Ở đây Lê Huỳnh Lâm không quan tâm tra hỏi hay tìm cách định nghĩa thơ ca. Anh cũng không màng gọt dũa ngôn từ, nhịp điệu cho vừa với cảm xúc. Vì rằng cảm xúc anh đem đến cho người đọc thật mãnh liệt và tinh khôi. Có lẽ, nỗ lực của anh chính là muốn vượt qua những lối mòn đang đẩy nghệ thuật quẩn quanh trong khu rừng của sự mỹ miều nhưng trống rỗng. Tìm một cách biểu hiện khác, một tiếng nói khác quả là điều khó khăn, và đôi khi được xem là không hiểu nổi (!). Nhưng nếu không đi một mình, nói tiếng nói của mình ắt suốt đời sẽ bị cầm tù trong khu rừng nghệ thuật kia. Hãy nghe niềm trăn trở của anh: Tiếng mõ khuya hay tiếng người gõ cửa Lời cầu kinh hay bài ca trốn chạy Ký ức của bao đời trỗi dậy Từng mảnh thần tượng vỡ rơi đầy Buồn thay! Nếu như mỗi bước ra đi đều như giẫm phải mảnh vỡ kia. Thần tượng đổ vỡ ắt hẳn niềm tin cũng tan tành. Vì đó không chỉ là cặp phạm trù ắt có của cuộc sống, mà còn là đôi cánh của tâm hồn. Vậy là nỗi đau của chúng ta đã bị nhân lên gấp bội. Còn đối với nhà thơ, người suốt đời “cô đơn quấn chiếc khăn bạc màu” niềm đau ấy quả là không kể xiết! Đọc những dòng thơ này trong ta bỗng dấy lên niềm bâng khuâng liên tưởng - phải chăng vì không vượt qua được sự đổ vỡ kia mà Hemingway, Maiakosky, Khuất Nguyên, Nhất Linh đã phải tự kết thúc nỗi dằn vặt của mình (?). Và, để chiêm nghiệm sự đổ vỡ đó tác giả đã hướng cảm xúc đến nỗi thống khổ của cộng đồng, của phần thế giới bị che khuất bởi chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, và lòng đố kị, hận thù… Hôm nay Những gã thi sĩ say Hồn bay khỏi cảnh giới A-tu-la Những đứa trẻ chưa biết chữ Đã biết cầm súng, cầm gươm, nhấn nút điều khiển computer Thế giới này Đổ vỡ Vậy đó, như một hệ quả tất yếu, càng xây dựng nhiều thần tượng thì sự đổ vỡ càng nhiều hơn… và bây giờ thì: Chiếc cầu đã gãy Bàn tay rệu rã Thả viên sỏi vào dòng sông Ai không giữ lời thề Sự đổ vỡ đè trên trần thế Thật chẳng bất ngờ chút nào, khi Lê Huỳnh Lâm đã dành nhiều mối quan tâm, nhiều tiếng nói khác nhau cho sự đổ vỡ đau đớn kia. Tuy vậy, nỗi đau đó không phải để buột lên tiếng thét của tuyệt vọng, mà để cất lên tiếng nói của trách nhiệm và của lương tri trước những số phận nhỏ nhoi; những người phu xe thèm giấc ngủ, gã thi sĩ thèm được ăn thịt, người tử tù trong xà lim tối tăm… Với tiếng nói đó, thơ Lê Huỳnh Lâm như đã thoát khỏi cái Tôi nặng nề, kể lể. Nói như A. Einstein: “Giá trị đích thực của một con người trước hết được xác định bởi anh ta đã đạt đến chỗ giải phóng cái Tôi đến mức độ nào và theo nghĩa nào” (Thế giới như tôi thấy). Trong cách nhìn ấy, Lê Huỳnh Lâm làm thơ như thể để lặng lẽ trò chuyện về bao mối ưu tư nặng trĩu trong tâm hồn mình. Vì thế, thơ Lê Huỳnh Lâm đầy ắp những sự kiện, dẫn chứng gần với thể loại thơ văn xuôi. Nhiều bài thơ thể hiện sự phóng túng, không bóng bẩy nhưng lại toát lên vẻ đẹp có tính khắc họa giản dị mà bí ẩn… đêm tháng bảy mình ta với phố một vòm cây một bóng trắng một trời mơ con đò nhỏ dần xa bến nước lặng lẽ ngày đêm lặng lẽ chờ Những hình ảnh được dựng lên ở đây không phải để mơ mộng, mà để dẫn dắt về nơi ngọn nguồn của nỗi cô đơn: Đêm mất ngủ Nhìn đoàn người du mục trên chính quê hương mình. Nhà thơ không thể chạy trốn nỗi cô đơn bằng cách úp mặt vào bóng tối. Bởi vì, chính tận ngọn nguồn đó là sự khác biệt về đau khổ, lòng kiêu hãnh, và cả sự tự hào về trách nhiệm… Tất cả mọi thứ đó, đòi hỏi phải có tiếng nói, phải có ngôn ngữ để chuyển dịch thành cuộc sống của thi ca. Tôi nhớ tới một câu nói của A. Camus đại ý: nghệ thuật là sự chuyển dịch điều mình cảm thụ vào trong điều mình mong muốn kẻ khác cảm thụ cho. Trong ý nghĩa đó, tập thơ Thi ca mùa ngái ngủ đã cho người đọc cảm thụ được thông điệp tác giả mang tới. Đó là thông điệp của sự bất trắc vì quá văn minh, nên đã rôbô hóa các quan hệ con người… có lẽ, tinh thần của thông điệp này không phải là điều mới mẻ, nhưng cách thức lên tiếng, quyết định một cách viết của tác giả cho thấy sự dũng cảm của một người đứng riêng rẽ - không phải vì lỗi hệ thống mà vì mối ưu tư anh cảm nhận thật lớn và ngày nào còn trĩu nặng mối ưu tư, còn bao điều cảm thụ, chúng ta sẽ còn đọc được những thông điệp thực sự từ cuộc sống, thông qua tài năng chuyển dịch của những nhà thơ, của Lê Huỳnh Lâm… Huế, 11/2007 P.T.H (263/01-11) |