Phóng sự
Rác đã hóa thân!
09:02 | 19/12/2011
HỮU THU - BẢO HÂN                                 Ký I. Nhờ thực hiện bộ phim: SERAPHIN- SỰ HÓA THÂN CỦA RÁC chúng tôi may mắn được đi nhiều nơi và quen biết nhiều người; trong số đó có Nguyễn Gia Long và Trần Đình Quyền - một ở Hà Nội và một ở TP. Hồ Chí Minh.
Rác đã hóa thân!
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Trung tâm điều hành của nhà máy xử lý rác Sông Công
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Dù cách xa về địa lý nhưng giữa họ lại gần gũi, gắn bó với nhau bởi suy nghĩ và việc làm.

Đích xác đó là đầu năm 2003, thời điểm khi mà nhiều người còn mù mờ về chuyện xử lý rác và rác chưa trở thành vấn đề nóng bỏng như hiện nay thì tại Hà Nội, Trần Đình Quyền và Nguyễn Gia Long đã lập ra Công ty Môi trường Xanh với mục đích là nhằm nghiên cứu công nghệ, chế tạo thiết bị xử lý rác đô thị và “chứng tích” đầu tiên của họ là chiếc ống cống được chế tác từ nguồn nhựa rác thải đem trưng bày tại Nhà Thiếu nhi Huế nhân Tuần Lễ Xanh và được Bộ Khoa học & Công nghệ trao cúp vàng.

Có chi tiết khá thú vị là trên bề mặt của chiếc ống cống ấy chi chít chữ ký của quan chức, các nhà khoa học, trong đó có chữ ký của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, lúc ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.

Để “chắc ăn” chúng tôi đề nghị tác giả của công trình xử lý rác là xin được đến tận nơi, bởi sự đời không gì tốt hơn “trăm nghe không bằng một thấy”.

Trong khu nhà kho mà Công ty Thủy Lực Máy thuê của ngành đường sắt tại Đông Anh - Hà Nội, trước yêu cầu của nhóm làm phim, Nguyễn Gia Long đành phải “mua chui” vài ba xe rác để cho chạy thử. Sau khi trải qua các công đoạn: tách lọc, phơi sấy, nghiền xé và đùn. Đến hôm sau, từ chiếc khuôn khổng lồ được ép bằng thủy lực, chiếc ống cống làm từ mấy xe rác chào đời đã thuyết phục chúng tôi mạnh dạn triển khai thực hiện đề tài của mình.

Cũng cần nói thêm, trước khi Nguyễn Gia Long tiến hành nghiên cứu xử lý rác vô cơ thì tại Ninh Thuận, nhà máy chế biến rác hữu cơ thành phân vi sinh đã đi vào vận hành theo công nghệ của ASC. ASC là tên viết tắt của Công ty CP An Sinh ở TP. HCM do Trần Đình Quyền làm chủ tịch HĐQT.

Công nghệ xử lý rác mới mang tên SERAPHIN trên thực tế là kết quả của sự kết hợp giữa hai công nghệ ấy.

Từ thử nghiệm này, Trần Đình Quyền và Nguyễn Gia Long cùng nuôi tham vọng: trong vài năm tới họ sẽ là những người Việt Nam đầu tiên xử lý được rác thải của Việt Nam!

Nói đến rác sinh hoạt của Việt Nam là nói đến sự hỗn độn. Dễ hiểu hơn là mọi thứ vứt đi đều được quy về một mối rồi đem đổ ở các bãi hoặc đem chôn.

Muốn xử lý được nó là điều không hề dễ, bởi ngay cả công nghệ và thiết bị nhập ngoại cũng đành bó tay.

Ở thời điểm chúng tôi làm phim, cả nước chỉ có 5 nhà máy xử lý rác (con số này hiện nay là 22). Ngoài Ninh Thuận ứng dụng công nghệ và thiết bị trong nước do ASC chế tạo, các nhà máy còn lại đều nhập của các quốc gia tiên tiến.

Cần nói ngay rằng, những nhà máy có công nghệ và thiết bị nhập ngoại trước đây cũng như hiện nay (xem thêm Báo Tuổi Trẻ số ra các ngày: 10, 11, 12 và 14/10/2011) bất lực hoặc xử lý không hiệu quả không phải là do công nghệ hay thiết bị của họ kém mà mọi sự đều xuất phát từ nguyên nhân là không phù hợp với đặc điểm của rác Việt Nam, do chưa được phân loại từ đầu nguồn.

Ngay tại Hà Nội, mặc dù tổ chức JICA của Nhật Bản đã tài trợ 3 triệu USD cho 4 phường nội thành triển khai thí điểm dự án phân loại rác, song qua 3 năm thực hiện kết quả không như mong muốn. Quan sát, điều dễ nhận thấy: ở các hộ, việc bỏ rác hữu cơ vào thùng có màu xanh, bỏ rác vô cơ vào thùng màu vàng như quy định được thực hiện khá tốt, nhưng đến khi các hộ đem rác ra khỏi nhà thì lực lượng thu gom lại đổ chung vào thùng. Rác phân loại rồi cũng như không. Đó là chưa kể các thứ thải loại từ các công trình xây dựng, rác của quán cóc vỉa hè, hàng rong, chợ, bến xe, nhà ga... được thải ra bừa bãi, vô tội vạ, không tài nào phân loại nổi. Cuối cùng, chúng được gom chung thành đống, đến nỗi Hà Nội báo động: sắp hết đất để chôn!

Vì vậy, việc Trần Đình Quyền và Nguyễn Gia Long ở thời điểm đó “xăm mình” lao vào “trận đồ bát quái” của rác, khác nào hành động thiêu thân và thậm chí có người mỉa mai cho là hoang tưởng!

Câu chuyện khởi nguồn từ cuối năm 2003, khi ASC triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác ở Thủy Phương, nơi mà 5 năm trước đó đã tiếp nhận dây chuyền xử lý rác do vùng Nord Pas De Calais của Pháp tài trợ nhưng vẫn còn “trùm chăn”.

Số phận đứa con đầu lòng của họ ở nhà máy xử lý rác Thủy Phương thật hẩm hiu. Sau hơn nửa năm đưa vào chạy thử, không ngờ dây chuyền xử lý theo công nghệ SERAPHIN bộc lộ quá nhiều nhược điểm.

Thực tế cho thấy, không phải thử
nghiệm nào khi đưa vào ứng dụng cũng mang lại thành công, bởi nhiều khi có những đòi hỏi khắt khe nhưng do nóng vội nên chưa kịp đáp ứng hoặc do công nghệ mới lần đầu tiên xuất hiện nên chưa lường hết những khó khăn phát sinh.

Sự lạc quan thái quá của “những nhà tiên phong” về rác đã làm hại chính họ.

Thay vì chờ đợi và được chia sẻ, Trần Đình Quyền lại hứng chịu một trận phong ba mà nếu bản lĩnh không vững thì khó mà chèo chống để đưa con thuyền cán đích, khi có người lấy cớ thất bại trước mắt để suy diễn và quy chụp anh là kẻ lừa đảo, cần cảnh giác, phòng ngừa!

Dưới con mắt của những người xoi mói, nhạo báng, Trần Đình Quyền chẳng khác gì anh chàng Don Quixote mà văn hào M. Cervantes đã dựng lên.

Nhưng sự thật trên đời là làm gì có chuyện tôi lại đi lừa tôi, bởi bản chất của việc đầu tư xây dựng nhà máy này được thực hiện theo hình thức kinh doanh trọn gói, tức là toàn bộ vốn liếng và công nghệ do nhà đầu tư bỏ ra chứ có ứng, vay của nhà nước đâu mà trốn chạy!

Sau hơn một năm “đánh vật” và tìm mọi phương cứu chữa, cuối cùng “căn bệnh” mà dây chuyền xử lý rác ở Thủy Phương thường gặp như gây hóc, nghẹn của hệ thống thiết bị phân loại đã được khắc phục, tạo đà để ngày 26/3/2005 nhà máy khánh thành, chính thức đưa vào hoạt động cho tới nay.

Chỉ có điều, vì không muốn gắn bó với công trình mà ông đã lao tâm khổ tứ nhưng lại mang tiếng chịu lời nên trước khi khánh thành, ASC của Trần Đình Quyền đã nhượng quyền điều hành, quản lý nhà máy xử lý rác Thủy Phương cho Tập đoàn Tâm Sinh Nghĩa.

Có thể khẳng định: Thủy Phương là nơi đầu tiên ứng dụng công nghệ và thiết bị xử lý rác do người Việt Nam tạo ra. Nó đánh dấu tham vọng của Trần Đình Quyền và Nguyễn Gia Long đã được thể hiện trên thực tế. Những tấm bằng độc quyền sáng chế do Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp cho họ là minh chứng cho lời nói đi đôi với việc làm, dù để đi tới thành công họ cam chịu nhiều thất bại, dằn vặt và khổ đau, thậm chí có người đã đánh đổi hạnh phúc riêng tư của mình.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Trung tâm điều hành của nhà máy xử lý rác Sông Công. Ảnh chụp ngày 17/9/2011

II

Trong khi Trần Đình Quyền chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thì Nguyễn Gia Long vẫn bền bỉ đeo đuổi vấn đề xử lý rác. Dù vậy, họ vẫn tương trợ nhau trên lĩnh vực môi trường.

Có một sự trùng hợp khá lý thú: năm 2011, trong khi ở TP. Hồ Chí Minh, Trần Đình Quyền đặt bút ký với đại diện của Tập đoàn Điện lực quốc gia Đức bán lượng giảm khí thải nhà kính tương đương 290.000 tấn CO2 với giá khởi điểm 11,5 EURO/ tấn, thì tại Hà Nội, Nguyễn Gia Long đặt bút ký bán toàn bộ thiết bị cho nhà máy xử lý Sông Công - hợp phần viện trợ của Chính phủ Đan Mạch giúp tỉnh Thái Nguyên cải thiện môi trường, trị giá 1 triệu USD.

Nhận tin vui từ người quen cũ, bản tính nghề nghiệp thôi thúc chúng tôi tìm hiểu và mong muốn được tận mắt chứng kiến thành quả của họ.

Trước hết là chuyện Trần Đình Quyền.

Như đã đề cập ở trên, sau khi chuyển giao nhà máy xử lý rác Thủy Phương ở Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) cho Tập đoàn Tâm Sinh Nghĩa, Trần Đình Quyền quay trở lại TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù theo đuổi một số dự án khác, nhưng do môi trường là lĩnh vực mà anh đã gắn bó nên rất khó từ bỏ.

Nhân chuyến về làm việc ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, Trần Đình Quyền có dịp ghé thăm vài cơ sở xay xát lúa.

Là vùng lúa gạo có lượng hàng hóa lớn của cả nước nên phụ phẩm thải ra sau chế biến ở đây nhiều vô kể, nhất là trấu, có nơi dồn đống cao ngất như núi, vì không biết làm gì cho xuể. Trong khi đó dọc các kênh rạch, bên các nhà máy xay lúa, trấu thải ra, lưu cữu có nơi gây tắc nghẽn dòng chảy.

Thấy nguồn phụ phẩm quá lớn đang bị bạc đãi, “máu làm rác” trong anh trỗi dậy: Anh tự hỏi “với khối lượng thải ra xấp xỉ 3,5 triệu tấn/ năm, tại sao mình lại không biến trấu thành nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, tác nhân chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu?”

Hỏi, tức là tự tìm câu trả lời.

Qua giới thiệu của các nhà khoa học am tường lĩnh vực mà anh quan tâm, cuối cùng Trần Đình Quyền đã gặp TS Nguyễn Thanh Quang, tác giả của hệ thống lò hơi tầng sôi dùng nhiên liệu xấu Bio-mass vừa rời Đà Nẵng vào TP. Hồ Chí Minh tìm đối tác.

Ưu thế vượt trội của công nghệ lò hơi tầng sôi nếu đem ứng dụng không chỉ góp phần giảm được chi phí sản xuất mà còn góp phần giảm thiểu đáng kể lượng khí độc hại thải ra môi trường.

Ý hợp tâm đầu, họ vin vào nhau để biến công trình nghiên cứu của nhà khoa học sớm được triển khai ứng dụng trong thực tế.

Thật vậy, để sản xuất 1 tấn hơi bão hòa, nếu dùng trấu, mùn cưa thay thế dầu FO để đốt thì chi phí dành cho nhiên liệu sẽ giảm rất nhiều.

Tương tự như vậy, nếu đốt 1 tấn dầu FO, môi trường sẽ nhận 3,6 tấn khí CO2 và đốt 1 tấn than đá, lượng CO2 tuy có giảm nhưng quan trắc cho thấy bầu khí quyển vẫn còn nhận 2,4 tấn khí độc hại. Trong khi đó nếu dùng nhiên liệu trung tính với carbon như mùn cưa hoặc trấu để đốt, trên thực tế lượng khí CO2 thải ra môi trường chỉ còn 0,7 kg, giảm rất nhiều so với các loại nhiên liệu hóa thạch.

Chỉ làm một phép tính giản đơn, ai cũng biết nếu dùng nhiên liệu xấu Bio-mass thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, nhà sản xuất sẽ lợi được cả đôi đường, đó là chi phí sản xuất giảm và môi trường sẽ được cải thiện.

Thực tiễn cho thấy, một công nghệ dù hoàn hảo đến đâu mà không được đưa vào ứng dụng có hiệu quả thì công nghệ ấy sẽ trở nên vô dụng.

Nhưng bằng cách nào để đưa công nghệ ấy đến với nhà sản xuất là bài toán không dễ, mặc dù ai cũng biết đổi mới công nghệ, thay đổi thiết bị cho phù hợp với yêu cầu hướng đến nền sản xuất sạch đang là xu thế và trở thành nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp, nhưng ngoài kinh phí đầu tư cao và thời gian thu hồi vốn chậm, các nhà sản xuất còn có lý do để e dè và quan ngại.

TS Nguyễn Xuân Hải, Tổng giám đốc Công ty bia Sài Gòn - Bình Dương bộc bạch: Khi đưa ra HĐQT bàn bạc mọi người dễ dàng thống nhất: sử dụng công nghệ mới này thì cái lợi đã rõ, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại, e dè. Họ lập luận: nếu khi vận hành, hệ thống hơi gặp trở ngại thì sao? Chúng ta cần cân nhắc lựa chọn, bởi nếu dùng công nghệ lò hơi mới 1 tháng chúng ta tiết kiệm được gần 2 tỷ tiền chi cho nhiên liệu nhưng nếu gặp trục trặc, trở ngại sản xuất thì số tiền tiết kiệm 1 tháng chỉ bằng lợi nhuận 1 ngày do bia tạo ra.

Kể đến đây TS Hải dừng lại. Ông cho biết thêm: Chúng tôi cân nhắc lợi - hại là vì thế?

Hiểu được khúc mắc đó Trần Đình Quyền đã mạo hiểm đưa ra phương thức hợp tác mới.

Theo đó, Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành đảm nhận đầu tư toàn bộ từ nhà xưởng đến lắp đặt thiết bị, cung cấp nhiên liệu cũng như vận hành hệ thống lò hơi và chỉ bán lại cho phía sử dụng chỉ với giá giảm gần một nửa so với chi phí dùng dầu FO để sản xuất 1 tấn hơi bão hòa.

Kèm theo đó, Tín Thành còn mạo hiểm khi cam kết sẽ đền bù toàn bộ thiệt hại nếu hơi cung cấp không đủ hoặc khi vận hành gặp trục trặc nhưng không thông báo trước.

Chỉ sau 15 phút trình bày, Trần Đình Quyền không ngờ lãnh đạo của Tổng công Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn, tên giao dịch là Sài Gòn Sabeco gật đầu chấp thuận.

Ngày 14/7/2009 được xem là cột mốc đầu tiên ghi dấu hệ thống lò hơi công nghiệp Tín Thành xâm nhập thị trường nội địa khi họ xuất hiện tại Nhà máy bia Sài Gòn - Tây Đô đặt ở Cần Thơ, mở đầu cho giai đoạn các nhà máy bia thành viên của Sài Gòn Sabeco ở Bình Dương, Phú Yên, Quy Nhơn, Nghệ An, Phủ Lý, Củ Chi lần lượt ứng dụng công nghệ này.

Hiệu quả từ Sabeco, không chỉ thôi thúc nhiều nhà máy ở miền Đông và miền Tây ứng dụng công nghệ mới của Công ty Tín Thành mà trên thực tế đã lan tỏa ra các miền, theo quy luật của tiếng lành đồn xa.

Chỉ tính từ năm 2010-2011, Công ty Tín Thành đã ký hợp đồng nhận cung ứng hơi cho trên 40 doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhu cầu sản xuất của các ngành hàng: chế biến thực phẩm, mía đường, nhuộm vải, cao su, sản xuất giấy…

Các lò hơi sử dụng dầu FO trước đây nay đã chuyển sang chế độ stanby dự phòng, thậm chí có nơi đã ngưng hoạt động. Vấn nạn về khói thải gây ô nhiễm môi trường dẫn đến khiếu kiện theo đó được dở bỏ, giúp các doanh nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh.

Sau khi mở rộng đưa tổng công suất của các nhà máy lên 230 triệu lít/ năm, Công ty bia Huế mỗi năm phải chi đến 85 tỷ đồng để mua 5,4 triệu kg dầu FO để sản xuất 80.000 tấn hơi bão hòa phục vụ cho các dây chuyền sản xuất, trở thành doanh nghiệp có lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế và từng bị Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường xử phạt hàng trăm triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường. Ngoài vấn đề khí thải thì tiết kiệm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm trong bối cảnh giá vật tư nhiên liệu đều tăng đã trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu của nhà điều hành, quản lý.

Xuất hiện trong bối cảnh ấy, giải pháp mà Tín Thành đề xuất đã được Công ty bia Huế chấp thuận.

Đó là mấu chốt để hệ thống lò hơi tầng sôi dùng nhiên liệu xấu Bio-mas của Tín Thành lần lượt xuất hiện ở Nhà máy Bia Phú Bài và Phú Thượng.

Ông Nguyễn Mậu Chi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bia Huế cho biết: “Riêng trong năm 2011, nhờ sử dụng nguồn hơi của Tín Thành, Bia Huế tiết kiệm được trên 30 tỷ. Nắm được thông tin này, Tập đoàn Carberg đề nghị Tín Thành hợp tác để công nghệ này sớm triển khai ở khu vực Đông Dương và một số nước ở khu vực Đông Nam Á - những nơi mà Tập đoàn này có nhà máy hoạt động”.

Trong khi tiếp tục triển khai các dự án phục vụ cho công nghiệp, Trần Đình Quyền vẫn không quên hướng về đồng bằng sông Cửu Long, nơi mỗi năm sản xuất trên 22 triệu tấn lúa, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo.

Qua tìm hiểu, Trần Đình Quyền biết sau mỗi vụ mùa, lúa ở đồng bằng sông Cửu Long còn bị thất thoát, hao hụt khá lớn, nhất là vào vụ hè thu, khi thu hoạch trùng với mùa mưa ở đây.

Được sự ủng hộ của An Giang, Trần Đình Quyền quyết định đầu tư ở xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn một nhà máy sấy lúa có công xuất 500 tấn/ ngày mà nguồn nhiên liệu dùng để đốt chính là lượng trấu thải ra của các nhà máy xay lúa, góp phần cùng giúp bà con nông dân nâng cao chuỗi giá trị của hạt gạo và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Trong một lần tiếp chuyện với chúng tôi, GS.TS-AHLĐ Võ Tòng Xuân đã nói: ông đánh giá cao việc làm của Tín Thành, vì nó không chỉ giúp cải thiện môi trường mà còn góp phần nâng cao chuỗi giá trị của hạt gạo xuất khẩu. Đây là việc làm thiết thực nhằm cụ thể hóa chính sách tam nông của Đảng, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững của Chính phủ.

Xin mượn lời của TS Philipp Weiss - Giám đốc Carbon khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhận xét sau khi đăt bút ký mua tín chỉ Carbon của Tín Thành: “Đối với các nước phát triển thì lĩnh vực khí phát thải đóng vai trò rất quan trọng. Thế giới hiện đại sống lệ thuộc lẫn nhau mà Nghị định thư Kyoto và bước nâng cấp Copehaghen là một ví dụ. Mức khống chế khí phác thải trên phạm vi toàn cầu khiến chúng tôi tìm đến những giải pháp công nghệ được LHQ công nhận về hiệu mức phát thải.

Công nghệ của Tín Thành là một điển hình trong việc ứng dụng công nghệ sạch giảm thiểu phát thải CO2 ra tầng khí quyển. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào dự án hợp tác giữa Tập đoàn Điện lực Đức và Tín Thành bởi họ có công nghệ và hệ thống ứng dụng đã được kiểm chứng. 290.000 tấn phát thải CO2 chúng tôi mua tín chỉ của Tín Thành là cơ sở hợp tác lâu dài giữa họ với Tập đoàn Điện lực Đức”.

“Kinh doanh tín chỉ Carbon là lĩnh vực mới mẻ không chỉ đối với Tín Thành mà còn là của cả cộng đồng thế giới, bởi thị trường này mới hình thành từ năm 2005, kể từ khi hơn 180 quốc gia, trong đó có Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư Kyoto cũng như Hiệp định khung của LHQ về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo đó Hiệp định khung quy định từ năm 2006-2012, Cộng đồng châu Âu và 37 nước công nghiệp bắt buộc phải cắt giảm với mức trung bình 5% của mức phát thải năm 1990 nhằm góp phần giảm bớt lượng khí thải CO2, tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng lên.

Trong bối cảnh chưa thể giảm, căn cứ vào Điều 12 của Nghị định thư Kyoto, các nước công nghiệp được phép mua lại chứng chỉ giảm thải từ các quốc gia đang phát triển, nơi có mức phát thải thấp hoặc chưa đến ngưỡng nhằm đóng góp chỉ tiêu giảm phát thải của quốc gia đó thông qua hạn ngạch carbon, mở đường giúp các nước công nghiệp giảm bớt gánh nặng về tài chính do phải đầu tư từ 30 - 40 USD cho công nghệ mới cắt giảm được 1 tấn CO2, trong khi nếu mua ở những quốc gia đang phát triển thì chi phí thấp hơn nhiều. Chính sự chênh lệnh về giá cả đã hình thành nên thị trường mà trong quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam chưa từng xuất hiện.

Đó là nguyên do để TS Philippe Weiss và cộng sự tìm đến Việt Nam khảo sát và ký kết mua tín chỉ Carbon của Tín Thành.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại xưởng sản xuất viên nhiên liệu từ rác. Ảnh chụp ngày 4/6/2011

III

Rút kinh nghiệm từ nhà máy xử lý rác Thủy Phương, Nguyễn Gia Long và cộng sự lặng lẽ đeo đuổi công việc của mình, đó là tiếp tục hoàn thiện công nghệ và cải tiến thiết bị, đồng thời xúc tiến đầu tư xây dựng một số nhà máy xử lý rác ở các tỉnh phía Bắc.

Sau khi các nhà máy ở Nghệ An, Sơn Tây, Hà Nam… vận hành, có thực tế buồn làm cho Nguyễn Gia Long buộc phải tự phản biện:- Các nhà máy do anh đầu tư, trên thực tế đã đạt mục đích và hiệu quả như mong muốn hay chưa?

Có thể tóm tắt công nghệ xử lý ở các nhà máy này như sau:

Rác sau khi được đưa vào băng tải đều trải qua quá trình tách lọc, tức phân loại. Rác hữu cơ được băm, xé và đem ủ với men vi sinh để làm phân bón; rác vô cơ như: nylon, sắt được thu hồi đem bán cho các cơ sở tái chế; số còn lại như xà bần, giẻ rách, lốp xe… vì không tận dụng được đành đem chôn hoặc đốt, nhiều lúc khối lượng chiếm đến 2/3.

Do đặc điểm của rác Việt Nam chiếm 2/3 là nước nên chi phí xử lý rất cao, trong khi tính bình quân sau tách lọc chỉ thu hồi được 20% khối lượng mùn hữu cơ để làm phân bón. Chất lượng mùn không ổn định lại lẫn nhiều tạp chất là nguyên nhân chính làm cho giá bán không tương xứng và thị trường tiêu thụ bị bó hẹp dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.

Đối diện với thực trạng này, Nguyễn Gia Long và cộng sự đành chuyển hướng nghiên cứu theo xu thế là: tận thu, tái tạo, tái sử dụng và hạn chế chôn lấp.

Bằng thực tế trải nghiệm của mình, họ đã sáng tạo ra công nghệ mới mang tên MBT-CD.08 mà dòng sản phẩm chính của nó là biến rác thành nhiên liệu tái tạo và vật liệu xây dựng.

Mô hình này trên thực tế đã được đưa vào ứng dụng tại thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên vào quý II/2011.

“MBT-CD.08 là từ viết tắt của Mechanical Biological Treatment Compact Dimmension. Còn 08, tức là năm 2008, thời điểm đánh dấu thời điểm nghiên cứu thành công và được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận” - Nguyễn Gia Long giải thích.

Cuối tháng 9 vừa qua nhân dịp lên Thái Nguyên, tôi đã về Sông Công xem nhà máy này vận hành. Đúng MBT-CD.08 đơn giản và hiệu quả hơn nhiều so với những nhà máy xử lý rác, chủ yếu để chế biến làm phân compost.

Do đã định hướng rõ ràng nên các vật cháy được như chất trơ và hữu cơ được tách để làm viên nhiên liệu; các loại không cháy được như gạch, đá, thủy tinh sau khi tách, nghiền được đem trộn với vôi hoặc xi-măng để ép thành gạch không nung. Nhờ vậy mà rác sau khi đưa về đây đều được xử lý gọn, không còn phải đem chôn lấp như những nơi khác.

Các dây chuyền ở nhà máy xử lý rác Sông Công phần lớn được vận hành bằng thiết bị tự động hóa và việc kiểm soát, điều hành đều tập trung tại trung tâm thông qua hệ thống monitor theo dõi nên có rất ít nhân công tiếp xúc với rác.

Điều đáng mừng: sau khi công nghệ MBT-CD.08 chào đời, Chính phủ Đan Mạch đã đặt mua trang bị cho hai tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đó là Thái Nguyên và Hòa Bình.

 Đây là mốc son của ngành xử lý rác Việt Nam, vì lần đầu tiên chúng ta có công nghệ để “xuất khẩu” tại chỗ.

Nếu nhà máy Sông Công chỉ có công suất 50 tấn/ ngày, thì nhà máy Lương Sơn công suất được nâng lên 150 tấn/ ngày.

“Việc mở rộng công xuất đối với chúng tôi là thuận tiện, vì tất cả dây chuyền thiết bị đã được modul hóa”. Nguyễn Gia Long giải thích như vậy.

Thành công của bạn chính là ước vọng của mình.

Vào một chiều thu của Hà Nội, bên Hồ Gươm chúng tôi cụng ly.

Trừ Văn Cầm Hải đang ở Mỹ để làm luận án tiến sĩ, nhóm làm phim cũ và mới chúng tôi và hai người quen cũ đều có mặt.

Nguyễn Gia Long:

- Chuyện cũ cho qua. Buồn, vui - lẽ của vô thường mà. “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại; ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”, phải không?

Tự dưng, chúng tôi cùng vỗ tay và hát vang bài “Dậy mà đi!”

Nhân câu chuyện vui, Trần Đình Quyền nhanh nhảu: “Tôi đã cam kết là nhận bao tiêu toàn bộ viên nhiên liệu do phía anh Long tổ chức sản xuất”.

Sẽ không quá khi nói rằng: Rác là tài nguyên của quốc gia, nếu đem chôn lấp là một sự lãng phí lớn.

Trải qua mười năm lận đận, dù cách làm có khác nhau nhưng Trần Đình Quyền và Nguyễn Gia Long cho thấy: dù không phải là những nhà khoa học nhưng họ là những nhà đầu tư biết huy động kiến thức của nhân loại để chung tay, góp sức nghiên cứu, mạnh dạn triển khai ứng dụng các dự án thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là trên lĩnh vực cải thiện môi trường.

Những việc làm ấy thật đáng tôn vinh và trân trọng.

Huế, cuối năm 2011
H.T& B.H
(SH274/12-11)

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 “Sau khi chính thức được đưa vào hoạt động, Nhà máy xử lý rác Sông Công nhận được sự quan của các Bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, sau khi tham quan nhà máy, các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân cùng các bộ ngành Trung ương đã đánh giá cao dây chuyền công nghệ của Công ty Thủy lực Máy Hà Nội vì nó không chỉ phù hợp với đặc điểm của rác Việt Nam mà còn phù hợp với nhiều quốc gia đang phát triển hiện chưa hình thành tập quán phân loại rác từ nguồn như các quốc gia phát triển.

Hai vị phó thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, đặc biệt là Bộ khoa học & Công nghệ đưa công nghệ MBT-CD.08 vào chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia của Chính phủ, đồng thời giúp Công ty Thủy Lực Máy Hà Nội nghiên cứu chuẩn hóa mô hình này để nhân rộng trên phạm vi cả nước và tham gia xuất khẩu, theo xu hướng tái chế nhiên liệu tận thu của thế giới, bởi chủ trương của Chính phủ là khuyến khích việc tái tạo, tận thu, tái sử dụng và hạn chế tối đa việc chôn lấp rác như hiện nay. Theo đó, từ nay đến năm 2020, theo chương trình xử lý chất thải rắn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh phải được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng. Đến năm 2020 các chỉ tiêu này lần lượt là 90% và 85%./.”.









Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhật ký (15/12/2009)