Tác giả-tác phẩm
Để có thể ăn xà bông!
09:39 | 17/11/2011
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT Trong Lời giới thiệu tác phẩm mới xuất bản của Phan Trung Thành, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận xét rằng, tác giả của Ăn xà bông(*) đã rẽ ra được một lối đi cho riêng mình như kết quả của nỗ lực lao động nghệ thuật.
Để có thể ăn xà bông!
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đó cũng là lời nhắn gửi cho cho tất cả những nghệ sĩ chân chính: sự chối từ những vòng hoa cạm bẫy của thói hư danh. Ở lời bạt, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm rọi ánh sáng giải mã cho tập thơ: ăn xà bông là cách mượn cái giả để nói lên một phần sự thật của cuộc sống.

Là một người đọc, tôi chỉ muốn bày tỏ… sự nhầm lẫn của bản thân khi mới chỉ nhìn cái bìa tập thơ: Trường ca hoạt họa là một loại thể như thế nào đây? Rồi, khi đọc được gần một phần tư tác phẩm, mới chợt nhận ra cái cảm giác sai lạc ban đầu: vẫn là thơ, thơ thực đấy, không hoạt họa hoạt hình gì cả. Hay nói khác, trường ca hoạt họa chỉ là cách nói “mượn bóng vẽ hình” đấy thôi.

Ở đây, là sự hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại, nhưng không phải là hiện đại theo một cách nghĩ chưa chính xác lắm, ví dụ: Thơ là sự thể hiện kỹ thuật và thủ pháp ngôn ngữ. Hiện đại, chính xác hơn, là sự mới mẻ ở cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ. Dường như, đấy cũng chính là một thực tế và là mục tiêu trong mọi lao động nghệ thuật: cái cũ và cái mới luôn luôn phải tồn tại song song trong tác phẩm, ở cả hình thức lẫn nội dung.

Điều đó thể hiện, trước hết, ở cấu trúc của tập thơ: Ăn xà bông gồm ba phần, rất rõ, tưởng thật đơn giản như… mở, thân và kết của một bài văn.

Nhưng phần I (mở lời), ngay lập tức, là một khái quát: “mang hồn ốc bò quanh sử tử”. Lịch sử CHẾT rồi, nhưng sao vẫn còn đòi trồi lên? Bởi vì, con người không thể thoát khỏi thời gian. Và, không thể quên. Chính vì thế, mà thi rất đau, con người rất đau: ?cơ cực thấu trời chữ viết trong mây” (trang 11). Ai cũng đau cả, kể cả những đối tượng ngỡ cần phải che đậy, những sự thật cần  phải giấu đi hoặc chí ít phải lảng tránh: “sợ gì cánh báo chí ghi hình/ các anh chị ấy cũng đang khóc”. Chính vì vậy, mà phải cố yêu, hạ giọng: “con lạy nốt phiêu bồng tứ ngả/ đừng đến đây nhóm chợ nhục/ vinh”. Nhưng làm sao có thể không nhóm cái chợ ấy, vì “cái quay búng sẵn lên trời” rồi, cho nên tất cả đều trở thành những kẻ lần mò: “đào đường lấp hố/ kiếng đen khẩu trang/ bụi đè lên bụi” (tr.13). Phần mở, vừa mới mở ra, đã có vẻ như phải đóng lại liền: tự do công dân là thứ sản phẩm xa xỉ của một xứ sở chỉ còn khả năng chờ: “bạn đến đây mời xơi xà bông/ đứng bên lề nghe ngóng/ đứng bên lề/ nghe/ ngóng” (tr.16). Đến đây, giọng thơ chuyển nhanh từ lời hát của trẻ con qua cách nói hiện đại, nói ngắn, ngắt nhịp liên tục tạo “những vết xước” sâu dần. Nhưng đáng chú ý là, vẫn còn tìm thấy niềm hy vọng, cái chỗ dựa quí giá cuối cùng để con người không bị chết chìm trong một không gian ngột ngạt: “vạn câu không sánh được/ bát cơm em xới/ mắt ngời đinh hương (tr.16).

Phần II (nói lời)
là một sự… bày hàng. Có đủ cả: từ sự thống trị của những… hình hoạt họa: “xin thề lũ ngáo ộp chúng tôi độc quyền nói dối” (tr.23) mà vẫn không quên trơ tráo: “khi nào cần thì chúng ta cà lăm” (tr.29). Từ những cái bóng không - hình chỉ biết ngậm tăm: ?kiếp trước ta là con hến/ chỉ nín” (tr.29). Đó là những hình - mang - dáng - người rơi vào âm mưu tranh đoạt ám hại: “con xe kia của bố/ cả trăm “chai” xin số/ sập hố/ đồng nghiệp giăng bẫy trong nhà thổ” (tr.34). Cái thế giới của những hình hoạt kia, trong nét miêu tả biếm họa, sao lại hết sức rõ - ràng - hiện - thực: “thượng tầng lẫn lộn quỉ ma/ bụng to mặt đỏ ệch à ễnh ương/ ban ngày là chúa là vương/ ban đêm là đám ăn lường tráo dân” (tr.36). Trong không gian của chốn ao đầm bùn ngập tận đầu, chúng “bò vào giấc ngủ mọi vật/ trườn qua giấc mơ lũ chủ/ leo tận nỗi sợ hãi mơ hồ” (tr.36). Nơi ấy, nơi của “toàn cầu thế giới a dua”, nơi chỉ còn lềnh bềnh những xác chết “rác rến rong rêu bao bịch bọc”, tất cả chỉ còn là “đám mộng du đi hàng hàng lớp lớp”. Thực ra, chúng không đi đâu hết (nếu đi, là để đến): chúng chỉ tồn tại như thập loại cô hồn. Mà chúng là ai? Là những hình nộm đang hí hửng nhảy múa kia ư? Vừa đúng, vừa không đúng: những bóng ma kia, ở một góc nhìn xa hơn, ở một tầng nghĩa khác, phải chăng, là… ảnh chiếu của phận người?

phần III (giải lời), người đọc có thể đón nhận được ngay lập tức sự giải mã của tác giả, về nguyên nhân của sự mê lầm của con người: những khẩu hiệu phỉnh phờ, những định kiến xé rách yêu thương… với sức mạnh ghê gớm của… bọt xà bông, một trong những căn ủy của khái niệm vô minh trong tư tưởng Phật giáo. Để thử “giải thoát” khỏi sự tăm tối của tâm thức, phương cách duy nhất là phải… ăn xà beng, sản phẩm “hoạt họa thế kỷ hai mốt/ chơi” (tr.74).

Nói là “chơi”, mà không phải: đó là trách nhiệm công dân. Xa hơn, là thái độ và hành vi của thi sĩ. Đó cũng là một chọn lựa đau đớn, (có chọn lựa nào mà không đớn đau, trừ những kẻ không… thèm chọn lựa?) khi phải nuốt vào những thất vọng để “hy vọng trở mình trên máng xối”, theo cái cách “rơi ngược/ bằng nhìn bầu trời qua ly nước/ bằng li li/ bằng lô lô” (tr.75). Để làm gì? Đơn giản thôi: để có thể có được “bản tường trình” về cuộc sống và “giấc mơ đi vắng”. Giấc mơ đi vắng ư? Lại cũng thêm một phủ định tiếp nữa: không phải là đi vắng, không phải sự lẩn tránh, mà, đi theo Dòng Sống của lịch sử, để nhìn thấy thật tường tận chân dung thực của cuộc sống…

N.Đ.N
(273/11-11)


.....................................
(*) Ăn xà bông - Thơ Phan Trung thành, NXB Hội nhà văn, 7.2011







Các bài mới
Các bài đã đăng