Tác giả-tác phẩm
Ngộ nhận của một thời
10:12 | 22/04/2010
ĐỖ NGỌC YÊN(Nhân đọc TRONG CĂN NHÀ SÀN BÉ NHỎ)(*)
Ngộ nhận của một thời
Nhà sàn Tây Nguyên - Ảnh: rfviet.com
“Trong căn nhà sàn bé nhỏ” là tập truyện viết về Tây Nguyên của nhà báo Lê Thấu, nguyên là phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Tây Nguyên, người đã có gần 10 năm lăn lộn và gắn bó với mảnh đất này kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cho đến trước thời kỳ đổi mới.

Ý tưởng chính của tác giả xoay quanh quá trình xây dựng cuộc sống mới sau giải phóng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trên mảnh đất giàu tiềm năng này nhưng chưa được khai phá. Sự khắc nghiệt về điều kiện tự nhiên của miền Trung và Tây Nguyên như lũ lụt, hạn hán và đặc biệt nguồn nước luôn là vấn đề trăn trở của hàng bao thế hệ người dân sống nơi đây. Bên cạnh đó nghèo đói, bệnh tật luôn rình rập họ, sự hoạt động ráo riết của Phun rô cấu kết với bọn phản động hòng chống phá cách mạng sau ngày miền Nam giải phóng là một thực tế nhức nhối thời bấy giờ. Nhưng cái khó lớn nhất lại chính là nguồn sinh lực mới khởi xuất từ vấn đề con người.

Hầu hết những cán bộ cơ sở từ cấp huyện, cấp xã đến các thôn bản, buôn làng ở đây đều là những người tham gia kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, bây giờ lại xa quê vào đây giúp Tây Nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội (tr. 146), như bí thư Nguyễn trong Người đi tìm nguồn nước đã từng thú nhận. Không có trình độ lý luận, cũng không được đào tạo về quản lý và điều hành hoạt động kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến những nhận thức sai lầm, ngộ nhận về chủ nghĩa xã hội là điều khó tránh khỏi.

Bí thư huyện ủy Tính trong Dòng sông thời gian, đích thân đánh chiếc xe Commangca xuống tận xã Tân Lập để kiểm tra bí thư Đảng bộ chỉ vì nghe dư luận đồn rằng ông Minh sắp trở thành tư sản: Tôi nghe người ta bảo bi thư xã Tân Lập đang đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, đang giàu lên như một tên tư sản mới, một tên tư sản có đầu óc kinh doanh, bóc lột vợ con đến tận xương tận tủy (tr 133- 134). Thực chất ông Minh chỉ mới học được cách làm kinh tế theo mô hình V. A. C từ kinh nghiệm của miền Bắc vài năm nay, nên có nhà ngói, cây mít, vườn rau, ao cá, kinh tế gia đình bắt đầu có miếng ăn miếng để, chứ thực ra ông Minh không phải là người có đầu óc kinh doanh kiểu tư bản. Làm giàu âu cũng là cách để ông Minh xóa đi nhận thức của người dân nơi đây về hình ảnh của người cộng sản như những thầy tu theo chủ nghĩa khổ hạnh. Họ cho rằng: những người cộng sản chúng ta thích sống nghèo khổ và chiến đấu để mọi người cùng sống nghèo khổ như mình (tr 138). Qủa là một sự thật rất đau lòng, nhưng không thể phủ nhận được, khi những người cán bộ cơ sở Đảng và chính quyền nơi đây đã áp dụng một cách máy móc chính sách cộng sản thời chiến vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế thời bình. Trớ trêu thay, cũng chính vì lẽ đó mà ông bị quy là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, ngược với đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng (!?). Tuy nhiên ông Tính cũng đã có lúc nhận ra, dù chỉ là trên lý thuyết và có tính nhất thời, nhưng cũng rất hiếm hoi: Nhiều lúc do dốt nát, do ngộ nhận, chúng ta đã trở thành tù binh của những tư tưởng tiểu tư sản cuồng nhiệt, tiêu diệt ngay cái Tôi, chỉ để lại cái Ta tồn tại. Muôn năm cái chung, làm chung, ăn chung, chia đều nhất loạt. Đả đảo tất cả những cái riêng (tr 137).

Cuộc tranh luận giằng co và gay gắt, quyết liệt giữa ông Tính và ông Minh kéo dài hằng giờ đồng hồ, thực chất đấy là cuộc đấu tranh tư tưởng của những người có quá nhiều công trạng trong kháng chiến, nhưng lại có quá ít tri thức lý luận, phương pháp điều hành và quản lý kinh tế, dẫn đến việc nhận thức sai về bản chất của chủ nghĩa xã hội

Ngay cả đến phó tiến sỹ Tuấn trong Mặt trời xanh lá cây, là người có học hành, bằng cấp hẳn hoi lại là trưởng ty Thủy lợi cũng nghĩ đôi khi không chờ thông rồi mới làm, mà cứ làm đi rồi sẽ thông (tr 35). Rõ ràng cách nghĩ và cách làm kinh tế như vậy còn mang nặng tư duy mệnh lệnh theo kiểu thời chiến. Cấp dưới chỉ biết chấp hành, làm theo mệnh lệnh của cấp trên bất chấp đúng sai, lãi lỗ về kinh tế, cứ làm, làm bằng bất cứ giá nào, thì làm sao trách cứ được những người như ông huyện ủy viên Ma Gầm trong Mặt trời xanh lá cây. Ông chỉ là một cán bộ lãnh đạo chuyên môn không biết, muốn quyết định điều gì cứ phải quay trái, quay phải, hoặc quay đằng sau để hỏi những cố vấn. Có khi nghe chuyên môn trình bày vẫn chưa hiểu nhưng chẳng lẽ không quyết định thì sợ giảm uy tín của người phụ trách. Thôi thì nhìn vào mắt kẻ giúp việc của mình, chăm chú nghe giọng nói của hắn mà định xem mức độ gật hay lắc, ký ngay hay bảo còn cần nghiên cứu thêm, tươi cười khen ngợi hay nhắc nhở (tr 41). Một người nhận thức sai lầm, ngộ nhận và đi ngược lại đường lối, chủ trương phát triển kinh tế, tiến quân vào mặt trận khoa học và giáo dục của Đảng như ông, nhưng lại luôn tưởng rằng mình là người trung thành nhất với lý tưởng của Đảng và càng ra sức bảo vệ nó như chính là bảo vệ Đảng thì càng làm cho dân mất lòng tin đối với Đảng. Ma Gầm thản nhiên bày tỏ quan niệm hết sức kỳ quặc của mình với Quang, một kỹ sư trẻ vừa mới vào Tây Nguyên công tác: Phàm con người ta cứ học đến lớp bảy là tiểu tư sản hóa... Là cái anh trí thức chúa hay chao đảo, ngả nghiêng. Có giác ngộ mấy, đi theo cách mạng mấy, gặp khó khăn, hy sinh, vẫn cứ lòi cái đuôi trí thức tiểu tư sản ra. Những anh trí thức có quyền, có địa vị lại càng dễ chao đảo ngả nghiêng, lúc tả, lúc hữu, đặc biệt là hay ngả sang hữu không kiên trì lập trường như anh vô sản... Phàm khi đã học tới lớp bảy là con người ta biến chất đi rồi. tiểu tư sản hóa đi rồi (tr 47). Những người cán bộ chủ chốt ở cơ sở như ông Ma Gầm có công bao nhiêu trong những năm tháng đánh giặc thì cũng có tội bấy nhiêu trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Thực chất họ đang làm suy yếu sức mạnh lãnh đạo của Đảng ở cơ sở mà không hay biết. Tiếc thay họ lại chẳng bao giờ dám tự nhận mình là dốt, là sai và từ bỏ chiếc ghế quyền lực của mình cho kẻ khác, thậm chí còn cố tình chia nhau nắm các chức vụ, người thì kiêm bốn, năm chức trưởng, kẻ ít cũng đôi ba ngành quan trọng.(tr 44)

Thông thường sau chiến tranh, những người vừa may mắn được rút chân ra khỏi cuộc chiến luôn cao hứng vỗ ngực, tự hào về những chiến công trong chiến đấu của mình như ông Ma Gầm là rất phổ biến: Kẻ thù như thằng Mỹ ta còn đánh bại thì ở trên đời này không việc gì không làm được, không đỉnh cao nào không chiếm lĩnh được, không khó khăn nào không vượt qua được...(tr 44). Họ là những người thích sống trong những hào quang của quá khứ hào hùng, mà không biết rằng công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế hôm nay cũng đầy rẫy những gian nan, vất vả. Nó có những quy luật riêng và có lúc, có nơi, có những mặt cũng khắc nghiệt không kém gì trong chiến tranh, và nếu phạm sai lầm có khi cũng phải trả cả mạng sống.

Đó là trường hợp ông Mười, bí thư chi bộ xóm 13 xã kinh tế mới Tân Lập khi trao đổi với ông Tín trong truyện Xóm núi đã tự tin đến mức mù quáng: Ngày đánh Pháp anh không lạ gì. Đánh Mỹ cũng vậy.Phải lấy tinh thần gang thép ra chọi lại với những gian khổ, ác liệt, hy sinh chồng chất. Kinh nghiệm ấy giúp ta trụ lại nơi đây và thắng kẻ địch mạnh hơn ta gấp bội. Cũng chính với kinh nghiệm ấy, chúng ta sử dụng vào thời gian khôi phục và phát triển kinh tế từ sau ngày giải phóng (tr 210)

Sự ấu trĩ về nhận thức là nguồn cội dẫn đến cách làm nóng vội., Chỉ vì muốn tiến nhanh lên nông trường quốc doanh, làm chung, ăn chung hết, muốn tỏ cho các người biết thanh niên Ê đê không thua ai trong đánh giặc, không thua ai trong xây dựng chủ nghĩa xã hội (tr 94- 95), nên những người cán bộ cơ sở ở Tây Nguyên thời bấy giờ như ông Tính, Ông Ma Gầm, ông Mười đã gây nên những hậu quả vô cùng to lớn. Thậm tệ hơn chính họ là người đi đầu trong việc triệt phá, làm cạn kiệt rừng đầu nguồn, hủy hoại môi sinh. Có thể nói nguyên nhân chính gây nên cho các tỉnh miền Trung nhiều trận lũ lớn thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng trong những năm vừa qua là sự trả thù của tự nhiên đối với sự xuẩn ngốc của con người và là bài học nhỡn tiền không cho phép bất cứ ai có thể thờ ơ, đặc biệt là đối với những cán bộ quản lý ở cơ sở. Vậy mà chính họ không ai nhận thức được điều đó. Mai trong truyện Ở nơi buồn muôn thưở, một sinh viên tốt nghiệp ngành trồng rừng ở Đức vừa về nước đã nhận ra và cảnh tỉnh, tuy là quá muộn, nhưng dù sao cũng còn hơn: Các anh đề nghị chặt 300 héc ta rừng khộp để trồng sắn với lý do duy nhất lương thực là mặt trận hàng đầu hiện nay. Cái phương án làm ra lương thực bằng bất cứ giá nào ấy cổ lỗ và không kinh tế. Chẳng khác gì sau ngày giải phóng người ta chặt, đốt hàng trăm hecta cà phê để trồng khoai lang và trồng lúa rẫy... các anh chặt phá rừng mãi rồi mà không biết ghê tay ư? (tr 77- 78). Và người bạn của Mai đã từng sống nhiều năm ở Tây Nguyên xác nhận: Ở ta phá rừng quá thể. Thằng Mỹ rải hóa chất độc, bọn tư sản khai thác gỗ bừa bãi, tệ du canh đốt rừng làm nương rẫy, nạn cháy rừng, rồi đến lượt chúng ta (tr 79). Tiếc rằng những người như Mai lại không có bất kỳ một chút quyền lực nào có thể kéo lùi được cỗ máy nóng ran vì sự nhiệt tình bốc lửa trong đầu những kẻ vận hành cỗ máy đó đang lao thẳng xuống vực thẳm của sự phá hoại mà không hay biết. Bởi vì những người lính vừa bước ra khỏi cuộc chiến đã lao ngay vào mặt trận kinh tế như những kẻ mộng du suốt ngày treo mình trên những hào quang của quá khứ.

Đấy là một sai lầm hết sức tai hại của những người cộng sản thời chiến khi bắt tay vào xây dựng kinh tế thời bình, giống như những người cộng sản Bônsêvích Nga đầu những năm 20 của thế kỷ, khi cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại do Đảng Cộng sản khởi xướng lãnh đạo vừa mới thành công, thì ngay lập tức họ đã mắc phải những sai lầm mà V. Lê Nin đã chỉ ra rằng Sự nhiệt tình ở những kẻ ngu dốt chỉ là phá hoại. Có thể coi đó là một căn bệnh cố hữu của những người thiếu tri thức nhưng lại thừa lòng nhiệt tình và quyết tâm.

Kỳ thị với tri thức như huyện ủy viên Ma Gầm và chủ nghĩa tình cảm, tính cục bộ bản vị địa phương như ông Chủ tịch xã, một cán bộ ở R về trong Xóm núi cũng là những nhược điểm khá phổ biến lớp người như họ. Ông tin cậy và dìu dắt Hoàng, một thanh niêm mới lớn bỏ học từ miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới, với ước mong xóa đi những mặc cảm về ông bố chiêu hồi bằng việc đem hết nhiệt tình về sức lực của tuổi trẻ ra để chặt phá rừng, làm kinh tế. Ông Chủ tịch xã thì nghiệm rằng ở dưới xuôi nhà Hoàng chỉ ở cách nhà ông có một con sông nhỏ, vì thế Hoàng vừa là người đồng hương duy nhất của ông, vừa là chỗ để ông chuốc bầu tâm sự, hơn là để bàn bạc công việc làm ăn kinh tế. Hoàng buộc phải trở thành cánh tay đắc lực và là người thừa hành những ý nghĩ sai lầm về một mô hình kinh tế chủ nghĩa xã hội với mục tiêu là làm chung, ăn chung và chia đều cho tất cả.

Chỗ dựa duy nhất về lý luận chủ nghĩa xã hội của lớp người kế cận như Hoàng là những bí thư huyện ủy Tính, ông Mười, Chủ tịch xã... Họ đều là những người gần sáu mươi tuổi, chữ nghĩa không nhiều, tài sản để lại cho con chẳng có gì ngoài kinh nghiệm sống và lòng thiện (tr 187). Điều đó phải chăng là một trong những nguyên nhân chủ quan dễn đến cái vòng "Kim cô" của sự đói nghèo và một nền kinh tế bao cấp thời chiến kéo dài hơn một thập kỷ (từ 1975 - 1986) mới có thể thoát ra được (!?).

Y Đoai, một thanh niên người dân tộc có nước da ngăm đen, đôi mắt to và sáng, khỏe như vâm trong truyện Trong căn nhà sàn bé nhỏ, là người luôn: mê săn hơn mê gái... Từ lúc quyết định tổ chức một cuộc săn bắn ra trò, đầu óc Y Đoai không thể nghĩ ra một điều gì khác (tr 126). Vậy mà trước ba quân thiên hạ anh ta cũng thuyết giáo về chủ nghĩa xã hội cứ như nói về cái chà gạc đang cầm trên tay mình: Tôi nói vắn tắt vậy đấy, các đồng chí đã hiểu chủ nghĩa xã hội chưa? (tr 93). Bà con trong buôn không những không ưa gì cái hợp tác xã làm chung ăn chung của anh, mà đại bộ phận đều cho rằng cái cách mạng làm chung, ăn chung mà Y Đoai cố nhồi nhét cho cánh phụ nữ sao mà khó nuốt thế (tr 97)

Có thể nói từ bí thư huyện ủy Tính, huyện ủy viên Ma Gầm cho đến bí thứ Nguyễn, rồi ông Chủ tịch xã Tân Lập... tất cả họ đều chỉ biết và thích muôn năm mãi ca vang bài ca chiến thắng. Còn chủ nghĩa xã hội dưới con mặt họ chẳng qua chỉ là sự cộng sinh giữa những kinh nghiệm cá nhân và những tấm huân chương thời đánh giặc của các thế hệ cha anh đi trước với sức lực, lòng nhiệt tình và quyết tâm của tuổi trẻ hôm nay vào để chặt phá rừng trồng ngô tỉa bắp và cùng lắm là trồng lúa nước, chỉ vì lý do duy nhất lương thực là mặt trận hằng đầu (!?) (tr 77)

Trong tình hình văn học hiện nay không ít người thích săn lùng những đề tài khác lạ, khai thác những tình tiết ly kỳ để câu khách, thì TRONG CĂN NHÀ SÀN BÉ NHỎ của Lê Thấu lại đặt ra và giải quyết một vấn đề tưởng chừng như đã quá quen thuộc, nhưng hiện nay vẫn là một vấn đề thời sự nóng bỏng không chỉ đối với nhận thức lý luận mà còn là phương thức điều hành và quản lý kinh tế hiện nay của những cán bộ cơ sở. Vì thế tập sách trở nên đáng quý và trân trọng biết bao.

5/ 2/ 2000
Đ.N.Y
(137-07-00)


----------------------------------------------
(*) Tập truyện của Lê Thấu, NXB Thanh niên - 2000




Các bài mới
Các bài đã đăng