Tác giả-tác phẩm
Nguyên Ngọc với Tây Nguyên
10:00 | 10/02/2010
LÊ VĂN DƯƠNG1. Quý II năm 2005, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh phát hành, nói đúng ra là tái bản lần thứ nhất cuốn Tản mạn nhớ và quên của Nguyên Ngọc. Cuốn sách dày 560 trang, tập hợp 15 bài viết của tác giả ở những thời điểm khác nhau nhưng đa phần là vào những năm 90 của thế kỷ XX và một vài năm mở đầu thế kỷ XXI.
Nguyên Ngọc với Tây Nguyên
Nhà văn Nguyên Ngọc - Ảnh: tuoitre.com.vn

Tám (8) trong số mười lăm (15) bài trên viết về vùng đất, con người, văn hoá Tây Nguyên. Đó là các bài: Tượng gỗ rừng già; Lễ thổi tai và rượu cần, tản mạn nhớ và quên; Người nghệ sỹ vô danh đã sinh ra cây K’nia; Người hát rong giữa rừng; Rừng trong văn hoá Tây Nguyên; Nhà rông, hồn của làng; Núp, người già làng của cả Tây Nguyên; Nơi học nghề làm người. Quý III năm 2008, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh phát hành tập bút ký Bằng đôi chân trần cũng của Nguyên Ngọc. Sách gồm hai phần: Phần 1- Những chiều kích của rừng; Phần 2- Lan man đường dài, với 30 bài viết. Trừ bài Người hát rong giữa rừng đã có mặt ở cuốn trước, cuốn này có 14, nghĩa là suýt soát một nửa trong tổng số 30 bài, vẫn tiếp tục với đề tài Tây Nguyên, theo đuổi vấn đề Tây Nguyên: Tây Nguyên mê hoặc; “Loại hình sống” Condo; ABốc ở Mường Hon; Lửa nguyên thuỷ; Những chiều kích của rừng; Người đi qua lỗ đất Adreh; Các bạn tôi ở trên ấy; Người hát rong giữa rừng; Người về Kông Ch’Ro; Sáu linh hồn của người Xteng; Phát triển Tây Nguyên thử nhìn từ một góc độ khác; Một lớp trí thức mới của Tây Nguyên, hoàn toàn là hiện thực; Già làng hôm nay; Du lịch bền vững ở Tây Nguyên; Du lịch bền vững.

Ngoài hơn hai chục bài in ở hai cuốn sách nói trên, Nguyên Ngọc còn có rất nhiều bài khác cũng về đề tài Tây Nguyên in trong bộ Nguyên Ngọc - Tác phẩm, gồm 3 tập, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2007 nhân kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh của ông. Đấy là những con số có ý nghĩa, nói được nhiều điều về người viết và địa chỉ mà người viết hướng đến. Phải là một người gắn với Tây Nguyên quá đỗi thân thiết, suy nghĩ về Tây Nguyên đau đáu và dữ dội, có một tiềm lực biết và hiểu dồi dào về Tây Nguyên mới có thể biểu lộ ra trang giấy nhiều bút lực đến vậy. Còn Tây Nguyên chắc phải có sức “mê hoặc” kỳ lạ đối với Nguyên Ngọc như tên một bài viết của ông?

Cũng như nhiều nhà văn khác, trải qua hai cuộc chiến, rồi thời bình, mang danh “nhà văn - chiến sỹ” đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng, Nguyên Ngọc từng có mặt ở nhiều vùng, miền khác nhau. Cũng vì lẽ đó, nhiều địa danh từ Đồng Văn, Mèo Vạc - vùng biên giới phía Bắc đẹp như thơ, như mơ đến “một thế giới đảo vừa thực vừa hư, đa dạng đến kỳ lạ”, “hoang dã mà hiện đại”- vùng đảo Kiên Hải, Kiên Giang hấp dẫn, kỳ thú của cực Nam đất nước đã hiện hữu trong tác phẩm của Nguyên Ngọc. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là Tây Nguyên chứ không phải một vùng miền nào khác. Nguyên Ngọc yêu và say Tây Nguyên đến nồng nàn, mê đắm. Ông nhìn ra “tiềm lực văn hoá”  dường như bất tận của khu vực địa lý - văn hoá - dân tộc Tây Nguyên. “Chuyện Tây Nguyên thì có thể kể suốt đời, không bao giờ hết, chẳng bao giờ chán” (ABốc ở Mường Hon): Chuyện rừng, chuyện nhà rông, tượng gỗ, chuyện chế biến và uống rượu cần, tục bỏ mả, chuyện tính cách tự do phóng khoáng của con người. Chuyện nào cũng lý thú. Đã đọc, đã nghe thì không thể và cũng không dễ dứt ra được. Người ta gọi Nguyên Ngọc là nhà văn. Đương nhiên. Nhưng cũng có thể gọi ông là nhà Tây Nguyên học bởi sự am tường, sâu sắc của tác giả về con người, núi non, tập tục nói rộng ra là văn hoá Tây Nguyên. Đất và người Tây Nguyên thấm đẫm trong văn Nguyên Ngọc bằng cả trí tuệ và tình cảm. Mỗi bài viết là một nỗi niềm, một tâm trạng.

Mượn tâm sự của linh mục Người Pháp, Jacques Dournes, người mà tôi chắc Nguyên Ngọc vô cùng yêu mến và nể trọng, rằng “nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”, Nguyên Ngọc muốn gửi tới mọi người một thông điệp: “Phải hiểu và yêu, yêu và hiểu. Hiểu để mà yêu, yêu để mà hiểu, đều đến tận cùng” (ABốc ở Mường Hon). Với suy nghĩ ấy, Nguyên Ngọc đã tạo và tạo được cho mình điểm nhìn Tây Nguyên “Không phải từ bên ngoài mà từ bên trong”. Nghĩa là ông không nhìn Tây Nguyên như một người xa lạ, từ nơi khác nhìn vào mà với tư cách là thành viên, là chủ thể của nền văn hoá ấy. “Đắm mình trong văn hoá của họ” tới mức “cứ ngỡ mình đã trở thành người Tây Nguyên rồi” (Tượng gỗ rừng già )- Nguyên Ngọc tâm sự. Cố nhiên, điểm nhìn nào cũng có ưu điểm và hạn chế. Nhưng với Nguyên Ngọc, điểm nhìn ấy đã mang đến cho những trang văn của ông sức hấp dẫn riêng, đặc biệt là độ tin cậy trong những kiến giải, đề xuất. Hơn hai chục bài ký của Nguyên Ngọc về Tây Nguyên ở hai cuốn Tản mạn nhớ và quên; Bằng đôi chân trần và cũng ngót ngần ấy bài in trong tập 1 và 2, bộ sách 3 tập, Nguyên Ngọc - Tác phẩm là những bài cực kỳ hấp dẫn. Hấp dẫn không chỉ ở hơi văn mê hoặc, lôi cuốn, ở giọng văn vừa như tranh luận, chất vấn vừa như thuyết phục, ở những câu chuyện như thực, như mơ mà còn hấp dẫn bởi lượng thông tin thú vị, mới mẻ, kỳ lạ. Kỳ lạ đến “sững sờ” như cách nói của Nguyên Ngọc khi nhà văn giúp ta “chạm” đến được những nét văn hoá Tây Nguyên “độc nhất vô nhị”, thẳm sâu, bí ẩn.

Nhiều người qua sách vở hoặc tận mắt nhìn ngó, chiêm ngưỡng nhà rông Tây Nguyên nhưng không khỏi ngỡ ngàng khi nghe Nguyên Ngọc cặn kẽ lý giải: “Nhà rông không phải là một cái miếu, nhưng cũng như cái miếu, nó là sản phẩm đặc trưng của một biểu tượng văn hoá sâu sắc nhất trong đời sống của người Tây Nguyên: Làng” (Nhà rông, hồn của làng). Chưa hết. Cũng là nhà rông, là kiến trúc đấy nhưng “Kiến trúc Êđê khác kiến trúc Bana hay Xơđăng. Nếu vùng Bana hay Xơđăng nổi tiếng về những ngôi nhà rông cao vút thanh thoát tựa những cánh chim, thì nhà dài là niềm tự hào kiến trúc của người Êđê. Nhà dài đằm và trang trọng, là sự kỳ vĩ đậm đà của chiều ngang chứ không phải cái kiêu hãnh và điệu đà của chiều cao. Nó đặc biệt hài hoà với thiên nhiên Êđê vốn bát ngát những bình nguyên mênh mông đến hút tầm mắt” (Kể sử thi, sống sử thi). Lý giải tục “tế lễ giết trâu” ở Tây Nguyên và qua đó nhằm nhắc nhủ, cảnh tỉnh một số người vì vô số lý do khác nhau đã hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai dẫn tới những áp đặt văn hoá vô lối, vô lý lẽ ra không nên có, Nguyên Ngọc viết: “Ở Tây Nguyên người ta nuôi trâu không phải để cày, trâu không phải là sức kéo, có mấy anh cán bộ vớ vẩn phê bình bà con dân tộc tế lễ giết trâu là “lãng phí sức kéo”. Hiểu như vậy, theo ông, là “quá ư kiêu căng mà dốt nát không biết được rằng ở đây trâu là con vật làm nhiệm vụ thiêng liêng thay con người hiến linh để tế thần linh” (ABốc ở Mường Hon). Nguyên Ngọc hiểu rất sâu “hồn vía” Tây Nguyên, mặc dù Tây Nguyên không phải quê sinh của tác giả.

2. Nguyên Ngọc đau đáu với Tây Nguyên trên những vấn đề vừa muôn đời vừa nóng bỏng. “Muôn đời” ở bản sắc văn hoá. “Nóng bỏng” ở sự phát triển trong hiện tại và tương lai. Cố nhiên cái “muôn đời” với cái “nóng bỏng”  đều có trong nhau, soi chiếu qua nhau. Cái này tìm thấy cái kia, gợi ý cho cái kia trong hướng đi lâu dài, bền vững. Vấn đề “nóng bỏng” phải được xây dựng trên cái “muôn đời”, không phá vỡ, phá hỏng cái “muôn đời”. Trong Phần II, phần “Lan man đường dài”, cuốn Bằng đôi chân trần, Nguyên Ngọc dành hẳn 5 bài cùng một số bài trong bộ Nguyên Ngọc - Tác phẩm, tập 2, để lý giải, đề xuất chiến lược phát triển Tây Nguyên trong bối cảnh đối mặt với toàn cầu hoá. Đó là các vấn đề cơ chế quản lý xã hội; xây dựng lớp trí thức mới ở Tây Nguyên và cho Tây Nguyên; vấn đề du lịch bền vững... Về vấn đề cơ chế quản lý xã hội ở Tây Nguyên, Nguyên Ngọc cho rằng phải thực hiện theo cơ chế già làng và hội đồng già làng. Đây là “cơ chế rất đặc biệt và hết sức hiệu quả” bởi xã hội Tây Nguyên là xã hội trọng hiền chứ không phải là trọng quyền (Tôn trọng thực tế, bài  học lớn nhất ở Tây Nguyên). Không hiểu hoặc hiểu sai nét độc đáo này thì chỉ có thể dẫn tới những khó khăn, lúng túng thậm chí thất bại cay đắng, khôn lường trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá và bình ổn chính trị, xã hội ở vùng đất này (Núp, người già làng của cả  Tây Nguyên; Tôn trọng thực tế, bài học lớn nhất ở Tây Nguyên). Gắn với vấn đề cơ chế quản lý xã hội là vấn đề xây dựng lớp trí thức mới, bởi họ, chứ không phải ai khác chính là tầng lớp “già làng mới” của Tây Nguyên. Nguyên Ngọc lý giải: “Trong một làng, người già làng không phải bao giờ cũng nhất thiết là người nhiều tuổi nhất. Mà là người hiền minh nhất”.

Không phải ngẫu nhiên, Nguyên Ngọc đặt cho một bài viết của ông tiêu đề mang đầy tính đối thoại, tranh luận: Già làng hôm nay? Trả lời câu hỏi du lịch sao cho bền vững, Nguyên Ngọc cho rằng đó là du lịch văn hoá, mà “văn hoá tuyệt diệu” của Tây Nguyên là văn hoá rừng, văn hoá làng. Du lịch văn hoá là vấn đề độc đáo, đặc biệt, được nhà văn nhấn đi, nhấn lại trong nhiều bài ký, tạp văn; là “phương châm, đầu tiên và căn bản” của việc phát triển du lịch bền vững ở Tây Nguyên. Kinh tế gắn với văn hoá. Làm văn hoá cũng là làm kinh tế. Có khi cách làm này lại là cách làm hiệu quả, ít nhất là đúng với Tây Nguyên. Rõ ràng những vấn đề được Nguyên Ngọc đặt ra không hề là những vấn đề nhỏ, “tản mạn”, hoặc “lan man” như cách nói khiêm nhường của ông mà thực chất là những vấn đề lớn, thiết thực. Nguyên Ngọc phát biểu, tranh luận có thể nhiều khi gay gắt nhưng thấu lý, đạt tình, và... nhiệt tình. Nhiệt tình đến quyết liệt. Chừng nào Tây Nguyên, khu vực vốn rất quan trọng, còn là điểm nóng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước thì chừng đó những suy nghĩ, kiến nghị thẳng thắn của Nguyên Ngọc, thiết tưởng vẫn còn tươi rói ý nghĩa thời sự.

3. Trở lại với đề tài Tây Nguyên của Nguyên Ngọc không thể không nhắc tới hai tác phẩm: Đất nước đứng lên Rừng xà nu. Sinh năm 1932, hai tư tuổi đời, Nguyên Ngọc “trình làng” rất ấn tượng với cuốn tiểu thuyết Đất nước đứng lên (cuối 1955). Đây là tiểu thuyết đầu tiên, và cũng là tác phẩm đầu tay của Nguyên Ngọc. Chính tác phẩm này đã đưa ông tới giải cao nhất, giải nhất, Giải thưởng Văn nghệ 1954 - 1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam ở khu vực văn xuôi. Mười năm sau, năm 1965, truyện ngắn Rừng xà nu ra mắt bạn đọc. Truyện được trao Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu, một giải thưởng danh giá hồi đó dành cho các tác phẩm văn học nghệ thuật và văn nghệ sỹ bộ phận Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt . Hai tác phẩm viết ở và viết về hai thời kỳ khác nhau. Nhưng cả hai đều viết về Tây Nguyên anh hùng trên cơ sở lấy những con người thật, sự việc có thật làm chất liệu sáng tạo hình tượng. Nói thế để thấy trong mạch văn của Nguyên Ngọc, Tây Nguyên luôn luôn chiếm vị trí nổi bật, là điểm nhấn quan trọng ở bất kỳ thể loại nào, dù đó là tiểu thuyết, truyện ngắn, ký hoặc tạp văn. Hơn nửa thế kỷ qua, Tây Nguyên đối với Nguyên Ngọc là “mạch nước ngầm” để khai thác, sáng tạo, hình thành một phong cách nhà văn không giống bất kỳ ai, không lẫn với ai, phong cách Nguyên Ngọc trong cả ưu và nhược, mà bắt đầu từ Đất nước đứng lên. Là một người “gắn bó lâu dài với Tây Nguyên và gần suốt cuộc đời đã tự coi mình như một đứa con của vùng đất anh hùng và giàu tình nghĩa này” (Già làng hôm nay?), Nguyên Ngọc hướng đến Tây Nguyên , viết về Tây Nguyên phải chăng như một sự tri ân, trả nghĩa và cũng là trách nhiệm. Trách nhiệm của một công dân, trách nhiệm của một nhà văn. Cũng vì vậy, tôi nghĩ, Nguyên Ngọc đâu chỉ viết về Tây Nguyên, mà còn viết vì Tây Nguyên.

L.V.D

(252/02-2010)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng