Hoàng Kim Dung đã có quá trình 10 năm sáng tác thơ, 4 lần ra tập. Ở chị đã định hình một cách thơ khá riêng. Bên cạnh sự tươi mát, trẻ trung ở những bài thơ đầu tay là một cách diễn đạt, một cách thơ: Rong ruổi/ Đi tìm/ Mặt trời mùa hạ/ Rực sáng/ Rực cháy. Rồi cách thơ được nới rộng biên độ: Và rồi em viết được/ Có một người già nua/ Xin ăn giữa chiều đông... Cách thơ khi đằm xuống: Em vẫn chờ mùa mưa Quy Nhơn, khi ngơ ngác đau trước những xô đạp của cuộc đời: Rồi mùa hè năm nay/ Chuyện lạ lùng đến thế/ Lao vào cuộc đỏ đen/ Thua đau anh bán nhà/ Cả em, anh cũng gán... Rồi cách thơ ôn hòa hơn, đăm chiêu hơn, song cũng tươi sống hơn: Có một đêm không ngủ/ Thao thức đếm sao trời/ Có một đêm không ngủ/ Ngắm nửa vầng trăng trôi / Có một đêm không ngủ/ Gánh những thùng nước đầy...
Hai năm sau, chị cho ra đời THỜI GIAN LẶNG. Những tưởng: Em đang đi tìm cái không thể có và mình cũng lại có cái không thể tìm, thì cái cách thơ kia lại ngời ngời hiển hiện, dường như để minh chứng cho một cách diễn đạt, một nét riêng, một cách riêng mà từ những bài thơ đầu tiên, từ những câu thơ bập bẹ, trời đã ban cho chị: Làm sao em có thể biết trước được Tháng ấy, ngày ấy, giờ ấy, phút ấy, giây ấy
Tưởng như sau cách “nói” thơ ấy là một chuỗi cười trong trẻo, giòn giã, giòn tan vang lên ở đâu đó. Tôi quý và trân trọng những dòng thơ thuần hậu này: Xa mấy nghìn cây số mẹ nghe tiếng điện thoại của con, ngập ngừng, se sẽ, bé bỏng da diết xiết bao Mẹ như nghe rõ hơi thở và cả nhịp đập từ trái tim nhỏ xíu của con... Tiếng nói của con, nguồn sinh lực vô giá đối với đời mẹ, đã kéo mẹ trụ vững trên mảnh đất mà phù sa thì ít sỏi đá thì nhiều Cho dù đi đâu cho dù làm gì cho dù ở xa tít tận chân trời nào đó và gặp ai ai chăng nữa thì giọng nói của con vẫn âm vang dịu ngọt và mạnh mẽ trong tâm linh mẹ
Chỉ người mẹ mới gọi ra được trái tim nhỏ xíu của con mình. Chỉ người mẹ mới được quyền giả định cho dù. Đó là cách thơ đấy. Nó sinh ra khi người viết lựa được ngòi bút đi theo mình. Chị có những dòng thơ liên tưởng rất xúc động về con trẻ: ...Cuộc chiến rồi cũng qua đi Mẹ có con và nuôi con không bằng bo bo mì sợi. Ngắm con chuồn, bỗng con hỏi mẹ “Sao mẹ không xây nhà có vườn cây như nhà chú Đẹn” Mẹ cười xa xôi - xoa đầu con, ngập tràn im lặng về tình hình thời sự: Sau bản tin chiều/ Ba người chúng tôi yên lặng/Chồng tôi thôi nói về giá đất/ Con trai tôi không còn nhõng nhẽo... và cả những mối quan hệ với xóm ngõ, với đồng nghiệp: Anh tìm cả trong thinh lặng vô hình/ Những gợi mở của âm thanh kỳ diệu...
Theo từng chặn thơ, cách riêng của Hoàng Kim Dung càng định hình sáng rõ. Đó là cái cách mà chỉ những tác giả thật sự chân thành với chính mình mới tạo ra được: Tuổi gặp nỗi buồn không muốn nói ...Bao mùa đi qua. Xa rất xa Em cũ dấn theo năm tháng... Chợt lắng lại trước điều giản dị Người con trai dìu mẹ tập đi...
Cách thơ này khi gặp một hiện thực không bình thường sẽ sắt lại, cứng cỏi hẳn lên: Giật mình quán trọ đêm sâu Nhớ chồng thương con đau đáu Cũng là miếng cơm manh áo Cũng là nước mắt, thịt da Ai bảo đời người sung sướng Vai gầy như là dát sắt Chất ngất bao nhiêu lô hàng...
Song, bản thân đời sống vốn vô cùng sinh động và tươi sáng. Chắc chắn chị không cầm được lòng khi hạ bút: Triệu năm lên hương Bàn chân muôn phương Chân trời là quê Người bao giờ về...
Chân trời thi ca vô cùng kỳ diệu. Chỉ bằng đôi cánh của mình, cách của riêng mình. Chân trời đó mới thực sự là quê hương, xứ sở của mình.
T.Q.T (142/12-00)
---------------------------------------- Phần thơ trích dẫn trong bài viết này được rút từ các tập thơ: NỬA VẦNG TRĂNG TRÔI (1991), THỜI GIAN LẶNG (1993), TRONG MƯA (1997), Ô CỬA GIÊNG HAI (2000).
|