Tác giả-tác phẩm
Serenade của Peter Kihlgard - dạ khúc li tan
11:01 | 22/09/2008
HỒ THẾ HÀSerenade của Peter Kihlgard là một truyện ngắn có cấu trúc hiện đại. Trước hết là ở nghệ thuật ngôn từ và điểm nhìn văn bản.
Serenade của Peter Kihlgard - dạ khúc li tan

Truyện có hai nhân vật chính, chỉ có đối thoại và độc thoại, chứ không rõ lời của tác giả. Đó là một kiểu tiết kiệm ngôn ngữ đến tối đa, chỉ ưu tiên cho lời của người trần thuật và người kể chuyện qua sự luân phiên đối thoại và độc thoại của nhân vật. Lời của tác giả có nhưng ít, khó phân biệt rạch ròi. Hay đúng hơn là chỉ xuất hiện trong lời của nhân vật người chồng.
Câu chuyện mở đầu bằng câu hỏi của nhân vật nữ - người vợ: “Anh có nghe em không? Anh có nghe em nói gì không?”. Nàng nói trong khi đang làm bếp, cắt miếng hoa lơ xanh không một mảy may bối rối, không hề ngập ngừng; trái lại rất tự chủ, tưởng như nàng “đang nương nhẹ cho cả hai, cho những gì mà hai vợ chồng sở hữu”. Đó là kiểu điểm nhìn bất ngờ không phải từ đầu câu chuyện, cho ta thấy tính hòa hợp của hai người. Nhưng không, người chồng đã có cái nhìn ngờ vực, khiến người vợ phải thốt lên “Đừng nhìn em như thế, cứ như thể em khốn nạn lắm không bằng. Thực ra thì chẳng có gì là khốn nạn ở đây cả!”.
Nhưng rồi, người chồng đã hiểu cốt lõi câu chuyện đến gần như trọn vẹn. Anh không thể nói những điều ngờ nghệch, giả dối rằng mình hiểu theo ý của nàng: "Không, đương nhiên là anh hiểu chuyện đó... đến... anh... cũng... hiểu” (cách nói lặp). Trong khi đó, anh ta muốn nói rằng “Hãy thú nhận đi! Trong thực tế”. Anh ta không thể giả tạo, không thể là người nói vấp, là người hiểu nhầm.

Tôi chú ý nghệ thuật phân thân của nhân vật người chồng. Khi thì ông nói trực tiếp ở ngôi thứ nhất, khi thì ông hóa thân thành nhân vật ngôi thứ ba - đồng thời với tư cách ngôi thứ ba này, nhân vật người chồng đã trực tiếp thể hiện ngôn ngữ độc thoại nội tâm rõ nhất, có khi anh hướng về người vợ, có lúc lại hướng vào mình (dù cũng độc thoại). Qua từng chi tiết dẫn dắt độc thoại ấy, tác giả để nhân vật người chồng dần dần bộc lộ nội tâm và đi đến trung tâm cốt lõi của câu chuyện. Đó là câu chuyện dẫn đến sự ngoại tình và phản bội của vợ mình. Anh dựa vào điểm xuất phát là miếng thịt, để triết lý về cái ác và dục vọng tầm thường cũng như những đam mê tình dục của người đời từ xưa đến nay, và do đó, họ tự đánh mất mình một cách độc ác: “Miếng thịt nằm trên chiếc đĩa hâm nóng của anh đây vốn là từ một chú cừu tơ xinh xắn, đã bị làm thịt và xả thành từng miếng. Những tảng thịt khác đã được đóng vào túi nhựa và bao bì hòng giam hãm nỗi khiếp sợ chết cứng của chú cừu tơ mơn mởn và vô phương chống đỡ càng lâu càng tốt”. Và anh ta muốn nói đến nguồn đạm bổ sung cần thiết mà không có nó thì con người sẽ ra sao: “Anh muốn nói với em rằng trong lịch sử, miếng thịt đã từng là biểu tượng của sự giàu sang như thế nào. Em biết đấy, đã từng có thời, chỉ vì lũ thú hoang dã, tức là vì miếng thịt, mà giới quyền quý đã đề cao giá trị của rừng đến mức xử tội chết của kẻ man rợ. Chỉ vì mong mỏi được xôi thịt hàng ngày mà con người ta đã phải từ bỏ quê hương ra đi. Người ta cam chịu đánh đổi Tổ Quốc và sự hòa đồng để lấy thịt. Thịt. Sức hấp dẫn của miếng thịt và quyền lực của nó”.

Sự bình luận độc đáo này đã làm cho người vợ chột dạ và ngập ngừng trong câu nói, đến nỗi người chồng phải thốt lên: “Lẽ ra em chẳng có gì phải nói cả”.
Câu chuyện lại thay đổi điểm nhìn trần thuật bằng độc thoại nội tâm do nhân vật người chồng (cũng chính là tác giả) tiếp tục triết luận về sự sống và cái chết, về nhân cách và khát vọng của con người. “Ai cũng muốn rằng cái  chết, cái chết đích thực phải thuần khiết và bi tráng, không tầm thường, không giống như cái chết của những kẻ khác, nó phải thuần khiết và bi tráng một cách không hề tranh cãi; đấy, cái chết của anh phải như thế”,  “Nó không hai ngả hoặc đa nghĩa... Đó phải là một thực tế rõ ràng, một sự kinh hoàng dễ hiểu, sâu xa, thăm thẳm và ... tinh khiết. Cái chết có quyền là sự tái tạo”. Đây là một triết lý đáng lưu ý. Tại sao cái chết có quyền là sự tái tạo? Một câu hỏi gợi biết bao suy tư về lẽ vi diệu và cao cả của mỗi chủ thể hiện sinh. Đó chẳng phải là một phạm trù mỹ học về cái bi - cái đích thực của những con người biết sống. Nó đồng nhất với giá trị, ý nghĩa và sự phục sinh những hành vi và ý nghĩ tốt đẹp của con người cho một lý tưởng cao đẹp?

Đến đây, câu chuyện càng tỏ lộ qua sự tự thú của người vợ: “Điều đáng nói là em đã cảm thấy ân hận trước khi làm điều ấy...”. Một câu nói bỏ lửng. Điều ấy là gì? Và tại sao lại cảm thấy ân hận trước khi làm? Rồi nhân vật thứ ba (kiểu nhân vật - tác giả) lại bình luận về bộ phận sinh dục của con người dưới một cái nhìn nhân chủng - xã hội học: “Chúng ta phải biết xấu hổ bởi phơi bày những phần của cơ thể làm gia tăng nòi giống. Kinh Thánh quả có lý. Trong nơi sâu thẳm, ta hiểu chính con người là một cái sẩy tay vĩ đại cần phải được tẩy xóa và được thay thế bằng một kiểu dáng khác của... khỉ”. Gia tăng nòi giống, với một dân tộc nào đấy cũng rất cần thiết, nhưng đối với dân tộc khác đôi khi lại có lỗi, vì nó đẻ ra bao nhiêu là đau khổ và nhếch nhác cho chính con người.

Người vợ đã bắt đầu thừa nhận sự lập luận của nguời chồng “Quả như vậy”. Lại một sự luân phiên điểm nhìn trần thuật qua những đối thoại nghi vấn ngầm: “Cũng dễ đối với anh để tha thứ. Đồ rằng anh có thể tha thứ. Nhưng liệu em có khi nào như thế với anh? Tha thứ cho anh? Tha thứ cho kẻ đã thổi vào lòng em cái cảm giác có lỗi?”. Đó là sự châm chọc mà cũng là sự mắc tội lăng nhăng. Sự thật mà người chồng đã cảm nhận ngày càng rõ rằng người vợ của mình đã ngoại tình. Sự “đồng đẳng” giữa việc mỉa mai của người chồng và sự thực ngoại tình của người vợ có trở thành sự đồng đẳng không? Vẫn là sự lạnh lùng của hai con người qua sự hững hờ, nhìn bâng quơ vào nơi xa thẳm của người chồng.
Rồi người chồng trực tiếp kể về bà già góa muốn sang Thụy Điển để mua xúc xích và phó mát và gặp tại cửa hàng thực phẩm một ông bán hàng gầy nhom đến quái đản. Gầy và cao đến nỗi mà cái bà già góa kia không thể làm gì khác hơn là... Đến đây, khi người vợ rùng mình, vì nó chạm vào một cảm giác tội lỗi của cô “Trời ạ, thực ra thì em đang cố để xin anh  tha thứ”.
...

Chuyện đơn giản trong tình huống, nhưng hiện đại trong nghệ thuật trần thuật đa điểm nhìn qua ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật, có khi là ngôn ngữ tác giả đan xen. Cách đối thoại và độc thoại nội tâm nhân vật đã làm cho thời gian - không gian nghệ thuật luôn luôn xê dịch dù không gian cơ sở của cốt truyện chỉ trong một ngôi nhà (phòng ăn và phòng vệ sinh); thời gian chỉ trong một khoảnh khắc nhất định. Truyện, đọc một lần không thể nắm bắt nhân vật vì cách xưng hô và ngôi thứ rất biến ảo. Một chút phân tâm học, một chút lắp ghép của dòng ý thức, dòng sự kiện, tâm lí đã làm cho Serenade của Peter Kihlgard hội tụ đủ những yếu tố hiện đại chủ nghĩa của truyện ngắn Âu Châu hiện nay.
Peter Kihlgard là nhà văn tài danh của văn đàn Thụy Điển thời đương đại với cái nhìn nhân văn, để dự báo về những rạn vỡ của tự nhiên và của con người trước dòng thời gian đang cuồn cuộn chảy và bị chấn động dữ dội.
Huế, đêm 28 -10 -2007
                  H.T.H

(nguồn: TCSH số 226 - 12 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng