Phóng sự
Dư âm "Hội nghị toàn quốc những người viết văn trẻ lần thứ 7": đồng thuận & dị biệt
10:14 | 08/12/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊTrong một bài phê bình tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Mường Mán, khi nhắc đến đề tài chiến tranh, tôi có viết: “Và ngẫm cho cùng, quả bom hay viên đạn nổ bùng trong giây lát, nhưng hậu quả của nó, nỗi đau nó gây ra thì đeo đẳng con người ta suốt cả cuộc đời.” Không hoàn toàn như thế, nhưng dư âm của “Hội nghị toàn quốc những người viết văn trẻ lần thứ 7” (HNVT) vừa tổ chức tại phố cổ Hội An cũng có nhiều điều rất đáng suy ngẫm.

Thành công hay thất bại? Sau một ngày tham quan Khu Kinh tế mở Chu Lai, trong bữa cơm “giã bạn” chiều tối 13/4, nhà thơ Hữu Thỉnh hào hứng tuyên bố đại ý: “Sau 3 ngày làm việc sôi nổi, HNVT đã thành công tốt đẹp...”. Một ai đó đế theo: “Nhất định là thành công rồi!”. Vậy nhưng, ngay sáng hôm đó, báo “Tuổi trẻ” trong bài “Đổi mới chưa tới” (lấy ý của Lê Thiếu Nhơn), Phạm Xuân Nguyên (PXN) lại đánh giá: “...cách tổ chức vẫn như cũ, nên chưa vui lắm”Trẻ là của trẻ!” Thậm chí trên trang “Vietnamnet” ngày 14/5, mở đầu bài “Phỏng vấn” do Từ Nữ Triệu Vương (một thành viên dự HNVT) thực hiện sau chương trình “Thơ tôi nói gì?- Hai phút cho một ý tưởng”, lại xuất hiện một dòng gây sốc: “...đã hoàn toàn thất bại” !
Từ những cách nhìn nhận khác nhau, đánh giá một sự kiện khác nhau là lẽ thường, nhưng theo tôi, một số bạn, có thể do đặt yêu cầu quá cao (và có khi “lạc đề”), cũng có thể muốn “phản ứng” lại cái nếp quen thuần phục “nhất trí 100%”, nên thường quá nhấn mạnh hoặc chỉ thích nói “trái chiều”. Cũng bạn Lê Thiếu Nhơn, đã công nhận “có nhiều đổi mới” (bài đã dẫn) - thế là quá quý rồi, còn “bổ sung” thêm một khái niệm “trái chiều” rất khó xác định “đổi mới chưa tới” để làm gì?

Còn PXN, tuy dự định thực hiện cuộc “phỏng vấn” tôi để có thể làm một cuốn sách về những người có “vấn đề”, nhưng lại xoay quanh khá lâu về HNVT với câu mở đầu: “Vàng Anh đang giận em...” (PXN vẫn xưng hô anh-em với tôi khá thân thiết như hồi tôi còn làm “Tạp chí Sông Hương” mà anh là một cộng tác viên đắc lực...) Hình như là PXN cũng băn khoăn trước sự phản ứng của Phan Thị Vàng Anh về cách đánh giá HNVT của mình, nên đã “xoay” tôi mấy câu liền về HNVT. Tôi chia sẻ với PXN về sự bức xúc và đòi hỏi công luận phải đối xử công bằng đối với một số khuynh hướng viết trẻ hiện nay (dễ thấy hơn cả như đối với Đỗ Hoàng Diệu, nhiều bài ủng hộ tác giả trẻ này đã không được đăng trên báo chí trong nước...) nhưng cách đánh giá của anh về HNVT thì tôi không thể đồng tình. Chỉ cần dự đêm “Thơ trẻ trong lòng phố cổ” bên sông Hoài trước ngày khai mạc (hình như PXN không kịp dự) đã thấy HNVT lần này tràn đầy không khí mới, tươi trẻ, bổ ích. Đòi hỏi “trẻ là của trẻ” như PXN trở nên không cần thiết ở đây. Vì sao tôi khẳng định như thế? Vì những gương mặt trẻ đã làm chủ diễn đàn một cách tự trọng và rất có ý thức trách nhiệm, kể cả những tên tuổi hiện chưa được công luận “chính thống” chấp nhận như Nguyễn Thuý Hằng, cây bút vừa công bố bộ sách “Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý” gây xôn xao sau cuộc toạ đàm tại Viện Gớt (Hà Nội) ngày 31/3/2006; như Phương Lan, một thành viên của nhóm “Ngựa Trời” gồm 5 cô gái đồng-tác giả tập “Dự báo phi thời tiết” vừa xuất bản đã bị cấm phát hành. Ba MC dẫn chương trình đêm thơ là những gương mặt có thể gọi là “sáng giá” (Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương) cũng như các bạn MC của 2 buổi sinh hoạt tiếp theo, không hề bị “lớp già” hoặc Chủ tịch Hữu Thỉnh “giật dây”; họ hoàn toàn chủ động và xử trí thông minh, linh hoạt trước những tình huống bất ngờ; mặc dù chính MC Phan Huyền Thư đã phải thốt lên “hơi thất vọng” (TTCN 14/5) với chương trình “2 phút cho một ý tưởng”.

Nhưng theo tôi, bản lĩnh người viết trẻ thể hiện chủ yếu trên trang giấy, chứ có phải ai cũng sẵn sàng “ý tưởng” và ứng xử thông minh trước đám đông như MC Phan Huyền Thư. (Như Nguyễn Ngọc Tư chẳng “phát ngôn” được câu nào đáng giá trong HNVT này; như Đông Hà, nhà thơ trẻ ở Huế chỉ lặng lẽ làm một thính giả suốt ba buổi giao lưu, mặc dù tập thơ “Mưa kim cương” của cô có không ít bài chứa đựng “tuyên ngôn” về lẽ đời rất đáng suy ngẫm và cô sắp hoàn thành chuyên luận về việc cách tân của thơ trẻ hiện nay; và cũng như Văn Cầm Hải, người thường vắng mặt trong các cuộc họp mặt văn nghệ, hình như rất ngại lên diễn đàn “giải mã” những bài thơ “khó hiểu” của mình”). Đó là chưa kể vài “hạt sạn” (mà cuộc vui nào cũng có) như việc DDH “phát khùng” nhảy lên đáp trả những bạn chỉ trích tờ “Văn nghệ trẻ” với lời lẽ khiếm nhã đã phá hỏng không khí đêm vui và khiến những bạn chưa quen “tuyên ngôn” trước đám đông thêm rụt rè. Cần nói luôn ở đây, 2 “nhân vật” Thanh Lan và Nguyễn Thuý Hằng tôi vừa dẫn ra, không phải để đề cao khuynh hướng của họ mà để thấy rằng chỉ riêng việc họ (và cả Đỗ Hoàng Diệu nữa...) được mời dự họp, được trân trọng mời lên diễn đàn phát ngôn quan điểm sáng  tác của mình trước công chúng đông đảo đã thể hiện thái độ cởi mở về đội ngũ viết trẻ, đồng thời thể hiện quan điểm mới về nghệ thuật ngôn từ - tôn trọng những tìm tòi đổi mới, những phong cách khác nhau của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có 2 thành viên thuộc “lớp trẻ” là Hồ Anh Thái và Phan Thị Vàng Anh đã góp phần tích cực.

Hẳn là nhiều bạn trẻ cũng không đồng tình với đòi hỏi có phần cực đoan “trẻ là của trẻ” của PXN, nhất là sau khi chứng kiến những cảnh hoà đồng thật vui vẻ và khá bất ngờ giữa “lớp già” và “lớp trẻ” trong HNVT. Bất ngờ đầu tiên là việc nhà thơ-dịch giả Dương Tường cùng 2 nữ sĩ Dư Thị Hoàn, Trần Thị Trường xuất hiện trong đêm thơ bên sông Hoài giữa lòng phố cổ rộn ràng tiếng trống hội đêm rằm và khi “nhà thơ trẻ” còm nhom 75 tuổi Dương Tường được “bế” lên sân khấu thì buổi giao lưu đã lên cao trào. Dương Tường là một dịch giả nổi tiếng với nhiều bản dịch (như “Cái trống thiếc” - tiểu thuyết được giải Nô-ben văn học...) và cũng nổi tiếng là nhà thơ nhiệt thành ủng hộ sự cách tân của lớp trẻ (như trước đây với Phạm Thị Hoài và hôm nay là Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Thuý Hằng...) đồng thời là tác giả của một tập thơ “đánh đố” người đọc bằng những nét vẽ, nhưng trước các bạn trẻ và công chúng Hội An đông đảo, ông chỉ cười hiền lành và đọc 2 bài thơ về mùa thu rất “dễ thương”: “Chiều se sẽ hương / Vườn se sẽ sương / Trời se sẽ lạnh / Đường se sẽ quạnh / Người se sẽ buồn...” Việc bất ngờ nữa là nhà văn-thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, trong chương trình “Văn tôi-Phê bình tôi nói gì?”, đã hào hứng đứng lên bày tỏ sự ủng hộ cách viết dũng cảm của Nguyễn Ngọc Tư  và cả của Đỗ Hoàng Diệu, góp phần “hâm nóng” các bạn trẻ trước lúc ra Cửa Đại hóng gió biển. Và trong buổi giao lưu tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, trước cảnh hai nhà thơ Hữu Thỉnh và Bùi Minh Quốc - tác giả lời ca của hai bài hát - sát cánh bên các bạn trẻ say sưa hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, rồi “Cuộc đời vẫn đẹp sao...” có ai lại đòi “trẻ là của trẻ”?

Cũng không nên đòi hỏi HNVT “giải quyết” vấn đề này nọ; một cuộc gặp gỡ như vừa qua chỉ là dịp kết bạn, kích thích sáng tạo, gợi mở các vấn đề. Nhiều vấn đề có ý nghĩa đã được đặt ra: cần ủng hộ và tôn trọng mọi khuynh hướng tìm tòi sáng tạo, cần có “cách hiểu” loại sáng  tác “khó hiểu”, quan hệ người viết và công chúng, tình dục trong văn chương, “xem lại” định hướng tờ “Văn nghệ trẻ”... Thế đã là nhiều.
Tôi đã dành hơi nhiều trang cho “mục” này vì việc đánh giá HNVT đang là “vấn đề” được quan tâm của nhiều người. Không chỉ PXN, các nhà văn Võ Thị Xuân Hà và Nguyễn Thuý Quỳnh gặp tôi khi ghé thăm Huế đều hỏi: “Anh đánh giá HNVT như thế nào?” 
Những khuynh hướng dị biệt và triển vọng... : Có một thời chúng ta rất ngại nói đến sự dị biệt, nhưng trong văn học nghệ thuật, sự khác nhau (giữa người này và người khác, giữa tác phẩm trước và tác phẩm sau của một tác giả...) là một yếu tố làm nên giá trị. (Xin lưu ý: chỉ là một yếu tố thôi.) Vì thế, trước một tác phẩm “khác lạ” và “khó hiểu”, thái độ cần thiết là lắng nghe, tìm hiểu chứ chẳng nên vội quy kết là “bế tắc”, “lạc đường” là “hư hỏng”...Kiệt tác “Truyện Kiều” và gần hơn là một số tác phẩm của Vũ Trọng Phụng từng bị coi là “dâm thư”. Và mấy ai giải thích được rành rẽ tranh trừu tượng? Ngay bài thơ “Thằng Bờm” dân dã, “giải mã” thế nào là đúng?...

Thử nghe Nguyễn Thuý Hằng và các MC đối thoại trong đêm “Thơ trẻ trong lòng phố cổ” (lược ghi theo băng ghi âm nên có thể sai lạc chút ít): 
- Dạ Thảo Phương: ...Buổi toạ đàm về cuốn “Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý” (NXB Trẻ, 2006) ở Viện Gớt đông hiếm thấy, nhưng các nhà phê bình tranh cãi, chứ Nguyễn Thuý Hằng chưa nói được gì; khán giả cũng không được nghe tác giả đọc thơ. Vậy hôm nay chị có thể đọc một bài...
- Nguyễn Thuý Hằng: ...Tôi xin đọc bài thơ “Móp đầu” in đầu tập sách: Tôi biết nó sẽ ụp xuống tóc / Trong tai bịt đầy rác / Đàn ông vo ve mảnh giấy bạc / Vừa lấp / Một con cá / Điên / Biến tôi thành cái mồm ngập đầy xi măng / Giẫy đành đạch / Chim kiến lửa...(Trích)
- Nguyễn Vĩnh Tiến: ...Vì sao tên tập sách đã “điên rồ” lại có chữ “hợp lý” đằng sau? Chị có thể giải thích...
- Nguyễn Thuý Hằng: Tôi nghĩ chính nó hợp lý vì cuộc sống có nhiều thứ nó đẩy mình tới những trạng thái bất bình thường, mọi thứ đều có lý do, nên nó có hợp lý trong đó...
- Nguyễn Vĩnh Tiến: Nói như chị, tất cả ngẫu nhiên được Thượng đế an bài, ngay cả những cái bất ngờ nhất ta được tận hưởng là có sự hợp lý từ một tiền kiếp nào đó...
- Nguyễn Thuý Hằng: Tôi nghĩ cái gì cũng có nguyên nhân, chứ không phải tự nhiên người ta điên rồ lên...

Thanh Lan (nhóm “Ngựa Trời”, tác giả tập “Dự báo phi thời tiết”, NXB Hội Nhà văn 2005) cũng nghiêm túc trình bày cách nghĩ của mình như thế. Vi Thuỳ Linh trong chương trình “Thơ tôi nói gì” thì quyết liệt tuyên ngôn đến khản cả giọng rằng chị không quan niệm đây là “sân chơi” mà là sự “dấn thân” hết mình tìm cách đổi mới thơ...
Riêng về trường hợp Nguyễn Thuý Hằng, cần nói thêm rằng khi Nguyễn Vĩnh Tiến giới thiệu nhà thơ Dư Thị Hoàn là người nhiệt thành bênh vực thơ Thuý Hằng tại cuộc toạ đàm ở Viện Gớt, tác giả “Lối nhỏ” liền cải chính: “Tôi không bệnh vực thơ Thuý Hằng mà bênh vực cách làm thơ của Thuý Hằng là không đưa ra một tác phẩm hoàn chỉnh, mà chỉ đưa ra một diện mạo, một dáng dấp, để độc giả tò mò, đuổi bắt, và cuối cùng phải ra tay hoàn chỉnh tác phẩm đó theo thích thú của riêng mình. Nó như một khối ru-bich, như những hạt màu trong kính vạn hoa, người sử dụng phải xoay, phải lộn nhào... mới thoả chí...” MC Nguyễn Vĩnh Tiến tán thưởng: “Một cách lý giải rất hay và rất mới vì lâu nay, ta đưa ra một sản phẩm chỉ nghĩ đó là sản phẩm của ta thôi, mà không nghĩ rằng mọi người có thể góp sức mình vào đó...”

Nói vậy để thấy không phải các khuynh hướng “khác lạ” gần đây đều là sự phá phách, là rác rưởi... Giá trị của những tác phẩm đó đến đâu lại là chuyện khác và hẳn là phải có thời gian, nhưng  cần phải có diễn đàn để họ được công bố, giải thích; nếu không, buộc họ phải đưa lên “mạng” rồi lại cho là “vọng ngoại” thì chỉ tạo nên sự xa cách... Sau bữa cơm “giã bạn” tôi hỏi Nguyễn Thuý Hằng: ...Bộ sách đang có dư luận không thuận, mà chỉ in 500 bản, giá bán cao (215.000 đồng), ít người được đọc, sao cô không trích gửi một bài thơ, một truyện ngắn rồi trình bày quan niệm viết của mình?” Nguyễn Thuý Hằng lắc đầu: “Không ai đăng đâu! Đã có chỉ thị...” Tôi không tin lại có sự “chỉ đạo” như thế với một tác phẩm văn học đã được xuất bản công khai, nghĩa là “đúng luật pháp”. Vì thế, tôi đã nói với Đỗ Hoàng Diệu, cũng sau bữa cơm “giã bạn” rằng: “Bài tiểu luận “Sau khi bị bóng đè” của cô trên mạng rất hay, sao cô không gửi cho báo “Văn nghệ” để độc giả trong nước hiểu cô đã nghĩ gì lúc viết?...” Đáp lại là cái nhún vai cũng khá điệu đàng như giọng của cô: “Em không dám...” Tôi không tin là vào lúc mà ngay cả những vấn đề chính trị, Tổng Bí thư Đảng Nông Đức Mạnh đã khẳng định: “Chúng tôi...phải dám nghe, biết nghe, lắng nghe tất cả ý kiến, thậm chí ý kiến phê phán gay gắt” (Trích bài trả lời các nhà báo sau khi tái đắc cử) mà tờ báo của các nhà văn lại từ chối tâm sự của một nhà văn? Có thể là tôi còn quá “ngây thơ”, nên ngay sau khi chia tay với tác giả “Bóng đè”, tôi đã giới thiệu bài viết nói trên của Đỗ Hoàng Diệu với nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch BCH Hội Nhà văn Việt Nam...Thì “hãy đợi đấy!” Nếu bài đó không được đăng thì tôi cũng được sự an ủi rằng mình còn “ngây thơ”. Với người làm văn nghệ, hình như sự ngây thơ cũng cần...

Cần phải nói thêm là tôi không nghĩ những khuynh hướng tìm tòi dị biệt kể trên chắc chắn sẽ tạo nên diện mạo mới cho văn học Việt . Tôi chia sẻ ý kiến của Bùi Nguyên Trang là dù sao tác phẩm viết ra phải truyền cảm đến được độc giả. Người đọc vẫn rất cần những bài thơ hay giản dị như của Xuân Quỳnh... Và tôi cũng đã phát biểu tại HNVT: Nguyễn Ngọc Tư viết theo kiểu hiện thực “cổ điển” mà vẫn hay, vẫn sâu sắc. Văn chương luôn tồn tại nhiều con đường dẫn tới đỉnh cao, miễn có thực tài. Các bạn còn trẻ, có gan, xin cứ đi tìm, nếu quả thực chính mình cảm thấy cuộc sống và tình cảm thực của mình đòi hỏi điều đó, chứ không phải cố làm cho khác người, cố phơi bày cả cách sống nhố nhăng để dễ được nổi tiếng. Biết đâu vài chục năm nữa, trăm năm nữa, sẽ có lớp độc giả của các bạn. Nhưng xin dẫn lời hai nhà văn có thể gọi là nổi tiếng, từng ở miền Nam trước “75” và đang sống ở nước ngoài: Nguyễn Mộng Giác đã nói với tôi: “Về cách viết thì lớp chúng tôi, hồi những năm “sáu mươi” đã học theo các trào lưu “cách tân” ở châu Âu, nhưng thấy không đến đâu. Hình như một số bạn trẻ ở trong nước hiện nay đang dẫm lại vết chân lớp bọn tôi bốn chục năm trước...” (Trích bài đã in trên “Tạp chí Sông Hương” năm 2002 và sau đó đăng lại trên “An ninh thế giới cuối tháng”) Và gần đây, trên mạng TLW, nhà thơ Du Tử Lê, người đã có những cách tân về thể thơ lục bát và cách sử dụng các dấu ngắt câu, trong chương trình “Du Tử Lê, Thi ca & Âm nhạc” do Thư viện Diên Hồng tổ chức tại Paris ngày 5/6/2004, đã nói: “...Mặc dù phong trào Nouveau roman - Tân tiểu thuyết đã có từ lâu ở Pháp, khi du nhập vào Việt Nam, đã qua gần 20 năm rồi, đã tàn phai ở Pháp rồi, nhưng lúc đó, nó mới đến với chúng tôi, và chúng tôi lao vào Nouveau roman, rồi Anti-nouveau ro man, với tất cả cái hãnh diện, cho rằng mình là avant-garde, bước những bước đầu tiên...”

Chính vì vậy, khi PXN hỏi tôi về triển vọng của những cây bút trẻ, tôi có phần e dè. Tôi ủng hộ mọi tìm tòi đổi mới, nhưng bản thân sự mới lạ, độc đáo về hình thức chưa làm nên giá trị tác phẩm. Tôi cảm thấy mới có sự ồn ào bề ngoài có tính “thời vụ” mà còn ít sự dấn thân bền bỉ và thầm lặng nữa - khác với ca sĩ, nhà văn, chủ yếu làm nên giá trị trong sự thầm lặng và cô đơn. Có như thế mới mong sáng tạo nên tác phẩm vừa có sức nặng và tầm cao của tư tưởng, trí tuệ, vừa có độ sâu sắc của một tâm hồn thấu hiểu mọi nỗi buồn vui của kiếp nhân sinh...
                  N.K.P

(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng