Tác giả-tác phẩm
"Khối vuông Ru-Bích" một hướng tìm tòi mới của thơ Thanh Thảo
14:46 | 29/11/2011
BỬU NAM Tên nhà thơ không còn xa lạ gì với bạn đọc Sông Hương. Có thể nói hình như Tạp chí Sông Hương là mảnh đất thích hợp gieo trồng những tìm tòi nghệ thuật mới của anh.
Nhà thơ Thanh Thảo - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Trích đoạn bài thơ xuôi «Khối vuông Ru Bích», và Trường ca «Đêm trên cát» lần đầu được giới thiệu ở đây - Tên anh cũng không xa lạ với người yêu thơ cả nước. Anh được xem như một trong những tên tuổi nổi bật trong nền thơ ca ta sau 1975 với trường ca «Những người đi tới biển» (QĐND, 1977) và «Dấu chân qua trảng cỏ» (TPM, 1978).

Tập thơ «Khối vuông Ru Bích» lần này tập hợp một số thơ anh viết từ mấy năm gần đây gồm có 9 bài thơ, cộng với một trích đoạn khá hoàn chỉnh gồm 53 đoạn của bài thơ xuôi dài «Khối vuông Ru Bích» và một trường ca «Đêm trên cát» (viết về một đêm của nhà thơ Cao Bá Quát).

Trong 9 bài thơ lẻ, tác giả dành 5 bài thơ để nói những cảm nghĩ về thơ ca nghệ thuật và cuộc đời, đó là các bài: «Có một lần nghe giao hưởng số 7», «Đọc những nhà thơ da đen», «Nếu Mai-kôpxki sống đến tuổi chín mươi», «Đàn ghi ta của Lorca», «Ở năm tám mươi lăm của một con tàu» (viết về nhà thơ Aragông) và nếu kể cả... trường ca Đêm trên cát (về Cao Bá Quát) vị chi là… khá nhiều. Điều đó nói lên một sự quan tâm chú ý của tác giả về chính nghề thơ: Nhiệm vụ, sứ mạng của thơ ca và qua những đề tài này hình như đó là cảm hứng thích hợp để Thanh Thảo diễn tả cái quan niệm về cuộc đời mình. Trong đó có những đoạn thật hay, bắt ta phải nhớ mãi:

«Tôi đọc màu da - than của niềm hy vọng
đáy của mọi chiều sâu
chất liệu âm thầm của lửa
như cây non ngày cả gió
tôi run lên trước làn roi ngôn ngữ
tiếng thét bị ghìm giữa nụ cười chua cay

(Đọc những nhà thơ da đen)

Bốn bài còn lại, hai bài viết về đề tài chiến tranh. «Một người lính nói về thế hệ của mình». «Thị xã Lạng Sơn». Bài trước đáng kể hơn, nó như một thứ tuyên ngôn của người trẻ về chiến tranh và là một loại thơ viết cuộc chiến rất thực đến trần trụi mà đầy cả trách nhiệm:

«…
Một thế hệ thức nhiều hơn ngủ
xoay trần đào công sự
xoay trần trong ý nghĩ
đi con đường người trước đã đi
bằng rất nhiều lối mới

Thế hệ chúng tôi trắng từng đêm lội nước
Sình bết từ chân bết đến đầu
nên giọng nói có nhiều khi ngang dọc
nên cái nhìn có lắm phen gai góc
vì ngọn lửa chịu sình là lửa thực
đã bùng lên dám cháy tận sức mình…

và hình ảnh bạn bè hiện lên thật khó quên! Thằng bạn tôi đăm đăm nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước, đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được chứa đầy một hố bom và một ngôi sao
(Một người lính nói về thế hệ mình).

Trường ca «Đêm trên cát» mang nhiều tâm huyết của tác giả. Viết một đêm của nhà thơ tài hoa đầy khí phách mà mệnh bạc Cao Bá Quát, tác giả đã nêu lên được chân dung tinh thần, nhân cách và bài học làm nhà thơ và làm người. Ngôn ngữ và câu thơ rất mới mà đượm cái phong vị của thơ cổ:

«hoa gạo trong sương sớm
nung nấu lòng kẻ xa
ta đứng phía mặt trời lên chậm
nửa đường đời cơn gió thoảng qua

Và như thể lá bàng khô
cắn răng chịu rét mà chờ lộc non»


Cấu trúc của trường ca gồm từng đoạn ngắn vài ba câu đến năm bảy câu, vẽ nên cái thần, cô được trong cái khoảnh khắc những trạng thái tâm hồn và chặng đời của Cao Bá Quát:

«…
Khoảnh khắc ta hụt hẫng
mây dưới chân tan loãng rã rời
hố thẳm
bao năm ròng chới với
lòng mê man vin một chút danh hờ»

và ba câu dưới đây lọt được cái «chí» của Cao Chu Thần:

«ta thích hoa phượng cháy tận cùng ngọn lửa
dù phải thiêu đốt cả mùa hạ»

đến hai câu cuối như một ẩn dụ, đầy triết lý sống:

«Khi quả cây chín được trên cành
nó không lo bao giờ rụng xuống»

Đây là một trường ca loại «thế sự» hay của Thanh Thảo, nhiều đoạn thật tuyệt vời, và nó cũng chứng tỏ thêm tài năng thơ của anh.

Bài thơ xuôi dài «Khối vuông Ru-Bích» đã gây xôn xao trong làng thơ quen thuộc. Nhiều tiếng nói rất thủ cựu : Thơ gì mà cầu kỳ, rắc rối, mà chẳng biết cái khối vuông ru… gì đó có phải là thơ không trước đã? Nhiều tiếng nói khác lại lên tiếng tán thưởng, hoan hô nhiệt liệt: Đó là thơ thứ thật, nói thật, nghĩ thật, viết thật táo bạo, mới mẻ, chừng đó trang chữ mà đưa đến sức gợi, sức nghĩ thật sâu xa, hàm súc mà đầy triết lý. Đặc biệt là giới khoa học rất thích bài thơ kiểu này, chẳng biết có phải tư duy thơ của Thanh Thảo ở bài này phù hợp với con người công nghiệp của cuối thế kỷ XX không nhưng phải nói thật đó là một tìm tòi mới và có thể gọi là cách tân, vì nó đem lại nhiều thông tin nghệ thuật mới về cuộc đời mà hình thức cũ không thể chuyên chở nổi.

Thanh Thảo đã tìm được một từ hay để diễn đạt ý tưởng, hồi ức, quan niệm của mình, đó là trò chơi ru bích: Xoay những ô vuông với những màu sắc khác nhau, vàng, xanh, đen... từ những vòng xoay đó là toàn bộ những cái gì sâu thẳm nhất của anh được biểu lộ. Mỗi vòng xoay là một ý tưởng, một hồi ức, một cảnh đời, một đối thoại đầy ý nghĩa, một suy ngẫm triết lý về thơ và đời:

... «Có lẽ, anh chỉ nên sống bằng thời gian của chính mình , con người anh là đồng hồ sinh học của anh. Như thế anh có thể làm việc trong những hoàn cảnh hết sức khác nhau mà không sợ bị khớp hay bị lạc lõng. Nghĩa là anh vừa có cái chăm chú của người thợ tiện đứng máy, vừa có cặp mắt nhìn thẳng của người lái xe buýt trong thành phố, vừa có sự chậm rãi của người làm vườn tỉa cây nhổ cỏ, vừa có cái vẻ ngạc nhiên và lơ đãng của trẻ con trên đường. Bằng thứ đồng hồ ấy anh đo được những tốc độ và những khoảng ngưng lặng sâu thẳm nhất»...
(đoạn 56 trang 29)

Phải nói đọc kỹ bài thơ xuôi này, ta thấy những đoạn thú vị, những ý nghĩ sắc sảo, những tư tưởng độc đáo khá nhiều… Và gì thì gì, nó đem lại cho người đọc một cái gì đó đáng suy ngẫm, nghĩ ngợi và đó là sự thành công trong một ý nghĩ nào đó và bài thơ đó là một sự tìm tòi rất là Thanh Thảo. Nên chấp nhận điều đó một cách thông minh nghĩa là đừng xem đó là cái khuôn của thơ ca, mà như là một sự tìm tòi để nói một nội dung thích hợp với Thanh Thảo. Thế thôi !

3-86
B.N.
(18/4-86)






Các bài mới
Các bài đã đăng