Tác giả-tác phẩm
‘Góc nhìn văn chương’ của nhà văn Trần Hữu Lục
14:32 | 09/11/2010
KIM QUYÊNSau tập thơ Ngày đầu tiên(*), nhà văn Trần Hữu Lục tiếp tục ra mắt bạn đọc tập Góc nhìn văn chương(**) và anh sẽ xuất bản tập truyện ngắn Trần Hữu Lục (tuyển chọn năm 2010). Thật là một mùa bội thu với nhà văn Trần Hữu Lục.
‘Góc nhìn văn chương’ của nhà văn Trần Hữu Lục
Góc nhìn văn chương có 28 bài, gồm bút ký, phê bình lý luận văn học, giới thiệu tác giả, tác phẩm, tản văn... Đề tài đa dạng, thể lọai phong phú, bút pháp sinh động, dữ kiện, thông tin về văn học trước và sau chiến tranh thật dồi dào chi tiết, bấy nhiêu đó khiến cho người đọc không nhàm chán và thu thập nhiều thông điệp quí giá được gởi gắm từ phía tác giả, quyển sách trở nên bổ ích đối với người “trong đạo” và cả người “ngoại đạo”.

Mảng giới thiệu tác giả tác phẩm, “Trở về ngôi nhà của thi sĩ”, tác giả viết về hai người thầy: thầy Ngô Kha dạy môn Giáo dục công dân, thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường dạy môn Văn và hiện nay là nhà văn nổi tiếng của Huế. Anh kể lại những kỷ niệm khi học với hai thầy ở ngôi trường Quốc Học Huế những năm đầu thập niên 60. Thầy Ngô Kha dạy môn Công dân có giọng nói sôi nổi, hào sảng, còn thầy Tường thì rất quí mến học trò và kiến thức về văn chương của ông thật uyên bác. Những năm đó, phong trào học sinh sinh viên đô thị lên cao, các thầy là người lãnh đạo phong trào, nhiều lần cùng sinh viên sánh vai nhau xuống đường. Thầy Tường lúc bấy giờ đã là một cây bút sắc sảo trên các tờ báo Sinh vien Huế, Lập trường, Dân, Việt Nam… Thầy là Tổng thư ký liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình thành phố Huế, thầy Ngô Kha nằm trong Tổ chức của Mặt trận Bảo vệ Văn hóa Dân tộc miền Trung, còn là tác giả hoạt động bên phát thanh, báo chí của Tổng hội Sinh viên Huế nên mấy thầy trò thường xuyên gặp nhau để bàn bạc chuyện quốc sự. Năm 1973, thầy Ngô Kha bị chánh quyền Huế bắt rồi thủ tiêu, thầy Tường bị lộ phải “lên xanh”, tuy vào cứ nhưng thầy Tường vẫn dõi theo những người học trò cũ, vẫn đọc bài viết của học trò trên báo Huế và Sài Gòn, thầy rất vui mừng và khen ngợi hết lời về sự viết và “lách” rất giỏi của học trò mình, ông luôn nhớ tới những người học trò cũ: Tôn Thất Lập, Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục, Chu Sơn, Huỳnh Ngọc Sơn, Lê Văn Ngăn, Võ Quê… Bài viết có nhiều chi tiết về tình thầy trò thật cảm động, còn gì thiêng liêng cao quí hơn, gắn bó hơn trong hiểm nguy gian khổ, thầy trò sống chết bên nhau.

Trong chùm bài giới thiệu chân dung, bài “Hiện tượng điêu khắc Phạm Văn Hạng” tuy ngắn gọn nhưng tác giả cũng phác họa được hình ảnh của một nhà điêu khắc hết sức ấn tượng vì cung cách sống và sáng tác của anh. Trước năm 1975, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã từng lặn lội đi tìm kiếm, nhặt nhạnh và xử lý những mảnh vỡ xương sọ, hơn mười ngàn mảnh vỡ bom đạn, những vòng kẽm gai để tái hiện những “Dấu tích chiến tranh”, anh đã sáng tác một số tác phẩm tâm huyết như tượng đài “Mẹ dũng sĩ” Quảng Nam - Đà Nẵng, tượng cao 15m đặt tại cửa ngõ thành phố Đà Nẵng (quê hương anh), một công trình điêu khắc khác là “Vườn tượng Phạm Văn Hạng” tại Đà Nẵng, vườn tượng nầy là một bộ sưu tập chân dung, thể hiện sắc sảo thần thái của những danh nhân nổi tiếng, anh còn có dự định dựng tượng cho các vĩ nhân Việt Nam trong đó có nhà chính trị lỗi lạc Nguyễn Trãi trên đỉnh Côn Sơn. Cũng trong chùm bài nầy tác giả còn giới thiệu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Trần Duy Phiên… mỗi người đều được tác giả phác họa những nét rất tinh xảo và chân xác, nhiều nữ sĩ cũng được giới thiệu trân trọng và hấp dẫn bởi tài văn chương và nhan sắc khá mặn mà.

Giới thiệu về Văn chương Nhóm Việt là nhóm văn chương của những cây bút trẻ thời chiến tranh (1965 - 1975) của đất kinh kỳ đã dùng ngòi bút sắc bén, tài hoa của mình để sát cánh cùng nhân dân chiến đấu góp phần giành độc lập, thống nhất nước nhà. Tác giả viết: “Ở tuổi 20, hành trình sáng tác của Nhóm Việt gắn liền với những biến cố lịch sử ở miền Nam (1965 - 1975). Những cây bút trẻ của nhóm Việt đã bày tỏ một thái độ dấn thân ngày càng sâu sắc, vừa trên bình diện ý thức công dân, vừa trên bình diện ý thức nghệ sĩ. Ý thức dấn thân nhập cuộc đã đưa các tác giả trẻ Nhóm Việt đi ra ngoài cái thế giới riêng tư của mình để vươn tới sự cảm thông và chia sẻ thân phận bèo bọt của người cùng khổ, người bị áp bức. Thế đứng đó khiến cho Nhóm Việt trở thành một trong rất ít tổ chức văn nghệ ở miền Nam đã bày tỏ tình liên đới đối với đồng bào mình…”. Giờ đây, trong công cuộc xây dựng đất nước, những người của Nhóm Việt ngày xưa vẫn tiếp tục dùng ngòi bút không mệt mỏi của mình góp phần làm cho nền văn học nước nhà ngày càng phong phú, bổ ích hơn.

Tác giả đau đáu với nền văn học thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố lớn nhất nước đầy sôi động với nhiều sự kiện sống diễn biến hàng ngày nhưng lực lượng viết hiện nay còn khá “tĩnh lặng” và công việc xuất bản cũng lắm nhiêu khê. Trong “Lặng lẽ thơ Sài Gòn”, tác giả viết “...Thơ thành phố Hồ Chí Minh - 2008, dấu ấn của vùng đất thi ca Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh cũng rất thiếu vắng và mờ nhạt, nếu không muốn nói là quá ít ỏi. Có phải chúng ta đã cạn nguồn sáng tác từ vùng đất nầy? Hay là sau những đổi thay của cuộc sống, thành phố lại thay da đổi thịt quá nhanh mà những rung động, niềm trăn trở với cuộc sống quanh ta giờ đã đổi khác chăng?… Thơ nên gắn bó hơn với vùng đất nầy, gần gũi hơn với cuộc đời. Và trên hết, vẫn là tấm lòng của các nhà thơ với vùng đất “hóa tâm hồn” này. Không lẽ để nơi này lặng lẽ!”. Tác giả nhận định rằng trong nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều thời kỳ khác nhau, Sài Gòn xưa và Tp Hồ Chí Minh nay là nơi hội tụ, sản sinh nhiều tác giả danh tiếng với một thế giới văn chương thật phức hợp, đa dạng về hình tượng, tư duy, ngôn từ và rất phong phú về số lượng. Trước 1975, văn chương Sài Gòn bị khống chế bởi cơ quan Liên vụ thông tin Hoa Kỳ Juspao chi phối, đồng đô la đã quyết định các phương thức họat động, hình thành một đội quân văn hóa phản động chuyên viết những tác phẩm phản động đồi trụy ăn chơi, buồn chán, cô đơn, hủy hoại… Nhưng dù dưới sự kềm kẹp, khống chế như vậy vẫn âm thầm chảy một dòng văn học yêu nước và tiến bộ tại các đô thị miền Nam mà mãi đến bây giờ đọc lại các tác phẩm đó, người đọc vẫn cảm thấy xúc động. Tác giả điểm lại “Những cây bút đô thị, bằng nhiều phương thức đấu tranh khác nhau đã tung ra thị trường lúc bấy giờ - thị trường văn hóa “mạo hóa” - nhiều ấn phẩm có ý nghĩa tích cực xem như một tiếng nói, một dòng văn học góp phần vào mặt trận văn hóa chung ở miền Nam. Đấy là những tác phẩm: Người Việt cao quí, Bút máu (Vũ Hạnh), Sắc lụa trữ la (Viễn Phương), Trí thức khuynh tả tại Việt Nam (Nguyễn Trọng Văn), Bọt biển và sóng ngầm (Lý Chánh Trung), Cho cây rừng còn xanh lá (Nguyễn Ngọc Lan), Rừng dậy men mùa (Đông Trình), Thưa mẹ trái tim (Trần Quang Long), Đám cưới bằng hình (Dương Trữ La), Cách một dòng sông (Trần Hữu Lục), Trước khi mặt trời mọc (Trần Duy Phiên), Về miệt rừng tràm (Võ Trường Chinh), Trăng vỡ (Phan Du), Bác Răng Cách (Lê Vĩnh Hòa), Con thú tật nguyền (Ngụy Ngữ) Tiếng hát những người đi tới (tập thơ của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn)…

Thời gian sau 1975, trên lĩnh vực văn xuôi (truyện ngắn và tiểu thuyết) đã có nhiều tác phẩm mới thuộc dòng văn học cách mạng, tiêu biểu như: Ván bài lật ngửa, Ông Hai Cũ (Trần Bạch Đằng), Người Bình Xuyên (Nguyên Hùng), Người khách đến thăm nhà tôi (Anh Đức), Con mèo Fujita (Nguyễn Quang Sáng), Nợ nước mắt (Trang Thế Hy), Chuyện bên cầu Chữ Y (Nguyễn Văn Bổng), Quê hương địa đạo (Viễn Phương), Các tập lý luận phê bình: Cuộc xâm lăng văn hóa và tư tưởng (Lữ Phương), Lý luận và văn học (Lê Ngọc Trà)... và nhiều tác giả tác phẩm khác đã làm nên dung mạo của nền văn học nghệ thuật Sài Gòn sau những ngày chiến thắng.

Trong nhiều năm trở lại đây, văn học Sài Gòn - Tp Hồ Chí Minh có dấu hiệu chựng lại. Dù có hàng trăm hàng ngàn tác phẩm, số lượng nhiều nhưng chất lượng không “bùng nổ” như những năm trước đó, mặt bằng văn học trở nên lặng lẽ, không chỉ tồn tại khiêm tốn mà nó còn bị che lấp, làm vẩn đục bởi thị trường sách báo phức tạp, có vẻ như không kiểm soát được trên địa bàn thành phố, những tác phẩm có giá trị văn học đích thực bị vây hãm giữa số lượng lớn tác phẩm chạy đua theo xu hướng thích phô trương, hình thức, thời thượng, chuyện tình ma mị, không phù hợp với đạo lý của dân tộc. Một số sáng tác trong nước và nước ngoài đã làm ô nhiễm dòng chảy văn hóa Việt. Chính cái cửa ngõ của tiêu thụ (phát hành và xuất bản) mà trên hết là lợi nhuận với một dây chuyền lăng xê khá hoàn chỉnh: “đầu nậu in sách - nhà xuất bản - báo chí - phát hành” đã trở thành bà đỡ “mát tay” giúp một số tác phẩm như thế có cơ hội “bung ra” thị trường hàng ngàn hàng vạn bản sách. Sau ngày thống nhất đất nước, chưa có thời điểm nào mà dòng chảy văn học Sài Gòn - Tp Hồ Chí Minh bị ô nhiễm nhiều như thế. Tác giả còn đề cập đến nhiều lĩnh vực khác có liên quan đến mảng văn học như nhiều tác phẩm văn học đích thực chưa có điều kiện công bố, việc trao giải thưởng tùy tiện của Hội Nhà văn Thành phố, việc quản lý hời hợt lỏng lẻo của giới chức có thẩm quyền trong việc xuất bản theo kiểu “thượng vàng hạ cám” của các nhà xuất bản. Ngoài ra tác giả còn đề cập đến mảng lý luận phê bình văn học, những sơ xuất và yếu kém của nền văn học dịch… Mỗi vấn đề tác giả nêu ra đều có đề nghị giải pháp để giải quyết và điều tâm huyết nhất mà tác giả lập đi lập lại trong bài viết là: 1. Làm sạch môi trường xuất bản và phát hành trên địa bàn thành phố. 2. Bảo vệ và tôn vinh những giá trị văn học của dân tộc.

Tản văn “Cõng mai về phố” thật nhẹ nhàng thơ thới khi tác giả muốn nói về loài mai núi mang vẻ đẹp hồn nhiên, mong manh thanh khiết của thiên nhiên “…Những năm xa quê, tôi vẫn nhớ hoài màu hoàng mai. Thương nhớ loài hoa chỉ nở hoa khi thân cây không còn một ngọn lá xanh. Ngày ấy, trên phố núi từ sáng tinh mơ của tháng chạp, cả đoàn người gùi hoa rừng, bầu bí, bòng bong, heo, gà… xuống núi để đổi lấy gạo, muối và các thứ khác. Lẫn trong các gùi lan rừng có một cành mai núi khẳng khiu còn ngậm những hạt sương mỏng manh. Ông già K’ho gùi một cành mai đơn chiếc bên những giò phong lan rừng, bập bập trên môi một cái vố bằng gốc tre già, cười rất lành và bán cành mai cho tôi. Lần đầu tiên tôi cầm trên tay một cành mai rừng. Thân cây săn chắc, da cây có rêu xanh, sót lại vài chiếc lá nhỏ, hoa vàng mơ mỏng nhẹ… đẹp đến nao lòng. Dù cành mai núi trông có vẻ khắc khổ, gầy chắc nhưng cũng đủ mang lại cho tôi những ngày xuân xa xứ một hoài niệm khó phai…”.   

“Thương lắm Huế ơi!” nói về những cơn lũ lụt ở quê nhà. Miền Trung mà nhất là xứ Huế, nơi mưa lũ trắng trời trắng đất, mưa dầm dề trong suốt mùa mưa. Huế lãng mạn, mộng mơ là vậy, là một trong những điểm du lịch nổi tiếng, nay đã trở thành thành phố của Festival quốc tế, vậy mà mỗi lần giông bão quét qua, không thể kể hết thiệt hại về tiền của, về con người. Vinh quang, rạng rỡ nhiều mà đau thương, tang tóc cũng lắm, đó là nỗi đau canh cánh bên lòng của những người con xứ Huế xa quê. Thương xót Huế trong những ngày khốn đốn, những tác giả Huế không biết làm gì hơn là dùng ngòi bút để khắc họa và kêu gọi sự trợ giúp trên các tờ báo. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê “…Tôi biết kể lể cũng như văn chương chữ nghĩa lúc nầy không làm người quê tôi được no bụng… Nhưng tôi vẫn kể lể dù tôi chỉ phản ảnh một phần rất nhỏ thảm cảnh của một vùng đất sau lũ…” Văn Cầm Hải với “Nước đổ về phá Tam Giang”, Hồ Vĩnh với “Cố đô chìm trong cơn lũ thế kỷ”, Võ Quê với “Tấm lòng của người xa Huế”, Trần Đức Anh Sơn với “Di tích Huế sau trận lũ lụt thế kỷ”, Hữu Thu với “Những đứa trẻ mồ côi sau cơn lũ” và “Cực lòng chi rứa Huế ơi!” của Đoàn Thương Hải, thơ của Trần Hữu Lục, Cao Quảng Văn, Nguyễn Thái Dương, Hồ Đắc Thiếu Anh… cũng vào trận. Trần Hữu Lục có những câu thơ cồn cào, xót xa “Thư em viết trong mưa/ Trời hành thêm cơn lụt/ Lúa xanh chìm biển bạc/ Quê nhà lũ trong mưa/ Cồn dương liễu xác xơ/ Tang thương nào đong được/ Mất rồi vườn khế ngọt/ Nỗi đau nầy riêng ai?” (Thư nhà). Tác giả viết “Quê tôi còn đau buồn, mất mát chồng chất sau cơn lũ lụt thế kỷ nhưng “cứu lấy quê hương” đã thành mệnh lệnh của trái tim những người xa xứ”.

“Giọt Huế lãng du” Trần Hữu Lục đã trôi dạt từ Huế vào Đà Lạt vì lúc chiến tranh, anh bị liệt vào thành phần trí thức “khuynh tả”, nên sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế anh không được chọn nhiệm sở ở quê nhà. Anh vào dạy học ở Đà Lạt, rồi từ Đà Lạt lại phiêu bạt vào Sài Gòn, dấn thân vào nghiệp báo chí văn chương. Đi nhiều, sống nhiều, viết nhiều nhưng ở đâu Huế vẫn là tình yêu đằm nặng trong trái tim thi sĩ, thậm chí khi đi ra xứ người, tâm trạng vẫn man mác nỗi nhớ quê nhà “Lên Monmartre nhìn Paris đêm/ Nhớ sông Hương giờ chìm trong mộng... Trên sông Seine, ai quên, ai nhớ?/ Bạn và tôi cùng thiếu quê hương (“Trên sông Seine”, trích trong “Ngày đầu tiên”). Trong Góc nhìn văn chương, bút ký “Người xa xứ”, tác giả kể chuyện đến thăm những người bạn ở Piittlingen (Đông Đức), tác giả vẫn chú ý đến cảnh quan, những người đồng hương sống nơi đây với nhiều trăn trở “… Phải đi ô tô chừng 30km nữa mới đến làng Piittlingen, hao hao thành phố Đà lạt. Cũng kiểu nhà miền núi lô xô hai bên đường dốc, cũng rất nhiều hoa đủ màu khoe sắc…”.

…Đi du thuyền trên sông Seine. Đi bộ trên đại lộ Champs Elysées. Tham quan bảo tàng Louvre. Quận 13, nơi trước đây có nhiều quán hàng ăn của người Huế, nay thì quán ăn người Trung Hoa mọc lên rất nhiều nên đã “lấn sân”. Ở quận 13 nầy”, tôi gặp nhiều người Việt trên 70-80 tuổi, hầu hết họ ở trong các chung cư cao tầng, sống lẻ loi một mình. Anh T. cho biết người già ở bên Tây “tội” lắm. Dù họ có đời sống vật chất đầy đủ, có nhà cao cửa rộng nhưng không ở chung với con cái được. Vào một cửa hàng bán hoa, tôi “đụng” một ông cụ người châu Á, tôi chào và cụ gật đầu cười. Một mình cụ, không con cháu đi theo. Cụ đi chợ, mua sắm các thứ rồi khệ nệ mang về nhà. Cái dáng già nua đi bộ trên vỉa hè đầy lá vàng, lá đỏ cuối thu trông thật đơn quạnh đến nao lòng…”.

Còn nhiều vấn đề khác được nhà văn đề cập đến như những cổ vật, di chỉ của tiền nhân còn đằm sâu trong lòng những vùng đất cổ, cố đô, hoàng thành xưa. Đó là những kỷ vật vô giá đã được phát hiện hay vẫn còn nằm yên dưới lòng đất, lòng sông, đáy biển hoặc khắc chạm trên bia đá… dường như có một cuộc đời khác của người xưa đang đồng hành với chúng ta. Những câu thơ xuân của văn nhân ngày xưa cũng được tác giả nhắc đến. Tác giả nhắc khá nhiều đến người xưa, tỏ lòng kính yêu những bậc trưởng thượng, những vị tổ tiên đã làm nên một đất nước Vạn Xuân.

Không thể nói hết chiều sâu và chiều rộng của trái tim và kiến thức mà nhà văn Trần Hữu Lục đã dành cho bạn bè và quê hương qua Góc nhìn văn chương, chỉ biết rằng khi khép lại tập sách, người đọc cảm thấy lòng mình dạt dào một niềm thương cảm, quí yêu những con người, những mảnh đất mà tác giả đã dẫn dắt ta qua một cõi văn chương rất riêng, rất “lãng du” của Trần Hữu Lục.

Thành phố mùa mưa 2010
K.Q
(260/10-10)



--------------
(*) Tập thơ
Ngày đầu tiên, Nxb Hội Nhà văn, tháng 12- 2009.
(**) Tập bút ký bình luận
Góc nhìn văn chương Nxb Trẻ, tháng 7- 2010.
   






Các bài mới
Các bài đã đăng