự vật bình thường trong đời sống. Thơ Trần Dần giai đoạn này đắm đuối vào những suy tư, đắm đuối trong những sự diễn giải khác về đời sống. Vẫn thấp thoáng những thách thức về mặt ngữ nghĩa, nhưng đúng ra, đó là sự diễn tả những dịch chuyen cảm giác trong không gian tưởng tượng hay sự dịch chuyển từ cảm giác sang những suy niệm:

Tôi ốm ở toàn - tôi phố cây đường đèn lúc mưa lá lẩm hoa sao trời và tín hiệu lạ
Tất cả trăng sao bên kia đều công dụng hàng ngay đời mặt đất
(Ốm)

Anh thất vọng hẳn quả đất. Không còn gì thu hút yến tiệc, dục tình, của cải. Qua rồi mùa xuân với tất cả mọi loài hoa.  Sao anh lắm chiêm bao? thừa hy vọng thế? Không có làm sao bé tí ấy lấy ai chong thấu sáng ngã ba - người? (Sổ thơ 1976)

 Cuối thu ơi. Vàng lụi phố.  Cao áp tình huống- đứt sựt đàng xa.  Lữ lự trình- đốt tranh. Mưa mảnh sành. Kỹ thuật dạ hàng. Mệnh mới (Thu 1976)

ĐỪNG VIẾT CÁI GÌ KHÔNG RƠM RỚM BÊN KIA? KHÔNG NGẠC NHIÊN CHÍNH MÌNH? (Sổ bụi 1985)

AI XUẤT BẢN NHIỀU ĐÊM THẾ NHỈ? (Sổ thơ 1979)

 Nguy hiểm chết người: Sống
Xưa nay từ sống mấy ai về?
(Thơ Mi-ni)

 Đây là giai đoạn sáng tác mà Trần Dần bộc lộ được con người-thơ của mình một cách kỹ lưỡng tường tận nhất, mặc dầu nỗi buồn cay đắng đã lắng thành sự kham nhẫn thấm đẫm trong từng dòng.

Xuất phát từ cái nhìn của thi sĩ tượng trưng, riết róng theo đuổi cuộc độc thoại với chính những giông gió gai góc của bản thể, trong bóng tối, trong sự cách ly với thứ hiện thực thông tục và võ đoán, khách quan lạnh lùng, kiên định một lối nói trực diện, Trần Dần có thơ, thứ thơ giác ngộ những ý nghĩa mới mẻ của sự vat, tuẫn triệt kiếm tìm bản ngã trong đời sống vô ngã.

 Trần Dần là một nhà thơ lớn. Không phải “lớn” theo quan niệm ấu trĩ: “Có nhiều người ảnh hưởng thơ Trần Dần nhưng không ai có thể vượt qua ông về lối thơ đó”. Cũng phải nói thêm rằng chỉ ở trong nước mới có tiêu chí đánh giá tác gia lớn thông qua những phiên bản nhợt nhạt hơn của người viết sau. Trần Dần lớn vì ông đã tiên cảm và chứng nghiệm dòng tư tưởng của thời đại, những lối biểu hiện tương ứng, theo cách của ông, bằng cảm thức cụ thể của ông, để lại những dòng thơ tràn đầy niềm hoan lạc của con người đã vượt qua cùng tận khổ đau.

K.P

(250/12-09)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng