Tác giả-tác phẩm
Vẫn còn đây những số phận con người...
08:59 | 04/09/2008
NGUYỄN XUÂN HOÀNG(Đọc tập truyện "Ngôi nhà hoang bí ẩn" của Phan Văn Lợi)Tôi đọc mê mải tập truyện đầu tay của tác giả Phan Văn Lợi. Cái tựa "Ngôi nhà hoang bí ẩn" gợi trong lòng người đọc một câu hỏi ban đầu: Cuốn sách viết về cái gì đây? Càng đọc, càng bị cuốn hút khi cùng anh trở lại miền ký ức, để đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

Có thể nói ký ức về chiến tranh là một chủ đề lớn xuyên suốt "Ngôi nhà hoang bí ẩn". Như một vết thương lòng, chiến tranh đã đi qua nhưng mất mát thì vẫn hãy còn đây... Quá khứ như một thì chưa hoàn thành vẫn tiếp tục nối dài trong hiện tại. Nhân vật Tâm (Những người bạn của tôi) gần như chỉ sống trong quá khứ. Anh trân trọng những mất mát như đã trân trọng yêu thương cuộc đời này. Cái triết lý sống giản dị của Tâm gói trọn trong một câu hỏi là phải sống làm sao khi bao nhiêu bạn bè đã chết cho mình sống. Đó là Hà, Thanh, Bình - những liệt sĩ vô danh trong truyện ngắn "Chuyện về hồn ma liệt sĩ vô danh". Từ những miền quê khác nhau, tuổi đời khác nhau, họ đã hy sinh lặng lẽ cho đất nước. Suốt đời mình, Bình chỉ "ước ao được trở về quê, về với dải đất bồi ven biển có những con dã tràng chạy tíu tít mỗi khi nước triều lên, về với cánh cò trắng lấp loá nắng chiều chấp chới trên những cánh rừng ngập mặn trải xa tít mờ"... Còn với Thanh thì lúc nào anh cũng bồi hồi như thời sinh viên tranh đấu. Nhớ "tiếng hát vọng trời đêm. Hoa phượng rụng xuống và hoa lửa bay lên đều đỏ rực nỗi khát khao. Sáng ra cảnh sát đàn áp. Máu loang trên áo trắng học trò đỏ như màu hoa phượng". Biết bao nhiêu sự hy sinh thầm lặng của một dân tộc bất khuất. Bà Tam (Ngôi nhà hoang bí ẩn) là cơ sở giao liên cách mạng nhiều năm tháng âm thầm đưa bộ đội vượt sông. Vợ chồng bà không hề gian khó và không sợ cả cái chết. Ngày hoà bình khi được hỏi vì sao không kể lại thành tích, bà trả lời với một chân lý đơn giản: "Hồi đó mỗi lần đưa anh em vượt sông, lúc đón lên chẳng bao giờ đủ người. Có đêm xuống hơn ba chục chỉ lên có bốn. Anh em nằm lại dưới đó làm sao kể công?". Trong khi có nhiều người chối bỏ quá khứ, vội quên ngay cả thân phận mình, thắp nhang cho đồng đội "như lần đầu đi tập cấy"... làm quấy quá cho xong chuyện, thì vẫn còn đó những Phú, những Tâm, những bà Tam... nhìn quá khứ (mà ở đây là máu đỏ) với sự biết ơn sâu xa như ơn nghĩa sinh thành.
Có một mạch nhánh khác chảy qua "Ngôi nhà hoang bí ẩn" đó là cuộc đời thường mỏng manh trôi dạt trong cơ chế thị trường. Ở đây cuộc sống với những mảng màu sáng tối nặng trĩu những quan niệm sống xu thời, gấp gáp chạy theo "văn minh" vật chất. Nhân vật Phát (Người bạn cũ) đã thay đổi quá nhanh. Phát là đại diện cho một lớp người súng bái chủ nghĩa vật chất, và đã bị cơ chế thị trường "nuốt chửng". "Cho hai đứa con ngoan hiền thông minh sang nước người và tìm cách đẩy cậu quý tử lưu manh vào lực lượng bảo vệ an ninh trật tự của nước mình...". Phát đã không từ nan bất cứ điều gì, miễn rằng điều đó có lợi cho bản thân. Chuyện "Chai rượu ngoại" là tấn bi kịch của đời thường. Có những ngày thất thểu đâm đơn đi khắp các cửa để xin việc, chạy mòn mỏi trong cuộc mưu sinh, mới thấy chuyện của Hân là một bi kịch thực sự và phổ biến. Chai rượu ngoại được mua từ sự vay mượn, chắt chiu từng đồng còm cõi... đã không "cứu" được Hân. Quyết định nghỉ việc đã hất Hân ra khỏi cái guồng máy khắc nghiệt của cuộc đời.
Một trong những thành công lớn của tập truyện "Ngôi nhà hoang bí ẩn" đó là việc xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân. Nhiều năm làm cảnh sát khu vực bờ hồ Trần Hưng Đạo, vốn sống thực tế đã giúp Phan Văn Lợi có những truyện ngắn rất hay về đề tài này. "Mùa cây đót trổ bông" là một truyện ngắn đặc sắc. Có một thời chúng ta thường chịu ảnh hưởng của cái nhìn duy lý trong đánh giá con người. Đã tốt là tốt ròng, đã xấu là xấu tuyền. Chính cách nhìn này đã "hàm oan" cho một số người và đánh giá cao một số người chưa thật tốt. Hiện thực cuộc sống phong phú cho thấy con người có thể xấu ở mặt này, nhưng lại tốt ở mặt khác, hoặc giữa cái xấu và cái tốt chỉ cách nhau một sợi tóc. Nó vận động theo hoàn cảnh và một số qui luật xã hội nhất định. Từ cái nhìn của người trong nghề, Phan Văn Lợi đã có một cách riêng để đánh giá đối tượng tội phạm. Bằng cái nhìn độ lượng và nhân ái của một chiến sĩ công an, Phan Văn Lợi đã tìm thấy trong nhân vật Quý một con người có lương tri và tình cảm. Là tội phạm nhưng Quý rất yêu thương gia đình và hiếu thảo. Dù giang hồ nhưng đến ngày kỵ giỗ vẫn nhớ về để thắp hương ông bà cha mẹ. Quý rất yêu thương các cháu và người anh. Dù "xưa nay chả bao giờ nói được với nhau những lời âu yếm, nhưng trong lòng thì người này thương người kia đến xót xa..." Chính Quý cũng là người đã đánh một đàn em để thu hồi hai quả lựu đạn, tránh gây giết người.
Với tập truyện đầu tay "Ngôi nhà hoang bí ẩn" Phan Văn Lợi đã khẳng định một hướng đi chuyên nghiệp trong văn chương. Truyện của anh giản dị, giàu hơi thở đời sống. Bố cục và kết cấu chặt chẽ, văn phong hiện đại. Một số truyện ngắn giàu chất tiểu thuyết. Hy vọng rằng với vốn sống phong phú trong ngành, Phan Văn Lợi sẽ còn nhiều trang viết hay về đề tài công an và người chiến sĩ công an.
N.X.H
(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng