Tác giả-tác phẩm
Cố cả Léopold Cadière
07:51 | 07/09/2010
LTS: Trong các ngày 7-9/9/2010 sắp đến, Ủy ban Văn hóa Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Huế sẽ tổ chức Hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Léopold Cadière (1869-1955), Nhà nghiên cứu về Huế và Việt Nam học, chủ bút của tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H), một trong số các tờ báo hay nhất ở Đông Dương thuở trước. Hội thảo sẽ có một số nội dung liên quan đến văn hóa Huế như Văn hóa Huế, Mỹ thuật Huế, Cổ vật Huế dưới con mắt của L. Cadière... Nhân dịp này, Tạp chí Sông Hương đăng bài viết của nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, chuyển tải vài nét về hoạt động văn hóa của Léopold Cadière. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.S.H
Cố cả Léopold Cadière
Chân dung Léopold Cadière - Tranh: Họa sỹ Phan Ngọc Minh
Léopold Cadière sinh ngày 14-2-1869 tại ngôi làng nhỏ “Les Pinchinats” gần d’Aix-en-Provence. Cha và ông ngoại của L.Cadière là những nông trang viên nghèo. Đến tuổi đi học L.Cadière được gửi học ở trường làng và được thầy bạn, tất thảy đều quý mến. Cha chết khi cậu mới học lớp 7, nhờ học lực giỏi, Paul- người ta thường gọi như thế thay vì Léopold - được học bổng nội trú để tiếp tục học hành… Cậu đã có cơ hội được đào tạo với các bậc thầy nổi tiếng như Le Hir, Vigouroux, Bacuez (Dòng Saint Sulpice), các giáo sư linh mục như Fouard, Le Camus, Battifol, các nhà thông thái dòng Biển Đức (Bénédictin) như Dom Guéranger, Dom Cabrol… Để có thể làm mục vụ ở Việt Nam, chàng thanh niên trẻ tuổi này đã học tiếng Việt một thời gian ngắn ở Paris, rồi học trên tàu trong hành trình đến Việt Nam, cập bến Đà Nẵng ngày 03-12-1892, năm 23 tuổi. Thời tiết xấu chưa cho phép ông về được Huế; lợi dụng thời gian này để học thêm tiếng Việt: “Học tiếng Việt, không phải để nói tiếng Việt giỏi giống như họ mà còn phải tâm tư nghĩ suy như họ”(1)

Tuy nôn nóng, mong đợi nhưng thừa sai L.Cadière phải chờ đến 18 ngày, vì không thể chờ lâu hơn, cuối cùng phải thuê bốn người khuân vác các vật dụng tùy thân và do một người dẫn đường vượt đèo Hải Vân đến kinh đô Thuận Hóa, còn hành lý gửi xà lan chuyên chở sau. Vượt đèo, ngang qua các họ Lăng Cô, Phú Gia, Thừa Lưu, Phước Tượng (2) rồi đến Huế. Giám mục Caspar hồi đó cai quản Địa phận Huế sớm nhận ra vốn kiến thức sống động thông minh của L.Cadière nên hướng L.Cadière về các nghiên cứu ngôn ngữ, lịch sử và dân tộc học tôn giáo. Kể từ đó sự nghiệp của L.Cadière được vạch ra. Trước khi được bổ nhiệm làm cha sở, L.Cadière giảng dạy từ 1893-1895 tại Tiểu Chủng viện An Ninh, một địa điểm về phía Bắc Huế cách chừng 100 kilômét, rồi Đại Chủng Viện Huế. Suốt thời gian đó, L.Cadière lần lượt làm giáo sư về các môn tu từ học, dạy triết và thần học tín lý. Rồi từ tháng 10-1895, L.Cadière được chỉ định tạm thời ở xứ Tam Tòa, một giáo xứ xa xôi trong vùng Quảng Bình. Ở Tam Tòa được 14 tháng, L.Cadière tâm đắc với vùng Cù Lạc, ở hữu ngạn của Nguồn Sơn, một phụ lưu của sông Gianh. Sáu năm ở nơi hẻo lánh và nghèo nàn này đã giúp L.Cadière hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu nhất về truyền thống địa phương. Vất vả mệt nhọc vì công việc đã khiến sức khỏe suy giảm, nên vào năm 1901, L.Cadière được phép đi nghỉ sáu tháng ở Hồng Kông (3).

Sau thời gian điều dưỡng, trở lại Cù Lạc, giám mục Caspar chấp thuận đề nghị chia giáo xứ Cù Lạc thành hai và L.Cadière lãnh phần quản nhiệm phía đông mà nhà xứ đặt tại họ Bồ Khê trong thời gian hai năm, trước khi được thuyên chuyển về làm cha sở họ đạo Cổ Vưu (Trí Bưu) kiêm nhiệm Hạt Dinh Cát từ ngày 28-06-1904 (4). Đây là nơi có nhiều di tích lịch sử, mà tại đó L.Cadière đã thu thập được nhiều tư liệu về các dinh trấn của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, về sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt Nam và những dấu tích của vương quốc Chămpa. Do làm việc quá sức, cuối năm 1910 ông được phép về dưỡng bệnh tại Pháp (5).

Trong thời gian ở Pháp, L.Cadière được mời đến đại học Louvain để tham dự tuần lễ Dân tộc học tôn giáo. L.Cadière thuyết trình hai bản tham luận về “Chỉ dẫn thực hành cho các vị thừa sai khi nhận xét về tôn giáo” và về “Các tôn giáo ở Annam”. Hai bản tham luận này, L.Cadière được các giới thức giả đặc biệt quan tâm. Tranh thủ thời gian còn lại ở châu Âu, Trường Viễn Đông Bác Cổ đã giao cho L.Cadière truy tầm trong các văn khố về các bang giao trước đây giữa châu Âu và Annam. Để làm việc này, L.Cadière đi Rôma tìm được trong thư viện Vatican một thủ bản chép tay cuốn tự điển của Alexandre de Rhodes. Nhiều tác phẩm khác còn ghi dấu những cột mốc đối với lịch sử hình thành và biến đổi trong việc ký âm chữ Quốc ngữ theo mẫu tự la-tinh. L.Cadière còn tiếp tục nghiên cứu tại thư viện Victor Emmanuel và thư viện Thánh Bộ truyền giáo. Tại Paris, L.Cadière đã lục lọi tìm kiếm các thư từ trao đổi giữa Gia Long và các sĩ quan Pháp vốn đã tháp tùng cùng giám mục d’Adran, tức Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) qua Nam kỳ vào thế kỷ XVIII, ngoài ra còn tìm được tập hồi ký của Bénigne Vachet viết về Đàng Trong.

Sau khi rời Pháp trở về Việt Nam, L.Cadière được cử làm tuyên úy trường Pellerin ở Huế, chức vụ này được giữ liên tục từ 1913-1918. Trong thời gian này L.Cadière lập Hội những người bạn Huế xưa (L’Association des Amis du Vieux Hué (AVH)) với tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H) làm hành trang; L.Cadière làm chủ bút, dưới sự chỉ đạo “năng động”, tờ báo này là một trong số các báo hay nhất ở Đông Dương (6). Nhận thấy vai trò của Hội và sự ra đời của tập san B.A.V.H (“Tập san Đô Thành Hiểu Cổ Xã”, tên chính thức ghi trên bìa, dịch từ chữ Pháp là “Tập san của Những Người Bạn Cố Đô Huế”) mà linh mục L.Cadière là linh hồn của tập san… Anh em Morin là nhà tài trợ chính cho Tạp san Đô Thành Hiếu Cổ, đồng thời cho Hội một phòng làm việc tại Morin và tạo điều kiện để Hội tổ chức các cuộc họp thường niên (7). Công trình hoạt động của Hội, ngoài bộ B.A.V.H, Hội còn lập một thư viện. Từ 1917 đến 1922 thì thư viện hoàn thành. Năm 1923 Hội bảo trợ để thành lập Musée Khải Định. Ngày 15-11-1924, một Ban quản trị Bảo tàng viện ra đời, họ là những hội viên được chọn ra như các ông Gras, Rigaux, Levadoux, Sony, Peyssonneau… Năm 1915, theo sáng kiến của ông Gras, giám đốc kho bạc Trung bộ, đồng thời là một nghệ nhân ưu tú, nhiều hội viên của Hội đi điền dã ở làng Nham Biều để tìm một pho tượng Chàm cỡ lớn mà giám mục Caspar, đảm trách Địa phận Huế đã thông báo cho ông Odend’hal trước đó. Người ta đã may mắn tìm được pho tượng và trưng bày trong sân Tân Thư viện. Bộ sưu tập các kỷ vật Chàm được bổ sung và làm phong phú thêm vào năm 1917 với vài pho tượng và một dương vật mà linh mục L.Cadière đã phát hiện ở làng Xuân Hòa (8).

Tháng 09-1918, L.Cadière được chuyển về Di Loan ở Cửa Tùng, địa danh gần cửa sông Bến Hải. Giáo xứ Di Loan là một trong giáo xứ lâu đời nhất ở Đông Dương mà L.Cadière đã lưu lại từ năm 1918 đến 1945. Đây là quãng thời gian mà L.Cadière sống hết mình, được ghi nhận là có hai biến cố. Biến cố đầu tiên là một cơn đau tim buộc L.Cadière phải trở về châu Âu năm 1928. Sau một thời gian ngắn, ông được bình phục và tiếp tục ngay công việc khoa học của mình, tham dự Tuần lễ Dân tộc học tôn giáo ở Luxembourg với bài tham luận đặc sắc về gia đình và tôn giáo của người Việt (9). Biến cố thứ hai là việc Nhật chiếm đóng Đông Dương, tháng 03 năm 1945; ông bị quản thúc tại Huế (15 tháng) rồi đến chính biến 19-12-1946, ông lại được đưa về quản thúc ở Vinh từ tháng 01-1947 cho đến 13-06-1953. Được đề nghị trở về Pháp, L.Cadière lúc ấy đã 84 tuổi nên ông một mực từ chối: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi, cho tôi được ở lại và chết ở đây” (10). Ngày 06-07-1955 linh mục L.Cadière qua đời tại Huế và được an táng tại nghĩa trang Đại Chủng viện Xuân Bích theo đúng sở nguyện ở ngài. Trên tấm bia đá cỡ 24x15 cm đặt trước ngôi mộ L.Cadière, người ta đã viết về ông: “Hic Requiesit (Nơi đây yên nghỉ) Léopoldus Cadière cố cả. 1869-1955.
R.I.P (Requiesit in pace - Yên nghỉ trong an bình!)

Hơn 63 năm sống tại Việt Nam, L.Cadière để lại trên 250 công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hoá, phong tục, ngôn ngữ học… Qua các tác phẩm vừa được dịch thuật và đã công bố cho thấy L.Cadière là một nhà Huế học chuyên khảo sát thực tế. Và trong cách viết của L.Cadière không những nêu sự kiện mà còn tiếp cận, mô tả tỉ mỉ đến chi tiết về các di tích lịch sử. Cụ thể là công trình nghiên cứu “Kinh thành Huế - Địa danh học” (11) mà hiện nay chúng ta đang quan tâm.

HỒ VĨNH
(259/09-10)


-------
(1) Đỗ Trinh Huệ, Văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả L.Cadière, chủ bút tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué (Đô Thành Hiếu Cổ (1914-1944), Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 16-17.
(2) Trần Anh Dũng, tiểu sử và thư mục thừa sai Léopold Michel Cadière “cố cả” (1869-1955), Đắc Lộ Tùng Thư phát hành, Paris, 2002, trang 9.
(3) Bùi Quang Tung, Le R.P. Léopold Cadière (1869-1955), Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême - Orient, XLIX.2, 1955, trang 650.
(4) Trần Anh Dũng. Sách đã dẫn, trang 27.
(5) Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Léopold Cadière - Về văn hoá và tín ngưỡng truyền thống người Việt, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1997, trang 6.
(6) Bùi Quang Tung, BEFFEO, tập san đã dẫn, trang 651.
(7) Hồ Vĩnh - Hồ Thị Phương Chi, khách sạn Morin xưa và nay, Tập văn Nghiên cứu Huế, Tập 06-2008, trang 338.
(8) L.Sogny, Le Musée Khai Dinh à Huế, Indochine Hebdomadaire Illustré 4e Année No 152, Jeudi 29 Juillet 1943. Hà Xuân Liêm, Nhìn lại công trình học thuật B.A.V.H, Tạp chí thông tin Khoa học và công nghệ, số 03 (25). 1999, trang 127.
(9) Bùi Quang Tung, BEFFEO, tập san đã dẫn, trang 651.
(10) Đỗ Trinh Huệ, Sách đã dẫn, trang 21-22.
(11) L. Cadière, Kinh thành Huế- Địa danh học, Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H) Tập XX (Năm 1933), bản dịch Hà Xuân Liêm, NXB Thuận Hóa, Huế. 2006, trang 111-188.








Các bài mới
Các bài đã đăng