Truyện ngắn dự thi 2024
Qua Hải Vân là nhà
14:27 | 05/09/2024


TRƯƠNG TUỆ ĐĂNG

Qua Hải Vân là nhà
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

- Bán cho tôi một vé tàu.

- Anh đi đến ga nào?

- Lấy cho tôi đến ga xa nhất.

- Sao? Anh chắc đến ga Hà Nội chứ?

Cô bán vé tàu nhìn Hoàng ngơ ngác. Hoàng gật. Do cận giờ tàu chạy nên chỉ còn vé toa giường nằm.

Như người mộng du theo chỉ dẫn, Hoàng lên đúng toa.

Toa bốn giường nhưng chỉ có Hoàng. Tàu khởi hành, chưa bao giờ Hoàng mong tàu chạy như đêm nay. Tại sao Hoàng không về Huế, thành phố nơi chôn nhau cắt rốn của Hoàng. Không. Hoàng muốn bốc hơi khỏi thành phố đó. Cái thành phố chứng kiến những nấc thang thành công rực rỡ mà cũng là nơi tỏ tường những bẽ bàng tủi hổ của đời anh. Trong một giờ đầu trên tàu, trong cái gập ghềnh lắc lư, Hoàng thiếp đi trong dư âm của rượu. Có thể khi tàu tới Đà Nẵng anh sẽ uống một viên thuốc ngủ để khi tàu qua Huế anh đã chìm vào trong giấc quên.

Đã tới ga Mường Mán. Vậy là thành phố mà Hoàng đang muốn lìa bỏ kia còn mấy trăm cây số.

Sau giấc ngủ mê mệt, Hoàng hồi tỉnh. Cầm lấy vé tàu. Ra Hà Nội sao? Để làm gì? Có ai đợi Hoàng ở đó không?

Hoàng nằm rũ xuống giường oặt oại như cây chuối gãy ngang thân. Cứ nằm đã. Từ từ tính tiếp.

*

Giờ này đêm trước Hoàng còn trên sân khấu diễn vai hoàng tử trong vở Tấm Cám ở vùng ven Sài Gòn. Từ trên sân khấu thấy bên dưới loe hoe vài khán giả. Lúc vào cánh gà, Hoàng nghe anh hậu đài nói bán được bảy vé năm vé người lớn, hai vé trẻ em. Nghe báo Hoàng ngao ngán thấy hết hứng để hát. Hồi thời hoàng kim của sân khấu khán giả kéo tới đông nghẹt, tiền bán vé phải dùng cả bao bố để đựng. Đa số là tiền lẻ, những đồng tiền mà khán giả cắc củm dành dụm. Tiền mua một vé hát đủ cho gia đình nhỏ một bữa cơm nếu tằn tiện. Nhớ một lần đoàn hát về Tây Ninh, có một bà cụ dẫn theo ba đứa nhỏ tay xách giỏ bàng. Bà cụ tới chỗ bán vé nói tôi không tiền mà mấy đứa cháu nội, cháu ngoại đòi đi coi hát quá, cho tôi đổi bốn lít gạo lấy vé cho tụi nhỏ coi. Lại có ông già chẻ củi mướn cho người ta, tiền làm công bữa đực bữa cái. Ông lặn lội đi coi hát từ chạng vạng tới nơi đứng bên ngoài nghe hát chờ tới cảnh cuối đoàn xả giàn ông vô đứng xem say mê. Hoàng biết chuyện hay nói với anh em trong đoàn ông cụ thật may mắn vì chỉ được chứng kiến những lớp của đoàn viên, của hạnh phúc, người ác bị trừng trị. Rồi cười vô tư lự.

Lại có một lần, khi đạt huy chương vàng hội diễn, phóng viên đến tận rạp nơi Hoàng biểu diễn phỏng vấn viết bài. Lúc đó đang trong  men chiến thắng và nhìn rạp hát không còn một ghế trống, dàn hậu đài phải kê thêm ghế phụ chen chúc lối đi. Hoàng nói tôi cảm ơn tổ nghề đã thương, để báo đáp tấm lòng với tổ nghề Nhuận Hoàng tôi sẽ hát đến hơi thở cuối cùng, chỉ cần có một khán giả đến xem là tôi sẽ hát.

Hồi đó Hoàng nói cho thỏa cơn thèm nói, nói cho đồng nghiệp, khán giả biết mình yêu nghề sống chết với nghề. Như chàng trai đang yêu say đắm cứ thề thốt bất chấp.

*

Người trong nghề hay tôn vinh nhau những danh hiệu nữ hoàng sân khấu, vua vọng cổ, ông hoàng hồ quảng, cải lương chi bảo, nữ hoàng sầu muộn… Những cái tên tỏa hào quang chói lọi. Ban đầu khi được gọi, người nhận sướng tỉ tê nhưng ra chiều khiêm tốn, cũng có người e ngại vì chưa xứng. Không lâu sau, danh hiệu ấy đương nhiên trở thành một tiền tố đi trước nghệ danh như một phần không thể tách rời. Hoàng có danh hiệu hoàng tử sơn ca. Đó là khi vào nghề nhìn sắc vóc, ông bầu thấy Hoàng nhỏ con nhưng được giọng hát lảnh lót rồi đặt làm bảng hiệu Hoàng tử sơn ca Nhuận Hoàng. Hoàng sợ mấy anh chị nghệ sĩ trong đoàn không hài lòng vì trong nghệ thuật mỗi người là một độc bản là riêng là thứ nhất. Người ta soi nhau bằng kính dùng rọi kim cương. Kim cương còn có rạn có bọt huống chi là người. Người ta cười khẩy chẳng qua trò lăng xê của ông bầu chứ nó có gì hay mà quên rằng chính tên tuổi người cười ấy cũng là sản phẩm của công nghệ lăng xê. Thời đó không có kiểu PR như thời nay có nhóm người hâm mộ. Mọi tin tức, mọi hoạt động của nghệ sĩ đều đưa lên nhóm. Khoảng cách giữa người nghệ sĩ và khán giả rút ngắn đến một ngày khán giả ngộ nhận người nghệ sĩ mình yêu quý gần gũi thân thuộc hơn cả những người ruột thịt của họ. Thời của Hoàng làm nghề đơn giản hơn nhiều. Những bảng hiệu treo trước rạp, trước bãi đất trống quây bồ lại dựng sân khấu làm nơi biểu diễn. Chiếc xe quảng cáo chạy chầm chậm trên đường rao những danh xưng rất kiêu, những tờ rơi in hình nghệ sĩ được rải chầm chậm cho người đi đường nhặt. Ngoài danh xưng đó thì người trong nghề còn truyền tai nhau một danh xưng khác của Hoàng.

Đoàn hát Hoàng đi đầu tiên là gánh hát Sóng Giang một cách tình cờ. Lúc đó Hoàng mới mười lăm tuổi. Nhà nghèo, ba mất sớm Hoàng đi cắt lúa mướn rồi vác lúa cho người ta. Ăn không đủ no mà làm nặng nhọc nên người Hoàng choắt lại như đứa con nít mười một, mười hai tuổi. Nhưng Hoàng được cái khôn lanh của người vào đời sớm. Lần đó, anh kép chánh của đoàn cặp vai cô gái đi ngoài chợ thì có người đàn bà xông tới. Anh kép chánh hoảng hồn không biết bà vợ ở đâu bất ngờ tới nơi lưu diễn cách nhà mấy trăm cây số. Bà ta túm tóc cô gái, la hét. Anh kép luýnh quýnh không biết cách nào để mình và người yêu thoát thân. Móc túi, móc túi kìa. Bà vợ anh kép sững lại sờ hết túi áo túi quần, kiểm tra ví thấy còn đủ tiền bạc, giấy tờ. Ngẩng lên thì ông chồng và ả tình nhân biến mất hút. Tiếng kêu giải cứu đó là của Hoàng. Sau lần đó Hoàng hay lui tới đoàn hát chơi. Anh kép hỏi Hoàng có muốn theo đoàn hát không. Hoàng trả lời không biết hát. Anh kép nói vậy theo anh làm chân giúp việc vừa không phải làm lụng cực thân, nhà lại đỡ tốn cơm mà còn được đi đó đi đây. Gì chứ đi nơi này nơi kia thì Hoàng mê lắm. Từ nhỏ tới lớn quanh quẩn ở nhà rồi ra đồng. Hoàng về nói với mẹ, mẹ nói thôi thì cứ đi chừng nào chán thì lại về. Ngoài làm sai vặt cho anh kép chánh thì Hoàng còn ra phụ bán vé, phụ nấu cơm hội. Ai sai gì làm nấy. Trong đoàn hát những lớp vua kêu vang quân sĩ thì trong cánh gà Hoàng sẽ dạ thật lớn. Những lớp tù binh bị tra tấn đau đớn thường tiếng rên bi thiết trong hậu trường cũng của Hoàng. Ngồi trong cánh gà Hoàng dần thuộc tuồng rồi nhắc tuồng, thuộc luôn bài bản. Sau buổi diễn lúc ngồi ăn cháo với mấy nhạc công Hoàng nghe mấy ông phàn nàn anh kép này xuống xề sớm, cô đào kia ca rớt nhịp. Ban đầu nghe thụ động rồi dần dần Hoàng nắm chắc nhịp của các bài bản cải lương. Nhưng Hoàng không có ước mơ làm nghệ sĩ. Đoàn hát đi lưu diễn miền Trung trúng vào đợt bão triền miên. Không hát được mà phải nuôi cả đoàn, ông bầu gồng một tháng đuối quá đành tuyên bố rã gánh. Người trong đoàn dáo dác như ong vỡ tổ. Có người nói cái tên gánh Sóng Giang, nói lái là sáng dông như điềm báo rồi.

*

Mặc kệ người trong đoàn về lại Sài Gòn, Hoàng theo anh nhạc công về thăm quê. Ở được một tuần thì anh nhạc công nói Hoàng vào Sài Gòn một mình, anh ở lại vì Huế có đoàn cải lương Sông Hương đang cần tuyển nhạc công. Anh nói lang bạt khắp nơi cũng chỉ vì mưu sinh, giờ ở quê có việc nên tranh thủ cơ hội về lại quê nhà. Bữa đi đến đoàn thử tay nghề, anh dẫn Hoàng theo. Ngẫu nhiên anh nhạc công dạo điệu lý chiều chiều Huế, Hoàng ngẫu hứng hát. Anh trưởng đoàn nói Hoàng có chất giọng lạ, không lẫn với các tên tuổi quen thuộc lại vững nhịp. Đoàn đang cần một anh kép nhì. Hoàng nói chưa biểu diễn bao giờ. Anh trưởng đoàn nói sẽ có đạo diễn hướng dẫn. Nếu trong hai tháng có thể diễn được thì đoàn ký hợp đồng. Vậy rồi ở lại. Đoàn đi biểu diễn khắp nơi. Không phải đất của cải lương nhưng đoàn Sông Hương của Huế đi đến đâu cũng được bà con khán giả đón nhận và yêu thương. Những tình cảm khán giả dành cho nghệ sĩ rất nồng nhiệt, mỗi khi xuống xề câu vọng cổ là tràng pháo tay khích lệ tinh thần lại vang dội, tình cảm của khán giả cải lương mộc mạc nhưng dậy nên chất men đam mê nghề. Những bữa nhìn xuống khán giả thấy bà con đắm mình trong vở diễn. Những lúc đoàn dỡ sàn sân khấu chuẩn bị đi nơi khác khán giả bịn rịn chia tay không nỡ rời. Những chuyến đi ghe vào tận Truồi biểu diễn cho dân công làm hồ thủy lợi, những đêm hát về trên sông Hương mệt nằm xải lai ở đầu thuyền ngắm trăng sáng lồng lộng thật thi vị. Đó là những kỷ niệm chỉ có nghệ sĩ sân khấu có được.

*

Sau hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Hà Nội thành công rực rỡ, đoàn Sông Hương đi lưu diễn khắp nơi. Từ Huế đổ ra Bắc, tận Thủ đô Hà Nội. Đoàn đến đâu cũng được yêu cầu diễn lại vở Mùa tôm. Câu chuyện về mối tình ngang trái của cô gái làng chài xứ Ấn Độ chạm đến trái tim khán giả. Một bữa đoàn trở về Huế, Hoàng nhận được xấp thư của khán giả gửi về trụ sở đoàn trong suốt thời gian lưu diễn. Hoàng chú ý có một thư ở tận Hà Giang. Đọc thư mới biết khán giả là bộ đội. Dạo đó tình hình biên giới vẫn rất căng thẳng. Một buổi anh bộ đội nhặt được chiếc đài tâm lý chiến mà phía bên kia thả trôi trên dòng Lô. Đêm thứ bảy, cả nhóm ngồi bên nhau nghe vở cải lương Mùa tôm của đoàn cải lương Sông Hương. Tới đoạn Karu bị nỗi oan ngút trời bỗng “bùm”. Cả đám dạt ra. Thì ra chiếc đài nổ do phía bên kia gài mìn nhiệt. May sao không có thương vong, anh bộ đội ngồi gần nhất nên miểng văng bị thương ở bắp tay phải. Khi anh viết cho Hoàng tay vẫn còn đau nên chữ hơi nghuệch ngoạc. Hoàng đã viết thư hồi âm cho anh bộ đội, trong thư Hoàng viết có dịp đoàn ra Hà Giang sẽ đến hát phục vụ các anh chiến sĩ vùng biên. Lời hứa được thực hiện sau đó bốn năm. Trong chuyến lưu diễn miền Bắc kỳ đó đoàn cải lương Sông Hương đến cao nguyên đá Hà Giang phục vụ. Thật tiếc là anh bộ đội đã xuất ngũ nên Hoàng không có dịp hát trực tiếp cho anh nghe, không được cầm cánh tay xem vết sẹo đêm nghe hát Mùa tôm năm nào. Hoàng hỏi thăm chỉ huy doanh trại nghe đâu anh về lại quê ở miệt biển Hải Phòng. Có phải vì sinh ra và lớn lên ở làng chài mà anh đồng cảm sâu sắc với vở diễn đậm chất biển. Thật tiếc.

Hoàng nhớ như in những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, làn sóng phim kiếm hiệp rồi phim cải lương rầm rộ. Ngồi ở nhà, mướn cuốn phim chỉ hai ngàn đồng là được xem những tài danh lẫy lừng của sân khấu biểu diễn. Nhà làm phim kiếm lợi dễ dàng, nghệ sĩ tất bật ra phim trường, sân khấu bơ vơ. Không phải diễn viên ở tỉnh không có cơ hội đóng phim video mà Hoàng ganh kiểu trâu cột ghét trâu ăn. Nghệ sĩ cũng như bao người. Thích cái lợi trước mắt và tự bào chữa cho mình. Làm phim hay diễn sân khấu cũng là làm nghệ thuật phục vụ khán giả. Lại nói làm phim video để cải lương đến gần khán giả hơn nhất là khán giả vùng sâu. Nhưng… cải lương là nghệ thuật trình diễn trên sân khấu, nó không thuộc về điện ảnh. Những ước lệ của sân khấu khi lên phim nhìn giả và không thuyết phục được người xem. Trên sân khấu, hậu đài đem ra giữa sân khấu chiếc ghế bành hai hàng diễn viên đứng hai bên, chiếc ghế bành thoát xác trở thành ngai vàng. Bước qua phim video là đòi hỏi sự chân thật những cảnh trí dàn dựng bộc lộ hết cái giả và diễn xuất của nghệ sĩ dù điêu luyện đến đâu cũng không làm cho nó đáng tin. Chưa kể cách hóa trang ở sân khấu phải đậm và có sự hỗ trợ của đèn sang điện ảnh trở nên diêm dúa nham nhở. Và quan trọng nhất sự tương tác trực tiếp với khán giả, chất xúc tác cho vai diễn thăng hoa ở phim video là âm.

*

Sân khấu thưa thớt khán giả. Chính khán giả là người nuôi sân khấu. Không còn khán giả cơ thể sân khấu ấy tê liệt rồi héo rũ đi. Gần đây người ta đem ra bàn luận có phải là khán giả nuôi nghệ sĩ? Họ nói rằng cần bình đẳng, người nghệ sĩ bán tiếng hát lời ca và được tiền. Rạch ròi quá. Chua xót quá. Riêng với Hoàng, một khi còn làm nghề hát Hoàng luôn tâm niệm khán giả nuôi sống sân khấu cải lương và người nghệ sĩ. Thêm một lần nữa Hoàng chứng kiến cảnh đoàn tan rã. Những gì bán được trưởng đoàn đem bán hết lấy tiền trang trải nợ nần và bù đắp cho anh em trong đoàn. Hoàng quyết định xuôi về Nam tìm nghề khác. Ở miền Nam, cái nôi cải lương, các đoàn hát cũng ngắc ngoải. Hoàng canh cánh không làm nghề hát thì anh không biết phải làm gì khác. Bữa lên tàu ở ga Truồi để vào Sài Gòn bịn rịn kẻ ở người đi. Có chị khán giả thân quý đem cho Hoàng vắt cơm nắm và ít ruốc chị tự làm. Chị dặn sau này cải lương ổn nhớ quay lại em hí. Hoàng cười mà nước mắt chảy. Tàu lăn bánh qua những nẻo đường quen thuộc đã lưu diễn. Bao giờ cải lương quay trở lại thời hoàng kim? Càng suy nghĩ càng xốn xang trong dạ. Thôi đừng nghĩ nữa, vào trong kia là một đoạn đời mới. Anh kép Nhuận Hoàng sẽ không còn nữa mà là Trần Văn Hoàng đang lay lất tìm việc.

Đây phấn son trang điểm cho vai diễn, đây lá thư xúc động của anh bộ đội hôm nào. Để cắt đứt và không còn mơ tưởng về hào quang nghề diễn chỉ còn có cách này. Tàu chạy qua Lăng Cô chuẩn bị sang đất Đà Nẵng, Hoàng cho đồ trang điểm và lá thư vào chiếc bịch ném xuống vực núi rồi quay lưng. Đêm đó Hoàng trằn trọc không tài nào chợp mắt.

*

Tàu tới ga Đà Nẵng. Hoàng uống thuốc ngủ. Giấc ngủ đến rất nhanh. Dự tính là tàu đến Quảng Bình thuốc sẽ hết tác dụng. Ký ức xưa hãy để chìm sâu. Và Hoàng cũng đỡ tủi khi về quê hương trong bộ dạng xơ xác hơn khi lên tàu vào Nam. Ở quê người, Hoàng làm đủ thứ nghề tìm kế sinh nhai, làm bảo vệ công ty, chạy bàn đám cưới. Rồi run rủi theo đoàn lô tô. Dự tính chỉ làm lon ton nên Hoàng nhận việc bán vé lô tô cho khách. Một bữa anh đọc số lô tô bị cảm nặng phải nghỉ, ai cũng nói Hoàng nhìn lanh lẹ lên đọc thay. Từ chối mãi không được, Hoàng lên đọc. Hết tân nhạc, dân ca, rồi cải lương đủ kiểu để dẫn tới các con số. Khách đi hội chợ thích mê. Chủ gánh hội chợ chia ra, nửa giờ đầu Hoàng bán vé số, nửa giờ sau hát. Rồi để lôi kéo khách tới hội chợ, ông chủ mời cả nghệ sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn đến biểu diễn các trích đoạn. Có khi đã quảng cáo xong mà nghệ sĩ ngôi sao chưa kịp tới, khán giả la ó, thì ông bầu lại đẩy Hoàng lên hát câu giờ. Vậy mà khán giả chịu. Hoàng thấy đúng là phận tằm tơ, đã bỏ cả phấn son, đã mai danh ẩn tích mà tơ nghề vẫn mãi vấn vương.

Đêm qua, để tiết kiệm tiền, ông bầu gánh hội chợ mời cô đào vào vai Tấm, còn Hoàng làm hoàng tử. Hoàng ôn lại kịch bản là có thể diễn vì ngày trước đã từng diễn qua. Tàn đêm diễn, cô đào hát nhận cát xê về lại thành phố. Phần Hoàng được bồi dưỡng mấy chục ngàn. Hoàng có chút chạnh lòng rồi nghĩ ngay. Ở vùng này có nhiều quán hát với nhau, chiều chiều các ông bà sồn sồn diện những bộ đồ kẻng nhất đến quán hát. Hát cho thỏa đam mê, thỏa khao khát được hát những ngày son rỗi mà vì bận bịu gia đình, con cái vì thẹn thùng vì cấm đoán mà không được hát. Hát vô tư nhận về những tràng pháo tay khích lệ để đêm sau đêm sau nữa lại hát. Vậy còn Hoàng, được hát được bồi dưỡng cho việc hát thì hát thôi, toan tính để làm gì.

Tiền trả cho nghệ sĩ ngôi sao khá cao mà tiền bán vé không đủ bù vào, vậy là ông bầu phải vay đầu này, đắp đầu kia. Hoàng đồng cảm xin không nhận thêm cả mấy chục ngàn bồi dưỡng sau suất hát.

Sáng đó. Hoàng bị đánh thức bởi cơn mưa. Lạ quá đêm qua nằm ngủ trong mái che của hội chợ sao lại thấy mình nằm giữa đồng. Hoàng lớp nhớp chạy vào trong hiên chợ quê đứng trú mưa. Người ta nhìn Hoàng chép miệng ngủ gì mà say như chết vậy, ông chủ bị siết nợ mà không hay. Mọi người giải tán hết rồi. Hoàng như người mộng du và không biết đã bằng cách nào đến ga.

Ngày xưa Trần Minh về gặp lại Quỳnh Nga, Nhuận Điền khi vinh hiển. Hoàng không thể về quê như một kẻ thất bại. Dù gì ở quê nhiều người biết Trần Văn Hoàng là anh kép nổi tiếng một thời của đoàn cải lương Sông Hương.

*

Đúng như dự tính, Hoàng tỉnh lại khi tàu đến ga Quảng Bình. Tàu dừng lại mười lăm phút đón khách. Tiếng rao văng vẳng đoàn cải lương Sông Hương đêm nay lưu diễn ở Nhật Lệ. Hoàng cấu vào tay. Ảo ảnh ngày xưa hiện về ư? Không. Tiếng rao rõ dần tại nhà văn hóa thôn A… đoàn sẽ trình diễn vở Phạm Công Cúc Hoa. Hoàng đi về phía tiếng rao như người mộng du.

*

Đã đến giờ tàu chạy. Tiếng loa ở ga giục giã thức tỉnh Hoàng. Hoàng quay lại tàu. Dư vị của giấc ngủ bằng thuốc làm Hoàng sật sừ. Hoàng mở phần loa trong Google nói như thủ thỉ với đoàn cải lương Sông Hương. Những tin bài về đoàn hát hiện lên. Đoàn hát đã hồi sinh sau ba mươi năm. Điên. Hoàng bấm nút tắt màn hình tối sầm lại. Ngay cả cái nôi của cải lương còn phải chịu cảnh đìu hiu như chợ chiều. Rồi định nằm xuống ngủ thiếp đi. Nhưng cơn tò mò chợt trỗi lên. Hoàng mở điện thoại xem một phóng sự ngắn về đoàn cải lương Sông Hương của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế. Đoàn hát đã được thành lập trước dịch Covid rồi phải tạm ngưng hoạt động, mới hát lại sau dịch. Đoàn không bán vé mà có thùng “Trái tim yêu thương” để khán giả xem ủng hộ tùy tấm lòng. Phông màn đơn sơ, chiếc ghế nhựa làm ngai vàng. Và thương nhất là cô đào ngày trước đang ngồi dậm phấn trang điểm. Thương không vì thời gian khắc nghiệt làm nhan sắc cô đào tàn phai đi nhiều. Hoàng thương cô còn giữ lại bộ trang điểm của mấy mươi năm về trước. Phấn đanh, chì vẽ mắt chai nhưng tiết kiệm dùng lại. Cô phóng viên ngạc nhiên chị còn giữ lại những món đồ của nghề hát sao. Cô đào vẫn nhìn vào gương thoăn thoắt kẻ mắt vừa trả lời giữ chứ. Vì sao? Vì chị có niềm tin mãnh liệt là sẽ có ngày đoàn hát sẽ trở lại. Hoàng đăm đắm nhìn những đồng nghiệp ngày xưa như tằm rút cạn tơ trên sân khấu. Gánh áo cơm đối với họ có lẽ không còn đau đáu như ngày cũ. Hoàng lặng đi. Tàu vẫn mải miết chạy.

Tàu dừng ở ga tiếp theo. Rồi giục giã báo tiếp tục hành trình. Ga tàu bốn giường trống tênh.

T.T.Đ
(TCSH426/08-2024)

 

 

Các bài mới
Hằng và tôi (01/10/2024)
Các bài đã đăng
Ức cố nhân (03/07/2024)
Bẫy tình (28/06/2024)
Trong tầm tay (07/06/2024)