Tác giả-tác phẩm
Nhịp đập của một trái tim nhiều trăn trở
09:36 | 16/09/2008
MAI VĂN HOAN     Nhà xuất bản Văn học vừa ấn hành tập thơ Cõi lặng của Nguyễn Khoa Điềm. Cõi lặng gồm 56 bài, đa phần được viết sau khi tác giả nghỉ hưu. Điều đó cũng là lẽ thường. Các nhà thơ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến... đều như thế cả. Khi đương chức họ bận trăm công nghìn việc. Phải đến lúc nghỉ hưu họ mới sống thoải mái hơn, dành nhiều thời gian cho thơ hơn. Đọc Cõi lặng ta mới thấu hiểu tâm trạng của nhà thơ, mới nghe được nhịp đập của một trái tim nhiều trăn trở.
Nhịp đập của một trái tim nhiều trăn trở

Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ tài năng. Điều đó đã được công chúng thừa nhận. Chương “Đất nước” trong trường ca Mặt đường khát vọngKhúc hát ru những em bé trên lưng mẹ của anh đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Với Cõi lặng một lần nữa Nguyễn Khoa Điềm lại thu hút được sự chú ý của độc giả. Chỉ vài bài thơ trong Cõi lặng vừa được công bố mọi người đã bàn tán xôn xao. Khen có, chê có, suy diễn, chụp mũ có... Riêng bài Bây giờ là lúc... tôi nghe và đọc nhiều lời bàn, lời bình trái ngược nhau một cách công khai, thẳng thắn. Đó là dấu hiệu đáng mừng trong việc tiếp nhận văn chương hiện nay. Tôi thuộc tạng người không ưa cái kiểu thơ bị văn xuôi hoá. Tôi quan niệm thơ là thơ, văn xuôi là văn xuôi. Không có thơ văn xuôi. Nhà thơ có thể sử dụng yếu tố tự sự và yếu tố tự sự này khi đưa vào thơ cũng phải được thơ hoá. Trong Cõi lặng những câu đại loại như: Người ơi, tôi yêu người tha thiết/ Tôi sống vì người, chết vì người (Cõi lặng); ...Hà Nội thì thầm nghìn năm tuổi/ Mừng Đảng qua một mùa đại hội (Tháng tư); ...Bây giờ con cái nhà bác đi khắp nước/ Họ Dương lắm con, lắm vợ, lắm chồng/ Ô tô, xe máy (Uống rượu với bác Dương Văn Vượng)... theo tôi là ít chất thơ, là đã phần nào bị văn xuôi hoá. Bởi vậy, cái lối viết theo kiểu văn xuôi hoá ở Bây giờ là lúc tôi không thích lắm nhưng có một câu trong bài thơ ấy tôi rất nể phục. Đó là câu “Từ giã cà - vạt, giày đen, lời trịnh trọng”. Các nhà thơ phần lớn thích cuộc sống phóng túng và tự nhiên. Phải luôn đeo cà - vạt, mang giày đen, nói những lời trịnh trọng là vạn bất đắc dĩ. Câu này vừa đúng với nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu nhà thơ nào từng dấn bước trên con đường hoạn lộ mà không cảm thấy tù túng, gò bó, mất tự nhiên thì quả là sự lạ. Nguyễn Du cho cái nhục của những kẻ làm quan dưới thời phong kiến là “vào luồn, ra cúi” còn Nguyễn Công Trứ thì tự trào “Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng”. Nói chung làm quan thời nào cũng đều bị ràng buộc bởi rất nhiều sợi dây vô hình.

Ngay khi đang đương chức, Nguyễn Khoa Điềm đã hé lộ cho ta thấy trái tim đa cảm và nhiều trăn trở của anh. Vào dịp cuối năm 1997, anh hẹn với người thân sẽ về quê ăn tết. Vì bận việc đột xuất nên đành lỡ hẹn, Nguyễn Khoa Điềm đã viết những vần thơ tạ lỗi với quê hương, gia đình: Đã lâu anh chưa về Huế/ Hẹn vào thu rồi lỡ cả mùa đông/ Anh mải miết trên đường hoạn lộ/ Ngảnh về quê hư ảo một vầng trăng... (Viết cuối năm). Đọc những dòng bộc bạch chân thành này khiến tôi sực nhớ hai câu thơ nổi tiếng của Cao Bá Quát: “Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu/ Tỉnh giả thường thiểu, tuý giả đồng” (Sa hành đoản ca). Nhà thơ Tố Hữu dịch: Đầu gió hơi men thơm quán rựợu/ Người say vô số, tỉnh bao người? Bao nhiêu người “mải miết trên đường hoạn lộ” có được mấy ai nuối tiếc thành tâm như Nguyễn Khoa Điềm? Trước đó hai năm (24 - 1 - 1995), anh tiễn biệt Phùng Quán bằng bài thơ Người nằm bên Hồ Tây với một câu hỏi đầy day dứt: Cuộc viễn du nào buồn đến vậy/ Người hùng thời niên thiếu của tôi ơi? Điệp khúc ấy cứ láy đi, láy lại trong suốt bài thơ. Năm 2000, Nguyễn Khoa Điềm có bài thơ khá hay tặng Đồng Đức Bốn. Đây là hai câu mở đầu: Bạn chừ đóng gạch nơi nao?/ Văn chương lấm láp, vêu vao mặt người (Bạn thơ). Không có một tình bạn chân thành, không băn khoăn trăn trở không thể viết được câu thơ cảm động mà bình dị đến như thế. Bất ngờ nhất là bài thơ Hoa quỳ vàng, Nguyễn Khoa Điềm viết bài thơ này vào năm 1993, khi chia tay thành phố Đà Lạt. Tôi xem Hoa quỳ vàng là một trong những bài thơ tình hay của thơ ca hiện đại Việt . Nếu là nhạc sĩ, tôi sẽ chọn phổ Hoa quỳ vàng. Nhịp điệu bài thơ cứ tuôn trào một cách tự nhiên với bao day dứt, tiếc nuối: ...Em thanh xuân/ Anh quá đỗi/ Ngại ngùng/ Sương với gió/ Đượm buồn/ Từng tấc cỏ/ Đà Lạt/ Anh có gì/ Để nhớ/ Sao âm thầm/ Lưu luyến/ Tới muôn xưa... Lời thơ đẹp, dịu dàng, êm ái chẳng khác gì ca từ của Trịnh Công Sơn.

Đọc kỹ Cõi lặng, lần theo dấu vết thời gian, tôi nhận thấy năm 2004 là năm Nguyễn Khoa Điềm có nhiều băn khoăn, trăn trở nhất. Tôi ít để ý đến chuyện chính trường nên không biết một cách cụ thể điều gì đã làm anh buồn đến như vậy, bức xúc đến như vậy, trăn trở đến như vậy? Anh luôn tự vấn: Vì sao không thể yêu mến hơn?/ Vì sao không xanh tươi hơn? Vì sao không trong sạch hơn? (Trong những buổi chiều); Ai chờ đợi anh/ Tin tưởng anh, nuôi dưỡng niềm hy vọng?/ Ai sau lá, sau cây, sau mưa, sau núi xanh/ Ai cho anh lòng tốt,/ Cõi sáng? (Có một nỗi buồn); Mãi khi giữa đêm chợt thức/ Bập bềnh ý nghĩ xót xa/ Anh còn có thể, không thể?... (Hy vọng). Đến tháng 7, năm 2006, Nguyễn Khoa Điềm viết Hy vọng 2 với “nỗi buồn thăm thẳm”. Và mặc dù đối diện trước một “kết cục bụi bặm”, anh vẫn “hy vọng vào lòng tốt”. Anh khẳng định: Chỉ có lòng tốt/ Dìu anh đến cuối đời này/ Để gặp hạnh phúc... Thử hỏi có ai trong cả cuộc đời mình mà không từng trải qua những “kết cục bụi bặm”, không từng gặp những “trận gió rát”? Vấn đề là phải vượt qua nó như thế nào. Đến bài thơ Bây giờ là lúc mọi thứ đã trở nên nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn: Bây giờ gió gọi anh đi/ Mặt trời đánh nhịp về tám hướng... Sau khi nghỉ hưu, anh trở về Vĩ Dạ, đi xe đạp, ngồi quán cóc, tắm bến Hà Khê... Nhà thơ bước chậm rãi theo gót những người nông dân trên cánh đồng: Mặc cho ngôi sao hôm xa ngái dẫn đường/ Thăm thẳm ngõ quê rơm rạ/ Trái tim lăn tròn êm ả (Cánh đồng buổi chiều). Nguyễn Khoa Điềm bắt đầu “tập thiền”, “làm một người trắng nợ” và “thong dong”: Đặt hai chân lên nền nhà cũ/ Trên môi chàng luôn phảng phất một điệu boléo/ Chàng sẽ huýt lên khi bước vào cõi chết (Có một chàng trai). Điều làm cho anh băn khoăn, trăn trở bây giờ là có những chuyện không hay vẫn ngang nhiên tồn tại trong xã hội tốt đẹp của chúng ta. Chẳng hạn như sự hung bạo: Hung bạo trên mạng, trên sàn diễn, trong lớp học/ Hung bạo giữa bàn nhậu, cửa sau công sở, hung bạo đường phố/ Hung bạo văn chương, tố giác nặc danh/ Lạng lách thời thượng và sành điệu... (Nghe tin hai nhà khoa học bị tai nạn xe máy). Chẳng hạn như nạn tham nhũng, phá rừng, tống tiền, trộm cắp... Đây là hình ảnh đường dây cáp quang bị cắt khúc rao bán: Trên mặt báo chúng giống hệt những con cá chết/ Giương mắt trừng trừng nhìn thế gian... (Cáp quang).

Điều làm nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm luôn hoài niệm là những hồi ức thời chiến tranh, là nỗi nhớ đồng chí, đồng đội: Những đồng đội ngã như thân cây chuối/ Những xác người xếp dọc đường hành quân/ Những thành phố đổ nát/ Chất da cam mù mịt cánh rừng... (40 năm gặp lại); Những chiều trên ngọn núi lồng lộng cuối đường/ Chợt hiện một lối mòn thời chiến tranh/ Với những người lính mang tuổi xuân đi mãi.../ Tôi khẽ gọi qua hoàng thành mười cửa/ Người hôm nào, người hôm ấy ơi! (Định vị); Bạn cũ đến chơi/ Chép miệng sống cũng tạm được/ Phải cái hơi móm/ Cười trống trơ như Đỗ Phủ/ Nhìn nhau thương con mắt/ Còn lung lay ngọn lửa rừng/ Thời bom đạn (Về quê đón tết). Cảm động nhất là bài thơ anh viết về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: Ngồi lại nghe chị nói gì trong đất/ Cùng cây giang, cây dẻ của ngày xưa/ Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt/ Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ (Ngày về). Và như thế là cho dù đang ở trong Cõi lặng nhưng trái tim đa cảm của nhà thơ vẫn luôn thao thức, trăn trở.
 
Tôi đã đọc Cõi lặng như con bò đứng gặm cỏ bên sông trong bài thơ Cỏ ngọt: Chậm rãi/ Một ít bóng đêm và ít hạt bình minh/ Từng miếng một, nhai và thở. Tôi “không nghe tiếng người, tiếng xe cộ lại qua” mà chỉ nghe thấy “vị ngọt từng cọng cỏ”. Tôi ngửi thấy trong Cõi lặng “mùi bất chợt của cỏ dại”, “chút ẩm ướt của thời gian”. Và tôi hy vọng như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng Hy vọng: Thăm thẳm ngày xưa bình an/ Vời vợi ngày mai chói nắng...
                                                                                                            M.V.H

(nguồn: TCSH số 227 - 01 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đưa đò (05/09/2008)