Tác giả-tác phẩm
Đằng sau những lời chứng
10:27 | 04/10/2010
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT19 lời chứng của những ONS(1) cuối cùng, lần đầu tiên được lên tiếng qua công trình nghiên cứu hoàn hảo của bà Liêm Khê LUGUERN(2) là những nhân chứng cuối cùng trong số khoảng 27.000 người từ Đông Dương bị lùa đến nước Pháp từ tháng 10/1939 đến tháng 6/1940 để phục vụ cho guồng máy chiến tranh của thực dân Pháp trong Thế chiến thứ II.
Đằng sau những lời chứng
Tiểu sử của họ, có thể gói gọn trong mấy từ: “nông dân Việt Nam nghèo khổ” bị cưỡng bức trưng tập dưới sự “trung thành” của chính quyền Việt Nam tay sai lúc bấy giờ. Có thể hình dung sự cực nhọc của những người nông dân chưa hề biết đến thế giới kỹ nghệ lại bị đưa vào các nhà máy sản xuất thuốc súng là như thế nào! Rồi phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp. Sự khốn khổ lên đến mức tối đa: số ONS chết (vì bệnh lao) cao gấp 9 lần nếu so tỷ lệ với số dân Pháp tử vong trong cuộc chiến.

Trong những ngày đen tối của cuộc lưu đày khổ sai dằng dặc ấy, những nông dân Việt Nam đã “chia sẻ đời sống với đám công nhân Pháp”, đã “gia nhập công đoàn CGT”(3), đã “tham gia vào Đảng Cộng sản Pháp” một cách tự nhiên như qui luật áp bức - đấu tranh, theo lời của Daniel Hemery, giảng viên danh dự trường Đại học Paris VII - Denis Diderot.

Nước Pháp được giải phóng, những ONS Việt Nam đã bầu ra một Tổng phái đoàn, đại diện cho 25.000 lính thợ VN, hoạt động như một cánh tay của Việt Minh ngay tại Pháp: đình công, kêu gọi bất phục tùng, tổ chức cuộc biểu tình lớn nhất vào năm 1948… Và nhiều người lao động Pháp đã dang tay che chở cho những người thợ khốn khổ này.

Bộ Thuộc địa Pháp đã tống họ về Việt Nam. Một số bị bắt ngay khi về nước, bị bỏ tù và sau đó đã đi theo phong trào Việt Minh… Đó cũng là một qui luật, như lời nhà nghiên cứu Jean Jaures đã nhận xét: “Khi một người theo chủ nghĩa quốc tế một cách vừa phải thì họ ít để ý đến quê hương mình, nhưng khi họ đã theo chủ nghĩa quốc tế một cách ráo riết thì họ lại bận tâm rất nhiều về những gì đã xảy ra trên quê hương của họ”.

Tập sách không phải là tác phẩm văn học nhưng có giá trị phản ánh rất cao, nhất là 41 tấm ảnh tư liệu và các bài viết cô đọng miêu tả nhân thân cùng tâm trạng của những nạn nhân những năm tháng ấy đã giúp người đọc hình dung khá rõ một phần chân dung cuộc sống vào một thời kỳ đen tối của xã hội Việt Nam. Qua lời kể lại, qua trả lời những câu phỏng vấn… là tâm trạng của những người nông dân khốn khổ: “Chúng tôi không hiểu tại sao phải ra đi… Chúng tôi không biết gì về chiến tranh…” (Lời của cụ Đỗ Vị, sinh năm 1918 tại làng Diên An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, được ghi lại vào tháng 7/2006).

Thực dân Pháp đã đối xử với những người lính thợ này ra sao, những người đã từng là những con vít nhỏ trong bộ máy cầm quyền của họ? Cụ Nguyễn Văn Tê, sinh năm 1911 tại Tiên Nội, tỉnh Hà Nam kể: “Chúng tôi được ăn cơm nhờ gạo cung cấp từ các thuộc địa của Pháp. Sau đó thì chúng tôi bị đói và lạnh dày vò. Tôi còn nhớ đôi giày của chúng tôi: đôi giày đóng bằng đinh nặng đến 5kg... Chúng tôi không được lãnh lương. Lương do Chính phủ nhận. Chúng tôi chỉ nhận được đúng 1 quan cho mỗi ngày”. Và đây nữa: “Khi chiến tranh chấm dứt, nước Pháp không cần đến chúng tôi nữa, họ tống khứ chúng tôi trở về quê cũ. Không công ăn việc làm, và tuổi tác đã không cho chúng tôi lập lại cuộc đời… Tôi tiếc những gì đã làm cho nước Pháp” - lời cụ Nguyễn Liên, sinh năm 1918 ở Phú Mỹ, tỉnh Bình Định, được ghi vào tháng 7/2005.

Cuộc đời của những người lính thợ không chuyên nghiệp ấy là một hành trình ít có trong lịch sử: nông dân - công nhân - rồi trở lại là nông dân. Và, đáng nói hơn, đằng sau những số liệu, những hình ảnh, những lời nói…, hiện ra THÂN PHẬN CON NGƯỜI, những con người bình thường, nhưng, là một phần của Lịch - Sử - Khuất - Bóng. Hãy nghe: “Tôi vẫn là nông dân nơi đồng ruộng. Rồi cuộc đời tôi không có gì thay đổi.” - Lời cụ Lê Xuân Thiềm, sinh năm 1918, quê quán làng Luyến Đông (nay là Quỳnh Giang), tỉnh Nghệ An được ghi lại vào tháng 7/2006.

*
Tưởng cũng nên có đôi lời về tác giả (qua thư email của người dịch: bà Phan Thị Hồng Hạnh). Liêm Khê sinh tại Huế và sang Pháp cùng gia đình năm 1973. Từ năm 1991, bà là Giáo sư môn sử - địa tại trường trung học Gaillac (miền Nam nước Pháp, gần Toulouse). Hiện đang chuẩn bị luận án tiến sĩ. Tập sách song ngữ Việt - Pháp này được ra đời “không có tham vọng nào khác hơn là nhường lời cho những người chưa khi nào được lên tiếng” để cho “người Việt biết được lịch sử những đồng bào của họ đã bị chế độ bảo hộ trưng dụng như thế nào” và, “để cho lịch sử nước Pháp không quên những đau khổ và những bất công mà họ đã chịu đựng”. Thêm nữa, họ đã không nhận được khoản hưu bổng nào của chính phủ Pháp.

Ghi thêm về tác giả, là để thấy được Sự Thật này: Con người, Việt Nam cũng như Pháp, đều có thể tìm đến với nhau và chia sẻ, thông cảm khi phân biệt được đâu là những thế lực áp bức, đâu là những trái tim biết thương yêu đồng loại.

N.Đ.N
(259/9-10)


----------
(1) ONS: Ouvrier non Specialise, thợ không nghề đặc biệt.
(2) Những người lính thợ - Les travailleurs Indochinois requis. NXB Đà Nẵng, sách song ngữ Việt - Pháp, 6/2010.
(3) CGT: Confederation General du Travaille, một công đoàn gần với Đảng Cộng sản Pháp.


Các bài mới
Các bài đã đăng