Viết về tư tưởng và tầm nhìn văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến nay, đã có hàng ngàn tác giả với hàng vạn trang sách được công bố trong và ngoài nước. Do vậy, những điều chúng tôi nghĩ về Bác, một con người giản dị mà vĩ đại, một lãnh tụ kính yêu của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, cũng chỉ là những suy nghĩ nhỏ về một nhân cách lớn, nhân cách luận cách mạng Hồ Chí Minh, qua đó, góp phần lí giải sự kế thừa chủ nghĩa yêu nước truyền thống đưa đến sự thành công cho quá trình tìm đường cứu nước của Người. Từ con người nhân cách luận truyền thống Nguyễn Tất Thành… Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan để đưa đến sự thành công trong con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Song một điều chắc chắn không ai có thể chối cãi được, đó là, Người đã được tiếp thu, thừa hưởng một truyền thống văn hoá cổ truyền đậm chất nhân văn, trọng tình, giàu lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn năm trước. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò gần gũi của Hồ Chí Minh cũng đã viết: “Tôi bắt đầu cuốn sách về tư tưởng Hồ Chí Minh bằng cách đặt câu hỏi Hồ Chí Minh là ai lúc ra đi tìm đường cứu nước?”. Gs Phan Ngọc có lí khi cho rằng, “Con người thừa hưởng văn hoá của quê hương mình cũng như anh ta thừa hưởng ngôn ngữ, cách sinh hoạt, quan niệm sống, quan niệm về hạnh phúc, đau khổ, bổn phận, nghĩa vụ, cái đẹp về nhân cách, đạo đức, các cách ứng xử của nó”(1). Quê hương, gia đình và sự nhập cuộc của bản thân đã sớm làm nảy nở trong người thanh niên Nguyễn Tất Thành tấm lòng yêu nước, thương dân thiết tha: “Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, Anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”(2). Văn hoá trước hết là một sự kế thừa, do vậy, cũng có thể nói về tính kế thừa của tư tưởng Hồ Chí Minh từ góc nhìn văn hoá. Trước hết, Người được thừa hưởng và chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng văn hoá phương Đông được tích lũy từ bao thế hệ. Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo, từ nhỏ Người đã học chữ Hán với các thầy là bậc túc nho yêu nước, làu thông Tứ Thư, Ngũ Kinh. Ảnh hưởng của Nho giáo đối với Người rất lớn, đạo đức Nho giáo đã thấm vào tư tưởng của Người. Người tiếp thu tinh hoa Nho giáo và đứng trên quan điểm cách mạng để sử dụng Nho giáo, tức là tiếp thu có phê phán. Cũng giống như Mác tiếp thu có phê phán tư tưởng của các nhà khoa học xã hội tư sản, triết học duy vật của Phơ-bách và phép biện chứng của Hêghen, Hồ Chí Minh có cách nhìn nhận khách quan, khoa học đối với Nho giáo, Người đánh giá đúng đắn vai trò, ý nghĩa của Nho giáo trong lịch sử tư tưởng xã hội nhân loại. Cũng như vậy là sự tiếp thu có chọn lọc tinh túy của Phật giáo - một nguồn gốc tư tưởng, triết lý, văn hóa phương Đông du nhập vào Việt Nam rất sớm. Những điểm tích cực của Phật giáo đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tư duy hành động, cách ứng xử của Hồ Chí Minh. Người kế thừa những tư tưởng tiến bộ, tích cực của Phật giáo, đó là tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ cứu nạn; nếp sống giản dị, thanh liêm; đề cao tinh thần bình đẳng; không xa rời đời sống mà luôn gắn bó với dân tộc, đất nước. Ảnh hưởng của tư tưởng Lão - Trang cũng thể hiện đậm nét trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng yêu thiên nhiên, lối sống giản dị, hòa mình với thiên nhiên của Người. Kế đến, văn hóa phương Tây với tư tưởng dân chủ cách mạng cũng thể hiện đậm nét trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ khi còn học ở các trường Tiểu học Đông Ba, Quốc học Huế, Người đã say mê môn học lịch sử và tìm hiểu về cuộc Đại cách mạng Pháp năm 1789. Một điểm quan trọng tác động đến Hồ Chí Minh là tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, có thể nói đó là xuất phát điểm để Người xác định hướng đi tìm đường cứu nước của mình. Những tư tưởng dân chủ của các nhà khai sáng như Vônte, Rútxô, Môngtexkiơ cũng ảnh hưởng đến tư tưởng Người. Khi sang Mỹ, Người đã tiếp thu giá trị về quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của tất cả các dân tộc, Người tiếp thu và hình thành phong cách dân chủ của mình từ trong cuộc sống thực tiễn ở châu Âu. Cho dù tiếp xúc với hệ tư tưởng nào, Người cũng luôn khiêm tốn và lúc nào cũng tiếp thu sáng tạo những tinh hoa văn hoá nhân loại theo tinh thần “Việt Nam hoá” theo cách của mình. Trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (1949) của Trần Dân Tiên có đoạn viết: “Có người hỏi ông Nguyễn: ông là người thế nào, theo chủ nghĩa cộng sản hay theo chủ nghĩa Tôn Dật Tiên? Ông Nguyễn trả lời: Học thuyết Khổng tử có cái hay là sự tu dưỡng đạo đức; tôn giáo Giê-su có cái hay là lòng bác ái. Chủ nghĩa Mác có cái hay là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có cái hay là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước chúng tôi… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của họ. Tôi chính là tôi ngày trước: một người yêu nước”. Yêu nước chính là một giá trị văn hoá nhân văn truyền thống được người Việt Nam hun đúc từ bao đời nay mà Bác được thừa hưởng. Một nền văn hoá có một tư tưởng chủ đạo. Nếu tư tưởng chủ đạo của văn hoá phương Tây là cá nhân luận thì truyền thống văn hoá Việt Nam, theo Gs Phan Ngọc, là truyền thống nhân cách luận. Con người nhân cách luận lấy nguyên lí trọng tình làm triết lí sống (Một bồ cái lí không bằng một tí cái tình, Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ). Người Việt Nam không đánh giá một người ở tài sản, địa vị, quyền lực, mà ở quan hệ của anh ta với mọi người, cụ thể trong hai quan hệ: Một là trong quan hệ với đất nước, tổ quốc Việt Nam. Anh ta phải “trung” với tổ quốc Việt Nam, đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên mọi quyền lợi. Hai là trong quan hệ với gia đình hiểu theo nghĩa rộng, trong cách đối xử với cha mẹ, vợ con, làng nước, bạn bè. Cơ sở của quan hệ thứ nhất là chữ “trung” (hiểu theo nghĩa trung với nước); cơ sở của quan hệ thứ hai là chữ “hiếu” (hiếu với dân chứ không chỉ hiếu với cha mẹ). Qua cách ứng xử của anh ta với tổ quốc và gia đình, anh ta có được một thân phận và một diện mạo. Người ta đánh giá anh theo nhân cách, là người có nhân cách cao hay nhân cách thấp. Nhân cách không lệ thuộc vào địa vị, tài sản, học vấn, quyền lực. Đây chính là bản sắc văn hoá Việt Nam, văn hoá 4F mà Gs Phan Ngọc đã từng đề cập: Tổ quốc (Fatherland), Gia đình (Family), Thân phận (Fate), Diện mạo (Face). Vì vậy, con người nhân cách luận Việt Nam lấy tổ quốc làm điểm quy chiếu, cho nên Việt Nam là một nước hàng ngàn năm không ai đánh bại nổi, không ai chinh phục được. Đối với nhân dân Việt Nam, Tổ quốc lớn hơn tất cả. Sở dĩ Việt Nam đánh bại được quân xâm lược là vì có một lý thuyết quân sự xuất phát từ chính văn hoá dân tộc Việt: văn hoá vì nghĩa vì tình, văn hoá yêu nước thương nòi; đó là sự hiếu hoà, khoan dung, tâm công theo tinh thần nhân văn truyền thống. Hồ Chí Minh đàm phán với các nước trên cơ sở tự do, bình đẳng, bác ái của Pháp; đàm phán với Mỹ trên cơ sở quyền tự quyết của dân tộc mà hiến pháp Mỹ thừa nhận. Cố Gs Trần Quốc Vượng đã từng đưa ra nhận định rất hay về văn hoá Việt Nam truyền thống: mất dân gian là mất hồn dân tộc. Cái tạo nên minh triết Hồ Chí Minh, ngoài sự tích hợp văn hoá Đông Tây kim cổ, là truyền thống yêu nước thương nòi, triết lí dân gian của chính người Việt. …Đến con người nhân cách luận cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh Đến với cách mạng từ truyền thống văn hoá cũng là con đường chuyển biến từ con người nhân cách luận truyền thống đến con người nhân cách luận cách mạng Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là cuộc đời của một nhân cách luận cách mạng mẫu mực. Nhân cách luận cách mạng được Bác lấy làm triết lí sống trong suốt cả cuộc đời của mình, dù đứng trên cương vị nào. Điều này được thể hiện trên mấy khía cạnh sau: Thứ nhất, “tìm đường cứu nước” không phải là cụm từ mới mẻ ở thời đại Nguyễn Tất Thành. Nhưng so với cha ông, con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành có khác. Không ít nhà nghiên cứu, học giả, nhà văn, nhà báo… trong và ngoài nước đã tìm hiểu cái “khác” ấy ở Nguyễn Tất Thành. Cụ Phan Chu Trinh chủ trương cách mạng cải lương với chính quyền thực dân Pháp, điều đó chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, điều đó không chỉ là không tưởng mà còn rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Phải tìm con đường khác, con đường mới; phải đi ra nước ngoài nhưng theo một hướng khác. Chỗ khác nhau cơ bản không phải ở hành động xuất dương, mà trước hết ở mục đích của nó. Nguyễn Tất Thành xác định mục đích hoàn toàn khác: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem họ làm thế nào, tôi sẽ về giúp đồng bào chúng ta”(3). Đó phải chăng là sự vận dụng triết lí dân tộc trong thực tiễn “Trăm nghe không bằng một thấy” của Người đó sao. Muốn chiến thắng đối phương phải hiểu đối phương. Nguyễn Trãi hiểu đối phương tương đối dễ vì những quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có từ lâu. Con đường cứu nước mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh phải tìm là ở ngay các nước tiêu biểu nhất của chủ nghĩa đế quốc (Pháp, Mỹ), một đối tượng hoàn toàn xa lạ với Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là một sự thức nhận mẫn tiệp của một nhân cách có tầm nhìn xa và rộng. Thứ hai, đường lối chính trị của con người nhân cách luận cách mạng lấy đoàn kết làm nền tảng sách lược, cho nên, để thu phục quần chúng không thuần túy bằng con đường kinh tế, con đường bạo lực dựa trên kỷ luật mà còn theo chính con đường nhân cách luận cách mạng - con đường nêu gương. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), Bác đã từng đề cập đến “tư cách một người cách mệnh” với 23 đặc điểm. Với mình thì: cần kiệm; hoà mà không tư; quả quyết sửa lỗi mình; cẩn thận mà không nhút nhát; hay hỏi; nhẫn nại; hay nghiên cứu, xem xét; vị công vong tư; không kiêu ngạo; hy sinh; ít lòng ham muốn về vật chất; bí mật. Với người thì: với từng người thì khoan thứ; với đoàn thể thì nghiêm; có lòng bày vẽ cho người; trực mà không táo bạo; hay xem xét người. Làm việc phải: quyết đoán; dũng cảm, phục tùng đoàn thể. Những đức tính trên đều được tìm thấy trong truyền thống văn hoá dân tộc. Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... là những tấm gương bất tử về nhân cách. Trong đó, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương sáng nhất về con người suốt đời hi sinh phấn đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân; lòng nhân ái, tình yêu nước, đồng chí, đồng bào; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và học tập không mệt mỏi để phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân. Thứ ba, Nguyễn Ái Quốc là một người cộng sản hết sức tích cực và lỗi lạc (sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam). Nhưng là người phương Đông, Nguyễn Ái Quốc nhìn cách mạng theo con mắt phương Đông, có một truyền thống đạo đức khác truyền thống văn hoá phương Tây. Bằng chứng là Bác chủ trương một chủ nghĩa Mác-Lênin mang đậm bản sắc Việt Nam, xây dựng trên cơ sở tiếp thu, kế thừa truyền thống trọng nghĩa tình của dân tộc không phải hoàn toàn trên căm thù giai cấp. Do những điều khách quan về kinh tế - xã hội, quá trình phân hoá xã hội giai cấp ở Việt Nam có những sắc thái riêng: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lí nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(4). Người đã “Việt Nam hoá” và trực tiếp đưa lí luận Mác-Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam, bao gồm cả phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Từ chủ nghĩa yêu nước, thực tiễn sống, học tập và hoạt động phong phú ở Pháp (1911), Mỹ (1912-1913), Anh (1913-1917), Paris (1917-1923), với bản lĩnh, tư chất thông minh, kiến thức văn hoá rộng cổ - kim - đông - tây, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã “Việt Nam hoá” lí luận Mác-Lênin và trực tiếp đưa vào phong trào cách mạng Việt Nam một cách thành công và hiệu quả nhất. Sau hết, tầm nhìn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được thể hiện thông qua sự thức nhận về cách mạng của Người. Theo Nguyễn Ái Quốc, có 3 loại cách mạng: “Tư bản cách mệnh như Pháp cách mạng năm 1789, Mỹ cách mệnh độc lập năm 1776 (đuổi Anh), Nhật cách mệnh năm 1864. Dân tộc cách mạng như Itali đuổi cường quyền Áo năm 1859, Tàu đuổi Mãn Thanh năm 1911. Giai cấp cách mệnh như công nông Nga đuổi tư bản và giành lấy chính quyền năm 1917”(5). Từ sự phân loại đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến đánh giá có tính chất so sánh để hướng người đọc tới một sự lựa chọn duy nhất: Cách mạng Việt Nam đang tiến hành thuộc loại cách mạng gì? Theo Nguyễn Ái Quốc đó là cuộc cách mạng dân tộc, hay là cuộc cách mạng chính trị với mục đích cuối cùng là đoàn kết tất thảy mọi người bị áp bức bóc lột vùng dậy lật đổ chính quyền thực dân Pháp, giành lại tự do cho nhân dân, độc lập cho dân tộc. Sau 10 năm (1911-1920) tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người cần phải có những nhân tố khách quan và chủ quan, bên trong và bên ngoài, dân tộc và thời đại. Tuy nhiên, nhân tố quan trọng “trước hết phải có đảng cách mệnh”(6). Từ chủ nghĩa yêu nước với nhân cách luận truyền thống đến chủ nghĩa cộng sản với nhân cách luận cách mạng, con đường mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi cũng chính là con đường Người đưa dân tộc chúng ta đi theo: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Dẫu có lúc thăng, lúc trầm, nhưng hôm nay chúng ta vẫn có thể hiểu được vì sao từ nền văn hóa đã khai sinh ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua tư tưởng thời đại mình để tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin mà vẫn không đánh mất cái văn hóa làng quê Việt Nam trọng nghĩa, trọng tình. Cuộc đời cách mạng 10 năm tìm đường cứu nước (1911-1920), 10 năm tiếp thu, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin (1920-1930) đưa đến sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam, giành lấy chính quyền năm 1945 và con đường 30 năm kháng chiến giành lại sự thống nhất đất nước, là thực tiễn lịch sử minh chứng cho sức sống vững bền của đường lối cách mạng và tầm nhìn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về con đường cứu nước và giải phóng dân tộc. T.V.S - N.T.T.L (263/01-11) -------------- (1) Phan Ngọc, Bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, tr.396. (2, 3, 6) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia và Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr.12. (4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t.1, tr.465. (5) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.2, tr.264-280. |