Phóng sự
Chiếc cầu ghế gỗ An Bang
14:39 | 03/07/2020

LỮ MAI - TRẦN THÀNH       
                  Ghi chép   

Đến với Trường Sa mùa biển động, hải trình nào có đảo An Bang thì gần như tất cả những con người trên mỗi chuyến tàu đều nóng lòng sốt ruột, đứng ngồi không yên chừng nào xuồng còn chưa cập đảo.

Chiếc cầu ghế gỗ An Bang
Ảnh: internet

Lịch trình đã ấn định rồi, đảo nhỏ thấp thoáng một dải xanh xanh nhưng thông tin cập nhật trên đài chỉ huy vẫn đều đặn, ắp đầy tình tiết thông báo về sự thay đổi. Hai chữ An Bang vang lên trong hệ thống truyền tin, như sợi dây bâng khuâng, mong manh nối từ đất liền ra tàu, từ tàu vọng vào sóng, từ sóng xô vào đảo và tụ đến lòng người ngong ngóng đợi, mong mỏi trông, khôn nguôi hy vọng.

Sóng trào thương nhớ…

Trưởng đoàn công tác luôn có mặt trên đài chỉ huy, bên thủy thủ đoàn, họ cùng thảo luận dựa trên dữ liệu và cả cảm giác của những người giàu kinh nghiệm đi biển. Thời điểm vào đảo này thật ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn vài giờ đồng hồ “châu báu” trong ngày, hễ tính trượt, không biết đến bao giờ mới ghé thăm đảo được. Cái bầu không khí, tâm trạng chẳng thể gọi thành tên này như khiến thời gian ngưng lại, căng tràn nôn nóng, âu lo. “Vào An Bang!” Quyết định vang lên dứt khoát. Đại biểu từ tàu xuống xuồng, ai nấy hân hoan khi sắp được thăm một trong những đảo gian khó bậc nhất quần đảo Trường Sa. Sự khác biệt về mặt địa hình, địa chất khiến An Bang được mệnh danh là “lò vôi”, là đảo “đồng hồ cát”, sóng gió bốn mùa sôi lên ùng ục như thể dưới lòng biển đang diễn ra cuộc vật lộn giữa hải thần với quái vật, giữa nước với lửa, như trống thúc dồn quân xông pha chốn trận tiền. Sóng, hết đợt này lại đến đợt khác, vồng lên rồi chẻ ra tua tủa hệt lưỡi giáo, lưỡi gươm, lưỡi búa, lưỡi liềm. Sóng từ biển xộc thẳng chân bờ kè, chồm lên trắng xóa miền chân đảo. Dữ dội nhất An Bang. Bất ngờ nhất An Bang. Nên thương nhớ nhất cũng là An Bang.

Cách xuồng cập đảo An Bang không hề giống những nơi chốn khác. Chiếc xuồng truyền tải đáy bằng luôn được kéo bởi một chiếc xuồng hình quả nhót để tăng khả năng chống lật. Cảm giác phấn khởi vì sắp được thăm đảo lắng dần, thay bằng niềm âu lo trước cơn sóng dữ đang hiện hữu trên khuôn mặt căng thẳng của từng con người. Thậm chí, có người chỉ muốn nhanh chóng thoát khỏi chuyến xuồng. Từ trên tàu đã biết trước sẽ gian nan, khó lường, thực tế còn chật vật hơn bội phần. Vượt qua mép xanh, thấy rõ “sợi dây người” vững vàng nơi mép sóng. Sợi dây cảm tử ấy có trách nhiệm kết nối xuồng với đảo, đưa người lên an toàn. Người giữ nhiệm vụ nhảy xuống biển bắt sợi dây nếu chỉ chậm tích tắc thôi, có thể sóng lớn sẽ đánh ụp xuồng hoặc nhẹ hơn, hụt dây thì tất cả phải thao tác lại từ đầu, nhận tín hiệu phối hợp với nhau, lường theo sóng, “cạch cạch cạch” một lúc, xuồng truyền tải mới có thể quay trở lại lần hai.

Xong nhiệm vụ, tổ xuồng kéo theo chiếc xuồng không về tàu, lại vào ra, chở thêm những đợt người và hàng hóa khác. Để thay thu quân, cấp hết hàng, cần hơn chục lượt vào ra như thế, đồng nghĩa chừng ấy lần chiến đấu cùng sóng dữ. Trên bờ cát, sợi dây người lại kiên nhẫn đợi chờ. Thông thường, chỉ mất mười phút để họ chập lại thành sợi dây, thao tác cực kì chuẩn xác. Nhưng, khâu chờ đợi xuồng ra vào, lắm khi mất cả giờ đồng hồ. Tất cả đều diễn ra dưới nước biển mặn và nắng vỡ lửa trên đầu. Người lái xuồng chịu nắng nóng, người trên bờ cũng quay quắt không kém. Dưới xuồng, sóng đánh nhòe nhoẹt hết mặt mũi, mồ hôi túa ra vẫn phải mặc áo mưa trùm kín để tránh nước mặn bám vào cơ thể vốn đã đầy vết xước đang rấm rứt như ong chích, như chạm phải cầu gai biển. Người đợi trên bờ, cát bỏng rộp chân, cát bay đỏ mắt.

Nhiều giờ ngồi trên bờ cát, tôi quan sát và ghi lại hình ảnh các chiến sĩ đảo An Bang đợi xuồng. Cái cách các anh ngồi, bóng người nọ đổ xuống người kia khi nhiệt độ ngoài trời khoảng trên bốn mươi độ C khiến bất cứ khi nào nhìn lại hình ảnh ấy tôi đều không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh. Ai từng phơi nắng Trường Sa sẽ hiểu phần nào cảm giác này. Vải áo huấn luyện dày đến thế, chát mặn vẫn xuyên qua. Ai lại từng mặc áo phao phơi nắng như các chiến sĩ còn thấy sự bức bối, ngột ngạt tăng lên nhiều cấp độ. Song, ở cấp độ nào thì những người mặc áo phao kia cũng sẵn sàng là “biệt đội” bơi ra bắt dây xuồng, những người còn lại nhanh như cắt chập vào nhau mà tạo thành sợi dây kéo xuồng lên bờ cát.

Nhịp cầu nâng những bước chân…

Ở cầu tàu An Bang, nếu để chọn một vật dụng mang tính biểu trưng cho hòn đảo gian khó này, đó sẽ là chiếc ghế mang “thương hiệu” An Bang. Chẳng biết từ bao giờ và ai là người đầu tiên nghĩ ngợi, cần mẫn đóng ghế để giờ đây, hễ vào đảo thì không thể không gặp nhịp cầu đặc biệt ấy. Chiếc ghế gỗ chân hình chữ A, dài cỡ ba mét, cao 50cm, rộng 30cm, dầy đến hơn 10cm, chắc nịch vững chãi, miễn dịch với mọi sự khắc nghiệt. Khi đón người từ xuồng lên đảo, công năng của nó không còn là chiếc ghế thông thường mà hóa thân thành cây cầu nhỏ nối từ xuồng vào bờ cát, vừa nhanh chóng giải phóng người khỏi xuồng, vừa giữ cho khách thăm đảo không bị ướt, trượt ngã. Mỗi năm, khoảng bốn lần nhận hàng cộng thêm vài lần đón đoàn công tác, chừng ấy lần đều có nhịp cầu nho nhỏ bắc qua. Mùa tháng tư biển lặng, An Bang vẫn sóng vỗ ầm ì, nhiều đại biểu nữ ăn mặc rất đẹp, chấp chới vẫy tay trên xuồng, cả “sợi dây người” và nhịp cầu bé nhỏ kia đã gồng mình lên giữ cho khách lên đảo an toàn, như thể đang nâng niu một bông hoa đẹp giữa biển sóng quất lên ràn rạt. Khi những người lính và chiếc ghế làm xong nhiệm vụ, rảnh rỗi phút chốc ngồi chờ chuyến xuồng mới, họ lại bên nhau. Mới qua một chuyến xuồng, đầu tóc áo quần đã sũng ướt, nếu hấp tấp ngồi ngay xuống lập tức cát bám đầy người, nên bao giờ lính đảo cũng ngồi lên ghế trước, chờ mươi phút dưới cái nắng đổ lửa ập xuống cho người ráo khô. Chờ cho chuyến xuồng khác cập đảo. Rồi họ cất giọng ấm trầm đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ của người bắc nhịp cầu ghế gỗ gửi người ở đất liền ra: “Hãy giữ cho nhau nhịp tim không run sợ/ Chân vững vàng và mắt cứ long lanh/ Có chúng tôi đây đo đếm từng đợt sóng/ Hãy làm hoa nở mà giữa muôn trùng…”. Trong lúc chờ xuồng, tôi hỏi anh em: Cảm giác lúc này như thế nào? Lính đảo chỉ cười chất phác mà chẳng nói gì. Nào ai muốn nói về nỗi vất vả của mình. Mắt họ ánh lên niềm vui được gặp người từ đất liền, được cấp thêm hàng quà, và một số người ở đây đã hoàn thành nghĩa vụ, sẽ vào bờ chuyến này...

Thực tế, đảo An Bang vẫn có cầu cảng, thậm chí cả một chiếc xuồng CQ túc trực tại đó nhưng cảng và xuồng được sử dụng thời điểm, tình huống nào thì chỉ có bộ đội mới biết. Tôi đã ba lần đến với An Bang, vào các mùa trong năm, và cả ba lần xuồng đều đáp thẳng lên bãi cát. Chúng tôi hỏi những người thủ trưởng giàu kinh nghiệm đưa nhiều đoàn công tác thăm đảo về chi tiết này. Họ khẳng định: Chỉ trong trường hợp đặc biệt, đột xuất thì xuồng CQ tại cầu cảng sẽ làm nhiệm vụ. Nỗ lực lắm mới hạ được xuồng, điều khiển nó càng khó khăn hơn. Xong xuôi, chắc chắn tất cả người trên xuồng đều ướt sũng, nước biển chan lẫn mồ hôi. Cảm giác về sự hòa trộn mặn mòi, bứt rứt ấy khiến tôi nhớ lại, hồi tháng 4/2016, chuyến xuồng đang đưa đoàn công tác vào đảo, bộ đội ở mép nước đã trầm mình xuống kéo xuồng thì bất chợt một con sóng dữ nhấc cả chuyến xuồng với gần hai mươi con người lên thẳng bãi cát khô. “Sợi dây người” ngã văng ra, may mắn không ai bị xuồng đè lên. Rất nhanh sau đó, họ bật dậy, quay về hướng xuồng, tận tụy dìu đỡ từng vị khách về đảo. Đã được thủ trưởng đoàn nhắc nhở không để điện thoại, máy ảnh bên ngoài, phải bảo quản bằng túi chống nước nhưng một số người vẫn quên, thiết bị hỏng hết. Thủ trưởng mải mê chỉ đạo, thao tác, sóng đánh tụt luôn dép rọ, đành đi chân đất lên đảo làm việc. Trong cảm giác hơi ngại ngần, anh quay lại, thấy một số người cũng mất dép như mình nên thoải mái bước đi. Chuyến ấy, lúc về tàu, sóng dữ tới mức không thể dùng xuồng cứu hộ, bộ đội thay đổi phương án, từng nhóm sáu người được đưa xuống xuồng cao su của đảo, xuồng ra quá mép xanh mới chuyển tiếp sang xuồng của tàu để đảm bảo an toàn.

Quê nhà bóng tỏa trùng khơi

Cầu tàu và bốn bề dữ dội, nhưng đi sâu vào lòng đảo An Bang lại đẹp đẽ, bình yên vô cùng. Chính xác thì đó là cảm giác thân thuộc, ấm cúng như quê nhà ta vậy. Ở đây, những mái nhà cứ nối nhau, gối nhau, quây quần ôm lấy khu bếp trong khoảng sân mát rượi có bốn, năm cây bàng xòe tán che. Đảo nhỏ, không gian sinh hoạt vỏn vẹn một hình tròn như vòng tay vừa khép lại. Bên cột mốc chủ quyền là biển cả bao la. Đường đi lối lại có hoa giấy nhiều màu tươi tắn, một cây dừa cao vút lên như nét vẽ cong. Màu sơn tường vàng nhận thêm màu nắng khiến sắc màu bừng lên, sóng sánh và sáng rõ. Không gian đó nồng nàn, lay động xiết bao. Lần đầu tiên đến với An Bang, tôi ngạc nhiên thích thú khi phát hiện có một cái giếng giữa khoảnh sân nhỏ xinh, phía sau bếp. Tán bàng vuông mát rượi điểm xuyết gợi xúc cảm về giếng nước quê hương. Lời bài hát “Giếng quê” vang lên trong đầu tôi diệu vợi: “Chiều nay giếng bên tôi/ Thầm thì bao kỷ niệm/ Cành khế đầy hoa tím/ Trong một chiều hoàng hôn”. Có chiếc máy bơm đặt sẵn ở đấy, bơm nước tự động vào bể ngay cạnh, đứng xa xa, đã thấy đầy ăm ắp. Thế này thì yên tâm quá rồi, đảo đâu có thiếu nước ngọt! Trong đầu tôi lóe lên một niềm vui đến lạ. Tôi ra đây để khảo sát điều kiện lắp đặt máy lọc nước biển thành nước ngọt mà thấy cảnh tượng ấy thì vui gì cho bằng. Lại gần, soi xuống làn nước xanh ngắt in bóng những cụm mây trắng thấy cá bơi tung tăng nhóng nhánh màu sắc. Ô kìa! Đó là những con cá “bò ngu” - loài sống ở nước mặn. Thì ra, cái giếng kia không như ý nghĩ ban đầu. Lòng tôi chợt chùng xuống, bâng khuâng... Địa chất An Bang toàn đá san hô, trời có mưa xuống, đảo cũng không giữ được nước ngọt. Tất cả thiết bị liên quan tới kim loại trên đảo chuyển màu rêu vì nhiễm mặn. Hiện An Bang vẫn chưa có máy lọc nước biển nên các hoạt động càng gian khó.

Lại nhớ, vào cuối năm 2017, chúng tôi tặng quất xuân ra toàn quần đảo Trường Sa, khi cây vừa từ xuồng lên đảo An Bang đã thấy ngay một người đứng đợi sẵn, đón bê cây một mạch từ bãi cát lên bờ kè. Anh nhanh chóng bước qua chiếc thang bằng sắt mà nếu đi người không đã chông chênh chứ đừng nói là mang vác vật gì nặng, trông thật nguy hiểm. Bộ đội đi lại, luyện tập nhiều lắm thành quen hay cảm giác đón vật phẩm mùa xuân khiến họ quên đi những bấp bênh rình rập? Hỏi chuyện, được biết anh tên Thắng, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Anh Thắng bùi ngùi tâm sự, người ở đảo xa, thấy một món quà từ quê nhà vượt muôn trùng sóng dữ cập đảo như thấy quê hương đang hiện hữu, gần kề. Cây quất mà anh ôm vào lòng, suốt ngày tháng qua đã vượt hành trình đầy cam go, bão tố. Biết bao nâng niu, gìn giữ từ khâu đánh gốc, vận chuyển lên ô tô, tàu hỏa, chăm tưới trên tàu, cho cây “uống” thuốc B1, lá bọc phải nửa kín nửa hở, ni lông phải chọn màu trắng để cây vẫn quang hợp được. Vào tới cảng Cam Ranh, cây còn sống đã hú vía lắm rồi, nhưng vẫn còn cả chặng đường dài thấp thỏm bốc dỡ từ cầu cảng xuống, đưa lên ô tô trung chuyển rồi lên tàu, đối diện với gió biển, nước mặn, lá úa rụng tơi bời. Cây mang lên đảo, bộ đội rưng rưng. Bao lần ra với Trường Sa, tôi đã gặp rất nhiều người như thế. Họ ôm cây trong lòng mình, như ôm một đứa con thơ, như ôm trọn tin vui của mùa xuân nơi đất mẹ.

Cho tới bây giờ, qua nhiều mùa đi biển, tôi vẫn chưa có cơ hội lưu lại lâu lâu ở An Bang để cảm nhận một đêm trên đảo. Mọi việc liên quan tới hòn đảo này đều diễn ra chóng vánh, nhanh gọn để kịp “cập” và “rút” trước khi gặp thủy triều bất lợi. Trên chuyến tàu mùa thay thu quân, tôi nhớ mãi người lính quân y tên Sơn của đảo. Chúng tôi từng liên lạc với nhau khi ở trong bờ. Anh hẹn, tôi lên đảo sẽ làm cơm đãi và quả nhiên chúng tôi kịp ăn với nhau một bữa cơm dưới tán bàng xanh ngắt nhìn sang bên kia là giếng nước, bên này là bếp. Sơn lên tàu bị say sóng, nửa nằm nửa ngồi ở hành lang. Tôi đi qua, lúc đưa cho anh phong lương khô, khi gói ruốc gà, khoảng cách xóa nhòa tới mức người này đưa, người kia nhận, tự nhiên như anh em một nhà, không cần mời mọc, cảm ơn khách sáo.

Chiếc ghế gỗ An Bang như nhịp cầu nối mọi gian khổ mà tràn đầy yêu thương, xúc động của những lần gặp gỡ và chia tay bên bờ cát trắng. Khi chưa hiểu An Bang, chúng ta lên đảo, có thể sẽ cố gắng băng qua nhịp cầu đó thật nhanh để thoát khỏi con xuồng chòng chành, cảm giác nôn nao vì sóng dữ mà không nghĩ ngợi nhiều, rằng nhịp cầu được bắc bởi những người lính đầy trách nhiệm, chu đáo với tình cảm nâng niu gìn giữ. Những người lính ấy, khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về đất liền, họ cũng bước lên nhịp cầu bé nhỏ đó mà rời đảo. Cái cách họ bước đi khác với chúng ta. Nhịp cầu nhớ thương, khắc khoải mà khi sắp hoặc đã xa rồi, bao người lính An Bang chợt nhận ra, họ thiết tha muốn bước lên đó thêm một lần nữa.

L.M - T.T  
(TCSH375/05-2020)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhật ký (15/12/2009)