Là một phương thức tồn tại của vật chất, thời gian đi vào tác phẩm văn học, được nhào nặn theo chủ quan nhà văn. Từ đó, thời gian không còn đơn thuần là chiều thứ tư của vật lý, mà đã hóa thành chiều thứ năm sâu thẳm của tâm hồn. Thời gian là một phương tiện (và cũng là một phương tiện) quan trọng của nghệ thuật. Hay nói đúng hơn, thời gian nghệ thuật chính là có cái nhìn thế giới của nhà văn. Nghiên cứu thời gian nghệ thuật là khám phá một khía cạnh quan trọng của thi pháp, giúp ta cảm thụ tác phẩm trong cái cụ thể - sáng tạo của nó.
Ở đây chúng ta tìm hiểu một mảng thời gian nghệ thuật trong tác phẩm của một nhà thơ hiện đại: mùa xuân và mùa thu trong thơ Tố Hữu. Sự lựa chọn này không hoàn toàn tình cờ: trong bốn mùa, cảm quan nghệ thuật của Tố Hữu nghiêng hẳn về mùa xuân và mùa thu, đặc biệt là mùa xuân. Điều này dường như có nguồn gốc sâu xa nào đấy trong nền văn học dân tộc. Từ lớp tiền bối như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, đến những người đương thời như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính đều có một “mẫu số chung” đáng lưu ý. Thống kê tần số xuất hiện của các từ xuân, hạ, thu, đông trong tác phẩm của các tác giả trên, chúng tôi đạt đến kết quả sau:
Cố nhiên số lượng chỉ có một ý nghĩa giới hạn nào đấy. Điều quan trọng hơn, là chất lượng. Nói cách khác, mùa xuân và mùa thu trong thơ Tố Hữu được sử dụng như thế nào và vận động theo quy luật nào trong quá trình sáng tác, đấy chính là điều cần quan tâm hơn. Bởi vì đấy mới chính là cái độc đáo của nhà thơ. Từ bao giờ chẳng rõ, mùa xuân thoát khỏi cái vỏ cụ thể của nó, mặc nhiên là biểu tượng của mùa vui, mùa hạnh phúc. Xuân Diệu từng nói: Xuân của đất trời nay mới đến Trong tôi, xuân đã đến lâu rồi: Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi Trong vườn thơm ngát của hồn tôi. (Nguyên đán, Thơ thơ) Là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới, Xuân Diệu đem mùa xuân gắn liền với tình yêu trai gái. Với Tố Hữu, con chim sơn ca của cách mạng, mùa xuân hội nhập vào một tình yêu lớn hơn; tình yêu đất nước. Song đất nước đang quằn quại trong xiềng xích thực dân, làm sao có thể là một vườn xuân thơm ngát? Cho nên, trong Từ ấy, hiện thực xã hội, từ bản chất, chối bỏ mùa xuân: - Ôi xuân nay chỉ là xuân lạnh chết - Xuân nay chỉ một mùa tang đẫm máu (Xuân lòng) Mùa xuân, như thế, chuyển rất gần đến mùa đông: Hôm nay xuân ốm dậy Buồn như đông, nhợt nhạt, mưa phùn (Xuân đến) Mùa xuân không thể tìm thấy trong hiện tại. Có chăng, đó chỉ là thoáng huy hoàng của quá khứ: Cây dù gượng xanh lại ngày xuân cũ (tháp đổ). Song ấy là khi nhà thơ nhắc đến cái luyến tiếc “mộng ảo” của một nhà thơ khác. Còn đối với Tố Hữu, mùa xuân đích thực là mùa xuân của tương lai: viễn cảnh thành công của cách mạng, của chủ nghĩa xã hội, của chủ nghĩa cộng sản. Ánh sáng rực rỡ của mùa hạ (Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim) đã dẫn đường cho nhà thơ đi đến mùa xuân. Quả có ít người tha thiết với mùa xuân như Tố Hữu, trong Từ ấy, mùa xuân là sự trăn trở của trí tuệ và tình cảm. Ấy là nỗi đợi chờ ước ao gần như không chịu đựng được nữa: Lâu rồi, khao khát lắm, xuân ơi (Xuân nhân loại). Ấy là lời hứa hẹn, là sự khẳng định về sự đổi đời của một lớp người bị vùi dập: Ngày mai gió mới ngàn phương, sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân (Tiếng hát Sông Hương). Và trên hết, ấy là niềm tin mãnh liệt và kiên định: Trời hôm nay đầu xám ngắt màu đông Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng Ai cản được những đoàn chim quyết thắng Sắp về đây tắm nắng xuân hồng? (Xuân đến) Ở Việt Bắc, nhà thơ 5 lần nhắc đến Xuân, song vẫn chưa thấy sự chuyển hóa rõ rệt nào về nội dung. Dễ hiểu là tại sao đến Gió lộng, đến thời kỳ bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc nước ta, mới bắt đầu có sự chuyển hóa đó. Nếu ở Từ ấy, mùa xuân mới “phảng phất hương”, mới “tới tới gần” (Xuân nhân loại) thì ở Gió lộng, mùa xuân đã đến: - Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai - Thêm một ngày xuân đến. Bình minh (Bài ca mùa xuân 1961) - Khắp quê em, mùa xuân đến rồi - Xuân đến rồi, nắng đỏ trên môi (Em ơi… Ba lan…) Từ Gió lộng, mùa xuân mơ ước đã trở thành hiện thực. Điều này giải thích vì sao sau Gió lộng, mùa xuân có nội dung phong phú hẳn lên. Từ Gió lộng, mùa xuân thật là thỏa thích. Cái tôi trữ tình có đi: Tôi đi dưới nắng trưa Mùa xuân ấm áp Có chạy: Tôi chạy trên miền Bắc Hớn hở giữa mùa xuân (Trên miền Bắc mùa xuân) Và có cả bay: Hôm nay sao vui thế! Sáng xuân nay Ta đi đây, lòng ta như bay (Bài ca xuân 68) Tôi muốn cùng thơ bay Mùa xuân nay (Với Đảng, mùa xuân) Ở Từ ấy và Việt Bắc, mùa xuân chủ yếu được miêu tả như một hiện tượng. Cho dù nhà thơ thảng hoặc có nói Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới (Ý xuân) hay Hôm nay xuân ốm dậy (Xuân đến) thì ấn tượng vẫn là như một kỹ thuật, một cách nói cho đẹp lời. Bởi vì mùa xuân còn giữ một khoảng cách khá xa của cái - được - nói - về. Phải từ Gió lộng mùa xuân mới thực hiện được sự đổi ngôi, từ vị trí ngoài cuộc bước vào như một người trò chuyện với nhà thơ. Mùa xuân thực sự sinh động như một con người. Và bắt đầu từ đây, nhà thơ gọi mùa xuân bằng tiếng em trìu mến: Xuân ơi Xuân, em mới đến dăm năm Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội (Bài ca mùa xuân 1961) Sau này ở Ra trận, nhà thơ thân mật xưng anh với mùa xuân: Hỏi xuân có biết hơn anh Đất trời ta đã thêm xanh mấy lần? Và … cầm tay xuân: Mở tờ lịch mới hôm nay Biết là xuân đến cầm tay lên đường (Tiếng hát sang xuân) Song Ra trận được sáng tác trong một giai đoạn lịch sử khác với Gió lộng. Đó là giai đoạn bắt đầu chiến tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đế quốc là lực lượng thù địch với mùa xuân. Ở miền Bắc, mùa xuân đứng trước đe dọa bị thui chột. Ở miền Nam, mùa xuân lại bị ám sát: Hãy trông những người con gái ấy Người ta yêu khuôn mặt trái xoan Một sáng sớm mùa xuân thức dậy Bỗng dội tràn bom cháy thành than! (Miền Nam) Phải Giữ mùa xuân (Từ Cu-ba)! Hơn nữa, phải cầm súng mở lối cho xuân: Hành quân xa… mở lối xuân sang (Xuân 69), và dành lấy mùa xuân: Ta quyết thắng. Dành mùa xuân đẹp nhất! (Bài ca xuân 68). Cho nên ở tập thơ này, mùa xuân thật khỏe mạnh, hùng tráng. Xuân duyệt binh: Xuân hãy xem! Cuộc diễn binh hùng vĩ Ba mươi mốt triệu nhân dân Tất cả hành quân Tất cả thành chiến sĩ. Xuân xung trận: Hãy xung phong! Hỡi mùa xuân sáu mươi bảy anh hùng! Chỉ ở Ra trận mới có hình ảnh xuân lẫm liệt như thế này: Ôi sáng xuân nay, như lưỡi gươm trần sáng quắc Rạo rực lòng ta, trống trận Quang Trung Chỉ ở Ra trận mùa xuân mới được chào đón với tư thế của người lính như thế này: - Đất nước ta ơi Xin bắn hai mươi phát đại bác vang trời Chào xuân sáu bảy! (Chào xuân 67) - Anh chị em ơi! Hãy giương súng lên cao, chào xuân sáu tám (Bài ca xuân 68) Mùa xuân gắn liền với những anh hùng thời đại: là em bé mang mũ rơm đi học trên đường dài bom đạn giặc: Sáng nay xuân lại tới, đẹp mười lần Như em vậy, hỡi em quàng khăn đỏ… (Trên đường thiên lý) Là cô dân quân súng khoác lưng, cúi mình cấy lúa: Ôi những nàng xuân rất dịu dàng Hát câu quan họ chuyến đò ngang Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy Súng khoác trên lưng, chẳng ngỡ ngàng (Xuân sớm) Là anh giải phóng quân: Ai đến kia, rộn rã cùng Xuân? Hoan hô anh Giải phóng quân Kính chào Anh, con người đẹp nhất! Là Bác Hồ, vị tổng chỉ huy cuộc kháng chiến: - Xin lắng nghe… Phút giao thừa đang chuyển Bác Hồ gọi. Ấy là mùa xuân đến… (Bài ca xuân 68) - Bác đi… Đâu cũng nghe chân bước Như gió xuân về, đất nở hoa… - Ríu rít đàn em vui pháo nổ Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân.. (Theo chân Bác) Nếu như mùa xuân là mùa vui thì mùa thu thường gợi người ta nghĩ tới nỗi buồn. Chế Lan Viên thời trước đã từng đem mùa thu đối lập với mùa xuân: Ai đâu trở lại mùa thu trước Nhặt lấy cho tôi những lá vàng? Với của hoa tươi muôn cánh rã Về đây đem chắn nẻo xuân sang! Ai biết hồn tôi say mộng ảo Ý thu góp lại cản tình xuân (Xuân, Điêu tàn) Và cũng không riêng gì Chế Lan Viên. Thơ ca lãng mạn 1930-1945 đã là tiếng thở dài, thì mùa thu càng ảo não. Mùa thu rợn ngợp, bát ngát sầu đời trong thơ Bích Khê (Tỳ Bà, Tinh huyết), mạnh mẽ nhưng vắng lặng trong thơ Huy Cận (Thu rừng, Lửa thiêng), rất đẹp, mà héo úa, tang tóc trong thơ Xuân Diệu (Đây mùa thu tới, Thơ thơ). Ngược dòng hơn một ngàn năm thơ ca, vẫn còn bắt gặp câu thơ thu bi thiết này của Đỗ Phủ: Vạn lý bi thu thường tác khách Bách niên đa bệnh độc đăng đài (Đăng Cao) Trong kho tàng thơ ca cổ điển cho đến thời 1930-1945, thật khó tìm được một câu thơ vui về mùa thu. Mặc nhiên mùa thu là biểu tượng cho sầu muộn. Điều này để lại dấu ấn ngay trong văn tự: sầu là tâm tình mùa thu. Mùa thu trong thơ Tố Hữu trước cách mạng không tách khỏi truyền thống thơ ca và bối cảnh văn học bấy giờ. Ở đây thu cũng đối lập với xuân: Anh nghe thu rút lá gọi đời đi Tôi thấy cả một mùa xuân bước lại (Những người không chết) Thu chẳng xa đông là mấy, lạnh lẽo vô cùng. Đây hơi hướng mùa thu lay lắt: Đêm nay gió biển đông về Mùa thu chừng đã tái tê đất trời (Đông) Đây em bé bơ vơ run rẩy trong sương chiều: Em run rẩy thầm nghe trong tiếng gió Mùa thu qua qua hết những tình thương Mà tim em khao khát lượm trên đường! (Lạnh lùng) Nếu mùa thu có nắng, thì chỉ là cái nắng chập chờn sẽ phải tắt trước khi màn đêm buông xuống. Cảm giác càng thêm lạnh: Lão ngồi bên cửa sổ Trong nắng nhạt chiều thu (Chiều) Mùa thu gần lắm với cái chết hay cơ hồ chính là cái chết: Mùa thu trước, hai tay gầy mỏng mảnh Còn dắt bồng hai đứa cháu mồ côi, Tôi lo buồn ngày chẳng đủ cơm nuôi, Và dại nghĩ: “Thà” xong “đi một đứa!” Thì ra… thật! Non ngày, con khát sữa Chết chiều mai. (Hai cái chết) Ý chết đã phơi vàng héo úa Mùa thu lá sắp rụng trên đường Mơ chi ảo mộng ngày xưa nữa? Cây hết thời xanh đến tiết vàng! (Dửng dưng) Trong Từ ấy, Tố Hữu nhắc đến mùa thu chỉ 6 lần thôi. Và cả 6 lần, không lệ ngoại, mùa thu là cái gì tàn tạ, mất mát. Hay báo hiệu cái tàn tạ, mất mát. Mùa thu tháng Tám năm 1945 mở ra một trang sử mới cho dân tộc, và người nghệ sĩ cảm thấy không thể nhìn mùa thu như trước. Bao nhiêu nỗi buồn thu xưa đều tan biến trước màu xanh bát ngát của trời thu tháng Tám: Ngẩng đầu lên trong sáng tuyệt trần Tháng Tám mùa thu xanh thắm (Ta đi tới) Và sau đó là mùa thu vui thắng lợi hòa bình, mùa thu… bắt đầu trái ngọt xã hội chủ nghĩa. Giờ đây là mùa thu mới. Thu đổi đời. Mùa thu đã là mùa vui, mùa cách mạng. Có hiểu từ đây mùa thu được mang một nội dung tích cực như thế, mới hiểu tại sao khi Bác mất, đau đớn lắm, nhà thơ vẫn nhìn mùa thu rất đẹp. Và chính mùa thu càng đẹp, nỗi đau càng lớn lao: Bác đã đi rồi sao Bác ơi! Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười! (Bác ơi!) Miền Nam đang thắng và mùa thu đang đẹp đi song song với nhau, tạo nên một hình ảnh thật tế nhị, nối chiến thắng giặc Mỹ hôm nay với trời đất bao la, với mùa thu tháng Tám năm xưa. Cũng vì thế, ta mới hiểu tại sao khi anh Trỗi tựu nghĩa, nhà thơ lại tha thiết và xúc động nhắc đến mùa thu thiêng liêng: Nghìn năm sau sẽ nhớ lại hôm qua Một sáng mùa thu, giữa khám Chí Hòa Anh đi giữa hai tên gác ngục Và sau chúng, một người linh mục (Hãy nhớ lấy lời tôi) Con đường vận động của mùa thu trong thơ Tố Hữu là từ sự đối lập đến sự hòa hợp với mùa xuân. Con én kết đoàn đưa xuân rập rờn trên mặt sóng Hồng Hà bây giờ lại tung bay giữa trời thu: Én thu sang, Mừng Bác lại về (Theo chân Bác). Và cũng như mùa xuân, mùa thu hào hùng, dữ dội: - Huế mình đẹp nhất lòng dân Mùa thu khởi nghĩa, mùa xuân dậy thành. (Nước non ngàn dặm) - Nhớ cụ già Cô-dắc giữa đêm thu Nghe giặc đến, cùng con nhảy lên mình ngựa Vượt băng giá, phi qua biển lửa Một tay gươm chém mấy trăm thù. (Sta-lin-grát, một mùa xuân) - Giữa mùa thu Trắng cánh hải âu, rừng phong vang lá rụng Tôi đi… như trong bóng tối, sương mù Dữ dội những chiến trường Không tiếng súng (Đường của ta đi) Nghiên cứu một góc độ thời gian nghệ thuật mà thôi rõ ràng là chưa đủ, nhưng nó đã có thể làm lộ ra và soi sáng nhiều vấn đề lý luận qua - và bằng - những hiện tượng cụ thể trong thi pháp của nhà thơ. Mùa xuân và mùa thu trong thơ Tố Hữu có nét của truyền thống, mặt khác, vẫn có đặc sắc riêng. Tố Hữu là nhà thơ cách mạng, điều đó khiến nội dung mùa xuân, mùa thu đậm đà tính chất xã hội. Do gắn chặt với hiện thực, nên khi hiện thực thay đổi, mùa xuân, mùa thu cũng thay đổi theo. Tuy vậy, sự vận động ấy không phải hoàn toàn đồng nhất. Về thời điểm, mùa thu ngay từ Việt Bắc đã có sự chuyển hóa trong khi mùa xuân phải đợi đến Gió lộng. Về chất lượng, sự chuyển hóa ấy ở mùa xuân chỉ là một sự phát triển, còn ở mùa thu là cả một sự thay đổi tận gốc rễ, lật ngược hẳn nội dung. H.D (5/2-84) ---------------- 1- Theo bản Tố Hữu - Tác phẩm - Thơ, Nxb Văn học, Hà Nội 1979. Cụ thể
2- Theo bản Lửa thiêng, Nxb Hoa Tiên, Sài Gòn, 1967. 3- Theo bản Thơ thơ, Nxb Hoa Tiên, Sài Gòn, 1968. 4- Theo bản Điêu tàn, Nxb Hoa Tiên, Sài Gòn, 1967. 5- Theo bản Lỡ bước sang ngang, Nxb Hoa Tiên, Sài Gòn, 1970. 6- Theo Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974. 7- Theo bản Nguyễn Trãi toàn tập, (phần Quốc âm thi tập), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976. |