Trong đời sống hiện đại hôm nay, dường như con người hầu hết đều không có thời gian để ý đến những điều tưởng chừng vụn vặt và nhỏ bé. Aldous Huxley nói rằng "người ta có thể sống và làm việc mà không cần ý thức đến sự vận hành thường nhật của mặt trời, không cần bao giờ ngắm nhìn mặt phẳng và những ngôi sao". Người ta càng không bao giờ cần chú ý đến một tiếng dế rù rì trong đám cỏ, một tiếng gió lướt đi ngoài hiên hay một tiếng kêu âm thầm thảng thốt cất lên giữa đêm khuya trong đợi chờ mê đắm... Với Lê Thị Hoài Nam, giữa đời sống hiện đại, chị như một cô bé lần đầu tiên biết yêu, ngây thơ và bạo liệt đã quả quyết "lội ngược dòng" cất lên một tiếng nói riêng - tiếng thì thầm "Người ơi" đầy dư vang. Phải nói rằng tiếng thì thầm "Người ơi" của Lê Thị Hoài là một tiếng nói đắm say thầm kín, có đời sống riêng của mình và không hề lạc lõng. Đời sống ấy là một thế giới của mơ và yêu. Mỗi truyện ngắn là một giấc mơ. Mỗi giấc mơ là một ấp ủ tình yêu. Có khi, đó là tình yêu biểu hiện trong khát vọng nhục thể, lại có khi, là một mơ hồ khát khao xa xăm không dễ dàng cắt nghĩa. Mười truyện ngắn vỏn vẹn gói trong 178 trang giấy khổ nhỏ là mười giấc mơ. Không chỉ đơn thuần là giấc mơ theo lối tư duy hình tượng của thuyết phân tâm S.Freud và đúng như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét; "Người ơi" có đời sống tình cảm thấm đẫm tinh thần người Việt... mang chứa những khát vọng về một tình yêu cao đẹp mà nếu không có nó con người sẽ trở thành vô nghĩa! Những khát vọng cao đẹp trong truyện ngắn của Hoài Nam đã tạo nên tiếng mơ - yêu thì thầm trong những giấc mơ, tạo nên những nhân vật "thiên tính nữ" giữa sự dấn thân và phân thân quả quyết. Hầu hết các nhân vật trong "Người ơi" đều có "thiên tính nữ", đều có sự dịu dàng và mãnh liệt trong những phân thân thách đố của ám ảnh vô thức và khát vọng yêu. Các nhân vật nữ được Hoài Nam lựa chọn từ nhiều góc, nhưng dù là nhân vật xấu xí như cô gái trong "Hương trầm", người đàn bà xinh đẹp và cô đơn trong "Chờ đợi", nhân vật nữ có tình cảm "cổ điển" như U Trầm hay ngược lại rất "hiện đại" như Thư, Dung... đều được tác giả khai thác, từ cảm thức mơ - yêu. Nhân tính và sâu sắc đến bất ngờ, tiếng mơ - yêu trong tập truyện ngắn không dừng lại ở tình yêu thuần tuý, nó chạm được đến những khía cạnh nhỏ nhoi của cuộc sống. Đôi khi, chỉ một chút cảm thông giữa cuộc đời, Hoài Nam đã phục sinh cho nhân vật của mình bằng cảm thức mơ - yêu tinh tế và chân thành nhất; vượt qua những barière, chị đến với chân lý "cái cần nhất giữa con người và con người là sự cảm thông" như ý kiến của Paven Vêginôp. Sự cảm thông ở đây là một mối tương giao đồng cảm thuần khiết giữa cô gái xấu xí và nhà họa sĩ, giữa ông chủ nghèo và con chó Đốm, giữa một cô bé con và một người hàng xóm, giữa sự phân thân của người thiếu nữ và pho tượng gỗ mang hình hài người yêu lý tưởngv.v... Có thể tìm thấy trong hầu hết truyện ngắn của tập truyện là mối tương giao đồng cảm ấy. Nhiều người cho rằng giọng văn của Hoài lạnh lùng và thông minh. Tôi nghĩ rằng ngoài hai yếu tố trên, giọng văn của chị còn nhạy cảm và hồi hộp, có đôi lúc tỏ ra ngây thơ trong trẻo như những bước đi rón rén của cô bé mười sáu tuổi, những bước đi dám thiêu đốt cả tàn tích tình yêu để đến được với khát vọng muôn thuở của đời người. Phải chăng, chính bởi sự "pha sắc" trong giọng văn cũng như trong cách lựa chọn, xử lý tình huống mà người ta dễ dàng có cảm nhận một trò chơi xúc xắc đa diện (Hoàng Bình Thi)... Hơn thế nữa, đó là cảm nhận về một thế giới "lập thể" (tên một truyện ngắn trong tập truyện) một thế giới mơ - yêu được cắt nghĩa nhiều chiều, ám ảnh nhiều chiều. Thử hình dung xem nếu con người sinh ra mà không có bóng". Thử hình dung xem nếu chân dung con người chỉ còn được nhìn như một bức tranh "tĩnh vật"... đó là một trong những thông điệp mơ - yêu từ thế giới lập - thể của mình mà Hoài Nam đã khuấy lên trong đời sống hiện đại hôm nay, bằng tiếng thì thầm "Người ơi" trong vô tận... Huế 12.2001 L.T.M.Y
(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)
|