Phóng sự
Hối hả màu áo blu
14:55 | 01/11/2009
VÕ MẠNH LẬPSáng mồng hai tháng mười một khi nước đang dâng cao dần, các bác sỹ, nhân viên của ca trực ngày hôm trước chỉ thấy thoáng qua có một người nước ngoài xuất hiện ở khoa mình, trên tay cầm tờ giấy giới thiệu của PTS, Phó giám đốc bệnh viện Bùi Đức Phú với vẻ mặt chờ đợi, băn khoăn. Bác sỹ Nguyễn Vũ Đức Huy, Bác sỹ Tân Phương, giao đãi vài câu qua loa bằng tiếng Pháp, chưa kịp xem kỹ tờ giấy giới thiệu thì nước đã dâng nhanh ngập tràn lên cái nền nhà cao nhất của khoa.
Hối hả màu áo blu
Các BS trực ca - Trái sang: Bs Vũ Văn Đức, sv Bỉ, Bs NgVũ Đức Huy, Bs Tân Phương - Ảnh:VML

Ca trực của ngày hôm trước gồm trên 15 bác sỹ nhân viên chưa kịp giao ban đổi ca, lại phải bắt tay khẩn trương di dời tài liệu máy móc ở tầng dưới lên tầng trên. Nước càng lên nhanh, theo lệnh của Ban giám đốc là phải khẩn cấp thuyên chuyển cứu bệnh nhân toàn bộ khoa sản lên tầng cao. Mọi người không ai bảo ai nhưng đều nhất loạt từ bác sỹ đến nhân viên, người nhà bệnh nhân gấp gáp bế từng đứa trẻ nhỏ mới ra đời, dắt díu từng bà mẹ mới sanh lên chỗ cao. Kêu cứu thuyền, thuyền chưa đến kịp, tất cả đã lội bộ, vật lộn với mưa to nước lớn không một chút quản ngại đến bản thân mình còn hay mất.

Anh sinh viên nước ngoài bàng hoàng, sững sờ trước cảnh lạ lùng mà trong đời anh chưa từng thấy. Định thần trong chốc lát, anh cũng đã thông minh tìm ra cách hòa nhập để hành xử những công việc mà trong 7 năm dồi mài kinh sử trên ghế nhà trường ở phương Tây  chưa hề biết đến. Anh chỉ biết tiếp cận với công việc qua ánh mắt và nụ cười khẽ khàng mang màu sắc bỡ ngỡ, xót xa khi gặp mặt các bác sỹ và nhân viên trong khoa. Anh ném túi xách vào một xó rồi bắt tay vào bê vác đồ đạc dụng cụ; rồi cũng lội ào ra nước sâu, bơi trong mưa xối xả theo chân các nhân viên trong khoa dìu dắt các bệnh nhân từ khoa phụ sản lên nhanh ở tầng cao. Hai ba nhân viên mới mới đủ sức bê dìu một bà mẹ, em nhỏ vượt qua nổi đoạn đường ngập nước, xa gần năm bảy chục mét. Còn anh, chỉ một mình anh thôi, với đôi chân cao kều đầy chí khí của sức trẻ, anh đã bê ẵm từng bệnh nhân vượt nhanh qua vùng nước cao mưa lớn không một chút đắn đo suy nghĩ.

Trong phút chốc tầng 2 của khoa sản  đầy ắp người. Theo quy chế khoa chỉ có số giường bệnh là 90 đến 120. Bấy giờ bệnh nhân tầng thấp, bệnh nhân phụ sản ở nhà trệt, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân các khoa, người lánh nạn và y bác sĩ trực đã lên đến con số trên 200. Nằm ngồi ngổn ngang đầy phòng, khắp kín hành lang. Bác sỹ, nhân viên và người sinh viên y khoa Bỉ phải len lách qua từng người để chăm sóc phục sinh cho từng bệnh nhân.

Nước dâng cao ngập lút đầu người, chưa kịp thực hiện nghiệp vụ chuyên môn với các bệnh nhân, bà mẹ mới sanh, thay băng sát trùng cho các em bé mới sinh thì các ca sinh cấp tốc từ các tuyến ùn ùn chuyển bệnh nhân bằng thuyền đến khoa sản.

Thông tin liên lạc bị mất hoàn toàn! Điện không có! Nước cũng không! Mười lăm bác sỹ, nhân viên ca trực hôm trước cùng với những bác sỹ nhân viên khác không phải ca trực của mình, vì lương tâm nghề nghiệp cũng lội bộ đến khoa ghé vai cùng gánh bác với đồng đội trong hoạn nạn nguy nan. Bác sỹ Võ Văn Đức không có ca trực của những ngày hôm ấy cũng thường xuyên hàng ngày có mặt ở khoa. Anh thổ lộ rằng: "em cũng như những cán bộ nhân viên khác những ngày ấy cảm thấy lòng mình không yên nên phải đến".

Thế là tất cả họ, những chiến sỹ áo trắng đã vượt qua được khó khăn không điện, không nước, không có phương tiện máy móc mà đã thi thố khối óc, trái tim mình với trời đất để ứng xử các tình huống bất ngờ xẩy ra. Các ca sinh dồn dập chuyển đến, họ sẵn sàng giang tay ra đón nhận dưới ánh mắt nguy kịch, hoảng sợ pha chút niềm tin và hy vọng của người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Đêm ấy trời tối như bưng, mưa xối xả, vào lúc 1 giờ 45 phút rạng ngày 3 tháng 11 một ca sinh cấp cứu lại đến. Các bác sỹ có tay nghề khá vững chắc đã hội chẩn chớp nhoáng và quyết định mổ nhanh. Phòng mổ không được thắp đèn dầu vì có oxy, lập tức ánh sáng từ hai đèn pin có sẵn rọi thẳng vào vết mổ. Trong khó khăn nhờ những thao tác thành thạo, chính xác của những bàn tay hành nghề nên cũng trong chốc lát nín thở, tiếng khóc chào đời "oa, oa" của hai đứa bé (một trai, một gái) của chị Hồ Thị Mai ở phường Xuân Phú vượt cạn trót lọt, mẹ tròn con vuông. Rồi đến  ca sinh của chị Trần Thị Gái mới cam go làm sao? Chị gái mắc bệnh bướu cổ. Bệnh này là một trở ngại lớn trong lúc sinh nở. Trong nguy kịch các bác sỹ đã quyết định mổ theo kỷ thuật lâm sàng mới cứu nhanh cả mẹ lẫn con. Những ca mổ như thế này trong bình thường, đầy đủ tiện nghi theo một quy trình thao tác chặt chẽ đôi lúc cũng khó cầm chắc mức độ an toàn trăm phần trăm. Trong cái khó lại ló cái khôn, các anh chị đã vượt qua tất cả để cho tiếng khóc chào đời cháu bé được vang lên trong đêm tối sững sờ mưa to nước lớn khủng khiếp.

Trong những lúc tiến hành những công việc rất chuyên môn như thế này người ta thấy anh sinh viên năm thứ 7 người Bỉ đã hòa lẫn trong mọi công việc của các Bác sỹ,  y tá, hộ sinh. Bác sỹ nhân viên quên ăn, quên ngủ, anh cũng không nghĩ đến ăn, đến ngũ như cuộc sống bình thường trước đây. Anh chỉ có đôi mắt, giác quan duy nhất để nhận viết thông tin xuôi ngược với những người xung quanh. Anh chăm chú theo sát từng động tác của bác sỹ, từng cử chỉ việc làm của nhân viên để ghi nhận trong lòng những kiến thức thực hành mới tiếp nhận được bằng những cảm ơn, thán phục lặng lẽ sâu lắng trong lòng.

Anh chăm chút nhìn động tác hứng nước mưa, bắc lên trên ba cái côc úp ngược, dùng giấy đốt lên nấu nước khử trùng vài dụng cụ lặt vặt của chị Trần Thị Hạnh Trường phòng hành chính sản I. Sau đó chị lại nấu tiếp một song nước để phát đều cho các bệnh nhân uống thuốc san sẻ nước sôi cho các cháu pha sửa uống thêm khi sửa mẹ còn thiếu.

Trong ngày lụt thứ nhất, trời sắp tối sẩm rồi mà trong lòng các bác sỹ nhân viên, kể cả anh sinh viên Bỉ nọ vẫn chưa hề có hạt cơm, thìa cháo cầm hơi. Bác sỹ Võ Văn Đức bơi nhanh về nhà bảo vợ nấu vội vài song cơm và một ít bột canh mang đến khoa. Mọi người chia sẽ nhau qua loa cầm giữ sức tiếp tục chiến đấu. Anh thanh niên y khoa Bỉ cũng nắm cơn, vắt cơm chấm muối bột canh cho vào miệng nghiến ngấu nhưng không tài nào nuốt trôi. Ngày hôm sau và ngày hôm sau nữa anh mới thấm quen dần và hiểu ra rằng sự tồn tại của con người vĩ đại nhiều lúc gới gắm trên sự mỏng manh ở một giây phút thấp kém nhất của quảng đời người hoang sơ để làm nên những kỳ tích. Anh sinh ra trước chiến tranh Việt Nam kết thúc một năm. Anh cũng thấu hiểu Việt Nam anh hùng nhất thế giới và có lẽ (anh tự phán đoán) sự anh hùng ấy nhiều phen người Việt Nam phải cheo leo trên hoàn cảnh khắc nghiệt như thế này và hơn rất nhiều lần như thế này lắm lắm.

Sau vài ngày nước đã rút ra gần hết khu vực Bệnh viện Trung ương Huế. Bác sĩ, nhân viên khoa phụ sản mới hiểu cặn kẻ về anh sinh viên y khoa người Bỉ ấy. Anh có cái tên hoàn toàn rất Việt Nam: Nguyễn Văn Thái Sơn. Cha là người Việt ở miền Nam, mẹ là người gốc Bỉ. Thái Sơn có một người chị ruột đang là quảng cáo viên trên kênh truyền hình nước Bỉ. Anh tròn 26 tuổi đã có người yêu và cô ta cũng đang trong thời gian đi thực tập ở nước Pháp.

Nguyễn Văn Thái Sơn người cao, mảnh mai, nét trẻ trung thư sinh còn nguyên vẹn trên mặt. Anh luôn luôn cười cởi mở và nụ cười bao giờ cũng rộng mở khoáng đạt dễ mến và dễ thương. Cha là người Việt nhưng trên khuôn mặt anh rất khó tìm ra nét Việt Nam cho dù chỉ là một chút thoáng qua. Khi tiếp xúc với anh tôi có hỏi lý do làm sao anh tìm đến Bệnh viện Trung ương Huế để thực tập. Anh cởi mở nhiệt tình để bộc lộ rằng: Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường ở Bỉ, anh thường mơ tưởng đến một cuộc thực tập cuối khóa ở quê hương xứ sở của người cha. Anh có thăm dò rất nhiều giáo sự có dịp lui tới Việt Nam, Huế giảng dạy công tác. Rất nhiều giáo sự là thầy giáo của anh đều trùng hợp ý kiến là khuyên anh nên chọn Bệnh viện Trung ương Huế.

- Tại sao anh không chọn Bệnh viện Từ Dũ ở Sài Gòn quê cha anh? Tôi hỏi.

- Cũng có nhiều lúc nghĩ đến điều đó, song các giáo sư phân tích khuyên răn nên về Huế. Ngoài việc điều kiện để thực tập như Bác sĩ, Giáo sư chuyên khoa sản giỏi, máy móc dụng cụ cũng hiện đại của Bệnh viện Trung ương Huế, không thua kém bất kỳ nơi nào trong Việt Nam. Hơn thế nữa ngoài công việc học hỏi, thực tập Huế còn là mảnh đất phong phú về văn hóa. Đấy cũng  là dịp tốt để hiểu thêm cội rễ, văn hóa của con người Việt Nam, cái xứ sở gốc gác của cha tôi.

- Anh có cảm nhận gì qua những ngày thực tập đặc biệt vừa qua?

- Học nhiều, nhiều lắm và không bao giờ quên. Tôi đã có thời gian sáu tháng thực tập ở Bỉ nhưng thời gian dài như vậy mà chỉ bắt tay vào phụ sinh và sinh ngót nghét chỉ được 10 ca thôi. Ở khoa sản Bệnh viện Trung uơng Huế chưa đưọc ba hôm mà tôi đã phụ sinh 20 ca, trực tiếp giải quyết ba ca và tham gia phụ mổ ba ca hốc búa nhất. Thời gian vài ngày nhưng năng suất gấp hai gấp ba lần của sáu tháng thực tập ở Bỉ.

Sau những ngày mưa lụt đã qua, khoa sản Bệnh viện Trung ương Huế đã sơ tổng kết trong ba ngày lụt lớn khoa có mất mát thiệt hại nhiều nhưng quan trọng hơn cả là khoa đã đỡ đẻ, mổ đẻ trên sáu chục trường hợp và cho 67 cháu bé (trong đó có một trường hợp sinh đôi) có tiếng khóc chào đời vang vọng trong một hoàn cảnh éo le ngặt nghèo nhất từ cả trăm năm chưa hề có. Nguyễn Văn Thái Sơn, anh sinh viên Y khoa người Bỉ bắt tay tạm biệt chúng tôi bằng câu nói rất vui và ngộ nghĩnh: "chưa có nơi nào tăng dân số nhanh như khoa sản Bệnh viện Trung ương Huế..."

Bác sỹ trưởng khoa Nguyễn Văn Thương cũng có mặt hôm tiếp xúc ấy. Nghe câu nói vui của anh sinh viên người Bỉ và nhạy cảm hiểu ra nhiều chiều hướng ý nghĩa hàm súc trong hơn chục từ ngữ kia, Bác sĩ trưởng khoa sản cười vui tươi tắn hẵn ra. Có lẽ anh đã hài lòng về những gì của các em, các cháu, các đồng sự kế cận của mình sát cánh lâu nay đã làm được những điều lớn lao chỉ trong thoáng qua mà người đời bây giờ, con cháu mai sau con mãi khâm phục và ghi nhận.

V.M.L
(130/12-1999)



Các bài mới
Các bài đã đăng