Bút ký - Tản văn
Biến tấu New York
09:15 | 22/10/2008
BẮC ĐẢOBắc Đảo sinh 1949, nhà văn Mỹ gốc Trung Quốc. Ông đã đi du lịch và giảng dạy khắp thế giới. Ông đã được nhận nhiều giải thưởng văn học và là Viện sĩ danh dự của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Mỹ. Đoản văn “Những biến tấu New York” của nhà văn dưới đây được viết một cách dí dỏm, với những nhận xét thú vị, giọng điệu thì hài hước châm biếm và những hình ảnh được sáng tạo một cách độc đáo. Nhưng trên hết là một cái nhìn lạ hoá với nhiều phát hiện của tác giả khi viết về một đô thị và tính cách con người ở đó. Nó có thể là một gợi ý về một lối viết đoản văn kiểu tuỳ bút, bút ký làm tăng thêm hương vị lạ, mới, cho chúng ta.

Tôi chuyển đến New York (NY) là do một đám cháy lớn. Tất nhiên, đám cháy chỉ là cách nói hình ảnh để nói về một trạng thái khác thường của sự việc mà trong trường hợp của tôi đó là một cuộc cách mạng. Ngày thứ hai ở NY, tôi thức dậy lúc bốn giờ sáng. Nhìn qua cửa sổ phòng ở tầng mười chín, NY dường như bị cháy, các tòa nhà cao tầng ngập trong lửa, hàng nghìn hàng nghìn tấm thủy tinh lấp lóa màu đỏ máu, những con chim đen lao lên bầu trời - cảnh tượng hệt như ngày tận thế. Khi cảnh đó dứt, đồng hồ báo thức của tôi vẫn chạy theo giờ California ; một ngày mới bắt đầu ở NY. Đêm đó, mặt trăng NY làm tôi giật mình. Một vầng trăng sáng to nhô lên giữa hai tòa nhà cao, nhưng dù nhìn cách gì tôi vẫn thấy trăng không thật tròn. Nếu bạn yêu cầu trẻ em NY vẽ trăng thì hầu hết trăng trên các bức vẽ của chúng đều không tròn mà bị so le, méo mó, bị cắt xén bởi kính và bê tông.

Năm 1626, một giám thị người Hà Lan đã mua lại Manhattan - hòn đảo đá dài ba mươi dặm và rộng hai dặm rưỡi - từ những người Anh Điêng bằng những đồ vật rẻ tiền giá khoảng hai mươi tư đô la. Vào thế kỷ mười chín, do bê tông cốt sắt được sử dụng rộng rãi, mọi người lên cơn sốt làm nhà cao vọt lên trời, cho đến một ngày người NY phát hiện ra rằng họ giống như chim làm tổ giữa rừng bê tông.
Người NY
không có khả năng hình dung đường chân trời, lọt lòng ra họ đã không có khái niệm này. Nếu ở California tư duy của tôi là theo trục hoành thì ở đây chắc chắn nó theo trục tung. Khi thang máy mang tôi từ tầng trệt lên tầng mười chín, ý nghĩ của tôi theo quán tính chuyển động lên cao, tiếp tục vươn lên vòm xanh bầu trời. So với dân số của nó thì ít người NY theo tôn giáo. Sau một lúc suy nghĩ, tôi rút ra kết luận là điều này có liên quan đến các thang máy. Khi bạn suốt ngày cứ lên trời rồi xuống đất thì hầu như không thể có bất kỳ cảm giác nào về sự thần bí của thiên đường và địa ngục. Trong chừng mực nào đó, thang máy đã trở thành nguyên động lực của tư duy của người NY. Nếu mất điện, họ sẽ bị lơ lửng lưng chừng trời, và có thể bị phát điên.

Ngày thứ hai ở NY, tôi lang thang phố xá, ghi chép về mọi người. Ngoài hướng trục tung, tư duy của họ chắc chắn còn mang đặc điểm tuyến tính. Thí dụ họ không bao giờ mơ hồ khi hò hẹn:

23rd Street
Seventh Avenue , hay giữa Wall Street và Broadway. Về sau tôi bắt đầu hiểu rằng họ chỉ là những quân cờ trên bàn cờ. Đường đi nước bước của họ đã cố định và bàn tay nhấc họ lên và di chuyển họ là tiền bạc, số phận, và logic tuyến tính. Nhưng thế không có nghĩa là người NY chỉ có khả năng tới lui theo đường thẳng băng: đối lập với địa lý và sơ đồ phố xá là những mê cung của trái tim họ và những xoắn khúc của lòng ruột họ. Chính những vòng xoắn vòng quay của quyền lực và những vòng vèo uốn khúc của thị trường chứng khoán tạo nên những vòng cuộn trong tâm hồn người NY.

Cuối cùng chúng tôi chuyển đến ngôi làng phía Tây. E và gia đình sống trong một khu nhà ngang rất đặc trưng của NY, có sân và lối vào riêng. Những cầu thang cọt kẹt nối ba tầng nhà với tầng hầm, mảnh sân sau hẹp có khóm trúc nhỏ đung đưa. Được xây từ năm 1929, đây là khu nhà cũ nhất phố. Nó vốn được chia thành bốn mươi căn phòng nhỏ như chuồng chim bồ câu để cho thuê, nhưng qua mấy thế hệ người đến ở nay nó đã hoàn toàn lỗi mốt. Vợ chồng E mua lại nó từ mười năm trước và đã cải tạo lại nó theo sở thích của mình. Việc làm đầu tiên của E khi thức dậy mỗi sáng là đổ đầy thức ăn cho chim vào cái máng nhựa rồi đem treo nó vào cái móc trên cây nơi lũ chim bồ câu và chim sẻ đang tranh giành nhau đến ăn. Sau đó anh uống cà phê và đọc tờ NewYorrk Times - đọc say sưa đến sét có đánh cũng chẳng bứt anh ra được. Tiếp đến là một giọng nữ cao từ nhà bên cất lên họa cùng giọng chíu chíp của lũ sẻ. Giọng bà ta cao vút lên như một cái thang bắc lên trời.

Khi vị giám thị Hà Lan mua Đảo Manhattan , đây chỉ là một dải đất rừng chim bay thú gầm. Sau khi người Anh chiếm được nó, một đô đốc của hạm đội Anh đã mua ba trăm mẫu đất để trồng thuốc lá và đến định cư bên sông Hudson . Trước khi mất, ông ta đặt tên cho trang viên của mình là “ Greenwich ”. Năm 1822, trong khi trốn chạy một bệnh dịch, mọi người đã đổ xô đến đây tìm khí hậu mát mẻ, trong lành, và thế là cái xóm nhỏ hẻo lánh dần trở thành một chốn phồn hoa sầm uất. Cuối thế kỷ mười chín, giới nhà giàu ưa theo kịp thời thượng lại chuyển đến một khu phố mới dựng, và thế là Greenwich nằm bên đường bị quên lãng và tàn lụi. Sau đó, các nghệ sĩ và những người nổi loạn đến ở đây, lối sống phóng túng và những tư tưởng phi chính thống của họ làm kinh ngạc những người Italia và Ailen theo đạo di cư đến đây.

Vào một ngày năm 1916, một nhóm thanh niên sau khi uống rượu suốt đêm ở quán bar đã trèo lên đỉnh cổng vòm cung của Quảng trường Washington vừa bắn súng vừa la hét tuyên bố thành lập nước cộng hòa độc lập - New Bohemia. Họ chỉ chịu leo xuống khi ông thị trưởng chấp thuận yêu cầu của họ. Làng Greenwich, hay “xứ Bohemia Nhỏ”, từ đó nổi danh toàn quốc.
Một chiều, E xong việc trên tầng chót nhà xuống. Tôi hỏi anh viết lách thế nào. Anh kể tôi nghe một câu chuyện về Flaubert. Một hôm vào bữa ăn trưa, Flaubert nghỉ việc vào ăn, một vị khách cũng hỏi ông câu như vậy. Ông đáp ông chỉ viết được một dấu phẩy. Đến bữa tối, vị khách lại hỏi, và Flaubert đáp là ông đã qua được cái dấu phẩy rồi.

Hiện nay, người NY là những người rất cô độc - cứ nhìn vào mắt họ là thấy. Nói chung, trừ những người tâm thần ra, không ai nhìn thẳng vào mắt người khác, và ở một nơi mật độ dân số dày đặc như thế này, điều đó có nghĩa là không bị quấy rầy. Chẳng hạn đi xe điện ngầm, để tránh cái nhìn của ai đó, bạn phải đọc báo, nhắm mắt lại nghỉ ngơi, hoặc đơn giản là ngó lơ lên trời như người mộng du vậy. Kỹ năng này phải tập hàng năm trời mới thành thục được. Tất nhiên, nếu có một cặp phụ nữ xinh đẹp hiện ra, cánh đàn ông sẽ đứng cả dậy và cái nhìn lờ đờ của họ sẽ sáng lên như ánh đèn trong sương mù.
Họ không bao giờ nhìn chòng chọc như chuột đồng, mà lén nhìn bằng khóe mắt, trông qua thì mắt chẳng động đậy hay là rất khó thấy chuyển động, dường như muốn nói “Gì vậy? Để tôi yên”.
Giới “quý tộc độc thân” ở NY đặc biệt nhiều. Lý do rất đơn giản: sống độc thân là cách tốt nhất giữ gìn sự cô độc - không vợ không con, chẳng bị ai quấy rầy. Trừ những khi tụ tập bạn bè hay gia đình, còn thì cánh độc thân nói chung thường ăn một mình ở nhà bằng cách gọi điện đến nhà hàng Tàu trong vùng gọi mang thức ăn đến - thịt lợn kho chua ngọt ăn với xúp nóng - hay với phó-mát khô, hoặc gặm mẩu bánh mì mua đã mấy ngày. Vừa ăn họ vừa nhìn vào bốn bức tường giống như con ruồi bị mắc mạng nhện hoảng hốt nhìn quanh; đôi khi họ lầm rầm trò chuyện một mình. Cho nên không có gì ngạc nhiên là phần lớn dân NY đều dùng thuốc chống suy nhược. Nếu hai người cô độc hợp lại với nhau thì chắc chắn có thêm sự phiền toái. Một lần tôi bay từ NY đến Paris . Khi vừa lên máy bay tôi đã thấy ra sự khó xử của mình, vì tôi ngồi giữa một cặp vợ chồng bay từ NY đi. Người phụ nữ ngồi cạnh lối đi, người đàn ông ngồi kề cửa sổ. Tôi lập tức đề nghị đổi chỗ, nhưng họ từ chối. Thoạt đầu tôi nghĩ là tình cảm vợ chồng của họ có trục trặc, và tôi là cái mộc che giữa hai người, nhưng hóa ra không phải thế. Ngược lại, đó là một cặp vợ chồng già rất âu yếm nhau, họ luôn miệng gọi nhau là “anh yêu”, “em yêu”, là “cục cưng”, tới mức tôi nghe mà sởn cả gai ốc. Họ chăm chút nhau, chồng thì lấy dép và sách cho vợ, vợ thì giấu chai rượu vang miễn phí cho chồng để đến Paris uống. Tôi thấy ngạc nhiên hơn nữa là dù bị tôi ngồi chắn giữa nhưng cặp vợ chồng này vẫn thoải mái nói đủ thứ chuyện - từ thời tiết NY đến khách sạn Paris, từ những cuộc xô xát giữa những người bà con của họ đến việc đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tôi nén thở, ngả người ra lưng ghế để cho họ có chỗ chuyện trò. Thật cực bất đắc dĩ mới phải ngồi nghe họ nói chuyện thế này, nhưng xâm phạm quyền riêng tư của họ thì không được. Một lần nữa tôi lại đề nghị đổi chỗ nhưng cả hai vẫn dứt khoát phản đối. Mãi sau tôi mới hiểu là họ đã chọn đặt chỗ từ trước để có người làm chứng cho sự cô đơn của họ.

Cô đơn không phù hợp với im lặng. Nó có âm thanh riêng, mà ở NY thì âm thanh này là vô giới hạn. Trước hết là xe cảnh sát, xe cấp cứu, xe cứu hỏa luôn rú còi vang trời để khiến mọi người phải chú ý. Rồi đến lũ chó bị xích giữ suốt ngày, hiếm khi được thả ra phố. Cho nên khi nhìn thấy một con chó lạ là chúng thả sức sủa ầm ĩ. Cũng như đối với nhiều người NY khi muốn bày tỏ điều gì thì họ chỉ có cách là hét to lên. Mồm há to, và vì luôn bị ngắt quãng bởi còi cảnh sát, nên họ buộc phải nuốt mất lời.
         NGÂN XUYÊN dịch
              (từ tiếng Anh World Literature Today,
                   May-August 2005)
(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bến mẹ (15/10/2008)
Rời (02/10/2008)
Ký ức xanh (02/10/2008)