Ba tập thơ ra đời - thời gian ngót gần hai mươi lăm năm chứ nào ít ỏi gì, ngần ấy nó cũng vừa đủ cho kẻ tóc xanh lấm tấm sương muối gieo lên tóc. Nhưng với nhà thơ, hạnh phúc nào hơn “làm con chim... ngứa cổ hót chơi” (Xuân Diệu). Cho dù Võ Kim Ngân có Nhọc nhằn gieo từng luống chữ. Câu thơ trao gởi phận mình, thì đấy cũng là cách nhà thơ luyện thanh để làm nên sức sống của một dòng chảy - của một đời sông! Mây xám ngang trời/ Sông chờ mùa lũ/ Cây chuyển mùa đón đợi phù sa/ Đón đợi mùa hoa trái mới… (Viết lúc sang mùa). Đọc thơ Võ Kim Ngân từ cái thời những bài thơ đầu tiên đăng trên các báo cho đến bây giờ Ngân đã thu hoạch bao mùa hoa trái mới. Cũng từ những mùa màng đó, tôi rút ra một lẽ khá tự nhiên, rằng những ai muốn chia tay, muốn từ giã cái gì cũng đều có thể được, nhưng không dễ gì chia tay, từ giã chính mình. Và, phải chăng cái phẩm tính cố cựu đó mới là cái ốc đảo chon von của mỗi nhà thơ, vốn như là sự lựa chọn có tính tất mệnh để thể hiện những ưu tư về mình. Em người đàn bà/ bình thường trên trái đất/ mọi yêu ghét lo toan/ ngày đêm vẫn đến… (Người đàn bà bình thường). Đọc lướt qua những câu thơ nghe tưởng chừng nhẹ tênh như thế, tôi chợt liên tưởng đến một nhà thơ nữ khác thuộc lớp đàn anh đàn chị “Tôi bây giờ sống tu thân/ Sống cam phận nhỏ chia phần yên vui” (NC). Trời đất! Chỉ là những “phận nhỏ”, những “người đàn bà bình thường” không thôi, ấy thế mà nếu trống vắng những bóng dáng ấy ta biết tìm đâu ra “Ngàn bếp lửa chiều chống chọi hoàng hôn” (NT). Không hợp với những motif cầu kì qua hình thức thể hiện, câu chữ thơ Võ Kim Ngân giống như nhặt lên trên con đường quen một mách bảo của mùa màng do sự va đập của thời gian mà bùng vỡ một ý niệm nào đó về tình yêu, về thân phận: Có lúc trong ta đồng vắng/ Ngổn ngang mùa mới gặt xong/ Rạ rơm tơi bời gió cuốn/ Đất khô chưa ải bơ phờ (Có lúc). Tôi vốn sợ những tiếng gào to kiểu sức “phi thường”, mà nói như Hoài Thanh: nghe lạ, chạy ra xem hóa ra chẳng có gì. Võ Kim Ngân dường như xa lạ với thứ thanh âm đó. Thơ Ngân là tiếng nói nhỏ nhẹ nồng nàn của một tâm hồn đa cảm: Em không phải là dây/ Đòi buộc ngang ngọn gió/ Em không phải là lưới/ Vớt vội bóng mây qua… (Em). Cũng có thể nói nghệ thuật trong thơ Ngân là thứ nghệ thuật trong trẻo nuôi dưỡng ấu thơ mãi mãi sức sống tươi xanh. Ấu thơ ở đây là “Sơ sinh phát tiết muộn lời/ Tâm hồn như lộc trang đời như điên” (B.G), nghĩa là đừng nhuộm bất cứ màu sắc nào lên một tâm hồn trong trẻo nguồn mạch ấy. Những chú còng biển nghìn năm sau vẫn mãi mãi ngự trị lên đại dương sức sống hồn nhiên thơ dại của mình! Biển xanh vỗ sóng tràn bờ cát/ Những con còng nhẫn nại đợi sóng xô/ Sóng thời gian rồi cuốn trôi tất cả/ Có chú còng gương mắt đại dương (Sóng thời gian). Vậy đấy, những chú còng biển nghìn năm vẫn thế, dẫu rằng: Điều xưa cũ tưởng như trái đất/ Lại tinh khôi như thể mới ban đầu/ Những xưa cũ như mùa xuân lặp lại/ Đang gieo mầm tách vỏ những giấc mơ (Em xin lỗi). Vâng, có những điều thật xưa cũ như “quê quán tôi xưa”, vậy mà cái con đường làng tuổi thơ, cái cánh đồng tuổi thơ... tất thảy trở thành vô tận, mênh mông trước mỗi bước bàn chân tìm lại kí ức của mình Đồng mùa thu ngún lửa/ Khói bốc lên che phủ chân trời/ Màu vàng óng chập chờn sương khói/ Tiếng ai cười vương trong hàng cây (Cánh đồng mùa thu). Cũng chẳng rõ Võ Kim Ngân “Viết lúc sang mùa” là bắt đầu từ bao giờ đến bao giờ, có điều nhiều lúc vì nghe Tiếng ai cười vương trong hàng cây ấy, tôi cũng trẻ thơ ra, chạy trên những cánh đồng vô tận đuổi bắt gọi lạc giọng ngày xưa quay về! Chớm thu 2010 N.N.T (261/11-10) |