Nhưng sự đời, bất luận cái gì cũng có sự mở đầu và có hồi kết thúc. Tuần lễ Văn hóa Huế tại Hà Nội đã điểm đến giờ chót bằng lễ bế mạc vào 15 giờ ngày 12-4-1999 nhưng kết thúc thật sự vào 22 giờ 30 tại Khu Văn Miếu Quốc Tử Giám lịch sử. Về đến buồng ngủ 1215 khách sạn Hà Nội Horison, tôi không tài nào chợp mắt được. Đầu óc tôi ám ảnh vật lộn hoài với một đoạn trong ca khúc Khát vọng của Thuận Yến "... Em ôm cả đất, em ôm cả trời. Nhưng sao không ôm nổi trái tim một con người..."
7-4-1999.
Tất cả người Huế chúng tôi ra Hà Nội bằng nhiều con đường: Người thì vèo vèo trên trời xanh; Người thì bám theo đồ đạc, dụng cụ hóa trang, tranh tượng triển lãm bon bon trên dặm dài Quốc lộ một; còn ca sỹ, nhạc công, đạo diễn của Đoàn ca múa truyền thống, Đoàn ca kịch Huế thì theo tàu S2 xình xịch thâu đêm tận sáng. Gương mặt ai ai cũng tỏ ra vui, háo hức tuy vẫn biết rằng cuộc hành trình này có nhiều gian khổ: ăn ở tự túc thậm chí đã dự kiến đến mức trải chiếu ngả lưng tập thể trên các nền xi măng trong khu triển lãm Vân Hồ.
Khuôn viên khu triển lãm Vân Hồ rộng lớn, băng rôn, áp phích, cờ phướn nhiều sắc màu rực rỡ. Chưa khai mạc mà người đã đông. Người làm đông hơn người ngó. Với một số rất ít người (những thành viên chủ chốt chuyên trách những phần việc lớn của Tuần Văn hóa) lủng lẳng trước ngực tấm phù hiệu to bằng bàn tay với chữ HUẾ màu tím rất lớn chiếm gần hết 1/3 diện tích. Số còn lại đều là phù hiệu nhỏ đính trên ve áo với dòng chữ BAN TỔ CHỨC. Họ là những thành viên từ Huế, Sài gòn ra, Hà Nội đến, sinh viên của các trường đại học, có đến hàng trăm em đa số là con em của ThừaThiên Huế - tình nguyện vào các đội xung kích: bán vé, soát vé, phụ trợ phần ẩm thực và thông dịch viên trong các chương trình có người nước ngoài tham dự...
Tất cả xem chừng đã hòm hòm rồi, chuẩn bị cho bước tổng duyệt lần cuối.
Khu nhà lớn nhất của Triển lãm Vân Hồ 800m2. Đặt chính diện là ngai vàng Triều Nguyễn sơn son thiếp vàng. Mặt bằng còn lại giành cho cuộc trưng bày Di tích cố đô Huế, Thăng Long Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề "Vững bước tiến vào thế kỷ 21".
Mỗi chi tiết trưng bày đều được cân nhắc:
- Cần phải xem lại vị trí Ngai vàng.
- Nếu là ở Huế đặt chính diện là hợp lý. Ở đây bên cạnh còn có thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.
- Thế thì đặt ở đâu?
- Đặt ở tổng thể tiến trình lịch sử của mảng di tích Huế.
- Chính diện thay thế bằng chi?
- Chúng ta nên đặt Tượng Bác vào vị trí trung tâm ấy.
Tất cả im lặng qua giây phút suy nghĩ đồng cảm và nhất trí.
Vào khoảng 16 giờ trong ngày Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm cùng giám đốc Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Vân Hồ, Lưu Duy Dần lại một lần nữa bước vào khu chính của cụm triển lãm. Dừng chân lâu ở những tấm panô ranh giới phần Di tích Huế với Hà Nội. BT Nguyễn Khoa Điềm nhẹ nhàng gợi ý:
- Nên chăng là dỡ bỏ hoặc sắp xếp lại để tạo ra cảm giác thông thoáng, tiếp nối liên tục từ phần Di tích Huế với Hà Nội.
- Có lý... nhưng khó quá.
- Cố gắng. Bộ trưởng cười nhẹ nhàng với hàm ý động viên.
Thế là họa sỹ, thợ điện, thợ mộc, người chủ chương trình các cụm phải xoay trần, toát mồ hôi hột để hoàn chỉnh lại những gì có lý và đúng cho kịp giờ khai mạc đang gấp gáp đến gần.
Phía sân khấu cũng rất rộn ràng. Chỗ này nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành, nhà tạo mốt thời trang Minh Hạnh cũng đang tập dượt, sắp xếp lại chương trình sao cho gọn, chặt chẽ toát lên được sắc màu rất Huế. Chỗ kia ca sĩ Kiều Oanh ngâm xong bài thơ Thôn Vỹ của Hàn Mặc Tử bước xuống sân khấu với vẻ mặt cáu giận: "Chi lạ! Đàn một đường, lời một nẻo... em nỏ biểu diễn mô anh Bình a..." Đòi hỏi hoàn thiện đỉnh cao nghệ thuật ở một thời điểm đặc biệt như thế này đáng được nâng niu, chú ý. Biểu diễn thời trang Huế khá hấp dẫn toát lên vẻ đẹp duyên dáng của từng người. Song phần nhạc có cái gì đó lạ tai quá, cố gạn lọc vẫn khó tìm thấy một chút chất nhạc Huế. Nhiều người sành điệu nhạc cũng có ý thế này, thế kia... Song soạn lại 1 bản nhạc, thể hiện cho tốt rồi ghi vào băng đâu phải chuyện một lúc. Thôi thì vui ngang đó cũng là quá tốt. Hẹn lại lần sau vậy!!!
Gần đến giờ chót của ngày, một cú điện thoại reo lên giữa yên tĩnh Hà Nội.
- Alô! Trần Hữu Pháp đã ra chưa? Trung tâm Vân Hồ chỗ chị Ninh và chị Ngọc Trai gọi đến.
- Dạ chưa?
- Số điện thoại Ô Pháp?
- 054 822050... ạ!
- Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập ra chưa?
- Nghe nói mà chưa thấy mặt.
-........
Thứ 5 (8-4)
Áo quần chỉnh tề chuẩn bị bước ra khỏi phòng đến Vân Hồ dự lễ khai mạc liền có điện thoại:
- Alô! Trần Hữu Pháp ra chưa?
- Ra máy bay cũng phải 10 giờ mới có mặt. Tôi trả lời.
- Ông đã thấy...
- Dạ! Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Việt Đức đã có mặt đây rồi.
- Hay quá. Ông nhớ lấy cuốn băng của Trịnh Công Sơn về đây luôn thể.
Cách đây năm hôm tôi biết chị Ngọc Trai băn khoăn về bệnh tình của Trịnh Công Sơn. Anh muốn ra Hà Nội lắm nhưng cái chân đã làm tội, làm tình nên không ra được. Anh đồng ý kế hoạch: Gởi lời chào nhân dân thủ đô qua băng ghi hình BCT sắp đặt. Cuốn băng ấy Tôn Thất Lập phải bay ngược lên cầu thang máy để lấy, vì quên.
Trưa, Trần Hữu Pháp nhập phòng.
- Mấy ngày trước, ông hăng hái như vậy sao đến bây giờ mới quyết. Tôi tưởng ông xỉu vì bệnh não thiếu ô xy.
- Vì kẹt tiền - Trần Hữu Pháp nói nhỏ vào tai tôi.
- Tỉnh hứa kia mà.
- Từ hứa đến cụ thể phải có thời gian để vượt qua một số thủ tục, đâu phải tiền túi cá nhân. Mình nghe điện thoại chị Ngọc Trai, anh Lê Viết Xê liền mượn tạm một triệu rồi chạy vù về sân bay. Anh em sân bay Phú bài quá nhiệt tình mới có lộ trình theo công thức tình cảm để ra đến đây.
- Đi lậu à? Tôi hỏi.
- Bậy nào! Mua vé nhưng phải ghép nhờ mới lọt.
(Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ghi cảm tưởng sau khi xem triển lãm Tuần văn hóa Huế tại Vân Hồ - Ảnh: Phan Phùng)
Đồng hồ điểm đúng 9 giờ sáng, chị Tôn Nữ Thị Ninh, Phó trưởng ban tổ chức kiêm Tổng thư ký Tuần Văn hóa Huế tại Hà Nội chững chạc đọc diễn văn khai mạc.
Nhạc sỹ Trần Hoàn, Phó trưởng ban Văn hóa tư tưởng TW được BTC mời dóng lên hồi trống lệnh Tuần Văn hóa Huế tại Hà Nội.
Ít phút sau được gặp lại người bạn từ thời mặc quần xà lỏn, nay là nhà phê bình lý luận thuộc ngành sân khấu TW. Ngồi xuống bàn nước trong khu dịch vụ ẩm thực anh thành thật bộc lộ:
- Thấy sang bắt quàng làm họ, Huế thiếu chi người mà mời ông Trần Hoàn lên đánh trống?
Gặp một vài người khác cũng với ý thắc mắc như vậy. Nhưng có nhiều người xung quanh trả lời thay tôi: "Ông ta là cựu học sinh Quốc Học, ông sáng tác về Huế, ông làm việc cho Huế nhiều năm trên rừng và hơn thế nữa ông là thành viên trong Hội đồng cố vấn của Tuần Văn hóa Huế". Xem ra trong đời sống luôn luôn có sự nổi cộm, và rồi cũng có cách chuẩn mực để tự cân đối làm cho mặt bằng sự sống tồn tại. Quả là điều thú vị đáng ghi nhận.
12h ngày 8-4
BTC mừng về sự tập kết sin sít thời gian của các nhạc sỹ. Tối hôm nay các vị phải lên sân khấu tự hát hoặc nói vài lời ra mắt chào khán giả thủ đô. Trần Hữu Pháp không hát, không nói mà chỉ dỡ mũ ra rồi đi ngang qua sân khấu vẫy vẫy chào giống như người lính năm nao tiến về Thăng Long vừa hát vừa chào nhân dân thủ đô. May mắn thay là khán giả Hà Nội không thấy rõ những đám tóc trắng trên đầu anh. Nói lại ý này Trần Hữu Pháp cười toét, lộ ra vài cái răng sún váng xỉ vàng như bợm nghiện thuốc lá có nòi.
Thứ 6 (9-4)
Có đến chín chương trình với nhiều địa điểm khác nhau xa trung tâm Vân Hồ năm bảy cây số. Suốt cả ngày chạy hết chỗ này đến chỗ nọ - trời nắng - mệt nhoài. Những ai xa Hà Nội lâu, người Huế chưa một lần ra Hà Nội cũng mong muốn được xem chương trình biểu diễn tối nay ở Nhà hát lớn để tận mắt nhìn, nghe cho nó đã. Háo hức bởi Nhà hát lớn mới sửa sang trùng tu do Pháp tài trợ. Vừa xuống tầng trệt thì xe Nhạc sỹ Trần Hoàn xịch đến: "mời các anh lên xe đến mừng thọ nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương 80 tuổi, rồi xuống Nhà hát vẫn chưa muộn". Sự bất ngờ không báo trước đối với chúng tôi cũng là sự bất ngờ của vợ chồng nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương. Vợ chồng nhạc sỹ rất vui khi bắt tay chúng tôi.
Buổi hòa nhạc MỪNG THỌ 80 tuổi nhà soạn nhạc NGUYỄN VĂN THƯƠNG của thầy trò nhạc viện Hà Nội trang trọng ấm áp tình người. Người điều dẫn xin lỗi mọi người là chương trình có đảo lộn chút ít. Nghệ sỹ nhân dân Lê Dung xin hát trước bài Đêm Đông của Thầy Thương sáng tác hồi tuổi đời 17 để kịp về biểu diễn trong chương trình chính thức ở Nhà hát lớn. Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn cũng có mặt tại hội trường từ hồi nào. Chúng tôi khen Lê Dung hát hay và nghĩ bụng rằng: Đây là lần đầu tiên Lê Dung chạy sô vội vàng vì tình thầy trò và cả tình yêu xứ Huế nữa.
Xe chúng tôi đến Nhà hát lớn thì kim đồng hồ chỉ đúng con số 21 giờ 20'. May mà có ông Trần Hoàn dẫn đoàn nên chúng tôi vào trót lọt. Duy chỉ có điều dù có ông giời xuất hiện thì cũng không còn một chỗ để ngồi. 100.000đ 1 vé vẫn hết vèo vèo. Từ các em sinh viên làm nhiệm vụ đến các vị lớn tuổi ai cũng biết ông Hoàn. Chúng tôi núp bóng ông nên họ đều ứ ứ trong cổ chào không ra chào, hỏi không ra hỏi vì chúng tôi là ải là ai đâu cần biết. Một anh dẫn chúng tôi vào hàng ghế giành riêng cho khách mời đặc biệt hoặc bán với giá rất cao cho những khán giả có tiền theo công thức cơ chế thị trường. Bất ngờ thay là chúng tôi vào đúng chỗ ngồi của vợ chồng Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm. Trong phòng thấp thoáng 1 người phụ nữ đang say sưa nhìn xuống sân khấu. Nhạc sỹ Trần Hoàn lên tiếng:
- Ai đó?
- Em, Lợi đây!
- Điềm đâu?
- Anh xuống dưới để chuẩn bị tặng hoa.
Nhạc sỹ Trần Hoàn cũng xuống tầng dưới luôn. Tôi và Trần Hữu Pháp trụ vững cái chỗ ngồi tuyệt hảo sau nhiều năm xa cách. Chúng tôi đã gặp lại Lê Dung với tầm hơi xa hơn một chút so với cách đó một tiếng đồng hồ nhưng vẫn trang phục như thế, phong cách biểu diễn như thế về bài hát Đêm Đông như thế của nhạc sỹ tài ba có quê mẹ ở Vân Thê, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.
Ca sĩ Hương Mơ thể hiện "Ai đã đặt tên dòng sông" vừa ấm vừa da diết lan truyền cảm xúc chất Huế đến với mọi người. Tác giả Trần Hữu Pháp cũng có sự cảm xúc ấy. Ông vừa nói "hay quá, đạt quá!" vừa vội vàng mở máy ghi âm lại. Cũng là Hương Mơ, cũng là bài hát ấy nhưng hôm nay hay hơn hôm qua. Có nhiều lý do nhưng một lý do chắc chắn đặt lên trước tiên là lối kiến trúc âm thanh Nhà hát quá chuẩn.
Thứ 7 (10-4)
Ra Hà Nội dù với mục đích gì tôi cũng ghé thăm ông bạn Trần Kiên số 11 Lý Thường Kiệt. Anh vừa là người đại diện giao dịch, phát hành tờ Tạp chí Sông Hương trong nhiều năm. Anh chân tình và yêu Huế lắm lắm. Tôi thành thật xin lỗi anh, ra Hà Nội ba hôm rồi, nay mới trình diện.Anh cười xòa giả giọng Huế: "Không có chi - không có chi!" Tôi đưa giấy mời anh đến buổi giao lưu các nhạc sỹ Huế với Đài Truyền hình phát thanh Hà Nội ở nhà Văn hóa Quận Hai Bà Trưng. Anh bận và hẹn chiều mai sẽ cùng tôi đi xem thả diều Huế. Đang rôm rả câu chuyện của nhiều ngày xa cách, tôi nói:
- Anh còn nhớ chuyện Tuần Văn hóa Huế tại Hà Nội bây giờ đã có nền móng bao lâu không?
- Gần hai năm rồi!
- Đấy cũng là tính cách Huế của những người Huế ở Hà Nội. Bền bỉ lẳng lặng để làm một việc quá lớn như hôm nay. Mỗi người một vẻ rất riêng, không chung nhưng có một nhạc trưởng cao tầm biết cộng hưởng lại cũng nên chuyện bất ngờ đấy chứ!
Chủ nhật (11-4)
Hôm nay có đến bảy chương trình.
Tôi lại thất hẹn với Trần Kiên rồi, 14 giờ thả diều ở Quảng trường Ba Đình bất thành, đã chuyển dời về Hồ bảy mẫu công viên Lê Nin. Điện tìm anh nhiều nơi mà không gặp. Tôi muốn anh đi ca Huế trên du thuyền Hồ tây do nhà văn Trần Nguyên Vấn đảm nhận chủ chương trình.
Có tới 500 khách đến với đêm ca Huế trên du thuyền Hồ Tây. Vẫn là cái sàn rộng trên nhiều thuyền ghép lại, vẫn là giọng ca tiếng đàn rất Huế quen thuộc và vẫn gợi cảm lâng lâng, dập dềnh nhè nhẹ trên sóng nước lăn tăn đầy chất lãng mạn quyến rũ. Đang du lãng trên Hồ Tây Hà Nội mà cứ ngỡ như đang du ngoạn trên dòng Sông Hương bên thành quách rêu phong. Có khác chăng một bên cuốn hút theo dòng sông êm chảy vắt ngang qua thành phố và một bên dập dìu lôi cuốn bởi cái mênh mông của mặt hồ man mát rộng lớn. Tuần Văn hóa Huế tại Hà Nội chỉ có một đêm trên Hồ tây nhưng đó là sự khởi đầu khơi dậy những hoạt động đầy hứa hẹn về giao lưu văn hóa giữa hai thành phố truyền thống kết nghĩa.
Chỉ vỏn vẹn có 1 đêm, xem ra người Hà Nội muốn kiểu du thuyền thế này nán lại lâu lâu, và nhiều lần hơn thế nữa.
Thứ 2 (12-4)
Kết thúc Tuần Văn hóa Huế với 3 chương trình chính. Lớn nhất, tập trung nhất vẫn là chương trình tổng hợp ca múa nhạc cung đình, trang phục, chiêu đãi ở sân điện Khu Văn Miếu.
Trên quảng đường gần 100 mét từ cổng Văn Miếu vào đến sân điện: cờ, băng rôn, lồng đèn (theo hình cái khánh đặt làm từ Huế mang ra) thành hai dãy dài sáng rực rất Huế và khác biệt với nhiều loại lồng đèn Hà Nội, Sài Gòn cùng nhiều địa phương khác thường dùng. Mơ-nuy cuộc chiêu đãi là nem công, chả phụng, nem lụi, thức ăn chay thập cẩm, rượu Minh Mạng thang, bia Huđa v.v...
Người chủ chương trình của Đêm Văn Miếu đã cảm ơn rất nhiều đến sự đóng góp nhiệt tình của cán bộ công nhân viên Khu Văn Miếu Quốc Tử Giám đứng đầu là giám đốc Nguyễn Quang Lộc.
Giờ chia tay đã điểm dần từng phút. Lòng người như neo lại, bâng khuâng, ríu rít.
Những thành viên BTC vui cười rạng rỡ, song những nét mệt mỏi, gắng sức còn vương trên từng nét cười.
- Không ngờ Hà Nội, Sài Gòn, Bộ Văn hóa đã hết lòng với Tuần lễ Văn hóa Huế tại Hà Nội đến thế!
Nhà văn Ngọc Trai như mãn nguyện:
- Các đại sứ quán Thụy Sỹ, Bỉ, Pháp, Hàn Quốc, và văn phòng cơ quan Pháp ngữ, phái đoàn Liên minh châu Âu, quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển và nhiều khách sạn ở Hà Nội hưởng ứng tài trợ cho hoạt động Tuần Văn hóa Huế.
Nhìn gương mặt các anh chị thấy rất rõ: Hội đồng hương Huế tại Hà Nội đã làm nên một sự tích lớn lao, đầy ý nghĩa mà những dự tính ban đầu chưa tưởng tượng ra được.
13-4-1999
Trở lại Huế. Sự kiện lặp lại quá vui khi ra Hà Nội và về Huế cũng cùng chuyến, cùng khoang tàu với anh Dũng, Phó trưởng đoàn Ca múa Truyền thống T.T.Huế. Gương mặt của những người Huế cùng toát lên nét vui toại nguyện và cũng phảng phất chút mệt mỏi sau một tuần vất vả. Dũng phấn khởi thốt lên câu nói đầu tiên rằng: "Người Thừa Thiên Huế tại Hà Nội làm nên một sự tích ngoài tưởng tượng của bọn em."
Tuần Văn hóa Huế tại Hà Nội đã kết thúc rồi, có thể so sánh với tiếng chuông chùa ở Huế cất lên vang vọng và ngân nga như không muốn dứt.
Vấn đề còn lại là Người Huế chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để tiếng ngân dài ấy trong trẻo thêm lên.
V.M.L (123/05-99)
|