Phóng sự
Thử thách trong sóng lũ
10:21 | 31/10/2009
AN CHÍNHPhường Phú Hậu là một phường nghèo, dân tứ chiếng, địa thế thấp, vậy mà không có người chết trong lũ lụt vừa qua.
Thử thách trong sóng lũ

Rất mừng. Anh Thuyên đồn Trưởng đồn Phú Hậu nói:
Chúng tôi đã chuẩn bị 30 địa điểm cao, phổ biến cho dân. Nếu lụt, cứ chạy đến đó. Khi được tin có lụt. Anh em trong đồn cùng dân vệ khu phố dùng loa điện cần tay đi thông báo khắp phường. Cùng lúc đó công an khu vực nắm chắc địa bàn, đi từng ngõ, từng kiệt nhắc nhở đồng bào.

Tôi hỏi anh Thuyên:

- Hàng hóa, của cải của dân sao bị mất nhiều thế?

Anh Thuyên đáp:

- Nước lên nhanh quá! Chúng tôi nhận được lệnh từ chỉ huy trưởng Thành phố, ở vào hoàn cảnh này, phải bỏ của cứu lấy người đã. Còn người là còn tất cả. Chỉ cần ngoái lại, tiếc của, trở lui, nước xiết nhường ấy, chết như chơi.

Phường Thuận Thành đã chuẩn bị sẵn 3 thuyền chống lụt. Một của đồn công an, hai của ủy ban. Tuy hai nhưng một. Thấy nước lên to, 3 thuyền được lệnh tới các đường phố sẵn nước như Tĩnh tâm và dân xung quanh bờ hồ. Thuận Thành có tổng cọng 2500 hộ thì 2300 hộ đã bị ngập. Thuyền đi đến đâu, kêu gọi dân sơ tán đến đấy. Ai tự túc được thì bơi đi. Người già trẻ con, mời lên thuyền, tới các hộ bên bờ thành tá trú.

Phường Thuận Thành có đặc điểm là mọi sự giao thông phải qua lại hai cửa Thượng Tứ và cửa Ngăn. Nước ngoài sông chảy vào như thác. Cứ kiểu chảy ấy, thêm một ngày nữa chắc nước đã khóet bật cả mảng tường. Nước chảy, dân vẫn phải đi. Công an đã buộc dây từ bờ cầu ngoài cửa vào cọc bên trong để dân bám vào đó vượt qua. Đến lúc nước cao quá, chìm cả cọc, dây mất tác dụng, đồn cử ngay các chiến sĩ túc trực ở hai yết hầu quan trọng ấy đưa được tổng cọng 270 người qua cổng thành.


(Lực lượng vũ trang cứu nạn - Ảnh: Lê Quang Hoàng)


Đêm, anh Phú đồn trưởng đồn Thuận Thành đang trực, ngồi nhà không yên, anh đã cùng 3 chiến sĩ của mình: Hoàng Ngọc Năm, Nguyễn Văn Đạn, Nguyễn Văn Nguyên đưa thuyền ra dòng nước đang chảy xiết thả thuyền len lỏi vào Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Biểu, cư xá lao động, khu trường nông nghiệp. Lúc này nước đã chấm mái những ngôi nhà thấp. Vừa đi các anh vừa kêu to: " Có ai trong nhà không?" Không phải một vài tiếng đáp rời rạc, mà nối những lời đáp: " Cứu chúng tôi với!". Có đến hơn trăm người. Họ nằm trên trần nhà, bám trên xà nhà. Nhiều người không có đường bơi ra Phú hạ lệnh phá mái tôn để mở đường thoát cho những người dân đang mắc kẹt mười phần nguy đã đến chốn.

Không chỉ cứu dân phường mình, các tay thuyền của Thuận Thành đã sang cứu giúp dân của Phú Hòa, Tây Linh. Tổng cọng số người đã được họ đưa thoát khỏi làn nước nguy hiểm là 448 người. Đưa tổng số người trong thành phố được anh em công an các phường bạn cứu nạn lên tới: 1628 người, đưa 1200 người từ vùng thấp lên vùng cao. Tất cả các phương tiện thuyền, ghe, phao cứu sinh, bè chuối, bè nứa, bè gỗ được huy động một cách tổng thể theo từng sáng kiến, hoàn cảnh của từng khu vực.

Nước đã lên cao, mênh mông. Đêm gió mạnh. Lại có tin áp thấp nhiệt đới phía Nam Trung Bộ sẽ ảnh hưởng tới Thừa Thiên. 100 phần trăm chiến sĩ công an trực lũ lụt như trực chiến. Điện thoại từ các phường báo về ban chỉ huy thành phố:

- Dân chạy lụa bắt đầu đói.

Cứu hàng, cứu người, bây giờ đến cứu đói. Chỉ huy trưởng công an Thành phố ra lệnh khẩn cấp:

- Đi kiểm tra tất cả kho, quầy hàng lương thực của thành phố và tư nhân.

Báo cáo được thông tin về. Phó công an Thành phố Nguyễn Văn Quang được lệnh đáp thuyền đến từng cơ sở lương thực ấy, ký ngay lệnh xuất mì tôm, gạo, bột mì để cứu đói.

Ghe thuyền các phường đi lấy mì tôm, chở thuyền vào từng ngõ xóm chia lương thực cho đồng bào. Ai có điều kiện thì nấu chín. Ai không có điều kiện thì có thể ăn sống. Mì cua trở thành thực phẩm cứu đói cấp thời.

Mặt khác, các anh công an bàn bạc cùng hai phường Trường An, Phước Vĩnh hô hào, kêu gọi đồng bào "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều". Nhà nhà xuất gạo của mình, tự nấu cơm, tự vắt từng vắt trao cho các chiến sĩ công an đưa đến cho dân lánh lụt.

Cơm không đủ, hai kho bột mì ở Đông Ba, Phước Vĩnh được chuyển từng bao tới lò bánh mì ở Phước Vĩnh. Tập trung tất cả nhân viên huy động tối đa năng suất của lò mì, làm suốt ngày đêm và được chuyển đi kịp thời cứu đói.

Có ăn, phải có uống, các anh công an phát huy sáng kiến của nhân dân, dùng ni lông hứng nước trời dùng tạm, tiết kiệm trong những ngày nước lũ  đục ngầu dâng đầy, chưa có nước của Vạn Niên.

Lụt, trăm bề phiền phức lo toan. Những sự cố trong sinh hoạt vẫn liên tiếp xảy ra. Khẩn cấp nhất là đưa người ốm đau cấp cứu và những phụ nữ đến kỳ sinh nở tới bệnh viện. Và đặc biệt, các phường báo về có những xác chết trên đường phố, các gia đình có người chết không có chỗ khâm liệm.

Người chết chưa có người nhận được vớt lên ghe đưa về tập trung khu vực bia "chiến sĩ trận vong", bia kỷ niệm những người lính Pháp tử trận. Hòm gỗ được đưa tới đó. Liệu từng người đặt vào hòm, chờ ngày nước rút, gia đình đến nhận thân nhân.

Riêng với những gia đình có người chết, nước trong nhà lênh láng không có chỗ liệm, Nguyễn Văn Quang đã đi thuyền đến từng gia đình, dùng ngay thuyền làm nơi liệm xác, rồi đặt lên nơi cao ráo nhất trong gia đình, cho họ hàng, bạn bè đến phúng điếu. Chuẩn bị đợi ngày cạn nước thì đưa đi mai táng.

Trong nguy nan, cứu ứng cho nhau cũng là một mệnh lệnh, không chỉ của lo phải mà của cả tấm lòng. Công an Thành phố đã thành lập 7 tổ cứu hộ, gần 75 đồng chí tăng cường về phường xã vùng thấp ứng cứu kịp thời các tình huống đột xuất ở Kim Long, Vĩ Dạ, Hương Long, Phường Đúc.

Trước công việc bộn bề, Chỉ huy trưởng Lê Viết Hà không rời sở chỉ huy một phút, gặp tôi, anh tâm sự:

- Mệt, mất ngủ, lo toan không kể! Nhưng tôi bị hai cú choáng: Một là đúng lúc nước lên to, bỗng mất thông tin liên lạc. Tôi cắn răng không đáp nói với anh em, sợ họ nao núng! Hôm sau phải qua sở điện lực mượn một máy điện 5 ki- lô- oát về, nổ máy, nạp pin. Hai là, lụt lớn, tỉnh ta bị chia cắt nhiều vùng, nhất là vùng ven biển, khi eo Hòa Duân vỡ. Lúc đó trông chờ vào sự cứu ứng của máy bay trực thăng Bắc vào Nam ra. Máy bay đã sẵn sàng, tin báo thời tiết xấu máy bay không cất cánh được. Đau đầu quá sức ông ạ.

Nước vừa rút, ngay lập tức công an Thành phố Huế phải lập tức tiến hành cùng một lúc ba nhiệm vụ.

Một là giữ gìn anh ninh trật tự cho dân. Đúng trong thời điểm ấy, có một kẻ gian cạy nhà dân vào lấy trộm 2 cây vàng, 7 triệu đồng tại phường Vĩnh Ninh và vụ lừa đảo ở An Cựu, một kẻ vô ơn, nhờ quen biết gia đình, tá túc trong lúc lũ lụt. Khi nước rút, tưởng thân cận, gia đình nhờ hắn đi rửa xe gấp, hắn đã lấy thẳng xe phóng về Phú Lộc.

Công an triển khai, truy xét và bắt đúng đối tượng, tạo nên sự an ninh bước đầu.

Hai là: huy động lực lượng của mình giúp nhà trẻ Hoa Mai và Mầm Non dọn vệ sinh công viên trường 40 héc- ta ngập bùn, đảm bảo 30 phòng học cho 1240 cháu đến trường kịp thời.

Ba là: lực lượng công an địa bàn, rất quan trọng là công an khu vực nắm chắc hoàn cảnh của dân để giúp phường cứu trợ đúng đối tượng đúng chính sách. Đưa hàng cứu trợ đến đúng tay người cần dùng. " Ở đâu cứu trợ sai ở đó công an chịu trách nhiệm". Đó là mệnh lệnh tình người.

Nước đã rút rồi. Nhưng hậu quả bão lụt đang còn đó. Những người lính, đúng như lời Hồ Chủ Tịch dạy: " Gác cho dân ngủ", đang gồng vai góp phần đắc lực lo toan cho sự bình yên của giấc ngủ dân lành và bình yên cho cả màu xanh cây lá đẹp như ? phù hiệu các anh mang trên vai, trên ve áo mình.

Màu xanh ấy vừa là trách nhiệm người lính, và cũng chính là tiếng gọi của lòng mình, mong ước của lòng mình./.

A.C.
(130/12-1999)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng