Năm 1839, được cử trông nom trường Tôn học đường và được nổi danh thơ văn ngang với Tùng Thiện Vương Nguyễn Miên Thẩm, người anh kề sát ông (con thứ 10 của Minh Mệnh)
Bình sinh ông yêu thích sách vở và thơ văn. Thơ văn của ông được tập hợp trong Vi Dã hợp tập, có lời tựa của Nguyễn Đức Đạt, và của sứ thần Tiến sĩ nhà Thanh Vương Tiên Khiêm, in năm Tự Đức Ât Hợi (1875). Quyển thủ có 3 bức chân dung tác giả do Tôn Ưng Ân vẽ bằng bút lông, lời vua ban khen, 2 lời tựa và lời bình luận của các nhà thơ đề tặng của người Trung Hoa, Nhật Bản. Thơ có 6 tập: Thi 1 do Hồng Nhung và Hồng Nhược hiệu đính, Thi 2 do Hồng Phiên và Hồng Sâm hiệu đính, Thi 3 do Hồng Thiết và Hồng Tụy hiệu đính, Thi 4 do Hồng Tô và Hồng Minh hiệu đính, Thi 5 do Hồng Côn và Hồng Tảo hiệu đính, Thi 6 do Hồng Huân và Hồng Bồng hiệu đính. Văn có 5 tập: Văn 1 do Hồng Nhung và Hồng Nhược hiệu đính, Văn 2 do Hồng Tu và Hồng Thuật hiệu đính, Văn 3 do Hồng Ngải và Hồng Cát hiệu đính, Văn 4 do Hồng Thị và Hồng Trứ hiệu đính, Văn 5 do Hồng Vu, Hồng Trứ và Hồng Thương hiệu đính (những người hiệu đính đều là con của tác giả, công việc hiệu đính thực chất là thu thập, chỉnh lí câu chữ sắp xếp thứ tự.
Ngoài ra còn có Tuy Quốc công thi tập gồm 96 trang chép tay khổ 22,2 x 13,7 (132 bài thơ, ca... đề vịnh xướng họa, viếng tang, tiễn biệt bạn bè...)
Thơ có khoảng bảy trăm bài gồm thơ luật, ca, từ, hành... với đề tài vịnh danh lam thắng cảnh của đất nước như chùa Thiên Mụ, chùa Đồng Thiên, núi Ngũ Hành, các hiện tượng thiên nhiên như mưa, nắng, nhật thực..., thời tiết, chim muông, các ngày Tết Nguyên đán, Trùng cửu, Đoan ngọ, các cuộc đi chơi núi, chơi chùa, chơi thuyền. Một số bài vịnh các nhân vật lịch sử Trung Hoa như An Anh, Hán Cao Tổ, Nhạc Phi, Gia Cát Lượng...
Văn của ông cũng rất có giá trị. Các bài kí như Tĩnh Phố kí, các bài phú về cây lau, cây trúc, về duyệt tập các thế trận thủy bộ ở Thuận An đều rất giàu chất văn. Ông đã viết rất nhiều Tựa, Bạt cho các nhà thơ, nhà văn lớn như Thương Sơn thi tập tự, Kiến Thụy Công thi tập tự. Với Ngự chế diễn Luận ngữ ca của Tự Đức, ông có bài bạt đáng giá rằng: “ Quỳnh âm bảo tứ, diễn dịch tinh tường, luật lã khanh tương, chỉ nghĩa giản quát, khải cẩn tòng lai ca từ gia chi sở vị mộng kiến, thực cổ kim tiên sớ gia diệc vạn bất khả cập” (Tiếng ngọc lời báu, diễn dịch tinh tường, nhạc điệu giòn giã, ý nghĩa gọn rõ đầy đủ, chẳng những là các nhà làm ca từ trước kia chưa từng mơ thấy, mà quả là các nhà chú giải tiên sớ xưa nay cũng hoàn toàn không thể theo kịp). Ngoài ra, như Thi từ hợp nhạc sớ, Luận thi trát tử, Dữ Trọng Cung luận điền từ thư, Dữ Trọng Cung luận thi thư, Dữ Trọng Cung ước trị kinh thư (Trọng Cung là con thứ 15 của Minh Mệnh)... đều có ý nghĩa về lí luận văn học và cả về nghiên cứu Nho học nói chung.
Thiết nghĩ hai vế đối lâu nay truyền tụng “ Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường “ tuy có phần khoa trương, song không phải hoàn toàn vô căn cứ. Và các chữ “văn”, “ thi” trong đó đều hàm ý thơ văn nói chung và cả bốn vị đều là những “thần”, những “thánh” trên thi đàn, văn đàn thời Nguyễn.
Đặc biệt tập Văn 5 có Niên phả của Miên Trinh do ông tự lập từ khi sinh ra ở giờ Canh Tí, ngày Đinh Mùi 19, tháng Đinh sửu 12, năm Kỉ Mão Gia Long 18, cho đến năm ông 70 tuổi. Thơ văn ông cho đến nay chưa được giới thiệu. Nhưng tiến sĩ Vương Tiên Khiêm nhà Thanh rất khen thơ ông.
Nhà thơ hoàng tộc ấy gần gũi với thiên nhiên, với nông thôn Việt Nam một cách hồn nhiên và đáng yêu biết chừng nào. Không chỉ là đề tài: một chú bé chăn trâu, một chiếc xe cút kít chở đất, một ngôi chùa trên núi dưới trăng, một làng chài đêm thu, một vầng trăng đêm mười bốn, một đêm khuya thức dậy trên hồ, một vách nhà người dân sơn cước,cho đến một buổi leo Ngũ Hành Sơn... Hồn thơ ấy thật tinh tế, nhạy cảm. Phải đồng cảm, hơn thế, phải đặt mình vào thế giới mục đồng mới có được những rung động trước những nét hiện thực tinh vi để hạ được những câu thơ cực kì bình dị mà như reo lên vì hân hoan:
Nghé con uống suối xuyên rừng, Con trâu đem thiến mài sừng đá khe (Xuyên lâm thanh độc ẩm khê lưu, Ô kiên ma giác khê biên thạch.) Mục đồng từ.
và:
Lưng trâu nắng tắt trong mơ. Bờ tre tiếng sáo vẳng đưa chiều về. (Mộng hồi ngưu bối tịch dương trầm, Trúc ngoại nhất thanh quy địch vãn.) Mục đồng từ.
“ Bài hát chiếc xe chở đất” như viết trên nền nhạc lọc cọc gập ghềnh của chiếc xe cút kít:
Lọc cọc lọc cọc, Đất nhiều gãy trục. Chẳng sợ gãy trục, Chỉ lo đất ục. (Lịch lộc lịch lộc Thổ đa chiết trục. Bất úy chiết trục, Duy khưng thổ phúc.) Thổ xa dao.
Nhưng đáng quý hơn là thái độ trân trọng của nhà thơ đối với người lao động, người phu xe, mà ông cảm nhận được lòng tự trọng, khi nhà thơ để anh ta tự nhủ “ hãy cẩn thận chớ chậm trễ để quan trên quở mắng” vì “ ta cũng là con cha con mẹ, là bề tôi của đức vua” (không khác gì quan trên!)
Nhà thơ nói nhiều đến Phật, đến nhà chùa. Qua chùa Phúc Tuệ, ông tặng sa môn Chân Tâm một bài ngũ ngôn tỏ ý khâm phục và ao ước được lánh vào Thiền, chỉ e không biết chiếc giường nhà tăng của Chân Tâm có chịu để cho ông cùng đến nằm nghe tiếng suối trong rừng trúc:
Giường tu có để ta cùng Đến nghe tiếng suối trong rừng trúc chăng? Khẳng hứa đồng tăng tháp Lai thinh trúc lí tuyền? (Quá Phúc Tuệ tự tặng sa môn Chân Tâm)
Ông từng “ cùng ao ước về cõi Hoa sen, ai bước lên được Bát Nhã” (Cộng liện Liên hoa quốc, Thùy đăng Bát Nhã thuyền?. (Dữ đồng nhân sơn tự bộ nguyệt), và ông cho rằng “ hoa sen của Bạch liên xã khéo hợp với túc duyên” của mình (Bạch xã liên hoa khế túc duyên- Hồ thượng dạ hưng thị chư đồng du)
Song thật ra, hồn thơ ấy vẫn nặng nỗi yêu đời: “ Tỉnh rượu ra, đêm nghe sóng đổ xuống gối nằm. Đi câu về, mùa thu thường khiến trăng đi theo thuyền”
Tửu tỉnh dạ văn đào lạc chẩm, Điếu quy thu khiển nguyệt tùy thuyền (Hồ thượng dạ hưng thị chư đồng du)
và:
Nắng quái đã xuống dưới thung lũng Khói sáng còn sáng ở lưng chừng núi Cửa sài vây màu tre xanh, Lối đi ghép đá dẫn vào tiếng thông reo. (Phản chiếu hạ lâm cốc Yên hà bán lĩnh minh Sài môn vi trúc sắc Thạch kính nhập tùng thanh (Đề sơn nhân bích)
Bởi yêu đời nên ở đâu nhà thơ cũng phát hiện ra những nét đẹp lôi cuốn như vậy, ngay trong những cảnh quen thuộc bình thường nhất. Toàn bài Đề sơn nhân bích là như vậy:
Dưới thung, nắng quái tắt, Lưng núi, sáng mây hồng. Cửa sài vây sắc trúc, Đường đá gợi reo tùng. Giữ khách, hiên tranh vắng, Pha trà, nước giếng trong Đối cảnh càng tương đắc Cổ nhân, thêm hiểu lòng.
Và ta hãy hình dung cảnh các thiếu nữ giặt áo bên hồ:
Má hồng son phấn đi vào hoa Bướm bay vờn trên xiêm áo. (Hồng trang nhập hoa lí, Hồ điệp loạn y thường. (Nam Hồ)
Ta thấm thía ý xuân lai láng của nhà thơ khi ông hạ những câu:
Người áo đỏ đứng tựa lan can ngọc quanh co uốn khúc Làm nao lòng nát dạ kẻ vương tôn trên lối đi màu tím (Thiếu sam nhân ỷ châu lan khúc Mang sát vương tôn tử mạch đầu. (Xuân thành khúc)
Và ta chợt thấy ông vượt lên thời gian để thật gần gũi với chúng ta hôm nay, sau ông một thế kỉ rưỡi.
Ở một chiều sâu thẳm khác, nhà thơ nói về nợ nước, về chí trai thật say sưa và hào hùng. Nghe tiếng tù và nơi biên tái, ông suy tưởng:
Ai thổi tù và nơi biên tái, Lạnh lẽo thâu đêm, sáng vang dội? Anh gươm như nước, râu như tuyết, Lão tướng dừng roi, lòng thảm thiết. Hung Nô chưa diệt, nhà làm chi! Vào lại Ngọc Quan, không hẹn kì! Dư âm không dứt, gió nam nổi, Chớ để thổi vào khuê phòng vội!
Cả bài Hiểu giác khúc này chỉ vẻn vọn tám câu như vậy nhưng âm hưởng anh hùng ca của nó dường như bất tận. Ta nghe vang vọng tráng âm yêu nước của toàn dân tộc trước họa xâm lăng của đế quốc phương Tây lúc bấy giờ uy hiếp cả giang sơn.
Điều khiến người trích dẫn lúng túng là ở thi tập của nhà thơ “ cánh đồng lau” này, ta luôn luôn dễ dàng bắt gặp những tác phẩm hoàn bích, dù xét trên góc độ “ cấu tứ”, hình thành “ ý tượng”, hay trên khía cạnh từ tảo, nhạc điệu của từng câu chữ, mà bài tứ tuyệt “ Đêm thu ở làng chài” sau đây là một thí dụ:
Nguyệt lạc ngư ca nhập khúc than, Tiêu điều suy liễu ỷ giang can. Tiểu chân nhân túc lô hoa lí, Bán dạ triều sinh u mộng hàn (Giang thôn thu dạ)
dịch:
Trăng tàn bãi vắng lắng ngư ca, Rặng liễu xác xơ đứng tựa bờ. Thuyền nép hoa lau người ghé ngủ, Nửa đêm triều dậy lạnh cơn mơ.
Cũng hoàn toàn có thể nói như vậy về nhiều bài khác: Sơn trai tảo khởi, Vô đề, Xuân thành khúc, Xuân nhật ngẫu thành, Đăng Ngũ Hành sơn tác...đều là những viên ngọc có thể sánh đẹp cùng các kiệt tác cổ điển thời Thịnh Đường.
P.V.C (131/01-2000)
|