Phóng sự
Phỏng vấn những người trong cuộc
09:05 | 04/06/2010
(Kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên Hiệp VHNT Thừa Thiên Huế)Nhà văn TÔ NHUẬN VỸ
Phỏng vấn những người trong cuộc
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ - Ảnh: cand.com.vn

Phóng viên (P.V): Thưa anh, ở Thừa Thiên Huế chỉ có anh vừa là nhà văn vừa là nhà quản lý về mặt Nhà nước. Vậy trong quá trình làm việc, anh có thấy mối liên quan giữa hai "nghề" này không?

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ (T.N.V): Nếu quan niệm tất cả hoạt động của con người của xã hội đều là những lãnh vực mà nhà văn đều có thể cần biết, có thể khai thác thực tế để nhào nặn, sáng tạo nên những nhân vật, những tác phẩm nói lên ý tưởng, khát vọng của nhà văn thì như vậy, nghề nào cũng là "một chuyến đi thực tế dài ngày" đối với nhà văn cả.

Với riêng tôi, có một tiểu thuyết đang dở dang trong đó có một nhân vật "quyền lực" và một nhân vật người nước ngoài, thì quãng thời gian làm việc vừa qua đối với tôi là rất bổ ích vì tôi có điều kiện hiểu biết hơn để có thể tránh được chất "sách vở" trong xây dựng nhân vật.

P.V: Vâng! Văn học nghệ thuật và ngoại giao có một mối quan hệ không thể tách rời. Vậy ở cương vị công tác hiện nay, anh có thể tạo điều kiện gì để giúp đỡ cho phong trào văn nghệ địa phương?

T.N.V: Trong các hoạt động đối ngoại về văn hóa, văn học nghệ thuật ngày một dồn dập của tỉnh ta như Festival, trại điêu khắc quốc tế, một số dự án đầu tư của các NGO và một số Đại sứ quán, các triển lãm và các đoàn đi nước ngoài biểu diễn... có sự đóng góp tích cực của Sở Ngoại vụ. Riêng cá nhân tôi, đã có đôi ba lần bàn bạc với các anh chị ở Hội Văn nghệ và Tạp chí Sông Hương về nội dung như anh vừa nói nhưng chưa đi đến nội dung lớn và cụ thể nào. Hy vọng sắp tới sẽ có "tiến bộ" hơn.

P.V: Trong những năm gần đây, văn học nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng chưa thấy xuất hiện những tác phẩm lớn. Là một nhà văn làm công tác ngoại giao nên có điều kiện tiếp cận với nhiều nền văn học trên thế giới. Anh có suy nghĩ gì trước sự "cầm chừng" của văn học nước ta?

T.N.V: Tôi không sốt ruột về sự "cầm chừng" như anh đặt vấn đề, vì thực tế cuộc sống hiện nay của đất nước, của cả thế giới biển đổi mau lẹ đến mức không ai không kinh ngạc và nhiều băn khoăn, lý giải đang được đặt ra. Nhưng tôi sốt ruột ở một điểm khác. Đó là khát vọng cống hiến, sáng tạo, mà bắt đầu là khát vọng tìm hiểu cuộc sống, lao vào cuộc sống để biết, để hiểu và để lý giải những thách thức đang đặt ra, đang dằn vặt và trăn trở của dân của nước, của làng của xã.... Anh nhớ ngày kháng chiến không? Người cầm bút nào cũng muốn ra chiến trường để được sống, để biết, để viết về những con người anh hùng. Không đi được thì tủi thân và xấu hổ lắm. Và đó là sự chưa nhận ra của không ít văn nghệ sĩ về sự thách thức toàn tuyến, triệt để, trên toàn thế giới, của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới đối với sự chậm đổi mới, sự chậm chạp bất cập của nhiều lãnh vực văn học nghệ thuật, đặc biệt của văn học, từ đó không tìm ra được cách thức rút ngắn con đường đến với tâm hồn nhân dân đang ngày một xa rộng ra.



Nhà văn HÀ KHÁNH LINH


P.V: Thưa nhà văn Hà Khánh Linh, được biết chị vừa cho ra mắt bạn đọc tập hồi ký "Ngày ấy, Trường Sơn..." Và được đông đảo người mến mộ. Vậy chị viết về "Ngày ấy..." là những gì và đã hết chưa?

H.K.L:
"Ngày ấy..." là những gì mà bạn đọc đã tìm thấy trong "Ngày ấy, Trường Sơn"... và trên những trang viết mà các tác giả khác đã viết về Trường Sơn, về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta trên cả hai miền Nam Bắc; vẫn chưa hết, bởi vì chúng ta còn nợ những đồng chí đồng đội mà thân xác đã trở thành cát bụi ngay từ phút đầu hy sinh - vĩnh viễn nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn - Rồi từng phần xương máu thịt ấy theo những cơn mưa rừng xối xả hòa nhập vào sông suối dẫn về bồi đắp trên những cánh đồng, những khu vườn, những ruộng rẫy... Hoa và lúa và cỏ non mọc lên từ đấy! Nợ ấy chúng ta không bao giờ trả xong, và vì vậy những thao thức trăn trở của tôi về Trường Sơn có lẽ không bao giờ ngưng nghỉ. Những điều đó không phải bây giờ mới được nói đến trong "Ngày ấy, Trường Sơn..." mà đã được tái tạo nhiều lần trong các tác phẩm văn học của tôi trước đây và chắc chắn sẽ còn mãi mãi về sau.

P.V: Sau khi trở thành nhà văn, chị có nghĩ rằng việc chị quyết định lên chiến khu tham gia Cách mạng là hoàn toàn đúng đắn trong bước ngoặt cuộc đời chị không?

H.K.L: Dẫu tôi có trở thành nhà văn hay không thì việc tôi thoát ly gia đình lên chiến khu tham gia cách mạng là một việc làm rất đúng đắn. Nếu phải làm lại cuộc đời tôi cũng sẽ làm y hệt như thế: phải tham gia cách mạng chống Mỹ cứu nước, phải chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc và tự do cho dân tộc, đấu tranh vì hòa bình dân sinh dân chủ, và bảo tồn văn hóa dân tộc, bảo vệ Huế cả giá trị vật thể và phi vật thể. Còn việc trở thành nhà văn, như tôi đã từng nói: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã biến tôi trở thành nhà văn. Ngày còn học phổ thông trung học tôi đã ước mơ mình trở thành một nhà bác học trẻ, mỗi tuần vài tiết giảng tại một trường Đại học nào đó, thời gian con lại sẽ vùi đầu trong phòng thí nghiệm...



Nhà nghiên cứu lịch sử NGÔ KHA


P.V: Là một trong những người lãnh đạo Hội Văn nghệ giải phóng T.T.Huế, xin anh cho biết một vài cảm tưởng thời ở chiến khu?

N.K: Tôi vào chiến trường Thừa Thiên Huế năm 1964. Tôi không phải là người hoạt động văn nghệ nhưng làm công tác báo chí, tuyên huấn nên cũng phải tham gia văn nghệ quần chúng đáp lại yêu cầu của dân vừa được giải phóng, vào phục vụ nhiệm vụ chính của mình.

Phong trào đồng khởi đồng bằng năm 1964, giải phóng nhiều thôn xã, có giá trị như cuộc Cách mạng tháng Tám lần thứ hai ở Thừa Thiên Huế. Cảm động nhất là cái đêm dân phá ấp chiến lược vùng lên giải phóng làng xóm, lập chính quyền Cách mạng, các chị, các o đã thay nhau lên hát những bài ca kháng chiến đã từ lâu không được hát. Các đội võ trang công tác ngâm các bài thơ của Thanh Huyền: Bài thơ trước giờ nổ súng, Anh giải phóng quân ơi!. Bà con xúc động lắm, nhất là khi "nghệ sĩ bộ đội" hạ giọng trầm hai câu:

            "Mẹ ơi! Đất Thừa Thiên ta gừng cay muối mặn
            Ba mươi mấy năm trời theo Đảng thủy chung"

Thanh Hải bên thành phố là nhà thơ tiếng tăm, còn ở tỉnh có thấy lác đác một số bài trên báo Giải phóng có chất lượng như Bài thơ A Lưới của Hồng Minh, Bí thư Tỉnh đoàn Bắn nữa đi anh của Đức Nguyên, Tỉnh ủy viên.

Tôi được phân công về huyện Hương Thủy để tham gia phát động quần chúng và lấy tin, viết bài gửi lên Tòa soạn. Anh Đắc, Bí thư huyện Hương Thủy được mệnh danh là "chuyên gia mở ra", anh yêu cầu phát động thôn nào thì tôi phải có bài ca dao hò về thôn ấy. Sau khi nắm sơ bộ địa hình và nhân tình thế thái từng thôn, "tôi sản xuất liên tục", có khi là hò, khi thì ca dao, khi thì độc tấu. Trước khi anh Đắc phát động thì tôi lên "văn nghệ", đồng bào cũng rất vui vẻ, vỗ tay hoan hô. Đợt ấy tôi đã lọat bài ở các thôn Võ Xá, Vĩ Dạ Thượng, Dạ Khê, Nguyệt Biều, Châu Chữ, Thạch Bàn, Thanh Thủy Thượng...

Khi làm Thư ký Tòa soạn báo Cờ Giải phóng, anh em ở Bắc vào, ở Thành lên, báo có nhiều bài viết, bài thơ hay của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà.

Sau Mậu Thân, Đại hội Văn nghệ khu, anh em ở Huế lên dự và tham gia Ban Chấp hành. Một số tác phẩm có giá trị ra đời từ thời gian đó. Tôi không đi dự Đại hội nhưng cũng được kết nạp vào Hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên đợt đầu.

Tôi đã đề nghị với anh Tống Hoàng Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, là người "ham" văn nghệ nên tổ chức Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế. Phải khắc phục rất nhiều khó khăn Đại hội cũng được tổ chức và thành công tốt đẹp. Anh Tống Hoàng Nguyên làm chủ tịch Hội, tôi làm ủy viên thường trực và 7 ủy viên chấp hành.

Từ việc tập hợp thơ cho đến ấn loát đều gặp không biết bao nhiêu trở ngại, nhưng ở Thừa Thiên Huế trong chống Mỹ đã ra được một số tập thơ như: Bài ca quê hương, Huế-một mùa xuân, Những ngày giữ đất và nhiều tác giả có bài in trong tập thơ Trong bước quân đi của Văn Nghệ miền Nam. Tôi cũng có bài tham gia trong các tập thơ đó.

Báo Cờ Giải phóng cũng đã tổ chức cuộc thi thơ. Giải thưởng là 1 cây bút, một xếp giấy. Tôi nhớ một số anh em bộ đội gởi thơ dự thi sau này đã trở thành những nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm, Hồng Vinh...

Sau Hiệp định Pa ri, phần lớn anh em văn nghệ, báo chí ở Thừa Thiên Huế đi chữa bệnh hoặc chuyển đi tỉnh khác. Nguyễn Khoa Điềm đã nổi tiếng nhưng phải về họat động ở Thành phố, thỉnh thoảng lên tham gia biên tập thơ.

Hội Văn nghệ Giải phóng Thừa Thiên Huế cũng đã xuất bản được 2 số "Văn nghệ Giải phóng Thừa Thiên Huế", dày khoảng 50 trang, khổ lớn hơn tờ Sông Hương hiện nay.

Anh em văn nghệ sĩ yêu nước ở nội thành đã đóng góp nhiều bài thơ tranh đấu, tạo cho phong trào văn nghệ kháng chiến nói chung và thơ nói riêng của Thừa Thiên Huế thêm phong phú.

Đời sống kháng chiến đã tạo ra và rèn luyện nhiều nhà văn, nhà thơ trưởng thành từ mảnh đất quê hương, đóng góp tích cực vào văn nghệ Việt Nam giai đoạn chống Mỹ, cứu nước.

Đối với tôi cũng chỉ là cảm tưởng và bâng khuâng nhớ lại một thời.



Nhà thơ VÕ QUÊ


P.V: Thưa nhà thơ Võ Quê, anh là người đã từng tham gia phong trào sinh viên đấu tranh cách mạng. Vậy anh có thể cho biết, văn nghệ có ý nghĩa như thế nào đối với học sinh, sinh viên?

V.Q:
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ở đô thị miền Nam, sinh viên học sinh Huế đã vận dụng nhiều hình thức đấu tranh góp phần vào thắng lợi chung của đất nước. Một trong những hình thức đó là văn học nghệ thuật. Các giảng đường đại học, các mặt đường đã trở thành những sàn diễn cuộc đời để thể hiện ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ học đường miền Nam về một ngày hòa bình, thống nhất Tổ Quốc. Phong trào hát cho đồng bào tôi nghe, các vở kịch Tiếng gọi Lam Sơn (Trần Quang Long), Giọt máu ta một biển hòa bình (Võ Quê)... Các tuyển tập thơ nhạc Tiếng hát những người đi tới, Hát cho đồng bào tôi nghe (Sài gòn), Ngày quật khởi (tuyển thơ - THSV Huế), Tiếng ca giữ nước (Nguyễn Phú Yên - THSV Huế), những bài thơ mang tính chiến đấu giữ nước của Ngô Kha, Trần Quang Long, Thái Ngọc San, Nguyễn Văn Bổn, Đam San, Trần Phá Nhạc, Lê Nhược Thủy, Lê Gành, Nguyễn Hoàng Thọ, Nguyễn Đông Nhật... Nhiều tác phẩm hội họa của Bửu Chỉ, Nguyên Hạo, Phạm Bất Khuất..đã như hợp đồng với phong trào Tiếng hát át tiếng bom của Miền Bắc XHCN trong thời kỳ đấu tranh chống Mỹ xâm lược.

Từ dòng văn nghệ này đã toát ra hào khí của một thế hệ xuống đường với tấm lòng yêu tha thiết quê hương. Văn nghệ thời kỳ sinh viên như là một phương thức hành động thể hiện lòng yêu nước mà không phải là biện pháp để cầu danh. Văn nghệ là tấm gương sáng phản chiếu sức sống mãnh liệt của giới trẻ trong mạch nguồn dân tộc.

P.V: Hiện nay anh là người làm công tác lãnh đạo, quản lý phong trào văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Anh có suy nghĩ gì khi tầng lớp sinh viên hầu như không có mặt trong đội ngũ của anh?

V.Q: Sinh viên bây giờ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong học tập, trong sáng tạo các loại hình văn học nghệ thuật. Đã có nhiều môi trường để công bố giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật trên hệ thống báo chí truyền thông. Nhiều sinh viên đã định hình tên tuổi của mình trong quá trình sáng tác và công bố tác phẩm như Phạm Nguyên Tường, Hoàng Dạ Thi, Đông Hà, Trần Thanh Hà... Thời gian qua Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế cũng đã có chú ý đến phong trào sáng tác của sinh viên, đã tổ chức giới thiệu một số phòng triển lãm mỹ thuật, CLB Văn học và tổ chức giao lưu, gặp gỡ với một số trường đại học trong và ngoài tỉnh. Bác sĩ Phạm Nguyên Tường khi còn là sinh viên Đại học Y khoa đã tham gia vào BCH Phân hội Văn học, phụ trách CLB cũng đã tổ chức thành công nhiều chương trình thơ của tuổi trẻ Huế. Tuy nhiên đến với tổ chức Hội là tinh thần tự nguyện của mỗi người và qua một quá trình sáng tác, hoạt động văn học nghệ thuật. Việc ít sinh viên là hội viên của Hội VHNT cũng từ tính chất đó. Hội luôn chờ đón, mời gọi mọi thành phần trong xã hội đến với tổ chức Hội, trong đó có sinh viên Huế.

P.V: Còn một điều nửa muốn hỏi anh: Trong trào lưu hội nhập hiện nay, văn nghệ Thừa Thiên Huế phải làm gì để vừa phát huy tính hiện đại, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương?

V.Q: Đất nước mình đã trải qua 15 năm đổi mới và đang 10 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng quê hương trong thời kỳ quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa. Việc hội nhập với trào lưu thế giới phù hợp với chủ trương mở cửa hiện nay của Đảng, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân và vặn nghệ sĩ. Nghị quyết V của Trung ương về gìn giữ và phát huy một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc đã thể hiện trọn vẹn ý nguyện của toàn dân. Để có điều kiện hội nhập với trào lưu chung, tổ chức Hội Liên hiệp, các Hội chuyên ngành cần có nhiều nỗ lực mới trên nhiều mặt. Đó là cần có một định hướng chiến lược dài lâu về sự phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà thông qua việc tham mưu với Đảng, Nhà nước vạch định các chính sách, chế độ cụ thể về các thiết chế văn hóa để sáng tạo, giới thiệu công bố tác phẩm (như tổ chức trại sáng tác, tổ chức đi thực tế, nhà triển lãm mỹ thuật, bảo tàng mỹ thuật, nguồn tài trợ cho các việc xuất bản, triễn lãm, nghiên cứu sưu tầm...).

Nhưng điều quan trọng chính yếu là ngoài sự tích cực của Hội vẫn là sự nỗ lực tự thân của mỗi văn nghệ sĩ với ý thức trách nhiệm công dân để cống hiến cho xã hội những tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị thực sự tác động đến đời sống tinh thần của xã hội.

THANH TÚ thực hiện
(141/11-00)



Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhật ký (15/12/2009)