ANH THƯ
Họa sỹ Phạm Nguyễn từ tốn nhấp ngụm cà phê còn ấm nóng và thở nhẹ ra thoải mái. Từ bao năm nay, cà phê là thức uống không thể thiếu của ông vào buổi sáng. Mươi phút nữa ông sẽ ngồi vào bàn làm việc.
Ngày hôm nay dẫu không vội vàng, nhưng thời gian luôn là thứ ông không bao giờ muốn lãng phí, dù chỉ vài phút. Ai cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Người làm được nhiều việc, kẻ chỉ loanh quanh cũng hết đời. Nguyên nhân là do cách sử dụng thời gian mà thôi. Ông thường nói với các họa sỹ trẻ, các học viên ở trung tâm của ông như vậy, như một cách nhắc nhở, hối thúc họ luôn trân trọng thứ tài sản vô giá mà hữu hạn này.
Binh boong… Binh boong…
Có tiếng chuông cửa. Nhịp một. Ai nhỉ, ai lại bấm chuông vào giờ này? Sáng nay ông làm việc ở nhà. Chiều ông qua trung tâm Pham.Art để giải quyết mấy việc liên quan đến nhân sự. Vậy nên ông không hẹn ai cả.
Binh boong… Binh boong…
Thong thả, ông bước ra mở cửa.
- Chào anh. Anh có phải là họa sỹ Phạm Nguyễn?
- Vâng, là tôi đây. Có việc gì thế anh?
Giọng nói của ông từ tốn, điềm đạm, nhưng âm sắc rõ ràng, ấm áp. Giọng nói của người luôn tỏa ra thứ năng lượng làm chủ bản thân, có khả năng lôi cuốn, thậm chí thao túng người khác.
- Tôi là Trần, làm ở Tạp chí Nghệ thuật và Cuộc sống. Tạp chí có bài về anh, nên tôi mang tới.
Bài về ông ư? Ông hơi nhíu mày. Ai viết thế nhỉ? Đã lâu ông có dính líu gì tới báo chí đâu.
- Tôi có thể vào nhà chút được không, thưa anh?
Người đàn ông đang đứng trước cửa nhà họa sỹ Phạm Nguyễn trạc tuổi tứ tuần, áo sơ mi kẻ, quần kaki màu ngà. Tấm thẻ ra vào cơ quan có ảnh chân dung anh được đeo lủng lẳng trước ngực. Có lẽ anh cố tình đeo để họa sỹ khỏi nghi ngờ danh tính.
Thoáng lưỡng lự, họa sỹ né sang bên để vị khách không mời bước vào. Những ngón tay thon dài của ông lịch sự rót nước mời khách, động tác thuần thục, khéo léo.
- Tôi sẽ không làm mất nhiều thời gian của anh đâu, thưa anh. Tôi tới đưa tờ tạp chí này không hẳn vì anh, mà vì tác giả bài viết. Cô ấy là phóng viên mảng văn hóa văn nghệ của báo. Tôi là phụ trách trực tiếp của cô ấy. Chúng tôi làm cùng nhau đã hơn chục năm nay rồi. Tôi coi cô ấy như em gái.
Giọng Trần nghèn nghẹn. Đôi mắt có phần mệt mỏi, thiếu ngủ của anh thoáng chốc đỏ hoe. Điều anh đang nói liên quan gì tới họa sỹ Phạm Nguyễn kia chứ? Dù gì ông vẫn kiên nhẫn lắng nghe.
- Bài viết về anh cũng là bài báo cuối cùng của cô ấy. Tôi mạn phép mang đến tận nơi gửi anh.
Bài báo cuối cùng? Cô ấy đi đâu?
- Cô ấy mất rồi.
Họa sỹ giật mình. Ông thấy người mình như tê đi.
- Vì sao?
- Một tai nạn anh ạ.
- Tan nạn gì?
- Cô ấy bị xe tông.
- Cô ấy bao nhiêu tuổi rồi?
Họa sỹ buông một câu hỏi, hỏi mà thấy mình thật vô duyên.
- Cô ấy còn trẻ lắm, rất trẻ. Anh sẽ nhận ra cô ấy khi đọc bài viết này. Ngay đầu bài, chúng tôi có in ảnh chân dung cô ấy. Đây là một ngoại lệ. Nhưng chúng tôi tự cho phép mình được làm điều cuối cùng ấy với đồng nghiệp của mình. Vì cô ấy xứng đáng.
Họa sỹ Phạm Nguyễn gật đầu. Cậu nhà báo đang ngồi đối diện với ông đây kém ông dễ đến hơn chục tuổi, nhưng nét mặt, các biểu cảm của anh ta có vẻ chân thành, dứt khoát.
- Cuốn sổ nhỏ này có những ghi chép của cô ấy trong quá trình chuẩn bị bài viết về anh. Tôi xin lỗi anh về điều này. Tôi cũng đã xin lỗi cô ấy rồi. Bởi đây là khoảng riêng tư của cô ấy. Nhưng tôi thấy cần phải mang tới cho anh, nên đã xin phép cô ấy. Cô ấy sẽ thứ lỗi cho tôi thôi. Còn anh có đọc hay không thì tùy anh.
Họa sỹ hơi nhíu mày theo thói quen trước một sự việc ông chưa thật hiểu. Nhưng cũng theo thói quen, ông im lặng với vẻ lịch thiệp. Cách anh ta nói chuyện với ông chẳng có chút nhún nhường nào.
- Đây là danh thiếp của tôi. Anh có thể gọi nếu cần. Nếu anh không gọi thì tôi cũng sẽ tới để xin lại cuốn sổ này. Nhưng tôi tin là anh sẽ gọi cho tôi trước. Xin lỗi đã làm phiền anh.
Người đàn ông đứng dậy, cúi chào họa sỹ rồi bước nhanh ra cửa. Phạm Nguyễn ngồi yên trên sofa. Một cảm giác bất ổn len đến bên ông.
*
Ngày… tháng… năm…
Mình phải viết về họa sỹ Phạm Nguyễn, vì ông ấy xứng đáng. Cả một quá trình hoạt động nghệ thuật, nổi tiếng trong và ngoài nước, vậy mà chưa có một bài chân dung về ông ấy thật đầy đủ, sâu sắc. Thông tin về ông ấy là những lát cắt rời rạc, đứt đoạn. Ông ấy tự nguyện đứng độc lập, không có tên trong hội đoàn nào, nhưng sức ảnh hưởng thì rất rộng, đặc biệt với các nghệ sỹ trẻ tự do, các nghệ sỹ hoạt động underground, tìm tòi theo đuổi các cách biểu đạt mới. Ông ấy là một gạch nối quan trọng giữa hai giai đoạn, hai trào lưu nghệ thuật trong nước: hiện đại và đương đại.
Ngày… tháng… năm…
Họa sỹ Phạm Nguyễn là một người lịch thiệp và chừng mực. Cái lịch thiệp và chừng mực của người từng trải, hiểu biết. Ông ấy có cách nói chuyện cởi mở, chân tình. Ông ấy cũng là kẻ kiêu ngạo và lãng mạn, lý tưởng. Lý tưởng và lãng mạn thì mới vứt bỏ những danh lợi vật chất đang có để theo đuổi con đường vốn còn quá mới mẻ ở nước mình khi ấy. Kiêu ngạo thì mới độc lập, khí khái, không chịu thỏa hiệp với cách làm nghệ thuật dễ dãi hiện nay. Quả thực, mình nghĩ ông ấy có quyền được kiêu ngạo.
Ngày… tháng… năm…
Ông ấy đã kể cho mình khá nhiều chuyện về gia đình, tuổi thơ, những ngày tháng khó khăn, đói và rét thường trực ám ảnh, những ngày thất nghiệp lang thang, tình nguyện nhập ngũ mà không được xét duyệt bởi lý lịch… Lúc ấy những ngón tay của ông ấy run nhẹ. Và ông ấy cố ghìm lại cơn run. Mình đã rớt nước mắt, không nghĩ những ngón tay thon dài rất đẹp ấy từng cầm xẻng, cầm búa, cầm bào, xách vôi vữa trước khi cầm cọ.
Qua những gì ông kể, cùng với việc tự tìm hiểu, mình đã chắp nối được những đứt gãy, những khoảng mờ, hình thành được đường dây câu chuyện. Mình đã hiểu vì sao ông ấy dễ dàng đạt được thành công với hội họa giá vẽ, vì sao đang là một tên tuổi được săn đón của thị trường mỹ thuật lại đột ngột chuyển hướng, tự nguyện bước vào một lối đi hẹp, chưa có dấu chân các đồng nghiệp trong nước.
…
Họa sỹ Phạm Nguyễn đứng dậy mở cửa sổ. Lâu lắm rồi ông mới cảm thấy tâm trạng xao động như thế này. Ông đã quen với sự yên tĩnh của ngôi nhà, quen với nhịp vận hành đều đặn và bận rộn ở trung tâm nghệ thuật cùng những mối quan hệ công việc. Tất cả hiện đang nhịp nhàng, nằm trong tầm kiểm soát của ông. Vốn ông chưa bao giờ mặn mà với báo chí truyền thông. Nếu họ có liên hệ hỏi ông về dự án này, giải thưởng kia, cuộc triển lãm nọ… ông đều lịch sự hợp tác, và trả lời chừng mực về nội dung, giới hạn về thời gian. Xong rồi ông quên. Và họ sẽ lại liên hệ với ông khi họ cần. Báo chí mà, cứ láo nháo thế thôi.
Cô phóng viên này, thật sự ông cũng đã quên. Ngay cả lúc ngồi đối diện cô, ông cũng không hỏi, không nhớ tên cô, dù trước đó cô đã liên lạc với ông qua điện thoại. Nhưng bây giờ thì ông nhớ rồi, rằng ông và cô đã trò chuyện khá lâu. Hình như ông đã kể chuyện về cha mẹ, về quê nội quê ngoại, về cả tính lười ăn hay ốm vặt của mình. Hình như cả ông và cô đã cười giòn vui vẻ khi ông hài hước giễu nhại những ấu trĩ, ngây ngô của một thời. Hình như… Phải, ông đã nhớ ra cô phóng viên ấy rồi.
Ngày… tháng… năm…
Viết chân dung bao giờ cũng mất nhiều thời gian, bởi cần phải có sự thấu hiểu sâu sắc về cuộc đời, những đóng góp của họ, và cả tính cách của họ nữa. Bởi mình không thể phóng bút như ai đó, mới gặp một chút, hoặc đọc về nhân vật một chút là đã viết được mấy nghìn chữ. Mình muốn những gì mình viết ra phải là sự thật, sự thật của cuộc sống, sự thật của cảm xúc, để sau này đọc lại không phải xấu hổ vì câu chữ nhẹ tênh, vì vài lời tâng bốc tận mây giời.
Ngày… tháng… năm
Một người lãnh đạm với báo chí như ông ấy mà lại ngồi với mình đến lần thứ hai, hẳn ông ấy đã rất ưu ái cho cô phóng viên bình thường là mình. Và mình biết chắc rằng ông ấy không nhớ tên mình, thậm chí khi mình bước ra khỏi cánh cửa phòng làm việc của ông ấy, thì ông ấy cũng sẽ quên phắt mình như quên bao thứ vô danh ngoài kia. Nhưng không sao. Ông ấy là một nghệ sỹ lớn. Mình trân trọng khoảnh khắc được trò chuyện cùng ông ấy, nghe ông ấy chia sẻ về quá trình thực hành nghệ thuật, nỗi đau đáu của ông ấy trước những vấn đề của xã hội của dân trí, những rạn vỡ đổi thay của đạo đức của truyền thống. Ông ấy là dân học hành bài bản, nhưng không kinh viện. Cách nhìn nhận lý giải vấn đề rất thuyết phục, rất sinh động lôi cuốn. Nghe ông ấy nói mình thu nhận được nhiều điều. Ông ấy đứng ngoài mọi bằng cấp, danh hiệu, giải thưởng, hay các lợi ích vật chất khác. Ngược lại, mục đích lâu dài của ông ấy là dùng nghệ thuật để góp phần vào phát triển xã hội, phát triển cộng đồng. Ông ấy từng đến những nơi xa xôi, vùng biên giới, ngoài đảo nhỏ, thân thiện với trẻ em nghèo, người vô gia cư, người thất nghiệp, thậm chí cả người nghiện và tội phạm. Ông ấy còn nhiều dự định lắm. Ánh mắt của ông ấy, nụ cười của ông ấy rất ấm áp. Ánh mắt nụ cười chỉ có được ở người thiện tâm.
Họa sỹ Phạm Nguyễn nghe lòng mình nghẹn lại. Lâu lắm rồi ông đâu có khóc. Những nỗi buồn quá khứ cũng đã ngủ yên. Nỗi buồn về một gia đình gia thế bị ly tán bởi chiến tranh, bởi những đổi thay lịch sử. Nỗi buồn của một nghệ sỹ luôn khao khát tự do sáng tạo, tự do biểu đạt. Nỗi buồn của một trí thức chứng kiến sự suy thoái chạy theo lợi nhuận của nghệ thuật, của giáo dục, của đạo đức nhân cách con người. Nỗi buồn của sự cô đơn thẳm sâu khi những năng lượng sáng tạo luôn chảy tràn cơ thể nhưng không nhận được sự hồi đáp, thấu hiểu. Ông đã biến những nỗi buồn, sự cô đơn ấy thành hành động. Ông đã làmviệc mải miết, quên thời gian, quên cả sức lực, kiếm tiền và dùng đồng tiền ấy phục vụ các dự án nghệ thuật, dự án cộng đồng. Rất nhiều người không hiểu vì sao ông từ bỏ vị trí đang có để dấn thân vào một lối đi còn đầy mới mẻ và chẳng hứa hẹn tương lai. Ngay cả khi tác phẩm của ông có mặt ở những bảo tàng quốc tế, tên tuổi ông được các tạp chí nghệ thuật trong khu vực và thế giới nhắc đến như là một trong những nghệ sỹ trình diễn xuất sắc thì ở trong nước, báo chí thận trọng với ông, giới làm nghệ thuật chính thống cũng dè chừng ông. Vì sao ông cứ tha thiết theo đuổi, tìm kiếm mọi chất liệu mọi hình thức? Vì sao ông cứ bướng bỉnh, cố gắng phá vỡ các rào cản để đưa nghệ thuật ra đời thường, trong một dáng vẻ chẳng giống ai?
Phạm Nguyễn châm điếu thuốc lá, rít một hơi dài và húng hắng ho. Lâu không hút, giờ ông chỉ thấy nó đắng và khét. Thấm thoắt mà ba thập kỷ cũng đã trôi qua. Từ một người đàn ông phong độ tuổi ba mươi, ông đã chạm vào ngưỡng trung niên, đã bắt đầu thấm cái mệt của tuổi già. Mảnh đất nghệ thuật đương đại nơi ông gieo hạt giống, cày bừa, chăm bẵm, lao lực đã bắt đầu gặt hái những vụ mùa. Những vụ mùa không bội thu, nhưng rõ ràng đã có quả có hoa. Công chúng trong nước đang dần làm quen với các hình thức biểu đạt mới. Nhiều nghệ sỹ đã hòa nhập vào đời sống nghệ thuật đương đại thế giới, có tác phẩm ở một số bảo tàng, tham dự những triển lãm, những khóa học trao đổi, hướng dẫn. Nhưng sao ông vẫn thấy mong manh. Nếu nhìn ở góc độ phát triển theo hướng đi lên, thì biểu đồ đời sống nghệ thuật hiện nay vẫn chỉ ngang bằng như ba mươi năm trước, thậm chí một số mặt còn đi xuống. Cái đế của kim tự tháp rộng hơn thì cái đỉnh của nó sẽ càng nhọn lại. Giới hàn lâm vẫn ở trong tháp ngà, thi thoảng tổ chức vài hội thảo để giải ngân. Trong các cuộc hội thảo ấy, đại biểu đứng trên bục cầm giấy say sưa đọc từ đầu tới cuối, đại biểu ngồi dưới say sưa lướt điện thoại, buôn dưa lê dưa cà hoặc chụp ảnh check in. Còn giới nghệ thuật thị trường thì hoan hỉ chụp tranh đưa lên Facebook, Zalo cá nhân, hoan hỉ báo tin tranh của mình đã được vị đại gia nào đó chọn mua.
Ba mươi năm qua, lý lịch hoạt động nghệ thuật của ông được lưu ở những cuốn từ điển nghệ sỹ đương đại thế giới. Như thế hẳn là ông đã thành công. Từng buổi trò chuyện, từng buổi workshop do ông dẫn dắt luôn đông người tham dự. Nhưng sao ông cứ mỗi ngày lại thêm phần khắc khoải. Công chúng đến, công chúng nghe, hỏi đáp tâm đắc đấy, nhưng khi ra về, nhập vào dòng người xao động kia, họ lại quên ngay. Nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng mà ông tham gia khi với vai trò người tổ chức, khi là người kết nối, lăn lộn đấy, vất vả đấy, hạnh phúc đấy, nhưng khi dự án kết thúc, cộng đồng dân cư lại về với nhịp sống đời thường với những thói quen đời thường đã ăn sâu bám rễ hàng trăm năm.
Sự lựa chọn của mình có đúng không? Thi thoảng, vào những lúc cô đơn nhất, mệt mỏi nhất, câu hỏi ấy lại luẩn quẩn bên ông. Và ông cố gắng gạt bỏ nó. Thời đại nào sẽ có nghệ thuật của thời đại ấy. Ông không muốn ở trong mâm cơm đã dọn sẵn chỉ để no cái bụng của mình, thỏa mãn bản thân mình. Song thực tế cho thấy thói quen, sức ì trong sáng tạo vẫn có sức níu giữ thật khủng khiếp. Các lớp nghệ sỹ trẻ hôm nay với cá tính khác nhau, các thực hành cũng rất đa dạng, nhiều biến thể. Cũng có những người dấn thân đấy, nhưng liệu họ có mãi giữ được nhiệt huyết, hay cơm áo gạo tiền khiến họ không thể chờ đợi được, phải quay ra trang trải cuộc sống bằng cách này cách khác. Con đường ông chọn vốn đã ghập ghềnh, mà càng đi càng thấy rộng, càng đi càng thấy cái đích xa ngái.
Ngày… tháng… năm…
Cảm xúc nhiều, tư liệu cũng nhiều. Những tác phẩm thực hành nghệ thuật đương đại của ông ấy đều thú vị, phong phú về các lớp nghĩa và thông điệp chuyển tải, đặc biệt không bị cũ theo thời gian. Song những thông điệp ấy cũng dễ đụng chạm, nói theo ngôn ngữ báo chí là “nhạy cảm”. Mình phải viết thế nào cho khéo cho tinh, vẫn đủ sâu sắc mà không bị cắt bị sửa. Viết thế nào để cho ra được cái riêng, cái khác, cái lớn của ông ấy mà không lộ liễu, không sa vào ca ngợi một chiều?
Ngày… tháng… năm…
Ông ấy chẳng nhớ, cũng chẳng cần biết tên mình là gì. Không sao, em quen rồi ông họa sỹ kính mến ạ. Nhiều người nổi tiếng cũng cư xử với phóng viên như thế. Vậy nên như em đã nói, rằng ông có quyền được kiêu ngạo, em vẫn nhận thấy ở ông sự tử tế, một trí thức - nghệ sỹ dấn thân theo đúng nghĩa của từ này. Những phẩm tính văn hóa và cả sự kiêu ngạo ấy hấp dẫn em, thúc giục em cần phải hiểu hơn cõi tinh thần của ông, nhìn thấy ở đó nỗi cô đơn sâu thẳm và một trái tim ấm áp. Phải lý tưởng lắm, trong sáng lắm thì ông mới kiên định đến hôm nay.
Ngày… tháng… năm…
Bài đã xong. Ảnh cũng đã chọn được mấy tấm ưng ý. Mình đã xin với anh Trần cho để bài dài hơn thông lệ, và trình bày đẹp hơn. Bản đưa lên trang web cũng vậy. Anh Trần đồng ý ngay. Hơn mười năm nay, mình gắn bó với tờ tạp chí này, một phần cũng vì có người sếp trực tiếp hào phóng như thế, tâm lý như thế.
À, có lẽ cần phải bổ sung thêm ảnh về ngôi biệt thự ở phố Vĩnh Yên, nơi họa sỹ Phạm Nguyễn đã sinh ra và lớn lên. Ngôi biệt thự này đã bị phá vỡ về kiến trúc, cảnh quan, hiện là nơi ở của nhiều gia đình. Nhưng hôm trước mình đã ngắm được mấy góc chụp khá đẹp. Ông ấy nhắc đến ngôi nhà như một kỷ niệm buồn quá khứ, nhưng mình tin ông ấy sẽ hạnh phúc khi nhìn lại những hình ảnh thân yêu ấy…
Những ngón tay của họa sỹ Phạm Nguyễn run lên khi lật từng trang sổ. Cô gái ấy đến. Bất ngờ. Tràn đầy nhựa sống. Ông đã vui biết bao khi trò chuyện cùng cô. Những kỷ niệm gia đình, tuổi thơ ùa về như dòng sông thao thiết. Những ước mơ hừng lên mãnh liệt dưới nắng chiều. Ánh mắt lấp lánh của cô, nụ cười tươi tắn của cô cổ vũ ông. Ông không có cảm giác mình đang trả lời phỏng vấn, và người đối diện mình là một phóng viên đang tìm cách khai thác đời tư.
Ông đã ngắm kỹ tấm ảnh cô, đọc đi đọc lại bài viết của cô. Đó không đơn thuần là một bài báo. Đó là một chân dung được dựng bằng ngôn từ. Từng chữ từng chữ gọn gàng sắc nét, như thể khắc như thể tạc đường nét gương mặt ông, chạm vào miền sâu thẳm nội tâm ông. Ở đó trào dâng một khát vọng. Lại rưng rưng một nỗi niềm. Cả những dự cảm mơ hồ mà ông chưa từng tâm sự cùng ai. Rồi những tấm ảnh cô chụp ông, dòng nhật ký cô viết về ông. Đó là vẻ đẹp có thực, ngay cạnh ông đây. Vẻ đẹp ông có thể chạm vào, cảm nhận nó, nhìn ngắm nó. Nó khiến hồn ông rung lên những thanh âm vừa ngọt ngào vừa đau đớn.
Bức ảnh. Phải rồi. Có một bức ảnh chụp ngôi biệt thự của gia đình ông ở phố Vĩnh Yên - con phố đẹp cổ kính của thành phố này. Khung cảnh một góc của ngôi biệt thự toát lên vẻ sang trọng tinh tế, như chưa hề có sự cắt chia. Chọn được góc chụp này, hẳn phải kỳ công lắm.
Tim ông bỗng nhói đau. Ở những dòng ghi chép cuối cùng, cô nhắc đến ngôi biệt thự cùng dự định sẽ đến chụp ảnh để đưa vào bài viết.
*
Tại quán cà phê nhỏ nhắn, tĩnh lặng nằm sâu trong con ngõ phố Vĩnh Yên, hai người đàn ông ngồi đối diện nhau. Dường như nghe được cả âm thanh từng giọt cà phê thì thầm buông xuống lòng cốc.
- Cảm ơn vì anh đã gọi cho tôi, anh Phạm Nguyễn.
- Quán cà phê này có từ thời tôi còn nhỏ. Bao nhiêu năm qua tôi đã không trở lại. Tôi xin lỗi.
- Anh không có lỗi gì cả. Chỉ là tôi cảm thấy cần chuyển tới anh những dòng chữ cuối cùng của cô ấy, để anh hiểu hơn về cô ấy mà thôi.
- Cô ấy mất trong tình huống nào?
Họa sỹ Phạm Nguyễn nghe giọng mình khao khao.
- Khi chúng tôi được tin báo, phi đến hiện trường thì cô ấy đã ra đi. Một chiếc xe ô tô tông trực diện vào cô ấy, khi cô ấy đang đứng bên lề đường, gần với ngôi biệt thự của gia đình anh.
Một vệt đau cứa sâu vào ngực trái ông. Ông đã lờ mờ đoán được nguyên nhân, vậy mà vẫn cố hỏi. Có phải ông đang tìm cách thanh minh, chạy tội? Không. Đó không phải tính cách ông, người vốn nổi tiếng trong giới nghệ sỹ thực hành bởi sự khảng khái, dám làm dám chịu.
- Tôi rất tiếc.
- Anh không phải áy náy đâu. Cô ấy chắc cũng không muốn thế.
- Cô ấy đã có gia đình riêng chưa?
- Chưa.
- Vậy bố mẹ cô ấy?
- Cô ấy lớn lên trong trại trẻ mồ côi.
Một vệt đau lại khắc vào trong tim.Họa sỹ Phạm Nguyễn thấy ngạt thở.
- Tôi đã quá vô tình, làm tổn thương cô ấy.
- Vâng, có lẽ điều này thì anh đúng.
Trần điềm tĩnh đưa cốc cà phê lên miệng. Cà phê nghẹn đắng trong cổ họng anh.
- Cô ấy đã giới thiệu tên với tôi qua điện thoại. Tôi và cô ấy trò chuyện khá nhiều về cuộc sống, về nghệ thuật. Cô ấy rất khác với các phóng viên tôi đã gặp. Song thú thực, tôi đã không nhớ tên cô ấy. Nói đúng hơn là tôi không quan tâm.
- Mai, Lan, Huệ, Cúc… Tất cả như nhau phải không anh?
Họa sỹ Phạm Nguyễn im lặng. Ông còn biết nói gì để biện minh cho mình. Một chi tiết nhỏ thôi, vậy mà người làm nghệ thuật như ông lại không đủ tinh tế. Hay ông chỉ biết đến cái tôi của ông, những đòi hỏi nội tâm của ông, sự thúc bách bên trong của ông mà quên đi những cái tôi khác, những cái tôi dẫu bình thường nhưng có vóc dáng riêng tiếng nói riêng.
- Nói thật với anh, việc không nhớ tên, hay không để ý tên gọi của phóng viên cũng là chuyện thường tình. Chúng tôi quen rồi. Bổn phận của chúng tôi là làm tốt công việc, trung thực với thông tin. Anh cũng thấy đấy. Cô ấy không hề trách anh, ngược lại luôn dành cho anh những lời đầy trân trọng. Bởi vì cô ấy tin anh.
- Cô ấy trong sáng quá.
- Đúng vậy. Cô ấy muốn tìm kiếm sự lý tưởng, khát vọng, những vẻ đẹp trong thế giới quan nhân sinh quan của nhân vật. Tôi nói điều này có vẻ hơi văn hoa, nhưng đúng là như vậy đấy.
- Cô ấy cũng rất dễ tổn thương.
- Bởi cô ấy đã phải tự lớn lên, và luôn khao khát những điều bình thường nhất. Chính vì xuất thân này, mà cô ấy luôn đứng về phía bên lề, phía yếu thế.
- Tôi có thể giữ những dòng ghi chép của cô ấy được không?
- Liệu tôi và anh có được phép quyết định điều này không nhỉ? Bây giờ tôi cũng không biết nữa. Nhưng nếu anh thấy những dòng chữ đó có giá trị với anh thì anh cứ giữ.
- Cảm ơn anh Trần. Một hôm nào đó, anh có thể đi cùng tôi tới thăm nơi an nghỉ của cô ấy được không?
- Tôi lúc nào cũng sẵn lòng.
*
Họa sỹ Phạm Nguyễn ngồi lặng yên trước giá vẽ. Đêm đã chuyển về sáng. Trong không gian sâu thẳm, lòng ông cồn cào như có trăm nghìn con sóng nối nhau. Đã ba mươi năm nay, ông chưa vẽ lại. Nói đúng hơn ông chỉ vẽ để phục vụ các tác phẩm sắp đặt, trình diễn và một số hình thức khác của nghệ thuật đương đại. Ông đã tuyên bố rời bỏ các trào lưu hiện thực, không sao chép phản ánh, không tuyên truyền ca ngợi theo thị hiếu người đời. Nhưng đêm nay ông muốn vẽ. Vẽ bức chân dung cô gái ấy. Bức chân dung từ trí nhớ của ông.
Phạm Nguyễn cầm cây bút chì, phác nét đầu tiên. Bàn tay, các khớp ngón tay, khớp cổ tay ông đã cứng đi nhiều. Từ năm ngoái, các ngón tay thi thoảng run nhẹ. Chúng xuất hiện nhiều hơn mỗi khi ông xúc động hay căng thẳng. Căn bệnh Parkinson đã bắt đầu khai chiến với ông. Cùng với tuổi tác, sự lão hóa, ông sẽ dần trở thành một người già luôn run rẩy, và lãng quên dần ký ức.
Vậy nên, khi trí óc này còn sáng suốt, ký ức này còn quẫy đạp, ông khao khát được tái hiện chân dung cô gái ấy, khao khát nhìn thấy những nét vẽ chảy tràn trên toan.
Hạnh Nguyên! Tôi đã nhớ tên em rồi. Từ nay đến cuối đời, tôi không cho phép mình lãng quên em lần nữa. Trừ khi trí nhớ rời bỏ tôi.
Hạnh Nguyên! Em đã cho tôi một bài học lớn. Sự vô tâm của tôi, thói ngạo nghễ của tôi làm tổn thương em quá nhiều. Em đã bưng bít nó bằng niềm tin trong sáng vào tôi. Em đã cố chữa lành bằng những con chữ đẹp đẽ về tôi. Chiếc xe điên cướp đi mạng sống của em khi em đang loay hoay chụp ảnh ngôi biệt thự gia đình tôi nơi phố Vĩnh Yên. Tôi đã không còn cơ hội để xin em tha thứ.
Họa sỹ Phạm Nguyễn cảm thấy nghẹn tắc nơi cổ họng. Nước mắt ông giàn giụa, rơi thấm ướt tấm toan.
Phạm Nguyễn để mặc lòng mình khóc như đứa trẻ.
Phải. Ông cần được khóc.
A.T
(TCSH430/12-2024)