Tác giả-tác phẩm
Thế giới nghệ thuật của Mạc Ngôn qua hai tiểu thuyết “Báu vật của đời” và “Đàn hương hình”
16:39 | 09/09/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊChỉ mới qua hai tác phẩm “Báu vật của đời”(NXB Văn nghệ TPHCM, 2001) và “Đàn hương hình”(NXB Phụ nữ, 2002), Mạc Ngôn - nhà văn “hạng nhất” thuộc Cục Chính trị Bộ Tổng Tham mưu Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc - đã trở nên nổi tiếng ở Việt Nam, thậm chí đã vượt lên cả những “ngôi sao” quen thuộc như Giả Bình Ao, Trương Hiền Lượng, Vương Mông... và cả nhà văn Cao Hành Kiện (Noben 2001).
Thế giới nghệ thuật của Mạc Ngôn qua hai tiểu thuyết “Báu vật của đời” và “Đàn hương hình”

Đã có ý kiến dự báo ông sẽ là nhà văn Trung Quốc thứ hai được tặng giải Nô-ben! Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (tác giả tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Thường trực Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam), tại “Hội nghị Các nhà văn miền Trung” vừa qua, sau khi phát biểu về tình hình văn xuôi của ta hiện nay, đã “nói nhỏ” với các bạn đồng nghiệp rằng: “Đàn hương hình” (ĐHH) là cuốn tiểu thuyết đáng đọc nhất hiện nay!”
ĐHH viết chuyện gì mà “ghê” vậy? Quả là ĐHH có nhiều trang miêu tả cảnh tử hình tội phạm đến ghê cả người mà “đỉnh cao” là cách tử hình dùng cây kiếm làm bằng gỗ đàn hương, sau khi nấu tẩm trong vạc dầu nhiều ngày, đâm xuyên từ hậu môn lên miệng khiến tội nhân phải đau đớn vật vã hồi lâu mới được chết!... “Báu vật của đời” (BVCĐ) cũng không ít trang miêu tả cảnh giết chóc rùng rợn... Nhưng thôi, vừa “vào cuộc”, có lẽ hẵng khoan nói đến cái chết nhiều. Vả lại, có nhà phê bình đã bảo: “Viết cái gì không quan trọng bằng viết như thế nào”. Thực ra đây chỉ là cách nói khác cho có vẻ tân kỳ về một vấn đề đã xưa như...trái đất: đó là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Độc giả “ngốn” những trang sách gần như là ăn cái bánh, thưởng thức cùng lúc tất cả, chứ dại gì nhọc công phân tích bánh gồm những chất gì, cách làm ra sao... cho mất cả sự ngon lành đi! Như thế, việc phân tích ra mặt nọ mặt kia chỉ là thao tác của người phê bình, hình như chủ yếu là để “lên lớp” cho người sáng tác nên thế này thế nọ; cũng gần như thầy dạy học trò làm bánh vậy! Với những ai thiếu thì giờ hoặc chưa có đủ tiền mua sách không đọc được toàn bộ tác phẩm thì có khi họ cũng muốn biết sách viết chuyện gì vậy? Thực ra, đây cũng là nhu cầu đầu tiên (chứ không phải tất cả) của mọi người trước một cuốn sách, một bộ phim hay vở kịch. Vậy nên ta thử lướt qua, Mạc Ngôn đã viết “cái gì”?
ĐHH lấy bối cảnh thời Mãn Thanh, nhưng không hề đề cập chuyện tranh giành quyền lực và tình ái nơi cung cấm như các phim truyền hình nhiều tập chiếu trên ti-vi lâu nay. Câu chuyện chỉ diễn ra trong một phạm vi hẹp (vùng Đông Bắc Cao Mật - quê hương tác giả) với mối quan hệ chủ yếu giữa các gia đình Triệu Giáp, Tôn Bính và quan huyện Tiền Đinh. Con Triệu Giáp, anh chàng đồ tể ngớ ngẩn, bất lực trong việc chăn gối lại có một cô vợ xinh đẹp là Mi Nương, con gái của Tôn Bính - người nghệ sĩ dân gian nổi tiếng nhờ những bài ca, vở kịch theo điệu Miêu Xoang. Quan huyện Tiền Đinh là một vị tiến sĩ có lòng thương dân, không may lấy bà vợ con nhà danh giá nhưng không sinh nở được; thế rồi quan gặp người đẹp Mi nương... Mối tình vụng trộm nghịch đời mà nồng cháy xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, hấp dẫn, đầy kịch tính nhưng không tầm thường. Trớ trêu là khi người Đức mộ phu xây dựng con đường sắt Giao-Tế đi qua Cao Mật, Tôn Bính trở thành người cầm đầu cuộc nổi loạn chống lại bọn Đức vì theo quan niệm của dân chúng hồi đó, đường sắt như là một con quái vật chồm tới phá hoại cuộc sống yên lành, cướp mất ruộng đất và hơn thế, chặt đứt long mạch của quê hương họ. Cuộc nổi loạn bị dập tắt “trong bể máu” và dưới áp lực của Viên Thế Khải, quan huyện Tiền Đinh phải ra tay bắt sống Tôn Bính, phải tổ chức pháp trường để Triệu Giáp trổ tài “đàn hương hình” cho vừa lòng Viên Thế Khải và bọn “Tây dương”: Tôn Bính không được chết ngay, cây kiếm bằng gỗ đàn hương xuyên suốt dọc người, thân thể đau đớn cùng cực, gan ruột thối hoăng mà vẫn phải sống vì Viên Thế Khải muốn biến ông thành vật tế bọn “Tây dương” trong ngày khánh thành đường sắt. Thâm hiểm hơn, y dùng Tôn Bính như con mồi nhử để tiêu diệt những người ủng hộ ông. Vào lúc hầu như tất cả nghệ nhân hát Miêu Xoang vùng Cao Mật tụ tập về pháp trường diễn Miêu Xoang cho Tôn Bính nghe, tỏ lòng thương tiếc người nghệ sĩ đầu đàn sắp phải vĩnh biệt quê hương thân thiết thì bọn lính nổ súng hạ sát không trừ một ai, lấy cớ đó là bọn đồng đảng với tội phạm đến cướp pháp trường! Nhưng kẻ ác, dù ở thế mạnh, đã không đạt được mục đích. Vào phút chót, quan huyện Tiền Đinh sau nhiều lần muốn cứu giúp dân chúng không thành, đã quyết không để Viên Thế Khải hả hê đem Tôn Bính làm vật tế lễ khánh thành đường sắt: ông lên pháp trường, đâm xuyên tim Tôn Bính, giúp người anh hùng kết thúc nỗi đau đớn ê chề; nhưng ông chưa kịp ra tay thì Triệu Giáp như con chó trung thành theo lệnh chủ, cũng quyết không để ai đạp đổ ghế “Trạng nguyên” của mình, đã vung dao đâm Tiền Đinh. Mũi dao không tới đích vì y không ngờ Mi Nương xuất hiện và nàng đã buộc phải giết bố chồng để cứu người yêu! Nếu chỉ lướt qua chương đầu và chương cuối, dễ tưởng như ĐHH là truyện vụ án, gần 700 trang sách chỉ để trả lời câu hỏi: Vì sao Mi Nương giết bố chồng?
BVCĐ tuy vẫn lấy bối cảnh vùng quê Cao Mật của tác giả, nhưng câu chuyện trải dài suốt từ năm 1939 (khi phát xít Nhật tấn công Trung Quốc) cho đến năm 1991, khái quát cả một giai đoạn lịch sử hiện đại đầy bi tráng của Trung Quốc với nào là kháng chiến, nội chiến, cải cách ruộng đất, “cách mạng văn hoá” rồi “cải cách mở cửa”, thông qua số phận các thế hệ trong hai gia đình Thượng Quan và Tư Mã Đình. Thật khó mà tóm tắt 860 trang sách BVCĐ. Chỉ riêng cuộc đời đầy huyền thoại của Tư Mã Khố, từ người anh hùng đánh Nhật trở thành kẻ bị cách mạng tử hình đã là một thiên tiểu thuyết. Chín chị em nhà Thượng Quan với những thăng trầm, những nỗi trần ai cùng cực, mỗi người cũng là một thiên tiểu thuyết...

Vậy là cả hai tác phẩm chỉ “quanh quẩn” cái vùng quê Cao Mật hẻo lánh vốn chẳng mấy ai biết đến (và có lẽ cũng không phải là vùng đất đặc sắc có nhiều điều kỳ lạ bí ẩn như khu mộ Tần Thuỷ Hoàng chẳng hạn), nhưng nhờ văn tài Mạc Ngôn, nó đã có sức cuốn hút hàng triệu người và trở nên nổi tiếng. Mạc Ngôn có phép lạ gì vậy?
Để trả lời câu hỏi này, ta thử tìm hiểu xem “thế giới” Mạc Ngôn đã bày đặt ra như thế nào? Có lẽ “phép lạ” chủ yếu của Mạc Ngôn chính là biết “bày đặt” ra những chuyện kỳ lạ ít người biết trên một cái khung, cái nền không xa lạ. Theo cách “nói chữ” thì đó là phép “lạ hoá”, “huyền thoại hoá” hiện thực. Nó là “nội dung” mà cũng là “hình thức” tác phẩm; nói cách khác, đó là “thế giới nghệ thuật” của tác giả.
Có vô số chuyện lạ trong 2 tác phẩm của Mạc Ngôn. Chỉ riêng kiểu xử tử “đàn hương hình” kỳ lạ và gớm ghiếc kia cũng còn nhiều chuyện lạ kèm theo nữa; như cách ngâm tẩm gỗ đàn hương, cách đổ sâm hàng ngày giữ cho tội nhân không được chết, rồi chuyện “cướp pháp trường” với đoàn múa hát Miêu Xoang bị tắm trong bể máu... “Chuyện lạ” trong ĐHH không chỉ toàn cảnh ghê rợn mà còn nhiều “pha” rất vui vẻ hiếm thấy như cảnh “đọ râu” giữa Tôn Bính và viên quan huyện, cảnh bà huyện “đánh ghen” rồi chính bà lại che giấu Mi Nương ngay trong phòng mình khi nàng bị quan quân đuổi bắt... BVCĐ cũng không ít chuyện lạ. Thế gian này hiếm có gia đình nào có 9 đứa con mà số phận đứa nào cũng éo le bi thảm như gia đình Thượng Quan. Và Tư Mã Khố, ngoài các giai thoại truyền tụng, tác giả còn đặc tả vị “yênh hùng” này trước khi bị cách mạng xử tử chỉ yêu cầu được sửa sang râu tóc, nhưng lưỡi dao cạo của thợ hớt tóc bị mẻ hết vì râu hắn cứng như bàn chải bằng dây thép! Chưa hết! Khi một chị công an mở còng cho hắn tự cạo lấy, hắn “nhìn rất lâu bộ ngực nhô cao sau lần áo quân phục màu vàng, nói: - Này cô em, vú cô không nhỏ chút nào!”...
 Và ở đâu có chuyện lạ như cảnh “chợ Tuyết”, không ai được nói câu nào, người đóng vai “Công tử Tuyết” đeo mạng che mặt được sờ... vú chị em! “Ngày hôm đó, tôi sờ khoảng một trăm hai mươi cặp vú... Hai tay tôi nâng bầu vú nặng chịch, to quá cỡ... Chị hướng dẫn tôi sờ nắn từng phân da trên vú chị...” (BVCĐ, trang 412) Lại còn những lời “quảng cáo” cho cửa hàng “Thế giới nịt vú Thú một sừng” khó tìm thấy trong sử sách nhân loại: “...Cặp vú khoan khoái thì người phụ nữ mới khoan khoái, người phụ nữ khoan khoái thì người đàn ông mới khoan khoái... Xã hội nào không quan tâm đến vú phụ nữ là một xã hội dã man! Xã hội nào không quan tâm đến vú phụ nữ thì đó là xã hội vô nhân đạo! Các con, bớt tiền tiêu vặt mua cho mẹ cái nịt vú, không có trời làm sao có đất, không có mẹ làm sao có con?...” (BVCĐ, trang 709 - Cuốn sách nguyên tác tên là “Phong nhũ phì đồn”, nghĩa là “mông to vú nở” mà!) Dẫn ra “cái vú” hơi nhiều - thứ bảo vật luôn luôn được giữ kín và văn chương ta thường kiêng kị nhắc đến tên thật của nó, nên phải mở ngoặc nói ngay ở đây rằng: cỡ nhà văn như Mạc Ngôn, chính trị lập trường đầy mình (không thế, sao được phong là nhà văn ‘hạng nhất” của Tổng cục chính trị Quân giải phóng TQ) hẳn không dễ sa vào “chủ nghĩa tự nhiên” và lối viết tục tĩu, mà “cái vú” chỉ là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Dễ thấy hơn cả, hình tượng ấy thể hiện sức sống, sự sinh sôi nẩy nở của đất nước đông hơn một tỷ dân này.
Đi liền với phương pháp “lạ hoá”, “huyền thoại hoá” là sự cường điệu, phóng đại của Mạc Ngôn khi miêu tả. Dễ gì con người ta sống được khi bị tùng xẻo 500 miếng thịt hay khi lục phủ ngũ tạng đã thối rữa sau nhiều ngày bị kiếm “đàn hương” xuyên suốt thân mình? (ĐHH) Những chi tiết cường điệu trong BVCĐ cũng không thiếu. Rõ ràng đây là thủ pháp của tác giả và độc giả có lẽ cũng biết tất cả chỉ là do tác giả “bày đặt” (nếu không muốn nói là bịa đặt) và cường điệu lên. Những trang sách không giống như đời thật ấy lại có sức cuốn hút ngườ đọc chính vì con người ta đến với nghệ thuật cốt để tìm cái khác thường, để được cùng tác giả thăng hoa khi đưa trí tưởng tượng bay lên với cảm xúc dâng trào. Những giây phút ấy, như nhiều nhà văn đã tự bạch, nhân vật (và cả tình tiết đã dự kiến) vượt ra ngoài sự trù liệu, sắp đặt của tác giả. Hầu hết các nhân vật của Mạc Ngôn đều có những phút “xuất thần” như thế nhưng người đọc lại không nghĩ đó là chuyện hoang đường, vì nó bắt nguồn từ cảm xúc chân thực của tác giả và dựa vào bản chất, vào khả năng tiềm tàng có thật của nhân vật cũng như tình huống câu chuyện. Hình phạt “đàn hương hình” có thể chưa xảy ra như thế, nhưng sự dã man của bọn phong kiến Trung Hoa là có thật và nhân loại đã nhiều lần chứng kiến con người đã biến thành quỷ dữ khi cái ác lồng lên hoặc được kích thích vì một tham vọng nào đó; có thể không có ai như Tôn Bính (ĐHH) và mẹ con nhà Thượng Quan (BVCĐ) đã chịu đựng nổi cảnh đày đoạ ghê gớm như thế, nhưng nhân loại từng biết những con người - thường là những anh hùng - đã chứng tỏ sức chịu đựng phi thường; như anh hùng phi công Liên Xô Ma-rét-xép trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, như Nguyễn Đức Thuận trong chuồng cọp Côn Đảo và như gần đây chúng ta mới được biết, trong lưới tình báo của anh hùng Phạm Xuân Ẩn còn có một vị anh hùng khác là ông Hai Thương; ông đã bị kẻ thù tra tấn bằng cách cưa cụt cả hai chân đến tận háng, không phải một lần, mà 6 lần, mỗi lần một khúc!... Chuyện “thật” và “bịa” vừa nói cũng chẳng có gì mới, nhưng có lẽ vẫn nên nhắc lại vì lối phê bình đơn giản đem tác phẩm đối chiếu với thực tế, với lịch sử để bắt bẻ, lên án tác giả vẫn còn có người, có nơi trọng dụng.
Trở lại với Mạc Ngôn, ta thử xem những “chuyện lạ” ông bày đặt ra lấy từ đâu? Đã đành là do trí tưởng tượng phong phú của tác giả, nhưng “có bột mới gột nên hồ”. Chính Mạc Ngôn, trong lời “Viết thêm” in cuối sách ĐHH cũng đã thừa nhận: “...cái mà tôi viết trong truyện thực ra là âm thanh... Âm thanh thứ nhất là tiếng tàu hoả chạy hàng trăm năm trên đường sắt Giao-Tế cổ lỗ...loại thứ hai là hí kịch Miêu Xoang thịnh hành Đông bắc Cao Mật, loại hát giọng ai, rất buồn...Tôi đã nghe thấy...rất nhiều lính Đức cắt hết bím tóc của những thanh niên trai tráng Trung Quốc, lót dưới tà vẹt đường sắt...” Ông còn kể nhiều chuyện hoang đường khác và viết: “Nhưng trong những năm tháng dài dặc, tôi đã rất tin vào những truyền thuyết đó...” Tự bạch của nhà văn đã giúp ta hiểu tất cả những điều khác thường mà Mạc ngôn bày đặt ra cuốn hút độc giả tưởng như có bùa mê đều bắt nguồn từ một tâm hồn gắn bó thiết tha với quê hương, với cội nguồn. Cũng như cánh chim, cánh diều bay cao mấy cũng phải có một chỗ đậu, một điểm gắn kết với mặt đất.
Còn nếu hỏi nhà văn bày đặt ra viết các “chuyện lạ” làm gì thì điều dễ thấy hơn cả là vì nhu cầu độc giả ai cũng ưa sự lạ, sách viết thế mới có sức thu hút. Tất nhiên, ý nghĩa của tác phẩm là điều quan trọng hơn, nhưng ý nghĩa hay mấy mà ít người đọc thì cũng vô tác dụng. Vậy nên “điều dễ thấy” cũng không thể xem thường. Còn bàn về ý nghĩa các tác phẩm của Mạc Ngôn khó có thể gói gọn trong trang giấy. BVCĐ cũng như ĐHH là loại tác phẩm đa tầng, đa nghĩa. Vả lại, tuỳ quan niệm, tuỳ cách cảm thụ của mỗi người và cả tuỳ thời nữa, mà tác phẩm có ý nghĩa khác nhau. Với người đói thì bát cơm nguội là quý, nhưng những kẻ đã no say phè phỡn thì thịt gà quay cũng chê! Như ĐHH, người quan tâm đến sự đối chọi Đông-Tây, sẽ nhận ra từ “hai loại âm thanh quyện vào tuổi ấu thơ” của tác giả (tiếng xe lửa và điệu Miêu Xoang) chính là làn sóng kỹ trị, là văn minh Tây phương đang đe doạ bóp chết văn hoá dân tộc. Chuyện cũ mà ý nghĩa vẫn rất “thời sự”. Ở một nơi còn nhiều di sản văn hoá dân tộc (và có cả “cụ” Ngáo - một đao phủ thủ cuối cùng của Triều Nguyễn) như Huế, ĐHH càng dễ gợi liên tưởng đến mối đe doạ ấy. Nhưng ĐHH không chỉ có vậy. Không phải ngẫu nhiên tác giả lại dành nhiều trang viết về cách hành hình dã man các tội nhân; lại còn loại gỗ đàn hương vốn được dùng tạc tượng Phật và làm tràng hạt... Thế mà... Không chỉ ĐHH, tiểu thuyết BVCĐ cũng viết rất nhiều về cái chết, về sự dã man của con người. Có phải tác giả muốn cảnh báo rằng CÁI ÁC muôn thủơ vẫn là nỗi đau của nhân loại và “Hỡi loài người! Hãy cảnh giác!” (J.Phu-xích) Cũng có phải vì thế mà Mạc Ngôn đưa CÁI VÚ thành tên sách, là biểu tượng cho nguồn sống và sự bất diệt của con người?...
Hẳn là còn có thể cảm nhận nhiều ý nghĩa nữa từ 2 tiểu thuyết ĐHH và BVCĐ, trong đó, điều dễ nhận ra là qua trường hợp Mạc Ngôn, chúng ta thấy rõ đường lối văn nghệ cởi mở của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài phát huy hết khả năng của mình, sáng tạo nên nhiều tác phẩm lớn được dư luận thế giới ngưỡng mộ.
Điều cuối cùng cần nói thêm là thế giới nghệ thuật của Mạc Ngôn còn gồm cả tài nghệ sử dụng ngôn ngữ; không đọc được nguyên bản nên xin miễn bình luận. Tuy thế, qua bản dịch thật hay, thật tài tình của dịch giả Trần Đình Hiến, chúng ta có thể đoán rằng tác giả hẳn đã tạo nên những trang văn nếu chưa phải là tuyệt bút thì cũng không tầm thường.
Trường An - Huế, Tháng 11/2002
N.K.P

(nguồn: TCSH số 166 - 12 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đưa đò (05/09/2008)