12 truyện ngắn trong tập sách, phần lớn đã được giới thiệu trên các tạp chí văn nghệ địa phương, và một đôi truyện đã được in ở báo Văn nghệ Trung ương. Lần này đọc lại, chúng ta sẽ có được cái nhìn khái quát về những “bước đi ban đầu” của một cây bút trẻ, chuyên viết truyện ngắn, mấy năm gần đây đã được sự chú ý của dư luận. Trong “Bài thơ về biển khơi” Trần Thùy Mai, hầu hết đều lấy đề tài từ cuộc sống và con người thành phố, những con người, những sự việc bình thường mà chị đã từng quen thuộc hoặc gần gũi. Có điều, chính từ những con người và sự việc ấy, với năng lực quan sát, thể hiện khá nhạy bén và tinh tế, Trần Thùy Mai đã làm cho người đọc cảm nhận được những “âm vang rộn rã của một cuộc sống vừa bắt đầu” trên thành phố quê hương sau ngày giải phóng, và cả những vấn đề đặt ra không kém phần sâu sắc. Trần Thùy Mai đã diễn tả xúc động hình ảnh gặp gỡ của những gia đình sau bao năm trông đợi, trong niềm vui đoàn tụ của đất nước. “Thương lắm ngoại ơi!”. Hoặc, chị thuật lại “câu chuyện một gia đình” nơi xóm nhỏ ngoại ô để không chỉ phê phán những tệ nạn xấu xa của xã hội cũ, mà còn nhìn ra và khẳng định một điều thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời mới: đó là lao động. Ở một số truyện ngắn viết cho thiếu nhi: “Hoa hướng dương”, “Việt Nam của bé”, “chiếc vỏ bắp biết bay”… tác giả cũng không chỉ muốn nói với các em về tình thương, về ý niệm quê hương, về truyền thống gia đình, về Tổ quốc, mà còn muốn qua cái nhìn ngây thơ, trong trẻo của các em, giới thiệu những hình ảnh mới lạ như chính bản thân tác giả cũng vừa được cảm nhận lần đầu. Trong những truyện ngắn nói trên, với lối kể chuyện nhỏ nhẹ, thanh thoát chị đã hòa vào trong niềm vui, niềm tự hào, xen lẫn một chút bỡ ngỡ của trẻ thơ. Phải chăng, đó cũng chính là sự biểu hiện những xúc động chân thật của tâm hồn một người viết, khi lần đầu mới được tiếp xúc với hiện thực cuộc sống cách mạng. Nhưng, hấp dẫn người đọc hơn cả, có lẽ là một số truyện ngắn Thùy Mai viết về những nhân vật thiếu nữ. Bạn đọc sẽ khó quên cô gái trong “Bài thơ về biển khơi”. Tuy còn bị ràng buộc bởi những tàn dư cằn cỗi của xã hội cũ, nhưng tâm hồn người con gái ấy luôn muốn vươn tới ánh sáng, luôn khao khát biển khơi và đường chân trời. Với nghệ thuật sử dụng hình ảnh đối lập và giàu ý nghĩa biểu tượng, câu chuyện còn muốn phát biểu một quan niệm đúng đắn của người viết về trách nhiệm của văn chương và của người nghệ sĩ trước cuộc đời. Chắc cũng vì lẽ ấy, mà tác giả đã lấy “Bài thơ về biển khơi” làm tên gọi chung cho cả tập sách. Trong “Khúc nhạc rừng dương” Trần Thùy Mai đã xây dựng Phương Thảo, cô học sinh trường âm nhạc Huế quê ở Cát Sơn lớn lên từ quê hương gian khổ mà anh hùng, một cô gái rất giàu tình yêu và nghị lực. Thảo là hình ảnh của “những cây dương mảnh khảnh, lả lướt mà sức mạnh vô song… đưa tấm thân nhỏ nhắn ra chắn bao nhiêu cơn gió cát” ở quê nhà. Nhân vật nữ được xây dựng khá thành công của Thùy Mai là cô hướng dẫn viên du lịch trong “Huyền thoại về chim phượng”. Phượng vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống của người con gái Huế, vừa mang được những vẻ đẹp mới của cuộc sống hôm nay… Phượng dịu dàng, lịch sự, khiêm nhường, nhưng cũng rất chủ động trong giao tế, linh hoạt sáng tạo, hứng thú trong công việc, mạnh dạn tự tin vào sự hiểu biết và sức trẻ của mình. Khác với vẻ đẹp của người con gái Huế xưa gợi nhớ đến cành liễu ẻo lả, Phượng là một “búp thông non” đang lên xanh tràn đầy sức sống. Xây dựng hình ảnh nhân vật Phượng trong sự so sánh với Bội Hoàn, qua cái nhìn từng trải của ông già khảo cổ, Thùy Mai muốn ca ngợi sự lớn dậy của một lớp người, và chỉ ra cách nhìn vẻ đẹp đích thực của người con gái Huế trong cuộc đời mới. Có thể nói với những truyện ngắn giàu chất thơ và có sức thu hút người đọc như vừa kể trên, Thùy Mai đã có những đóng góp đáng kể vào việc xây dựng những hình tượng nhân vật phụ nữ mang đậm nét bản sắc của một vùng quê. Và, cũng chính từ đó càng làm rõ hơn bản sắc của người viết. Ngoài ra, một số truyện ngắn của Trần Thùy Mai có xu hướng đi vào những đề tài mô tả đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người với cả những ý nghĩ, lo toan thầm lặng của họ (“Một phút”, “cuốn sách”, “Một chút màu xanh”). Có thể có những ý kiến khác nhau khi đọc những truyện này, nhưng dụng ý của tác giả thì khá rõ. Với khả năng quan sát tinh tế, với thế mạnh của cái nhìn từ góc độ một cây bút nữ, Thùy Mai đã chăm chú theo dõi thái độ xử sự của con người trong những hoàn cảnh tưởng chừng như là “thử thách”. Chị cũng đã lắng nghe được cả những nỗi băn khoăn, day dứt của họ; để rồi từ đó phê phán những biểu hiện tiêu cực, khêu gợi những mặt tích cực trong đời sống nội tâm của mỗi người, và làm nổi bật lên những yêu cầu về nhân cách mà con người mới cần phải có. Tất nhiên, khi thể hiện còn có chỗ phải bàn, nhưng rõ ràng vấn đề tác giả đặt ra cũng chính là vấn đề mà xã hội ta hiện đang quan tâm. Đó là chúng ta vẫn có thể xây dựng được một cách sống, một lối đẹp, trong hoàn cảnh mức sống chưa cao. Nếu hiểu vậy thì ý nghĩa của những câu chuyện ấy đâu phải chỉ “nho nhỏ trong bốn bức tường”. Và ta cũng hiểu hơn tấm lòng người viết muốn góp thêm “một chút màu xanh” cho cuộc sống. Trở lên, là một vài cảm nhận về những mặt mạnh, những đóng góp của Thùy Mai. Mặt khác, người đọc cũng dễ dàng nhận thấy những điểm còn hạn chế (nếu không gọi là non yếu) của tác giả. Bên cạnh một số truyện ngắn hay, khá hoàn chỉnh trong kết cấu, linh hoạt trong các biện pháp thể hiện, (như “Huyền thoại về chim phượng”, “Bài thơ về biển khơi”, “Khúc nhạc rừng dương”…) vẫn còn những truyện ngắn kết cấu công thức, sơ lược (“Thương lắm ngoại ơi!”, “câu chuyện một gia đình”…). Ở những truyện này, có khi tác giả kéo dài không cần thiết làm vi phạm tính hàm súc nghệ thuật, tính dồn nén cô đúc của truyện ngắn, có khi tác giả lại phải nói to đến lạc giọng ở những đoạn kết để cho nổi chủ đề câu chuyện. Thùy Mai thường dẫn chuyện khá khéo, nhưng cũng có những truyện người đọc thấy lộ rõ bàn tay sắp xếp của mình. Ở đó, hình như kỹ thuật đã thay thế cho vốn sống, sự tưởng tượng có lúc lấn át chuyện thật trong cuộc đời, không khỏi làm hạn chế sức thuyết phục bạn đọc. (“Việt Nam của bé”, “Hoa hướng dương”…) Điều đáng bàn hơn cả là mức độ thể hiện các hình ảnh sự việc, và sự kết hợp giữa yêu cầu phản ánh và lý giải cuộc sống qua một số truyện ngắn của Trần Thùy Mai. Nhìn chung truyện của Thùy Mai không tham nhiều chi tiết, sự việc, nhưng có những truyện mức độ thể hiện các hình ảnh và sự kết hợp giữa phản ánh cuộc sống và lý giải nó chưa thật hài hòa. Chẳng hạn, đọc truyện “Một chút màu xanh”, ai cũng thấy rằng tác giả đã có dụng ý khi cùng tả một căn phòng lúc hai anh chị mới cưới dọn về thì “xinh xinh, quét vôi, xanh nhạt, trang nhã”; nhưng rồi cũng căn phòng ấy, lúc hai anh chị hay cáu gắt, thiếu quan tâm đến nhau thì cùng với cái nắng mùa hè, căn phòng đã nóng lên gấp bội. Nhưng người ta thấy rằng cái nóng “nhân tạo” ấy đôi lúc được tác giả nhấn mạnh lên nhiều quá. Nào là “quanh đây chẳng ai trồng hoa hoét gì”, nào là “cái mùa hè chết tiệt”, nào là “rõ ràng căn phòng này chỉ còn là một cái nhà giam ngột ngạt” rồi đẩy đến quá lời hơn “căn phòng này, cuộc sống này”… Cách nhấn mạnh ấy, với ngôn ngữ ấy không khỏi làm cho người đọc đôi lúc cảm thấy nặng nề. Cũng như ở truyện “Một phút” lại kéo quá dài, đâu đó một vài chi tiết dễ làm cho người đọc phảng phất nhớ lại hình ảnh một anh giáo Thứ năm nào. Có người trách Thùy Mai không phải là không có lý. Ngược lại, trong câu chuyện “Khúc nhạc rừng dương”, tình bạn của đôi nhạc sinh ấy tưởng như đến mức Bá Nha - Chung Tử Kỳ, nhưng hình như khi thể hiện Thùy Mai lại cố nén lại, từ lời văn đến ngôn ngữ đều tỏ ra chừng mực quá! Cắt nghĩa những hạn chế trên đây có thể do nhiều nguyên nhân. Nhưng người đọc có thể thông cảm với tác giả, bởi lẽ, có ai khi mới vẽ những bức tranh đầu tiên mà lại có thể chủ động hoàn toàn trong đường nét và màu sắc? Mỗi người viết thường có một “vùng quê” của mình có cách khai thác, thể hiện các đề tài thích hợp với hoàn cảnh, khả năng của mình, nhưng chúng ta vẫn muốn Trần Thùy Mai có những trang viết có sức nặng hơn, đề cập đến những vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống sôi động hiện nay. Chúng ta hy vọng rằng, nếu có điều kiện thâm nhập cuộc sống sâu sắc hơn, được tắm mình giữa dòng thác cuồn cuộn của đời sống cách mạng của quần chúng, Trần Thùy Mai sẽ có thêm những bước tiến mới. 1-1984 P.M.N (6/4-84) --------------------- (*) Tập truyện ngắn của Trần Thùy Mai- NXB Thuận Hóa 1982. |