Có thể nói, một trong những đặc điểm độc đáo của Phật giáo Việt Nam là Gia đình Phật tử. Lịch sử Gia đình Phật tử ở nước ta đã được hơn 70 năm. Ngày 14.8.1938, cư sĩ Tâm Minh (Lê Đình Thám) trong Đại hội đồng Tổng trị sự đầu tiên của An Nam Phật học hội tại chùa Từ Đàm (Huế) đã khởi xướng thành lập Đoàn Thanh niên đức dục. Năm 1941, tổ chức này đổi tên là Gia đình Phật Hoá Phổ. Mười năm sau, vào các ngày 24, 25, 26 tháng 4 năm 1951, tại chùa Từ Đàm lịch sử lại diễn ra Đại hội đầu tiên lấy tên gọi thống nhất là Gia đình Phật tử Việt Nam. Từ những tổ chức đầu tiên như Gia đình Hướng Thiện, Gia đình Gia Thiện ở Huế, Gia đình Minh Tâm, Gia đình Liên Hoa ở Hà Nội, tổ chức Gia đình Phật tư đã lan tràn khắp mọi miền đất nước và ngày nay mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Mục đích tôn chỉ của Gia đình Phật tử Việt Nam khẳng định đây là một tổ chức giáo dục, đào tạo thanh thiếu niên trở thành người Phật tử chân chính để phụng sự đạo pháp và góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam tuyên bố, từ trước tới nay tổ chức của họ là một đoàn thể thiện ái và nhân bản, vượt trên mọi quan điểm dị biệt về chính trị xã hội. Thiện chí của họ là góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, đào tạo và giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên giữ được truyền thống đạo đức dân tộc khỏi bị ảnh hưởng bởi những luồng gió độc mang theo lối sống trụy lạc, đầy tham vọng và cạm bẫy làm băng hoại và tha hoá đạo đức các thế hệ thanh thiếu niên. Hiện nay Gia đình Phật tử phát triển mạnh nhất ở miền Trung, đặc biệt là Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng. Hoạt động của Gia đình Phật tử có ảnh hưởng nhiều mặt đến xã hội, nhất là đối với việc giáo dục đạo đức, văn hoá cho thanh thiếu niên. Nghiên cứu vấn đề này, tác giả Võ Thị Xuân Hà mới đây đã cho xuất bản cuốn sách Gia đình Phật tử với mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc những hiểu biết của mình về tổ chức thiện ái của Phật giáo, hy vọng có thể có chút ích lợi nào đó cho những ai quan tâm đến Phật giáo ở Việt Nam. Cuốn sách gồm bốn phần chính, ở mỗi phần, tác giả cung cấp cho chúng ta những thông tin tư liệu, những hiểu biết quý báu về Gia đình Phật tử. Ở phần thứ nhất của tập khảo cứu, nhà văn đã giúp độc giả hiểu được quá trình hình thành và phát triển của Gia đình Phật tử ở nước ta trải qua hơn 70 năm. Đó là một tổ chức thanh thiếu niên trong Phật giáo với mục đích tôn chỉ là giáo dục, đào tạo thanh thiếu niên trở thành người Phật tử chân chính phụng sự đạo pháp và góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Để bạn đọc có thể hiểu một cách cụ thể và sâu sắc hơn về Gia đình Phật tử, ở phần thứ hai, tác giả đã cung cấp cho chúng ta những nội quy sinh hoạt, những đạo pháp trong Gia đình Phật tử. Tất cả những nội quy, những đạo Pháp ấy đều nhằm đào tạo và giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên theo tôn chỉ, mục đích của Gia đình Phật tử với thiện chí là góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, giữ được truyền thống đạo đức dân tộc khỏi bị ảnh hưởng bởi những luồng gió độc mang theo lối sống truỵ lạc, đầy tham vọng và cạm bẫy làm băng hoại và tha hoá đạo đức các thế hệ thanh thiếu niên. Trong phần thứ ba của “Gia đình Phật tử”, nhà văn đưa ra một số tư liệu sinh hoạt của chính những đoàn sinh trong Gia đình Phật tử, đồng thời trích đăng tấm gương cao quý của một nhà sư để các đoàn sinh cũng như độc giả học tập và noi theo. Phần cuối của cuốn sách là những tác phẩm, những truyện ngắn của chính tác giả trong các giai đoạn về những vấn đề tâm linh trong Phật giáo. Đó là tấm lòng chân tình của nhà văn dâng tặng các tăng ni, phật tử. Y.T (262/12-10) ------------------- (*) Gia đình Phật tử - Khảo cứu - Tác giả: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Sách do Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, phát hành trên toàn quốc tháng 10/2010. |