Gặp anh, chỉ có anh nói, chứ tôi có nghĩ ra cái gì đáng nói đâu. Vả lại, anh nói liên miên, tôi có muốn nói cũng chẳng nói vào đâu được. Nhưng anh nói rất hay, rất vui. Đúng là một người thông minh và hay nghĩ nên lắm ý kiến. Anh nói về đời, anh nói về văn. Tôi học được ở anh nhiều qua những lần ngồi nghe anh nói. Một số ý trong những bài viết của tôi là do anh vô tình gợi ra. Ai cũng thế thôi, hễ nghĩ ra được một cái gì tự thấy đắc ý cũng thích nói ra. Một ý nghĩ trong đầu ví như viên ngọc còn thô. Phải phóng ra để cọ xát, mài rũa cho nó sáng lên. Tôi chắc Nguyễn Khải có hẳn chủ trương như vậy nên hễ có dịp là anh tranh thủ nói nhiều.
Tôi cho rằng đấy cũng là cách viết của Nguyễn Khải. Anh ngồi nghĩ là chính. Khi nẩy ra một ý, một tư tưởng nào đó mà anh cho là được, anh mới đi tìm thực tế để thể hiện nó ra thành hình tượng, thành văn. Như thế không hẳn là văn minh họa. Vì khi anh ngồi nghĩ một mình thì đã nghĩ từ những hiện tượng này khác rất cụ thể rồi. Và khi đi tìm thực tế thì thực tế với những tình huống bất ngờ của nó sẽ điều chỉnh cho những ý nghĩa của anh đúng hơn, trúng hơn. Đối với người viết văn, dù là sáng tác hay phê bình, tư tưởng chủ quan là quyết định, tất nhiên phải là tư tưởng gắn với yêu ghét, khinh trọng thật sự của riêng mình, chứ không phải thứ tư tưởng trừu tượng nẩy ra trên bàn giấy, vay mượn trong sách vở. Tôi chắc Nguyễn Khải cũng quan niệm như thế. Vì nghe anh nói chuyện mấy lần, thấy anh hay lấy tiêu chí tư tưởng để đánh giá người này, người khác. Thí dụ anh nói, nhà văn này, từ khoảng 1980 trở về trước chả có tư tưởng gì cả, hay là cuốn hồi ký của nhà thơ nọ, đọc lúc đầu có không khí, thích, sau buồn, thấy chẳng có tư tưởng gì, hoặc là ông giáo sư rất uyên bác và danh tiếng kia, thế mà đọc, thất vọng quá, thấy không có tầm cỡ tư tưởng gì, chẳng có băn khoăn gì lớn về chính trị, về triết học...
Tôi chắc Nguyễn Khải đi thực tế rất nhanh và viết cũng rất nhanh. Chiếm thời gian của anh nhiều hơn là ngồi một mình và nghĩ. Mà truyện hay ký của anh hấp dẫn người đọc chủ yếu cũng là nhờ những ý nghĩa ấy. Nhớ lại tình hình ba bốn chục năm về trước, hồi ấy có được ý nghĩa riêng và phát biểu được ý nghĩa riêng không dễ, tuy rằng bây giờ đọc lại, thấy những ý nghĩa ấy cũng chẳng ghê gớm táo tợn gì. Nguyễn Khải giống như một anh cán bộ xã hay huyện gì đó dám tổ chức khoán chui và khoán chui trót lọt trong thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp còn là một chân lý không ai được bàn cãi. Nhưng “ khoán chui” ý nghĩa thì phải rào đón cho kín. Đấy là chỗ khôn ngoan của anh, nhưng cũng là chỗ anh phải trả giá, trả giá bằng những đoạn văn rào đón vòng vo dài dòng. Mà văn rào đón thì hay làm sao được.
Người ta thường nói, Nguyễn Khải là người rất tỉnh và khôn, thơ thì có Chế Lan Viên, văn xuôi thì có Nguyễn Khải. Nhận xét đó không sai. Nhưng tôi cho rằng, anh cũng có nhiều lúc say và bốc. Và có lúc cũng dại dột nữa đấy. Nguyên Hồng có lần nói, bọn văn xuôi chúng tôi dại lắm, chỉ có đám làm thơ là khôn. Nhận xét này có khi cũng đúng cả với Nguyễn Khải. Nhưng đó chính là chất nghệ sĩ đáng yêu của anh.
Hồi Đỗ
Chu mới xuất hiện, anh ca ngợi rất bốc, như một tài năng anh không sao sánh nổi. Tôi đã được nghe anh nói như thế với cán bộ và sinh viên khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi truyện Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp ra đời, anh càng bốc hơn nữa: “ Trời đất mượn nó để thể hiện ra, chứ tài nó không viết nổi. Viết xong cái truyện này thì coi như nó rồi đời, hết đời. Tinh hoa của nó hút cả vào đấy rồi, nó chỉ còn là một cái giẻ rách. Nó mà viết được một truyện như thế nữa thì có là thiên tài. Câu trước, câu sau khác hẳn, tiền văn không đoán được hậu văn: “ đất nước muôn năm, nhân dân muôn năm! Hoan hô đèn cù!”, “ Sao lại cho tiền vào miệng bà??, “ Đấy có phải là ngậm miệng ăn tièn?”, “ Trong đời, tôi chôn ba nghìn người”, “ Thế là sướng, “ đòm” phát là xong..., giơ ngón tay nghéo cò...”. Dữ dội quá, sợ quá, đưa lên phim ảnh thì sợ quá... Một tác phẩm như thế làmmình không dám viết nữa. Thế là hết đời. Tôi xin bỏ nghề đấy!”
Nguyễn Khải nói say sưa, đầy cảm hứng. Con người có bụng liên tài thật sự. Người xưa cũng bốc lắm chứ: “ Đọc đươc một câu văn hay, chết cũng sướng”. Các cụ thường nói thế. Đấy là cái sướng đầy chất nghệ sĩ của người có máu văn chương. Tôi rất thích những cái bốc như thế của Nguyễn Khải.
Nhưng có những cái bốc tôi cho là dại, là khờ. Nhớ lại cái năm liền sau Đại hội VI của Đảng, Nguyễn Khải được gọi ra Hà Nội để chuẩn bị đại hội nhà văn lần thứ 4. Anh cũng bốc ra trò. Anh từng sôi nổi nói với tôi nhiều chuyện về ý đồ cải cách Hội nhà văn, nào phân công ra sao, nào cách làm ăn thế nào cho khôn khéo để có thể đổi mới một cách an toàn... Bây giờ nghĩ lại, xấu hổ chết đi được. Nhưng rồi anh tỉnh ra ngay. Trí khôn lại trở lại.
Cách đây vài chục năm, có một vị đàn anh trong nghề dạy tôi thế này: Chúng ta là những con chuột, muốn an toàn phải đào nhiều hang. Mất hang này, ta chạy vào hang khác. Nguyễn Khải có cái hang sáng tác. Có biến, anh chui tọt ngay vào. Lý ra đã là người viết thì ai chả phải đào cho mình cái hang sáng tác. Nhưng đào có dễ đâu. Cho nên có người mang danh sáng tác nhưng lại cứ phải đào cho mình những cái hang khác.
Tôi cho rằng cái hang sáng tác của Nguyễn Khải khá tốt đấy. Và anh cũng chỉ nên ở cái hang ấy thôi.
Cái lí lịch đặc biệt của Nguyễn Khải khiến anh hình như có hai con người trong một con người, có hai vùng thẩm mỹ trong một thế giới nghệ thuật.
Một con người căm ghét bọn trưởng giả, cả cũ lẫn mới. Khi con người này làm chủ thì Nguyễn Khải thường ném váo cái đối tượng gọi chung là trưởng giả kia những lời lẽ thạt đau, thật ác, nhiều khi ngoa ngoắt. Hạng người này ở đâu cũng có, kể cả trong giới nhà văn. Nguyễn Khải dành cho đối tượng này những lời khinh bạc đến điều: “ Hạng này không thể viết được cái gì ra hồn đâu. Đi ô tô, ở nhà lầu, đi nước ngoài quanh năm, lại còn sáng tạo nữa! Thế ông vơ hết của thiên hạ à? Trời công bằng lắm, có luật thừa trừ hết”. Có lần tôi nghe anh nói như thế về một nhà thơ.
Sau 1975, giải phóng Sài Gòn, vớ được hạng này chưa kịp chuồn ra nước ngoài, anh liền dựng họ lên thành nhân vật để “ tặng” cho mấy cái tát- “ tưởng ghê gớm lắm, hóa ra vừa ngu vừa hèn!” (Gặp gỡ cuối năm, kịch Cách mạng).
Đối lập với hạng trưởng giả kia là những con người suốt đời lầm lũi sống trong bóng tối, như con giun con dế, hầu như không bao giờ biết đến hạnh phúc ở đời. Đó thường là những người đàn bà còn mang cái đức nhẫn nại và nhẫn nhục của thời xưa, hoàn toàn hi sinh cho đời, cho chồng con, không bao giờ nghĩ sống cho bản thân mình, như là chị Vách trong Đời khổ, chị Khuê trong Người vợ, hay chị vợ anh Phúc trong Chúng tôi và bọn hắn... Nguyễn Khải đã tìm đến những con người ấy để ghi công họ, để biểu dương họ như những tấm gương liệt nữ vĩ đại của thời nay, anh gọi “ là vàng mười, là kim cương, là báu vật, là sự may mắn nhất” của chồng con (Chúng tôi và bọn hắn) nhưng đời lại hoàn toàn không biết đến. Và chính họ cũng không hề biết đến. Đời không biết là rất dở, nhưng họ không tự biết thì vẻ đẹp lại càng thêm chói lọi.
Con người Nguyễn Khải này chắc hẳn phải mang trong mình dòng máu của lớp cùng dân, từng bị dầy xéo, lăng nhục. Vì thế lời văn khi thì uất hận, khi thì xót xa, một thứ văn như để giải oan, như để đòi nợ, như để trả thù...
Nhưng bên cạnh đó lại có một Nguyễn Khải khác, rất am hiểu và đồng cảm với giới thượng lưu của Hà Nội xưa. Lớp người này không còn vương sót lại bao nhiêu, nó là một thứ “ Hà Nội vang bóng một thời”. Lớp người này cũng có nhiều cái dở, ích kỷ, lỗi thời, nhưng có một cái gì đó sang và đẹp. Họ khôn ngoan thật, nhưng biết tự trọng. Khôn ngoan để thích ứng với thời thế, nhưng không chịu để mất niềm tin riêng, cốt cách riêng. Ây là một lối sống, một nền văn hóa riêng dường như mang linh hồn nghìn xưa của đất đế đô thanh lịch, là một di sản quý rất cần trân trọng như trân trọng những ngôi nhà cổ, những đường phố cổ của Hà Nội vậy, Nguyễn Khải gọi đó là những “ hạt bụi vàng... chìm sâu vào lớp đất cổ”, cần có một cơn lốc xoáy hút nó bay lên cho sáng đẹp đất kinh kỳ... Tất nhiên Nguyễn Khải muốn góp phần làm nên cơn lốc đó. Đây là một vùng thẩm mỹ mới chỉ có thể xuất hiện dưới ngòi bút Nguyễn Khải khoảng mươi lăm năm lại đây thôi. Xui khiến anh khai thác vùng thẩm mỹ này, dĩ nhiên phải là một Nguyễn Khải khác, thuộc một dòng máu khác. Khi con người này làm chủ thì người ta thấy anh thích nói chuyện sang, thích nói giọng sang.
Mấy năm gần đây, Nguyễn Khải hay viết vẽ về bản thân mình, một lối hồi ký, tự truyện. Ở những tác phẩm này, Nguyễn Khải lại như cố tình khoe với thiên hạ cái hèn, cái kém, cái nhếch nhác đến tội nghiệp của mình. Có một cai gì giông giống như tự truyện của Tô Hoài. Hóa ra cuộc đời của anh cũng lắm gian truân, cũng đầy tủi nhục. Anh chỉ tự cho là “ một giọt nắng nhạt” thế thôi. Chính những truyện này đã giải thích hai dòng máu nói trên ở Nguyễn Khải. Một lối văn tự trào vừa chua chát, cay đắng, ngậm ngùi, có lúc như nói hờn, nói dỗi. Nhưng ẩn kín đằng sau lại là một thái độđầy tự tín. Phải tự tín, thậm chí ngạo đời mới dám khoe cái hèn, cái kém của mình ra chứ! Người không có cái gì khiến người đời phải nể trọng thì chỉ có “ tốt đẹp khoe ra xấu xa đậy lại” thôi chứ! Cụ Tú Xương ngày xưa thường hay khoe ra, thậm chí phóng đại những cái hư hỏng, tồi tệ, vô tích sự của mình, chính vì cụ không phải kẻ tầm thường đâu, một trái tim, một tâm sự lớn lắm đấy. Chẳng qua là tự thấy bất lực trước thời thế nên mới tự trào và nói phẫn thế thôi. Cho nên ở cái tôi, hồi ký, tự truyện của Nguyễn Khải, tôi ngờ rằng có cả hai dòng máu nói trên hòa trộn, khó phân biệt.
Nguyễn Khải là người có tài, có thực tài. Nhưng tài của anh ở đâu? Nó là thế nào? Tôi vẫn thấy lúng túng.
Truyện gì mà toàn nói chính trị, toàn bàn về thời cuộc, thời sự, toàn luận về đạo lý. Hầu như không có tình yêu cho nó mùi mẫn ướt át một tý. Nhiều truyện cũng chẳng có tình tiết gì ly kỳ. Vậy mà nói chung truyện nào cũng đọc được, thậm chí hấp dẫn nữa. Riêng tôi đọc báo, cứ thấy có tên Nguyễn Khải là thế nào cũng phải đọc.
Chung qui vẫn là những ý nghĩ của anh, những ý nghĩ anh gọi là bơi ngược dòng, “ bơi ngược một tý, rẽ ngang một tí” (Anh hùng vĩ vận). Tôi thì gọi là “ khoán chui”, “ khoán chui tư tưởng”
Nhưng “ khoán chui” chỉ có nghĩa lý khi đang ở thời thịnh của hợp tác xã nông nghiệp. Khi khoán đã thành chế độ tự do, khoán cả làng, thì “ tài khoán chui” còn cần gì nữa. Thời bao cấp chấm dứt, Nguyễn Khải đâm ra lúng túng. Đúng là “ anh hùng vĩ vận” thật.
Nhưng chỉ ít lâu sau, anh lại nghĩ ra cách thoát khỏi vận bĩ. Thôi thì cứ thật thà đóng vai người cũ, thuộc thế hệ già, thử nhìn lại đời mình bằng con mắt của thời cuộc mới xem sao. Nhân vật chính của anh giờ đây là cái tôi trải đời của mình và những nhân vật cũng trải đời như anh. Trải đời mà thấy mình lạc lõng. Trải đời mà như chẳng có kinh nghiệm gì, cứ ngơ ngác trước cuộc đời, vì đây là thời đổi mới, thời mở cửa. Nhưng như thế mà lại hay, mà lại vui. Ngày xưa nghĩ lại thấy cũng buồn “ Không phải lo nghĩ mà lại buồn. Ngày ngày đều giống nhau, người người đều giống nhau, một đời người như ngắn đi rất nhiều vì không có những bất ngờ, những may rủi, không có những thăng trầm. Một ngày(...) nghe đủ mọi chuyện, nhưng chẳng có câu chuyện nào tạm gọi là thú vị về một đời người. Những đời người rất nhạt nên không thể gọi là đã có” (Anh hùng bĩ vận). Bây gờ thời thế đã khác, con mắt mình, trí óc mình cũng đổi khác, nhìn đâu cũng thấy chuyện mới lạ, người mới lạ: “ Vẫn là con người Việt Nam
mình mà gặp thêm một người lại tưởng như buộc mình phải hiểu lại chút ít về con người” (Hai ông già ở Đồng Tháp Mười). Nguyễn Khải bèn đối chiếu hôm nay với hôm qua, đối chiếu con mắt của lớp trẻ với con mắt của lớp già, của người anh hùng thời nay và người anh hùng thời qua. Và anh thấy nẩy ra biết bao vấn đề để suy nghĩ, bàn luận, triết luận vốn là chỗ sở trường của anh và là cái thú riêng của anh: nào chuyện lựa chọn đường đi của mỗi cá nhân trong xu thế chung của cộng đồng, chuyện cái ngẫu nhiên và cái tất yếu của lịch sử, chuyện rủi, may, khôn, dại, buồn, vui... của những kiếp người. Cả chuyện văn chương cũng thay đổi khác rồi. Ôi, cái thời xưa “ Văn chương ở cạnh mình, sống hằng ngày với mình mà vẫn tưởng như vời vợi đâu đó cao xa lắm” (Nghề văn cũng lắm công phu). Nguyễn Khải khi thì lấy con mắt của người hôm nay để quan sát người hôm qua, khi thì lấy con mắt của người hôm qua để quan sát người hôm nay. Tha hồ mà phát hiện cái hay, cái dở để mà hoặc ngợi ca, hoặc giễu cợt. Vì hôm nay hay hôm qua đều có chỗ đáng khen và chỗ đáng chê. Mà viết như thế cũng đỡ đơn điệu, vì có điều kiện luôn luôn thay vai, đổi giọng.
Dĩ nhiên ý nghĩa dù có hay đến đâu cũng không thành văn được. Phải cho nó nhập vào nhân vật này nhân vật khác. Một trong những tài năng đặc biệt của Nguyễn Khải là chộp được rất nhanh những kiều người có “ vấn đề” khác nhau để có dịp ném ra những suy nghĩ của mình, khi thì trực tiếp, khi thì đặt vào miệng các vai truyện. Ngay trong cái thời mà khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn phát triển mạnh mẽ trong đời sống văn học, Nguyễn Khải thỉnh thoảng vẫn bờm xơm vỗ vai, xoa đầu nhân vật anh hùng của mình một cái. Cái chất suồng sã ấy, thế mà có tác dụng rất tốt, nó khiến người đọc thấy anh không lý tưởng hóa nhân vật của mình, tìn là những người có thật, và tin những ý nghĩ của anh ném ra kia cũng là xuất phát từ sự thật.
Tuy nhiên trong thời bao cấp, những ý nghĩa gọi là “ ngược dòng” của Nguyễn Khải, thực ra nó cũng khó thoát hẳn ra ngoài nguyên tắc tư duy chung của cộng đồng, cho nên những nhân vật mang tư tưởng của anh chưa thật phong phú lắm. Vài cái phần tư tưởng của anh gửi vào nhân vật xem ra nhiều hơn, nặng hơn cái phần tư tưởng của nhân vật làm giầu cho cái vốn người của anh.
Nhưng từ ngày đổi mới, tình hình có khác, nhất là mươi năm lại đây, thế giới nhân vật của anh phong phú, đa dạng hơn, nhiều kiểu người, dạng người kia không có, không thể có. Và những nhân vật ấy bồi đắp tư tưởng cho anh nhiều hơn là anh cung cấp tư tưởng cho chúng. Một thế giới nhân vật chứa đựng nhiều khám phá hơn, bất ngờ hơn.
Những nhân vật này đúng là khá đa dạng. Nhưng hay để ý mà xem, đại bộ phận đều là những người già. Hình như nhân vật Nguyễn Khải càng ngày càng già, và anh cũng ngày càng thích đóng vai già, thích nói giọng già. Nhưng nghĩ cho cùng, xưa kia cũng vậy thôi, hình như Nguyễn Khải chưa từng có nhân vật thật sự trẻ bao giờ. Người nào cũng khôn ngoan, cũng trải đời, thạo đời, lõi đời, và cũng thích... dạy đời thì trẻ làm sao được, trẻ cũng hóa già, như cái Tấm trong Đứa con nuôi đấy thôi... Đúng như Nguyễn Khải tự bạch, cái Tấm cũng là Nguyễn Khải, đều không có tuổi trẻ, trong đời thực cũng như trong đời văn.
Nhiều tác phẩm của Nguyễn Khải, từ trang này đến trang khác, toàn là những lời đối đáp tay đôi, tay ba về chính trị, thời sự, về đạo lý. Thật tình mà nói, dù ý kiến hay ho, trí thức mới lạ thế nào, đọc mãi cũng nản. Lắm lúc cứ như là độc biên bản những cuộc hội thảo về đề tài chính trị, thời sự vậy. Rất may là Nguyễn Khải có một cái giọng văn riêng có khả năng thổi sự sống vào những dòng chữ khô khan. Một giọng trần thuật mà như là trò chuyện thoải mái với người đọc và với nhân vật của mình. Một cách nói năng hoạt bát, thông minh, hóm hỉnh, hiểu mình, hiểu đời, lắm lúc cứ như muốn đi guốc vào bụng thiên hạ. Một giọng văn mà nhiều khi thật khó phân biệt là nói với người hay nói với mình, tự trào chua chát có, giễu người, giễu đời cũng có. Một cách diễn đạt khôn ngoan, hay dùng lối nước đôi lấp lửng, hiểu là phê phán cũng được, hiểu là khẳng định cũng được. Bởi vì thời nào cũng có tốt có xấu, người nào cũng có thiện có ác, có sang có hèn, và chuyện đời thì có thế này và có cả thế kia... Không nên phán xét hay qui kết đơn giản một chiều...
Giọng văn của Nguyễn Khải muốn nói với ta như thế chăng?
Quan Hoa, Xuân Canh Thìn 12- 3- 2000 N.Đ.M (135/05-00)
|