Bài thơ "Hoa mai và mùa xuân" của Xuân Hoàng kể lại sự tích về một loại hoa: Ngày xưa, trên núi rất xa có một loài hoa nở và thơm trong lặng im của cây rừng. Hoa cứ thơm như thế không ai hay biết, ngỏ hầu chỉ riêng trời đất và hoa biết nhau thôi. Nhưng rồi vào một mùa xuân, có một nhà thơ gặp hoa trong núi. Yêu quý vẻ đẹp và mùi hương dịu dàng ấy, nhà thơ chờ mùa xuân đi qua, hoa kết hạt, rồi đem giống về xuôi. Từ ấy mới có thêm giống mai vàng...
Kể đến đây người làm thơ kết thúc bài thơ của mình bằng bốn câu thơ đột ngột: Tôi gặp mai vàng giữa Huế duyên Tự nhiên nhớ sự tích hoa quen Vì nhau, xin viết bài thơ lạ Kể chuyện hoa từ gương mặt em...
Cái gì đã giúp anh làm bài thơ này? Chân đế của bài ở đâu? Trong lúc tên bài thơ mang ý nghĩa khái quát: Hoa mai và mùa xuân. Phải đọc nhiều lần. Cái đẹp cũng cần chiêm ngưỡng nhiều lần mới hiểu một cách sâu sắc chân giá trị của nó, mới phát hiện thêm nhiều khía cạnh khác của nghệ thuật.Bài thơ mang "duyên thầm" kín đáo. Đó là cái tình của tác giả sau những câu chữ, những tình tiết, những sự việc mô tả. Cái tình bắt rễ từ tâm hồn đầy rung cảm của người làm thơ. Phải nói, nếu không "vì nhau" thì không có cảm xúc và không thể có sản phẩm nghệ thuật, không có thơ! Bởi con người, cuộc sống luôn ở bên ta và hơn thế, con người, cuộc sống ấy đang đứng trước mùa xuân tươi xanh. Phải yêu hết lòng mới có thể thấy hết vẻ đẹp tiềm ẩn trong đời sống hàng ngày. Tình cảm thẩm mỹ sẽ nâng ta lên, cho ta cách nhìn, nghĩ, cảm mới, cho cả sự rung động mãnh liệt.
Xuân Hoàng viết:
Kể chuyện hoa từ gương mặt em...
Cái cớ và cũng là chân đế "vì nhau" của bài thơ bắt đầu từ nơi em, nơi hoa, từ cuộc sống có em, từ mùa xuân duyên nợ của Huế. Cuộc sống như sợi dây đàn chỉ cần bàn tay người nghệ sĩ chạm khẽ, sẽ rung lên muôn điệu. Và, mỗi khi âm vang sôi động của đời sống trào ra đầu ngọn bút, nhà thơ cần phải biết dừng lại đúng lúc, đó là sự tỉnh táo tài nghệ của người làm thơ. Để bài thơ kéo ra lan man, để âm vang đời sống vang lên một cách xô bồ thiêú chắt lọc, bài thơ sa vào tình trạng dễ dãi, như đời thường tự nhiên vốn có.
Cứ ngỡ bài thơ không còn gì để bàn nữa. Hãy quay lại: Giá như không có khách thơ gặp hoa trong núi (theo lối tư duy huyền thoại) thì sẽ không có mai vàng - loài hoa khi xuân về mới nở. Nếu không có mùa hạ nắng cháy, mùa đông rét cắt da, cây cối trơ trọi chắc chắn không thể có một mùa xuân ấm áp, kỳ diệu thế kia. Mùa xuân như "gương mặt em" đẹp, chứa chan sức sống. Cái lý do bài thơ lạ của anh ra đời không thể nào khác hơn. Người đọc cũng dễ chấp nhận tên bài thơ: Hoa mai và mùa xuân.
Và nữa, tôi muốn nói rằng, bài thơ này như anh viết: Chỉ thơm trong sắc lặng thinh. Và Sẽ thơm như thế, không ai biết Trong núi, như trời, đất với hoa....
Hoa thơm là vậy! Thơ hay là vậy! Không ồn ào, nó lặng lẽ thả hồn mình vào cuộc đời, tự nguyện hy sinh cho cuộc đời, chứ không phải cuộc đời đặt nó vào tủ kính để tôn thờ. Đương nhiên cuộc đời sẽ nhận ra giá trị của nó, cũng như người ta sẽ nhận ra hương của một loài hoa dù mọc ở đâu chăng nữa.
XUÂN HOÀNG
Mai vàng và mùa xuân
Mai nở ngày xưa trong núi xa Chỉ thơm trong sắc lặng thinh. Và sẽ thơm như thế, không ai biết trong núi, như trời, đất, với hoa
Bỗng một ngày xuân, một khách thơ gặp hoa trong núi, ngẩn ngơ chờ mai già đến độ ươm nên hạt mang giống về xuôi, tự bấy giờ
Tôi gặp mai vàng giữa Huế duyên bỗng nhiên nhớ sự tích hoa quen vì nhau, xin viết bài thơ lạ kể chuyện hoa từ gương mặt em. Xuân 1982
H.V.T (132/02-2000)
|