Tác giả-tác phẩm
Đọc lại “Hiểu quá Hương giang” của Cao Chu Thần
09:06 | 23/08/2011
HỒNG NHU
Đọc lại “Hiểu quá Hương giang” của Cao Chu Thần
Chu thần Cao Bá Quát - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Phiên âm:

Hiểu quá Hương giang
 
Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền
Trường giang như kiếm lập thanh thiên
Sở hàng ngư đỉnh liên thanh trạo
Lưỡng cá sa cầm khuất túc miên
Trần lộ du du song quyện nhãn
Viễn tình hạo hạo nhất quy tiên
Kiều đầu xa mã phi ngô sự
Phả ái nam phong giác chẩm biền

Dịch thơ:

Buổi sáng qua sông Hương

Núi ôm ruộng biếc chạy vòng quanh
Sông dài như kiếm dựng trời xanh
Thuyền nằm ngư phủ hò liền giọng
Bãi đứng sa cầm ngủ giấu chân
Đường trần dằng dặc mòn hai mắt
Roi ngựa mang mang ruổi một tình
Qua cầu xe cộ ta đâu nghĩ
Gió Nam sừng gối thảnh thơi nằm.
                       
(Hồng Nhu dịch)

Cảnh sắc và con người thời xưa vào một buổi sáng trên sông Hương thật lạ lùng và tráng lệ. Người tráng sĩ một mình một ngựa về qua mà lòng dội lên bao nhiêu thăng trầm mỏi mệt mà cuộc đời của chàng đã nếm trải. Còn giờ đây, chàng chỉ muốn quên đi các buổi xe ngựa rợp rờn và lọng cờ hoành tráng qua sông trong quá khứ để mơ tưởng đến một chiếc gối sừng trên đó chàng gối đầu thảnh thơi nằm ngủ trong luồng gió nam dịu mát lồng lộng dưới trời. Đôi con mắt đã mỏi rồi khi nhìn thế sự trôi qua trên đường trần gió bụi mịt mù đằng đẵng, chỉ còn lại một mình với chiếc roi ngựa quay về, với một mối tình xa man mác, bâng khuâng cùng rong ruổi. Tình gì ở đây? Rõ là tình riêng, nhưng không phải tình yêu trai gái mà là tình non sông đất nước, tình con người đã ngấm sâu xa trong lòng của một con người từng trải như chàng. Muôn nghìn ngọn núi chạy quanh như ôm ấp, chở che lấy ruộng đồng xanh biếc, đã nói lên tình yêu tha thiết của chàng đối với làng xóm quê hương, mặc dù non sông đây, đất đai đây không phải là nơi chôn rau cắt rốn của chàng. Rồi hàng hàng chiếc thuyền đánh cá nằm trên bến với tiếng hò đưa mái không ngớt của những người ngư phủ vang lên rộn rã, trong lúc ở bãi bên kia, đôi chim bói cá vẫn thản nhiên say sưa co một chân đứng ngủ. Cảnh vật tuyệt vời như tranh vẽ, tưởng có thể sờ nắm được này đã làm chàng xốn xang không nguôi về vẻ đẹp truyền thống, vẻ đẹp dân giã của người dân quê nước Việt.

Nghệ thuật của bài thơ đạt đến trình độ cao siêu ngay từ câu đầu phá đề. Đến câu thừa đề để bổ sung cho câu thứ nhất thì bỗng dưng “Trường giang như kiếm lập thanh thiên”! Do đâu và vì sao mà Cao Bá Quát đã tả chẳng giống ai về con sông thơm nơi đất kinh đô? Có lẽ lúc bấy giờ ông đang canh cánh bên lòng một sự nghiệp mới mà giờ phút này nó chưa hiện hữu, chỉ mới là dự cảm có quan hệ đến chuyện kiếm cung. Con sông chảy dài dưới trời mà như một thanh kiếm. Thanh kiếm đó ở tư thế không phải lúc ở chiến trường chém giặc thù lia ngang hoặc lia dọc, bổ từ trên đầu xuống hoặc đâm ngược từ dưới bụng lên. Mà là dựng đứng giữa trời. Câu thừa đề này không chỉ làm bổ ý cho phá đề mà còn như một tuyên ngôn ý tại ngôn ngoại, một tuyên ngôn lạ lùng và sâu thẳm khiến người đọc giật mình, dựng người lên vì sửng sốt. “Kiếm lập thanh thiên”, nhãn tự này thiết nghĩ không ai nói nổi, làm nổi, chỉ duy nhất mỗi Cao Chu Thần, độc nhất vô nhị. Đến bốn câu tiếp theo (thực và luận) mới thật kinh dị. Hai câu đầu như lặng im kéo ta về thực tại trước mắt là nét thơ mộng và độc đáo của con sông xứ Thần kinh. Hai câu năm và sáu bật ra nỗi lòng trầm u mà sôi sục của thi nhân. “Trần lộ du du” đối với “Viễn tình hạo hạo”, đường trần dằng dặc đối với tình xa man mác; “song quyệt nhãn”- hai mắt đã mòn đối với “nhất quy tiên” một roi ngựa về. Quá hay! Mắt đã mòn nhưng không phải không nhìn đời nữa, mà là nhìn thâm thúy hơn, nhân văn hơn. Một mình một ngựa đi về nhưng chẳng phải đã bó tay trước thế thái nhân tình. Cái sục sôi của thi nhân là cái sục sôi lặng thầm, báo hiệu một điều lớn lao sắp xảy ra. Chẳng rõ lắm “Hiểu quá Hương Giang” được làm ngày tháng năm nào, nhưng qua tình ý của thi phẩm, tôi đoan chắc là vào thời gian mà Cao Bá Quát từ quan về nhà mưu tính sự nghiệp khác. Bấy giờ là lúc lang trung Cao Bá Quát được cử đi làm sơ khảo ở trường thi hương Thừa Thiên, ông đã phát hiện một số cuốn thơ hay nhưng phạm húy, do lòng mến tài thương người ông đã tìm cách giúp đỡ; việc bại lộ ông đã bị vua Thiệu Trị bắt giam. Sau được tha và bị thải hồi. Vua Tự Đức sau này biết Cao là người tài, triệu hồi về kinh cho vào làm việc ở hàn lâm viện; thời gian này ông kết bạn với mấy danh sĩ tiếng tăm lẫy lừng ở Huế như Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Văn Siêu, Miên Thẩm, Miên Trinh...

Cái điều lớn lao sắp xảy ra này đó là lúc ông “nổi loạn” làm quân sư cho một cuộc khởi nghĩa của nông dân ở quê ông chống lại triều đình nhà Nguyễn, bị bắt rồi bị xử tử.

Người đời lúc bấy giờ tôn vinh Cao Bá Quát là thánh thơ, “Thánh Quát”, bên cạnh bạn ông là Nguyễn Văn Siêu, “Thần Siêu”. Kể đến giờ đây, giữa thời hiện đại này, danh hiệu “thánh Quát” của ông vẫn đúng. Sự nghiệp thơ ca của ông để lại cho ta thật đồ sộ, nhưng mỗi riêng “Hiểu quá Hương Giang” cũng đủ cho ta thấy câu như tục ngữ trên của nhân dân là chính xác.

Xưa nay, thơ viết về sông Hương quá nhiều, đặc biệt là trong thời đại này. Song, chúng tôi nghĩ “Hiểu quá Hương Giang” chưa có ai sánh được, chưa ai vượt qua được.

03/06/2011
H.N
(270/08-11)






Các bài mới
Các bài đã đăng
VILI là ai? (28/06/2011)