Tác giả-tác phẩm
Trong miền hoài niệm
16:52 | 09/04/2010
LÊ VIẾT THỌ(Đọc "Ngọn núi ảo ảnh" - bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường - NXB Thanh niên tháng 1-2000)
Trong miền hoài niệm
Ảnh: sachxua.net
Ngẫm cho kỹ, ai trong chúng ta mà không phảng phất trong hồn mình, cả "chút máu giang hồ của tuổi trẻ" lẫn "một đứa bé ham truyện cổ tích" như chính Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng viết về mình như thế. Cái rạo rực của thuở ấy thèm đi đã làm ta say mê ruổi rong, lên Côn Sơn "nhìn cho đã thèm một màu trời xanh" hay ngao du nơi góc biển chân trời nào đó. Say mê trở ngược thời gian, ta náo nức trở về trong nỗi niềm nhớ nhung thơ dại, để được sống lại, cùng tác giả, những tháng năm "sống say mê và âm ỉ mộng đầy trời". Ra đi cũng là để trở về, trở về với những tháng năm, những không gian, những con người đẹp như giấc mơ mà phải đâu chỉ là ảo ảnh.

Trả nợ chữ nghĩa cho cuộc đời bằng công việc viết báo, còn lại trong văn chương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dành lại "một nỗi hoài niệm âu yếm dành cho cái thiên đường kia, thế giới tuổi dại" (Lý chuồn chuồn), " Ngọn núi ảo ảnh" tập hợp 14 bút ký được viết trong suốt 4 - 5 năm trở lại đây, 4 - 5 năm đi về trong cõi nhớ. Chắt chiu từ những con chuồn chuồn óng ả, con ve sầu chịu giam hãm mười tám năm trong lòng đất để đổi lấy một mùa hè ca hát tự do trong nắng (Lý chuồn chuồn), qua tuổi sinh viên thơ ngây và tình ái đam mê (Tuyệt tình cốc), đến những tháng năm sau Mậu Thânvới kỷ niệm quấn quít của hoa ngàn gió núi (Như góc biển chân trời), cả về những bè bạn "góp lửa soi chung một quãng đường":Ngô Kha, Đinh Cường, Lê Bá Đảng, Bùi Giáng... "Ngọn núi ảo ảnh" đánh động trong người đọc, không phải bằng chính luận, tính thời sự vốn có của thể ký và đã có trong ký của Hoàng PhủNgọc Tường mà ta đã gặp trong "Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu", "Rất nhiều ánh lửa"...; "Ngọn núi ảo ảnh" có cái thời sự của tâm hồn, hay đúng hơn là cái thường trực trong nỗi ám ảnh hằn sâu vào mỗi con người: chốn quê nhà muôn đời của những mặc cảm lưu lạc. "Tôi có một thiên đường đã mất, phía bên ngoài cửa sổ, bên kia những hàng cây và những mái nhà...", thiên đường ấy ai mà không mang theo bên mình trong suốt cuộc hành trình.

Trong cuộc hành trình quay quắt tìm về nơi cũ, người dẫn đường cho chúng ta, Hoàng Phủ Ngọc Tường, vừa như một kẻ mơ hoa mà lạc lối lại cứ luôn luôn nhắc nhở chúng ta về sự chóng qua, vô thường để rồi neo lại vào lòng người bằng sợi tơ mỏng mảnh của cái đẹp quá khứ. Ngòi bút của nhà văn đẫm đầy một chất thơ, chất trữ tình sâu lắng làm cho bài bút ký như trở thành một essay (tiểu luận) với những trang văn sâu sắc triết luận, miêu tả nghệ thuật tinh thế, một lượng tri thức, liên tưởng và những kiến văn phong phú. Thiết tưởng, nếu không phải ở một "người yêu nước Hoàng Phủ Ngọc Tường" như Nguyễn Tuân từng gọi, không ở một cuộc đời đi qua cuộc chiến dữ dội, ắp đầy kỷ niệm thì không thể và không có những sự thụ cảm tinh thế và sâu sắc đó. Theo con mắt thẫm đời của tác giả, ta lang thang qua những mùa xuân thay áo trên cây và xứ Huế, những mùa trái chín thuở cuối hạ với cây lá tơi và cô gái Huế "đẹp như thiếu nữ trong tranh Modigliari",... Từ đó, ta sống trong cảm xúc thực qua một cái tôi xuất hiện mạnh dạn và bắt mạch vào tận sâu của đời sống. Qua các cảm xúc run rẩy, xao động của cái Tôi trữ tình đó, ta nhận ra những mạch nhịp dù trầm lắng hay mạnh mẽ của đời sống được thu nhận qua một quảng lùi dài bằng thời gian và ký ức. Mạch nhịp ấy, chính là phong cách ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, là nhịp mạnh của nhà văn, là con đường "tố ti (tơ trắng) để đi suốt cuộc đời không ân hận, nói kiểu của Dịch.

Hành trang của Hoàng Phủ Ngọc Tường nặng một chữ Hoài. Một chữ Hoài là đủ để Hoàng Phủ Ngọc Tường có một chữ ký gọi là "Tôi đã ghé qua đây". Chữ Hoài thấm đẫm trên từng trang "Ngọn núi ảo ảnh".

Tôi gọi đó là không gian Hoàng Phủ Ngọc Tường.

L.V.T
(136/06-00)


--------------------------------------------
(*) Tất cả những in nghiêng trong bài đều rút từ "Ngọn núi ảo ảnh"-




Các bài mới
Các bài đã đăng