[if gte mso 9]> Trên tinh thần đó, ở góc độ của người đọc, chúng tôi xin góp một số ý kiến giới hạn trong phạm vi nhân vật Tôn Thất Thuyết, người chủ xirớng của sự kiện lịch sử Huế 1885. Một thế kỷ đã qua từ ngày Tôn Thất Thuyết phát lệnh tiến công quân Pháp năm 1885 tại Huế. Một trăm năm đã để lại khá nhiều ý kiến khen chê về ông. Nhận định về Tôn Thất Thuyết qua vai trò lịch sử của ông, chúng tôi nghĩ trước hết không thể không lau sạch những lớp bụi mờ đã phủ lên khuôn mặt lịch sử đó. Những lời bàn tán chung quanh Tôn Thất Thuyết bị nhiều ngirời, nhất là những kẻ kinh hoàng sau biến cố "thất thủ kinh đô" cường điệu hóa thành những giai thoại ly kỳ, về sau lại được Trần Trọng Kim, Phan Trần Chúc, Đào Trinh Nhất và một số người mang nguyên những giai thoại thiếu kiểm chứng để viết lại, tiếp tục tô thêm những ấn tượng không tốt về Tôn Thất Thuyết. Một người như Tôn Thất Thuyết, tám năm lăn lộn ở chiến trường phía Bắc mà đến Tự Đức, người vốn nổi tiếng khó tính với quan lại cũng phải nhận định là "suy nghĩ chu đáo", "tài khí đáng khen", "không phải cuồng dũng như Ông Ích Khiêm, ít học như Trương Văn Để cho nên Lê Tuấn cũng từng khen là biết lễ"(1). Những chuyện giết trẻ chửi mẹ, tương tự một số chuyện kể như Tôn Thất Thuyết vặn cổ cô đào hát đi ngang dinh vì đội nón để ngược quai, giết những ai ở gần nơi đóng quân kể cả gà, chó, và thậm chí cả giun dế... tự nó có những điểm huyễn hoặc, thiếu lô-gích, có tính cường điệu, song cũng toát lên ý nhằm để bảo vệ một nguyên tắc, một quan điểm hoặc tô đậm tính ít nói, ghét ồn ào của ông. Loại chuyện kể này xét cho cùng cũng có thể xuất phát từ sự cường điệu về một số đặc điểm, tính tình và thái độ sống chưa hay của Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết trấn áp những phần tử chủ bại dẫu đúng vẫn là điều hợp lý. Đặt trong tình thế 1885, trấn áp những phần tử đầu hàng, phản bội để bảo vệ cuộc chiến đấu là điều phải làm, nhất là đối với những người giữ trọng trách như Tôn Thất Thuyết, phương pháp làm và mức độ xử lý lại là vấn để khác. Đọc một ít thơ văn của Tôn Thất Thuyết may mắn còn sót lại, tìm qua bài vè Thất thủ kinh đô để hiểu nhân dân lao động Huế đánh giá về ông, chúng ta thấy truyền thuyết kể về con người hiếu sát hoàn toàn xa lạ với con người Tôn Thất Thuyết được nhân dân khắc họa và thơ văn ông phản ánh lại. Một con người để câu đối trước đền thờ mà lại thấy "núi dựng như vách, mặt suối bằng phẳng như mặt ao, mây nước mơ hồ như ở ngoài cõi đời", thấy "trăng là đèn, gió là quạt, trúc tùng đứng yên trong vùng cũ" phải chăng là một con người "vô học", "nóng nảy nói càn" hay phải là một người có tâm hồn sâu lắng, có một tấm lòng nhạy cảm. Ngồi nhìn chim én bay trong mưa gió tơi bời, Tôn Thất Thuyết thương cảm hỏi sao chim không về nương thân chốn đình đài mà lại bay mãi bên góc rừng mưa gió. Hà sự đình đài hồ bất quy? Sơn biên phong vũ cộng phi phi. (Vũ trung phi yến) Người mà vè Thất thủ kinh đô kể lại trên đường tập kết quân để rời kinh đô ra bưng biền, lại khóc với cha vì xót thương vợ con gian nan. Hai hàng nước mắt ròng ròng, Thảm thương con vợ mắc vòng gian nan. và ân cần dặn binh lính: Chú mô con vợ chưa thành, Cho về định liệu sở sanh việc nhà Chú nào còn mẹ còn cha, Cho về bảo dưỡng vậy mà cho lui. Con người đó dễ gì lại chém giết bừa bãi, dễ gì lại xem rẻ sinh mạng đồng bào mình. Đọc bài thơ Thuật hoài (Tự nói chí mình) của Tôn Thất Thuyết mới thấm thía tấm lòng của ông: Lòng trung không nỡ bỏ Tây châu, Giữ lấy Thao, Đà, mạn thượng lưu. Họp đám cô quân nơi viễn cảnh, Cầm ba thước kiếm chém quân thù. Lẻ loi đất Bắc chim hồng nhạn, Phảng phất trời Nam gió ngựa trâu. Báo quốc lòng non sông núi tạc, Gội bao sương tuyết bạc phơ đầu (2) Phan Đình Phùng, người nổi tiếng trung trực thẳng thắn, giữa triều công khai phản đối Tôn Thất Thuyết, đã bị Tôn Thất Thuyết cho bắt trói và cách chức trả về quê, sau đó lại hết lòng theo ông. Ngay trong căn cứ của mình, Phan Đình Phùng đã treo câu đối tự nhắc nhở mình ghi sâu lời dạy của quan Khâm tướng Tôn Thất Thuyết: Liêm binh khâm tướng huấn Ưu nhục lẫm thần tâm. (3) Tiến sĩ Nguyễn Quang Bích, thủ lĩnh Cần vương khu Tây Bắc trong thơ của mình đã nói về Tôn Thất Thuyết bằng những từ trang trọng "đại nhân", "sao ngưu, sao đẩu", xem ông là ánh sao ngưu lấp lánh thường đêm ngóng tìm (Ẩn ẩn ngưu quang hướng dạ tầm) (4). Con người đó hẳn phải có một bản lĩnh thu hút, một tấm lòng không thể đánh giá giản đơn. *** Con người đó gần một trăm năm gánh chịu nhiều "thiệt thòi": đau lòng vì thế nước ngã nghiêng, nghĩa lớn không thành, cha bị giặc đày, mẹ và vợ bỏ xác trong rừng sâu, em và con hy sinh trong chiến đấu, gia đình phiêu tán, thân thế lưu lạc, ngiròi đời lắm kẻ dị nghị. Phải đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, với quan điểm nghiên cứu lịch sử dân tộc đúng đắn, một số nhà nghiên cứu như Trần Văn Giàu (trong Phong trào Cần Vương, quyển 3, chống xâm lăng, Hà Nội, 1957), Đinh Xuân Lâm, Triệu Dương, Đặng Huy Vân, Trần Huy Liệu... (trong loạt bài trên tạp chí Nghiên cứu Văn Sử Địa năm 1958 tại Hà Nội) và qua một số tuyển tập văn thơ yêu nước, Tôn Thất Thuyết mới từng bước được nghiên cứu và xác định là một nhà yêu nước, tiêu biểu cho ý chí để kháng chống xâm lược của phong trào Cần Vương, tuy nhiên đây mới là những bài mở hướng, cần phải có những công trình tiếp tục đào sâu. Lần này, Thái Vũ dựng lại một đoạn đời của Tôn Thất Thuyết, không cần phải trích dẫn, biện luận, phân tích rạch ròi, mà bằng thủ pháp của người viết tiểu thuyết lịch sử, nhà văn đưa Tôn Thất Thuyết trở lại với Huế 1885 trong tư thế "đường đường chính chính". Tác giả đã cố gắng bám vào một số sự kiện lịch sử, sử dụng vốn hiểu biết khá phong phú về triều Nguyễn, để tái hiện lại không khí sôi động của kinh thành Huế trong thời điểm trực tiếp đụng đầu với thế lực xâm lược Pháp, không phải từ cửa biển Thuận An, mà lấn sâu đến trung tâm Tử Cấm Thành. Một loạt các nhân vật lịch sử, từ những khuôn mặt tiêu biểu cho nhóm chủ chiến như Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Trần Xuân Soạn, Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Tiệp (chứ không phải Tôn Thất Thiệp), Hồ Văn Hiển... đến những người chủ hòa và sẵn sàng đi tới chủ bại, thông đồng với Pháp như Dục Đức, Hiệp Hòa, Trần Tiễn Thành. Từ Dụ, Chánh Mông (Đồng Khánh), Tuy lý công, Gia Hưng quận công, Thọ Xuân Công, Nguyễn Nhược Thị... những Nho sinh nặng lòng với nước như Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Thượng Hiền, những kẻ cơ hội như Nguyễn Văn Tường, Trương Quang Đản đều được tác hiện. Tác giả đã ý thức không phải chỉ phản ánh Huế 1885 dừng lại trong sự kiện của cung đình, mà cố gắng làm sống lại không khí của các tầng lớp nhân dân, từ những người dân bình thường yêu đất nước như anh Tam, cô Duyên, người lão bộc của Phan Đình Phùng, bà mệ thành nội, ông lão bến đò Phù Lễ, cô Tám Lệ Thủy... đến những Trần Quốc, cô Loan và những tên lính Tây dương khả ố. Tất cả đều xoay quanh một trục lớn là tình thế của đất nước, của Huế 1885 nhưng từng nhân vật đều bộc lộ được nét riêng về phong cách, về xu hướng chính trị, không đến nỗi bị nắn lại một cách sống sượng. Riêng với Tôn Thất Thuyết, Thái Vũ đã cố gắng tái hiện cả vóc dáng, tác phong, suy nghĩ và hành động của nhân vật. Trong một số trang, có thể nói chữ nghĩa đã được Thái Vũ kết lại thành một vòng hoa danh dự, trang trọng đặt lên nấm mồ quạnh hiu của một nhân vật lịch sử (như đoạn tả cuộc hội kiến giữa Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi tại hành cung Quảng Trị). Nhưng đáng tiếc nhà văn đã không dọn sạch lớp cỏ hoang trên nấm mồ cũ, lổ chổ nhiều nơi cỏ gai đã che mất vòng hoa vừa đặt. Hình như Thái Vũ chưa giải đirợc ám ảnh của một Tôn Thất Thuyết "đa nghi, hiếu sát" qua giai thoại, cộng thêm sự nhầm lẫn, tìm hiểu chưa chính xác về thân thế và những chặng đời hoạt động của Tôn Thất Thuyết nên đã làm nhân vật bị méo mó và khập khiểng trên một số mặt. Tác giả nhầm quan Tướng Tôn Thất Thuyết, (ông thường được gọi là quan Tướng để phân biệt với quan Quận Nguyễn Văn Tường) là tướng võ, nên say sưa mô tả tác phong của một võ tướng đầu triều. "Đang ngồi xếp bằng tròn trên sập, quan tướng thân thần Tôn Thất Thuyết bỗng theo một thế võ, búng ngirời xuống đất" (trang 65) để "với tay lấy tấm áo dài đen treo trên mắc áo". Thật ra Tôn Thất Thuyết xuất thân từ quan văn chuyển sang làm việc võ, năm 1869 ông là Án sát Hải Dương, được sung Tán tương (chức quan văn giúp thêm về việc võ), liền đó về kinh làm biện lý bộ Hộ. Năm 1870, sau trận Tô Quốc Hán đánh úp Lạng Sơn, giết Tổng đốc quân vụ đại thần ở Bắc Kỳ là Đoàn Thọ, Tự Đức cử Hoàng Tá Viêm làm Thống đốc quân vụ đại thần Lạng - Bằng - Ninh - Thái đi đánh dẹp ; Tôn Thất Thuyết được cử làm Tán tương theo Hoàng Tá Viêm. Đại Nam thực lục chính biên từ tập 32 đến tập 35 cho biết từ 1870 đến 1877 Tôn Thất Thuyết lần lượt giữ các chức vụ chính (không kể những lần giáng cấp) như Bố chính Hải Dương (1872), Tham tán, hưởng hàm Thự Tham tri bộ Binh (1873), hàm Hữu Tham Tri (1874). Tuần vũ Sơn Tây (1874), Thự Tổng đốc Ninh - Thái (1875)... Đối chiếu với phẩm cấp quan chế triều Nguyễn, những chức vụ ấy đều là chức quan văn. Tôn Thất Thuyết còn là nhà thơ, phần lớn thơ lưu lại là những bài xướng họa với tiến sĩ Nguyễn Quang Bích. Những đoạn "nhiều khi quan Tướng" nổi khùng, "chính tay quan Tướng chém người đã làm quan Tướng không bằng lòng" (tr.169). "Tại đây và quanh đây không hề nghe nổi một tiếng động dù nhỏ do con người tạo ra, tất nhiên kể cả tiếng trẻ con khóc, tiếng chó sủa, mèo kêu, gà gáy. Quan Tướng thân thần không thú vị với những tiếng đó, kể cả tiếng dế kêu khi đóng quân. Nếu không, khổ chủ có thể bị chém đầu" (tr. 51). Tôn Thất Thuyết đang hỏi chuyện Trần Xuân Soạn, bỗng vung kiếm chặt đứt chân án thư, gọi "lính đâu", rồi xách gươm ra hiên, hai người lính từ cổng vào sụp lạy, vừa đứng dậy thì "cùng lúc hai chiếc đầu lìa khỏi cổ" là sự lập lại giai thoại thiếu thận trọng về kiểm chứng và phân tích… Hành động đa nghi và hiếu sát mô tả không xứng với những đoạn tác giả cố gắng dựng lại hình ảnh Tôn Thất Thuyết, một thủ lĩnh chống Pháp. Công cuộc chuẩn bị tổ chức nổi dậy chống Pháp của Tôn Thất Thuyết về các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao đã được nhiều nguồn sử liệu (như Đại Nam thực lục chính biên. Quốc triều chính biên toát yếu, Lịch sử Việt Nam của Hoàng Văn Lân, Thơ Văn Nguyễn Xuân Ôn, Việt Nam Pháp thuộc sử của Phan Khoang...) phản ánh khá chi tiết và phong phú, chưa được tác giả thể hiện, đã làm giảm tính chiến lirợc của cuộc nổi dậy tiến công Pháp năm 1885 tại Huế, trong đó đáng kể là việc Tôn Thất Thuyết nỗ lực củng cố lực lượng chủ chiến tại triều đình, khẩn trương tăng cường quân đội và chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài như lập trường diễn võ để huấn luyện bắn súng Tây, gởi mật thư yêu cầu các quan ở Bắc kỳ thu thuế, thu thóc gởi về kinh phòng ngừa chiến tranh, cho thu quân phí ở Bắc kỳ bằng tiền và bán thóc ở kho các tỉnh để mua vũ khí. Từ năm 1882, ông đã cho củng cố một số sơn phòng, lần lượt đặt thêm nha sơn phòng Hà Tĩnh, Quảng Nam, tăng cường phòng ngự địch ở Bình Thuận, điều động hai người em ruột lên trực tiếp lo việc xây dựng sơn phòng Quảng Trị (mà chỉ riêng lời khai của Nguyễn Văn Tường với Champeaux thì từ đầu tháng 6-1885, triều đình đã đưa ra Tân Sở hơn 300.000 lượng bạc nén và vàng lá. Mấy ngày trước khi nổ ra cuộc tấn công Pháp, Tôn Thất Thuyết còn muốn đưa thêm ở kho nội vụ 700.000 lượng nhưng Tường không đồng ý), lấy danh nghĩa chiêu dân lập ấp, tập hợp các đồng bào miền núi lập thành thôn ấp, Tôn Thất Thuyết đã hình thành dọc Trường Sơn một hệ thống sơn phòng kéo dài từ Quảng Trị đến Ninh Bình, từ Quảng Nam đến Bình Thuận, mở một đường thượng đạo len lỏi từ núi rừng Thanh Hóa ra vùng thượng du Hưng Hóa, có thể liên lạc với Vân Nam, ông còn tìm cách liên kết kích động cuộc nổi dậy chống Pháp ở Campuchia để phân tán lực lượng địch. Tại kinh đô, Tôn Thất Thuyết đã cổ động tinh thần chống giặc của sĩ phu và binh lính (đưa Hoàng Diệu đã chết trước đó khá lâu và số chết trận tại Thuận An vào liệt thờ ở đền Trung Nghĩa để nêu cao sĩ khí, truy tặng 256 người hy sinh ở Thuận An phẩm hàm, cấp tiền tuất, cấp lúa và cho con cháu khai ấm,...), chủ trương giằng co với Pháp từng bước một để vừa bảo vệ chủ quyền về nội trị và quân sự vừa có điều kiện chuẩn bị cho cuộc tấn công v.v... Nghĩ cho cùng, đòi hỏi người viết tiểu thuyết lịch sử phải làm việc như một nhà nghiên cứu lịch sử là một yêu cầu có phần khắt khe, song trước hết người viết tiểu thuyết cũng phải thu thập tài liệu để chắt lọc và làm bật sự kiện qua ngòi bút thoải mái của nhà văn. Đọc đoạn Thái Vũ dựng lại buổi vua Hàm Nghi tiếp sứ thần Pháp trong buổi lễ tấn phong quá vắn tắt, chúng tôi không khỏi liên tưởng đến đoạn Gaulchier kể lại chính sự việc đó (trong Le Roi proscrit Hanoi, 1940). Lúc đến tấn phong Hàm Nghi, phái đoàn Pháp do đại tá Guérier, Khâm sứ Rheinart và thuyền trưởng Wallare dẫn đầu với 25 sĩ quan, 160 lính Pháp, Tôn Thất Thuyết chỉ cho ba tên dẫn đầu vào cửa giữa Ngọ Môn, không được mang gươm; 60 lính và 16 sĩ quan Pháp được vào cửa bên, còn lại phải ở ngoài. Quân lính và bá quan văn võ triều Nguyễn được giàn giá chỉnh tề, vua Hàm Nghi không xuống đón, không đứng dậy, chỉ ngồi trên ngai tiếp khâm sứ Pháp. Sau lễ tấn phong, Tôn Thất Thuyết cho quan hầu đưa phái đoàn Pháp ra cửa bên, thực dân Pháp tức tối, cả kinh thành và cả nước hoan nghênh. Chính Gaulchier viết "Vô tình vị vua trẻ tuổi vừa làm một việc mà ảnh hưởng vang dội lớn lao trong cả nước, khẳng định cho ý chí muốn giữ độc lập và dù Pháp đóng quân ở Huế thì triều đình vẫn không quỵ lụy trước họ. Thái độ tiêu biểu của vị vua trẻ tuổi ấy là do Hội đồng phụ chính bày vẻ thêm. Hội đồng phụ chính có lý mà tin rằng nhân dân trông vào thái độ của vua để noi theo, xem thái độ ấy như một mệnh lệnh không nói ra bằng lời để nhân dân kháng cự với kẻ mới đến" (Gaulchier, sách đã dẫn, trang 10). Tiếc thay khí thế đó ít được Thái Vũ làm sống lại. Qua "Huế 1885", Thái Vũ lại trao nhầm cho Tôn Thất Thuyết một vinh dự mà ông không đáng được hưởng, có thể xuất phát từ thái độ quyết liệt của Tôn Thất Thuyết đối với Dục Đức, Hiệp Hòa mà tác giả đã để cho Tôn Thất Thuyết nghĩ "Thiên hạ là của thiên hạ, chứ đâu phải của riêng nhà vua". Theo đà đó, một lần khác Tôn Thất Thuyết lại than thở "Ôi, nếu những năm ấy ta có chút quyền hành như bây giờ thì Phan bình công Hồng Tập, Phò mã Trương Văn Chất, cũng như anh em họ Đoàn đâu đã thành người thiên cổ " (chỉ hai vụ chống Tự Đức của Hồng Tập và Đoàn Hữu Trưng). Điều này có thể ngược lại vì sử sách cũng đã ghi khá rõ: Khi Trần Tấn và Đặng Như Mai khởi nghĩa ở Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh "đánh cả triều lẫn Tây", lúc đó Tôn Thất Thuyết đang làm Tuần phủ Sơn Tây, ông đã cùng với Hoàng Tá Viêm tự động đem 1.200 quân và voi tiến quân về Thanh Hóa "dẹp loạn" vì đây là quê hương của vua nên cứ đánh rồi tâu sau. Tự Đức được tin này hết lời khen Tôn Thất Thuyết là có lòng với vua nên chưa đánh đã thưởng trước cho Hoàng Tá Viêm và Tôn Thất Thuyết thăng hai cấp, đánh thắng xong Tôn Thất Thuyết còn được thưởng thêm 3 thứ quân công kỷ lục Đại Nam nhất chính biên tạp lục, tập 33, trang 68-70). Vì vậy cũng có khả năng Tôn Thất Thuyết sẽ là người đánh dẹp "giặc chày vôi" hơn là người đồng tình với việc làm của anh em họ Đoàn như Thái Vũ đã viết. *** Thật ra, giữa Tôn Thất Thuyết và chúng ta đã có khoảng cách trăm năm, xóa đi những lớp bụi mà người đời, nhất là những thế lực thù ông đã gán ghép cho ông không phải dễ, song tìm hiểu một bước về cuộc đời và vai trò lịch sử của Tôn Thất Thuyết, chúng tôi thấy giữa ta và người xưa vẫn còn hòa chung một điệu: đó là lòng yêu chính nghĩa, ghét gian tà. Đặt trong hoàn cảnh tối tăm nửa cuối thế kỷ XIX, vận mệnh đất nước nghiêng ngả, thực dân Pháp hung hãn với "tàu đồng, súng máy" và đằng sau họ là cả một nền tảng kỹ thuật, một lực lượng kinh tế, trong lúc đó đại bộ phận vua quan nhà Nguyễn tự giam mình trong cuộc đời chật hẹp, cả một đất nước nhân dân chưa có mầm mống mới để khuấy động, làm nên sức mạnh triều dâng thác lũ, thì một số người như dạng Tôn Thất Thuyết đã dũng cảm đấu tranh, tập hợp quân tướng để đứng dậy chặn đứng sự đầu hàng và nổ súng ngăn bước tiến xâm lăng của giặc là một nét đẹp đáng trân trọng. Ông và những người đồng chí của mình đã tiến hành đấu tranh dưới sức ép ngàn cân của thực dân, giữa một triều đình mà từ vua, mẹ vua, hoàng thân quốc thích và phần lớn quan lại chủ hòa đang ngấm ngầm hoặc công khai thỏa hiệp, sẵn sàng thông đồng với giặc để quật ngã những người yêu nước, thì Tôn Thất Thuyết, mặc dầu xuất thân trong hoàng tộc, bị câu thúc ngặt nghèo của giai cấp và thời đại, ông vẫn không phải là loại trung thần hủ lậu, thủ tiêu ý chí chiến đấu để phục vụ cho bọn hôn quân, ám chúa. Giá trị căn bản về tư tưởng và hành động của Tôn Thất Thuyết nổi lên ở điểm đó. Song điều kiện xã hội và giai cấp đã hạn chế không ít đến sự phát triển những yếu tố tốt đẹp của Tôn Thất Thuyết. Ở ông, lòng yêu nước có mạnh, chí căm thù giặc có sâu, nhưng lòng yêu nước lại gắn với lòng trung quân của nhà nho, với ước vọng khôi phục lại cơ đồ nhà Nguyễn, trong lúc cuối thế kỷ XIX tư tưởng Nho Giáo với hệ ý thức phong kiến không cho phép đem lại một giải pháp thích đáng, có thể đưa dân tộc thoát khỏi nguy cơ mất nước. Triều Nguyễn hơn hai mươi năm chìm sâu trong tư tưởng chủ bại, nay dù có một bước chuyển biến khi Hàm Nghi bỏ kinh thành ra vùng sơn cước, ở nhà tranh vách đất để nằm sâu trong lòng nhân dân, song sinh lực của nó không còn đủ sức để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Hệ ý thức chật hẹp đã hạn chế tầm mắt, làm Tôn Thất Thuyết không thấy được tính chất thỏa hiệp, mà thực chất là đầu hàng chưa dong tay của Tự Đức. Sự trung thành của Tôn Thất Thuyết đối với Tự Đức thể hiện qua việc ông tự động đưa quân từ Sơn Tây về đàn áp phong trào Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa là một sai lầm lớn. Trong cuộc chiến đấu chống Pháp, Tôn Thất Thuyết vẫn chưa nhận ra đầy đủ sức mạnh của nhân dân, của quần chúng yêu nước. Ông trấn áp quyết liệt nhóm chủ hòa với giặc chỉ bằng bạo lực quân sự, mà chưa lúc nào nghĩ đến bạo lực chính trị. Khi có ý đồ tổ chức chống Pháp lâu dài, Tôn Thất Thuyết cũng mới nghĩ đến xây dựng sơn phòng hơn là tập hợp nhân dân. Tiến công Pháp năm 1885 tại Huế, ông hoàn toàn dựa vào binh sĩ, nhân dân chưa được phát động để hợp sức làm nên màng lưới "thiên la địa võng" - Ông từng viết chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân, nhưng nhân dân dưới mắt ông vẫn là muôn dân trăm họ của triều Nguyễn. Chính hệ ý thức đó đã tạo ra ở ông một thái độ sống chưa thật đẹp. Tính nóng nảy, có thể phần nào hẹp hòi, thiếu tôn trọng đối với nhân dân lao động của ông phải chăng đã góp một phần tạo ra những dư luận, truyền thuyết che mất những nét đẹp cơ bản của ông. Đó là chưa kể sai lầm lớn của Tôn Thất Thuyết khi ông dựa vào thế lực phong kiến Trung Quốc về sau, tin vào một lực lượng đang trên đường tan rã, tự nó không thể cứu lấy mình, để đất nước bị đế quốc chia năm xẻ bảy nhưng "cái nết đánh chết không chừa", lại cứ âm mưu với thực dân Pháp chia phần thử lợi ở Việt Nam. Sai lầm này đã đưa ông vào thế "buồn vì việc nước, khóc ra huyết lệ", phẫn uất chỉ biết cầm dao chém đá trong suốt những năm cuối đời. Tôn Thất Thuyết không thể giải quyết nổi mâu thuẫn, đồng thời cũng là tâm sự bi đát của một thủ lĩnh Cần Vương hết lòng thù giặc, nhưng cuối cùng phải cảm thấy mình bất lực trước quân thù. Mâu thuẫn đó, tâm sự đó cũng là mâu thuẫn, tâm sự chung của khá đông lớp sĩ phu Cần Vương, Văn Thân yêu nước, chống Pháp thời bấy giờ. T.T.C - N.X.H (19/6-86) ------------------ 1. Đại Nam Thực Lục chính biên sđd tập 34, trang 370 2. Trích lại ở thơ văn Nguyễn Quang Bích, Hà Nội, 1983, bản dịch của Kiều Hữu Hỷ, Lã Xuân Mai, Nguyễn Văn Bách. 3. Đào Trinh Nhất, Phan Đình Phùng. Sài Gòn, Tân Việt 1957. 4. Thơ văn Nguyễn Quang Bích, sđd. |