Tác giả-tác phẩm
Mây trắng bên trời bay ngẩn ngơ
16:06 | 08/09/2008
NGUYỄN QUANG HÀ(Đọc Lãng Đãng Mây Trời của Thanh Nhơn - NXB Thuận Hoá - năm 2001)Gấp tập thơ "Lãng đãng mây trời" lại, tôi như thấy dưới mái tóc bồng bềnh trong gió của ông là cặp mắt nhìn xa xăm, phiêu diêu, và quanh đâu đây là hương rượu nếp thơm nồng toả ra từ vành môi tủm tỉm cười của ông.

Trong bài thơ "Trở về" ông đã chẳng viết đó sao:
"Sáng vui trà ấm hương sen tịnh
Chiều nhắm rượu be vị tré riềng"

Đúng là phong độ thư thái của một người đã trả xong nợ đời. Bây giờ chỉ còn việc lãng đãng mây bay nữa thôi. Phải là lúc lòng tĩnh tại lắm, những kỷ niệm xưa cũ mới trở về. Trở về một cách lâng lâng, thăm thẳm và sâu lắng:
" Những buổi tan trường Cha đến đón
Cổng trường thơ thẩn đứng chờ con"
(Đức sinh thành)
Một lời dặn của cha đọng mãi trong lòng, như đã kết tinh, không bao giờ tan:
"Cầm tay Cha bảo chăm lo học
Khôn lớn nên người với nước non"
(Đức sinh thành)
Và từ đấy người con nuôi chí. Cái thời Thanh Nhơn nuôi chí mình đất nước đang còn lầm than. Cái mầm ý chí được gieo vào một mảnh đất hết sức gian lao. Chỉ có người đồng cảnh ngộ mới hiểu, mới thông cảm được và không thể nói không nghiệt ngã:
"Khoai luộc, sắn lùi, cơm gạo hẩm
Thuốc xai nửa điếu ấm lòng nhau"

(Mái trường xưa)
Tuy khó khăn vậy, vẫn có tri kỷ:
"Bạn nghèo điếu thuốc chia nhau
Ao không đủ ấm cháo rau qua ngày"
(Bão táp)
Rất may tác giả lại được sinh thành ở một mảnh đất, mà ngay từ lời ru trên nôi đã nuôi cho lớp trẻ một triết lý Việt Nam: "Trong đầm gì đẹp bằng sen, Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Nhị vàng bông trắng lá xanh, Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Hoa sen mọc lên từ bùn, nhưng vẫn thơm ngào ngạt.
Ngay từ những ngày đói cơm thiếu áo ấy Thanh Nhơn đã nếm vị ngọt của đời. Đã đành ngọt đó mà cay đó, ông không hề giấu giếm. Tâm hồn xao động thế nào thì tác giả ghi lại thế ấy. Kỷ niệm đã lùi xa mấy chục năm mà bây giờ nhớ lại, ký ức của ông vẫn bâng khuâng:
"Em về phố cũ bâng khuâng
Còn anh thơ thẩn tần ngần trông theo"
(Hương thầm)
Cái tình đời nó thế, khi vị ngọt đã đụng lưỡi, đến lúc đụng vị cay, sẽ cảm thấy cay hơn. Song càng cay càng nuối tiếc:
"Đò xưa hò hẹn chiều thu tím
Nỡ để duyên thề lỡ mối tơ"
(Tình thu)
Thì ra, lẽ đời nó thế, những mối duyên tơ chấp mọi hoàn cảnh, lửa lòng cứ bén. Cứ cháy. Dù là âm thầm. Miễn là tồn tại được một cõi lòng. Những dở dang làm cho tâm hồn giàu có lên. Chỉ có lý giải như vậy mới hiểu được xao động trong Thanh Nhơn:
"Sông xanh lá thắm bao hò hẹn
Phong kín tâm tình gửi cánh chim"
(Vọng về)
Sự "phong kín" kia mới quý giá làm sao. Dẫu trong cái "phong kín" ấy có cả niềm vui và nỗi buồn. Đời nó vậy. Chả ai yêu mà thành ngay đâu. Đến như Nguyễn Du mà còn phải kêu lên: "Người đâu găp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không?". Nhưng rồi tất cả "mưa nắng nguôi dần chuyện xót đau". Lần theo thời gian, Thanh Nhơn đã trưởng thành. Ông được quyết định về công tác ở trường Quốc Học, hình như đó là bến đợi mà ông mong mỏi, trông chờ. Ông đã ở đó, suốt đời, cho đến tận khi về hưu. Thời gian đã giúp ông mãn nguyện.
Tập thơ "Lãng đãng mây trời" có 144 bài. Tôi lật giở từng trang. Bỗng 4 câu thơ này làm tôi giật mình:
"Xót cảnh chim bằng không chỗ đậu
Khen loài tôm tép khéo nơi luồn
Đất trời dâu bể ai lường được
Sân khấu mua vui vẫn diễn tuồng"
(Vui)
Đó là 4 câu thơ trong bài "Giông tố". Tác giả nhìn trời nổi cơn giông, ông bỗng nhận ra cuộc đời. Giông tố trở thành hình tựơng trong thơ ông. Một căp đối không nhức nhối trong lòng, không thể thốt ra được: "Chim bằng không chỗ đậu" và "tôm tép khéo nơi luồn". Ông tiếp tục cái giọng của dân gian: "Thẳng thắn thật thà thì thua thiệt. Lỗi lầm luồn lọt lại lên lương". Thì ra Thanh Nhơn quá đau nỗi đau nhân tình. Ông đã khái quát được: "Đất trời dâu bể ai lường được". Tôi gọi đó là câu thơ chiêm nghiệm.
Thì ra Thanh Nhơn đâu chỉ có "lang đãng mây trời", đám mây ấy đã dừng lại ở nỗi đau. Hình như đó là nỗi đau song hành cùng sự tồn tại của trái đất này. Nguyễn Bỉnh Khiêm về ở ẩn mà vẫn quặn lòng "Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến, Gang không mật mỡ kiến bò đi".
Tôi cảm thấy được tiếng thở dài của Thanh Nhơn:
"Đạo lý cương thường luôn dạ ước
Công danh phú quý nhạt lòng ao"
(Ước vọng)
Có lẽ cũng phải ở cái tuổi thất thập mới có được tiếng thở dài ấy. Rất may tôi gặp ngay câu thơ rất tỉnh táo của ông:
"Phú quý vinh hoa phù phiếm đó
Nhân từ hiếu nghĩa mặn nồng đây"
(Trần gian quán trọ)
Sự phù phiếm của vinh hoa không thể tồn tại được cùng mặn nồng hiếu nghĩa. "Nhân từ hiếu nghĩa" là điểm tựa cho đám mây lãng đãng kia có chỗ dừng, không bị gió cuốn đi. Được hiếu nghĩa nhân từ neo lại, cho nên bây giờ Thanh Nhơn rất thảnh thơi:
"Bõ gánh ưu tư lòng thoải mái
Quên đi phiền muộn dạ vui tươi"

(Cuộc chơi)
Tâm hồn ấy thật xứng đáng để Nguyệt Đình tặng ông một bức thư pháp đồng điệu:
"Lưng bầu nửa túi tiêu dao
Câu thơ chén rượu ai nào cùng ta"
Gấp tập thơ "Lãng đãng mây trôi" lại, tôi rất mừng cho Thanh Nhơn. Ông đã dùng thơ để trải lòng mình. Hình như chỉ có thơ mới làm được điều đó. Đọc chữ cuối tập thơ, tôi cảm thấy vị ngọt nơi đầu lưỡi:
"Dù cho mưa gió, dòng đời
Ngọt bùi ấm lạnh chẳng vơi nghĩa tình"
(Mưa)
Đọng lại trong thơ Thanh Nhơn là cái tình. Hơn bảy chục năm trời trôi nổi trên dòng đời, ông mới khẳng định điều đó và viết những câu thơ ấy ông như thêm vào lời dặn lại cháu con. Dặn xong Thanh Nhơn thật sự cảm thấy mình đã tròn nghĩa vụ.
Tôi như thấy Thanh Nhơn lại nâng ly. Không phải ông uống rượu mà là nhấm nháp sự đời:
"Tình đời ấm lạnh say rồi tỉnh
Cuộc thế vơi đầy tỉnh lại say"

(Trần gian quán trọ)
Ông như đám mây trắng bồng bềnh, bay ngẩn ngơ trên đời, lãng đãng như thơ ông vậy.
N.Q.H

(nguồn: TCSH số 165 - 11 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đưa đò (05/09/2008)